2018-05-17 11:32:59
Số lượt xem 2172
Ngày 25 tháng 12 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 2088/QĐ-TTg, công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bắc Ninh. Đây là sự ghi nhận của Nhà nước về quá trình phát triển và là dấu mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố là đô thị thông minh.
Sức mạnh từ nguồn cội
Thị xã Bắc Ninh từ xa xưa (nay là thành phố Bắc Ninh) vốn là nơi cư dân quần tụ hai bên đường huyết mạch Hà nội-Lạng Sơn, từ ngã tư Cổng ô đến phòng tuyến sông Cầu, nơi đây gần một nghìn năm trước, dân tộc ta đã lập nên chiến công hiển hách, đè bẹp ý chí xâm lược của quan, quân nhà Tống, khẳng định chủ quyền “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” ! Truyền thống yêu nước nồng nàn của miền quê trầm tích nhiều tầng văn hóa đã hun đúc ý chí quật cường của người dân Kinh Bắc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng hành cùng dòng chảy lịch sử Bắc Ninh-Kinh Bắc, thị xã Bắc Ninh luôn có vị thế là đô thị tỉnh lỵ. Từ thời Lê trở về trước, trấn lỵ của Kinh Bắc đóng ở Đáp Cầu. Năm 1804 Gia Long chuyển trấn lỵ về địa điểm tiếp giáp của 3 xã Đỗ Xá (thuộc huyện Võ Giàng), Khúc Toại (thuộc huyện yên Phong), Hoà Đình (thuộc huyện Tiên Du), địa điểm này được đặt làm tỉnh lỵ đến năm 1963. Đầu thời Lê (1428-1788), 8 xã Đỗ Xá, Niềm Xá, Y Na, Yên Mẫn, Đại Vũ (Đại Tráng), Thanh Sơn, Thị Cầu, Đáp Cầu thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng (sau này đều thuộc thị xã Bắc Ninh), lỵ sở đóng tại xã Đỗ Xá (1). Thời Pháp thuộc, thị xã Bắc Ninh được tổ chức thành một cứ điểm trọng yếu về quân sự và là một trung tâm chính trị, kinh tế vùng. Năm 1938, thị xã Bắc Ninh được xếp là thành phố thứ 5 của xứ Bắc Kỳ. (sau các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và thị xã Hải Dương).
Tại Nghị định số 730-PCH ngày 28 tháng 5 năm 1946 và Nghị định sửa đổi ngày 26 tháng 7 năm 1946 của Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ, chính thức thành lập thị xã Bắc Ninh. Ba mươi tư năm hợp nhất tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Bắc Giang, thị xã Bắc Ninh không là tỉnh lỵ nhưng vẫn là đô thị, trung tâm kinh tế-văn hóa của vùng bắc phần Bắc Ninh. Ngày 25 tháng 01 năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định về việc thành lập thành phố Bắc Ninh, tám năm sau công nhận là đô thị loại II. Ngày 25 tháng 12 năm 2017, được công nhận là đô thị loại I, trực thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, cương vực địa lý của Thành phố được mở rộng, dân số tăng lên nhanh chóng. Với 16 phường và 3 xã, diện tích tự nhiên 82,6 km2, dân số 50, 2 vạn người (tính đến tháng 5-2017), là đơn vị hành chính có số dân đông nhất so với các huyện, thị xã trong tỉnh, đã tạo ra thế và lực mới cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Thành phố Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao vị thế, thúc đẩy sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng như việc đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững; đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành kinh tế công nghiệp và dịch vụ.
Cảng Đáp Cầu xưa
Từ sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, thị xã Bắc Ninh trải dài từ Cổng Ô lên đến Thị Cầu, Đáp Cầu nhưng trung tâm thị xã bấy giờ là khu vực chợ Nhớn và các phố Nhà Chung, Tiền An, Ninh Xá (từ ngã tư Cổng Ô đến trường Bẩy Mẫu và trụ sở Báo Bắc Ninh cũ). Vết thương nặng nề do chiến tranh để lại chưa kịp hàn gắn nhưng thị xã nhỏ hẹp và yên bình, nét duyên thanh lịch, trầm lắng trong từng nếp nhà nhấp nhô mái ngói, trên từng khóe mắt, nụ cười mỗi người dân xứ Bắc ngời lên niềm hân hoan, phấn khởi, lòng tôn kính, mến yêu, tin tưởng vào Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Ngày ấy ô tô, xe máy đều là của hiếm, dân thị xã chủ yếu dùng xe đạp để đi lại hoặc ngồi xích lô. Cả thị xã chỉ có một loa truyền thanh tại khu vực cột cờ. Tối thứ bảy, người ngồi chật trên vỉa hè, trước cổng Nhà thờ, có khi tràn cả xuống đường để nghe sân khấu truyền thanh qua làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam.
