2017-12-07 14:23:39
Số lượt xem 3159
Cùng với Yên Thái (Hà Nội), Suối Cỏ (Hòa Bình), làng Dương Ổ ( phường Phong Khê, TP Bắc Ninh) là một trong những cái nôi của nghề làm giấy dó. Sự phát triển của giấy công nghiệp ngày nay đã lấn át những trang giấy dó vang bóng một thời nhưng gia đình ông Ngô Văn Hiến vẫn là một trong số ít những nhà còn đắm đuối với nghề.
Một gia đình ba đời lưu giữ nghề truyền thống
Căn nhà nhỏ của ông Ngô Văn Hiến nằm trong con ngõ sâu thuộc thôn Dương Ổ (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh). Xưa kia, nơi đây nổi tiếng với nghề làm giấy dó truyền thống, cung cấp giấy khắp miền Bắc. Không ai biết chính xác nghề thủ công giấy dó ở Dương Ổ có từ bao giờ nhưng theo cuốn gia phả cổ nhất của dòng họ Ngô còn giữ thì nghề này có vào khoảng thế kỉ XV. Tìm đến nhà ông Hiến theo lời chỉ dẫn của người dân, ấn tượng đầu tiên của tôi là khung cảnh ngổn ngang của xưởng giấy, mùi hăng hắc của bể ngâm nguyên liệu. Trong nhà có ba lao động đang làm việc, mỗi người một công đoạn. Vì làm nghề qui mô nhỏ nên chủ yếu thợ làm là người trong gia đình.
Người thợ đang tách vỏ dó.
Qua trò chuyện, ông Hiến cho biết nghề làm giấy dó của gia đình ông là từ đời ông nội để lại. Trong hồi ức của ông ngày ấy, cả làng làm giấy dó, vỏ dó phơi trắng từ ngõ ra đến bờ sông, trong làng không ngớt âm thanh của tiếng chày giã giấy. Lên 10 tuổi, ông bắt đầu phụ cha làm giấy dó. Ban đầu chỉ là công việc nhỏ nhặt như phơi giấy rồi dần dần rành rẽ từng khâu của quá trình làm giấy. Cho đến nay, ông đã gắn bó với nghề được 40 năm.
Để cho ra đời một tờ giấy dó đúng tiêu chuẩn dai, bền phải qua gần 10 công đoạn. Theo lời của ông Hiến, một tờ giấy dó trải qua đúng các quy trình có thể lưu giữ cả trăm năm. Khâu lựa chọn vỏ dó là vô cùng quan trọng bởi độ dai của của giấy phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng vỏ, vỏ phải dai, ít bị xước và bột nhiều. Vỏ dó chuyển về được người thợ tách hết lớp vỏ đen bên ngoài, sau đó chặt ra từng khúc nhỏ ngâm trong nước vôi trong. Khi đã đủ độ ngấm, vỏ dó được đem nấu độ một ngày một đêm rồi đem giã nhuyễn thành bột. Công đoạn tiếp theo là seo giấy hay còn gọi là tráng giấy. Seo giấy đòi hỏi bàn tay khéo léo của người thợ, dùng liềm seo múc nước bột giấy rồi gác lên “đòn cách” bằng tre trên mắt tàu seo cho nước rỏ xuống hết, chỉ còn bột giấy đọng lại trên liềm. Nước khô dần, bột giấy se lại, trang giấy hiện ra trên liềm seo. Đặc biệt, trong quá trình làm giấy dó tuyệt nhiên không sử dụng hóa chất mà chỉ dùng nhựa cây gỗ mò tạo độ kết dính cho bột giấy cũng như độ dai cho giấy.
Con gái ông Hiến đang thực hiện công đoạn tách giấy dó.
Gia đình ông Hiến làm đa dạng các mẫu giấy nhưng đa phần là giấy khổ 30 x 40 cm và 60 x 80 cm. Khách hàng của ông Hiến chủ yếu là làng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, Viện Hán Nôm, trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội,… Thậm chí, giấy dó nhà ông còn được xuất sang Pháp để làm tranh cổ động. Trung bình mỗi đơn đặt hàng từ 1000 - 5000 tờ. Mỗi ngày gia đình ông lãi được khoảng 100 – 200 nghìn/ người.
Bài toán thị trường cho nghề làm giấy dó
Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, kì công nhưng thu nhập theo ông Hiến cũng chỉ đủ ăn, chưa kể đến những khó khăn trong quy trình làm giấy. Bây giờ ở các vùng núi, người dân chặt hết cây dó để lấy đất trồng keo, muốn có nguyên liệu phải đặt hàng trước. Làm giấy dó cũng trông chờ vào thời tiết. Vào mùa nồm, không thể phơi giấy, coi như bỏ không làm được nghề. Hiện nay, ở làng Dương Ổ chỉ còn 3 đến 4 nhà vẫn duy trì nghề truyền thống, còn lại đa số chuyển sang làm giấy tái sinh. Khi được hỏi về việc chuyển hướng làm nghề ông Hiến lắc đầu: “Nghề làm giấy dó như máu chảy trong người, mình cũng vì yêu nghề mà làm thôi”. Canh cánh nghề cổ cha ông, dù đi được quá nửa đời người, ông vẫn quyết tâm “bám” nghề.
Những người dân thôn Dương Ổ còn làm nghề giấy dó như ông Hiến hầu hết đều cho rằng nghề giấy dó khó có đầu ra, mức thu nhập cũng không cao nhưng thực trên thực tế, thị trường tiêu thụ giấy dó không phải là không có. Giống như loại giấy washi truyền thống của Nhật Bản, những tờ giấy dó Việt Nam mộc mạc, mỏng manh nhưng mang hồn dân tộc, chứa đựng những giá trị lịch sử từ ngàn xưa. Mặt khác, tính dai, độ bền, hút ẩm tốt của giấy dó tạo cho loại giấy này sự độc đáo, khác biệt. Giấy dó vấp phải bài toán thị trường là do chưa được quảng bá rộng rãi đến công chúng, đặc biệt là những người trẻ, từ đó khơi dậy nguồn cảm hứng cho họ, góp phần đưa loại giấy truyền thống của Việt Nam trở lại với đời sống. Hiện nay, tổ chức bảo tồn và duy trì nghề làm giấy dó lớn nhất phải kể đến là “Zó Project” (6/2013) được thành lập bởi chị Trần Hồng Nhung (Hà Nội). Với mong muốn khôi phục nghề làm giấy dó, mở rộng thị trường trong nước cũng như quốc tế, chị đã tìm về các làng nghề giấy dó, trong đó có làng Dương Ổ (phường Phong Khê, TP Bắc Ninh), thuyết phục các nghệ nhân phục hồi giấy dó. Tính đến nay, dự án “Zó Project” đã cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo làm từ giấy dó (đèn lồng, sổ, bưu thiếp, thư pháp,…) thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia trong đó có nhiều bạn trẻ đến từ các nước Úc, Pháp, Nga,… Đây là tín hiệu tốt với những người luôn đau đáu với nghề làm giấy dó.
Hi vọng các chính sách bảo tồn nghề làm giấy dó sẽ được nhân rộng góp phần vực dậy nghề truyền thống này.
Nguồn: baobacninh.com.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 210 | |
Tất cả | 3265617 |