Ba mươi tư năm hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh-Bắc Giang, thị xã Bắc Ninh vẫn lặng lẽ, e ấp, khiêm nhường, như người thôn nữ xinh đẹp luôn ý thức được “phận mình’ ! Từ mùa xuân 1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, thị xã Bắc Ninh được trả lại danh phận là thị xã tỉnh lỵ, cũng là thời điểm đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng và sự kiện tái lập tỉnh Bắc Ninh như luồng gió nồng ấm lay động trái tim, khơi dậy truyền thống, lòng tự tôn trong các “liền anh, liền chị” miền Quan họ, vươn vai, đứng dậy đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc, tiếp tục dồn trí và lực, vững tin bước vào thời kỳ mới, tạo ra những bước chuyển động như huyền thoại, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
Từ một đô thị nhỏ nhoi, không có một ngôi nhà cao quá ba tầng, đường xá gồ ghề, lầy lội, có thời không điện, không nước máy, hai tiêu chí tối thiểu của một đô thị…Sau khi trở lại vị thế thị xã tỉnh lỵ, rồi được công là thành phố, nay được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I, một thành phố trẻ lớn lên nhanh chóng cả về cương vực địa lý và dân số. Thành phố đổi thay từng ngày, nếu đi xa vài năm, thậm chí vài ba tháng, trở lại đã khó nhận ra những phố sá cũ, những lối đi cũ.
Đổi thay căn bản nhất là từ một đô thị chủ yếu làm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ, kinh tế tự cung tự cấp đã chuyển sang là một thành phố công nghiệp. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 1997-2016 tăng bình quân 15,25%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 5.600 USD (127 triệu đồng). Năm 2017 tỷ trọng kinh tế khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 98,7%, nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn 1,3%. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động đã chuyển nhanh từ lao động nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, xây dựng dịch vụ. Thu ngân sách thành phố năm 2017 đạt 2.086 tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, chiếm gần 10% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Thành phố Bắc Ninh trở thành một đô thị sầm uất, không gian đô thị được mở rộng. Trên địa bàn đã hình thành 3 khu công nghiệp tập trung và 5 cụm công nghiệp làng nghề, thu hút gần 2.000 doanh nghiệp và hàng trăm cơ sở, hợp tác xã sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Nhiều tập đoàn lớn đã và đang đầu tư tại Bắc Ninh như Vincom, APEC, Mường Thanh, Vigracera; Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị phát triển mạnh như: Him Lam Plaza, Dabaco Mart, Media Mart,… Hệ thống khách sạn, nhà hàng cao cấp được xây dựng ngày càng nhiều như: Le indochina, Phượng Hoàng, Hoàng Gia, Đông Đô, World Hotel và chuỗi cửa hàng ẩm thực của các tập đoàn, thương hiệu lớn trên thế giới như: Lotteria, King BBQ, Jollibee... đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách.
Nhiều dự án khu đô thị với quy mô lớn được đầu tư và đưa vào sử dụng như: Vũ Ninh - Kinh Bắc, Hòa Long - Kinh Bắc, Hồ Ngọc Lân III; Khu đô thị mới đường Lê Thái Tổ (khu HUD); Khu đô thị mới Bắc đường Kinh Dương Vương (phường Vũ Ninh); Khu đô thị mới Nam Võ Cường (phường Võ Cường)...
Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa hình thành từ lâu đời như Thành cổ Bắc Ninh, một trong bốn tòa thành đẹp nhất Bắc Kỳ, Văn Miếu Bắc Ninh lưu giữ 12 tấm bia đá “Kim bảng lưu phương”, ghi danh 677 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc… trên địa bàn Thành phố đã hình thành những cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế bề thế vào hàng nhất nhì trong nước như Trung tâm văn hóa Kinh Bắc, Trường THPT chuyên Bắc Ninh, Bệnh viện đa khoa, Thư viện, Bảo tàng tỉnh… Đường Lý Thái Tổ nối từ đường Kinh Dương vương đến đầu đường Lê Thái Tổ, rộng 53 mét, có dải phân cách trồng hoa, cây cảnh. Dọc hai bên đường là trụ sở các cơ quan tỉnh, cụm công trình văn hóa-thể thao và những tòa nhà hàng chục tầng lồng lộng vươn cao giữa trời xanh, mây trắng lững lờ trôi, đó là các trung tâm thương mại, dịch vụ, ngân hàng, khách sạn, nhà hàng cao cấp, siêu thị, cơ sở tập luyện thể thao, vui chơi, giải trí…Điểm đáng chú ý của các công trình này là được thiết kề kiến trúc theo không gian mở, tạo sự gần gũi giữa cơ quan công quyền đối với người dân. Đây là con đường đẹp nhất, trở thành phố đi bộ trong tương lai gần.
Dân thành phố giầu lên nhanh chóng. Đất nước đổi mới hơn ba thập kỷ, nhưng Bắc Ninh thực sự đổi thay, thực sự giầu lên từ những năm đầu của thế kỷ 21. Đất lành chim đậu, nhiều khu đô thị mới mọc lên, là không gian sống hấp dẫn thu hút cư dân từ Hà Nội, Bắc Giang và một số tỉnh lân cận về sinh cơ, lập nghiệp, một bộ phận cư dân thành phố dần dần chuyển từ nhà ống sang nhà vườn, biệt thự, kiến trúc tân kỳ.. Nhiều người giầu lên bằng trí tuệ và sự mặn chát của mồ hôi, vật lộn trên thương trường, sản xuất và cung ứng cho xã hội những sản phẩm phục vụ dân sinh và xuất khẩu; có người giầu lên, trở thành những “đại gia” nổi tiếng vùng Kinh Bắc ! Tất cả như minh chứng cho sức sống mãnh liệt, sức vươn lên mạnh mẽ của một thành phố trẻ năng động và phát triển.
Thành phố thông minh vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc
Hơn 20 năm trở lại vị thế đô thị tỉnh lỵ, thành phố Bắc Ninh đã có bước tiến dài. Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, thành phố Bắc Ninh đứng trước thời cơ và vận hội mới, hướng tới xây dựng thành phố thông minh vì lợi ích và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Xây dựng Thành phố thông minh là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình hiện đại hóa và hình thành các yếu tố hướng đến nền kinh tế trí thức. Công nghệ thông tin trở thành động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Trong cuộc trả lời báo chí gần đây, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bắc Ninh cho biết: “Bắc Ninh đang hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, đó là một đô thị hiện đại với đầy đủ các tính năng và tiện nghi phục vụ cho nhu cầu lao động, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Do đó, việc phát triển công nghệ thông tin phải đi trước, tạo nền móng vững vàng để đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế-xã hội. Mục tiêu trọng tâm là xây dựng “Chính quyền điện tử” hiệu quả trong quản lý, điều hành; phát triển giáo dục thông minh, y tế thông minh, môi trường thông minh… góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh thành nơi đáng sống với nền kinh tế tri thức phát triển bền vững và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai không xa”.
Thực hiện Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, văn hiến, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới kinh tế tri thức và đô thị thông minh..." (3) Thành phố đã triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính công, nội dung cốt lõi của xây dựng chính quyền điện tử. Với trang thiết bị hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, phần mềm dịch vụ công cấp độ 3, 4; màn hình cảm ứng tra cứu thủ tục hành chính; hệ thống lấy số chờ phục vụ, wifi…đáp ứng phục vụ được khoảng 100 lượt người trong cùng một thời điểm. Trung tâm Hành chính công đã góp phần tăng tính công khai minh bạch, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, mang lại nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân đến làm việc tại đây. Người dân không phải mất nhiều thời gian và công sức trong việc tìm hiểu thủ tục hành chính. Trong cùng thời điểm, cá nhân, tổ chức (nhất là các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng) có thể thực hiện nhiều thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực khác nhau, biết được tình trạng giải quyết hồ sơ của các cơ quan nhà nước thông qua tin nhắn SMS do phần mềm tự động gửi theo trình tự được mặc định.
Thành phố đã và đang triển khai các dự án sử dụng công nghệ thông tin như: lắp đặt 54 điểm phát sóng wifi (trong đó có 20 điểm miễn phí) cung cấp các tiện ích dịch vụ trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, an ninh trật tự, điều hành hệ thống phun nước, chiếu sáng công cộng; triển khai lắp đặt camera tại các nút giao thông, kết nối với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của thành phố và các cơ quan có liên quan như Công An, Đội quản lý trật tự đô thị. Thí điểm lắp đặt camera an ninh tại những khu vực trọng điểm thuộc phường Tiền An. Trang bị màn hình 65 in tại trụ sở UBND phường, xã, tạo sự liên thông hội nghị trực tuyến giữa tinh với thành phố và đến cơ sở.
Hiện nay trên địa bàn Thành phố có gần 40 % hộ gia đình có máy tính, gần 30 % hộ gia đình có kết nối Internet, 93,9% các doanh nghiệp kết nối và sử dụng Internet với mục đích chủ yếu là tìm kiếm và trao đổi thông tin, xây dựng website giới thiệu doanh nghiệp, quảng bá sản phẩm. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có máy tính và kết nối Internet sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến trên mạng do tỉnh và thành phố cung cấp. Đồng thời tác động tích cực đến việc phát triển công dân điện tử. Để đáp ưng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân, thành phố đã triển khai lắp đặt hệ thống Wifi miễn phi trên địa bàn, tạo điều kiện để người dân tiếp cận với mạng xã hội, dễ dàng khai thác thông tin đồng thời là kênh thông tin quan trọng phản ảnh sự hài lòng của người dân, tiếp thu những góp ý của nhân dân và doanh nghiệp.
Chuẩn bị hành trang cho tiến trình xây dựng đô thị thông minh, thành phố luôn quan tâm chăm lo tạo nguồn nhân lực, có kiến thức về công nghệ thông tin; đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng trẻ hóa và nâng cao chất lượng. Đảng bộ thành phố Bắc Ninh có trên 9.400 đảng viên, chiếm 17% số đảng viên toàn tỉnh là đảng bộ có tỷ lệ đảng viên trên số dân cao nhất trong tỉnh (4), được tôi luyện từ trong khói lửa của các cuộc chiến tranh vệ quốc và trong xây dựng, phát triển, nhiều đảng viên đã từng kinh qua công tác lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và thành phố, cán bộ chỉ huy trong lực lượng vũ trang. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý của thành phố và phường, xã hiện nay trong độ tuổi dưới 40 được đào tạo bài bản, có kiến thức, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao, năng nổ, có nhiều khát vọng, hoài bão, đã và đang tạo ra những dấu ấn trên lĩnh vực được phân công, được cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư tin tưởng và kỳ vọng.
Trong năm 2018 thành phố phấn đấu thực hiện 5 quyết tâm chính trị là: 100% phòng học được kiên cố hóa, cải tạo, nâng cấp, xây mới 20 trường học; Bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” của 19 xã, phường đạt tiêu chí Liên thông - Hiện đại - Thân thiện - Hiệu quả; Trồng mới 20.000 cây xanh đô thị; 100% thôn, khu phố, (hoặc liên thôn, khu phố) được lắp đặt hệ thống thiết bị luyện tập thể dục thể thao ngoài trời; Tiếp tục đầu tư và triển khai các bước nâng cấp 3 xã lên phường.
Trong tiến trình xây dựng đô thị thông minh, thành phố Bắc Ninh cũng còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng với quyết tâm chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp; với nền tảng ban đầu về hạ tầng kinh tế-xã hội, công nghệ thông tin và nguồn lực chính trị, tinh thần…diện mạo một thành phố thông minh, chính quyền điện tử, công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử sẽ hiện hữu trên thành phố miền Quan họ trong tương lai gần./.
Hồng Minh
-----------------
1-Theo Địa lý hành chính Kinh Bắc của Nguyên Văn Huyên. Hội khoa học lịch sử và Sở Văn hóa Thông tin Bắc Giang xuất bản, 1997
2-Giá so sánh 1994.
3-Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 10/9/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
4-Đảng bộ Thành phố Bắc Ninh có 9.429 đảng viên trên tổng số đảng viên toàn tỉnh là 55 nghìn đảng viên).
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 55 | |
Tất cả | 3014188 |