2022-06-24 13:43:49 Số lượt xem 751
Cuộc đời Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi, bị địch sát hại khi mới 29 tuổi, nhưng đồng chí đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng chói sáng của một Tổng Bí thư trẻ tuổi, chí lớn, tài cao, tận trung với nước, tận hiếu với dân. 
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ. Ảnh tư liệu
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình nhà Nho nghèo yêu nước ở xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc, đại thi hào, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.
Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất "địa linh nhân kiệt", mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của xứ Kinh Bắc, ngay từ nhỏ Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất thông minh, bản lĩnh kiên cường bất khuất, lòng yêu nước thiết tha, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn.
Sinh ra trong một gia tộc có truyền thống khoa bảng, được cắp sách tới trường, nhưng Nguyễn Văn Cừ phải vừa học vừa kiếm sống. Năm 1927, sau khi học xong Trường Kiêm bị Bắc Ninh, được một người bà con đỡ đầu, Nguyễn Văn Cừ thi vào Trường Bưởi với kết quả xuất sắc và được nhà trường cấp học bổng. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ đã tiếp cận những sách báo tiến bộ, giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trở thành một hội viên tích cực. Do hoạt động chống đối, đả kích giám thị nhà trường, Nguyễn Văn Cừ đã bị mật thám bắt giam 5 ngày và bị nhà trường đuổi học.
Về quê, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục chắp nối liên lạc với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xây dựng cơ sở cách mạng ở địa phương. Chính tại quê hương, Nguyễn Văn Cừ đã gặp đồng chí Ngô Gia Tự, một chiến sĩ cộng sản mà anh rất mực kính trọng. Ngô Gia Tự đã trực tiếp giảng dạy, hướng dẫn cho Nguyễn Văn Cừ nghiên cứu tác phẩm Đường Cách mạng và nhiều tác phẩm quan trọng khác của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, giúp anh hiểu sâu hơn những luận điểm cách mạng của Người.
Mùa Thu năm 1928, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt lần thứ hai, gán cho tội hoạt động chính trị, giam giữ 12 ngày, tra tấn hết sức dã man. Nhưng ngay sau khi được thả, anh lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Thực hiện quyết định của Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Ninh, Nguyễn Văn Cừ đã tham gia phong trào "vô sản hóa" ở vùng mỏ Hòn Gai, hòa mình vào quần chúng để thâm nhập thực tiễn, xây dựng tổ chức hội và giác ngộ công nhân.
Những hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã dẫn đến sự hình thành các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Ngày 17-6-1929, Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng được triệu tập, quyết định tuyển lựa những người tiên tiến nhất, tích cực nhất của Thanh niên để kết nạp vào Đảng. Nguyễn Văn Cừ được công nhận là đảng viên cộng sản và được phân công làm phái viên của Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, chịu trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng, kiểm tra toàn bộ hoạt động của các chi bộ tại trung tâm công nghiệp mỏ. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở vùng mỏ dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Cừ lần lượt được chuyển thành chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Nguyễn Văn Cừ được cử làm Bí thư Đặc khu ủy mỏ, trực tiếp phụ trách tổ chức đảng và phong trào công nhân ở vùng mỏ.
Ngày 15-2-1931, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt lần thứ ba và bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án chung thân, đày đi Côn Đảo. Cùng với các chiến sĩ cộng sản trung kiên, Nguyễn Văn Cừ đã "biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng", tự trang bị cho mình lý luận Mác - Lênin, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất và trí tuệ. Sau gần sáu năm bị cầm tù, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta, ngày 29-9-1936, cùng với nhiều chính trị phạm khác, Nguyễn Văn Cừ được ân xá, nhưng mãi đến tháng 11-1936 mới được thực dân Pháp trả tự do và buộc phải về quê sống và chịu sự quản thúc của chính quyền địa phương. Bất chấp lệnh quản thúc của chính quyền thực dân, về quê được vài ngày đồng chí lại ra Hà Nội tiếp tục hoạt động gây dựng lại tổ chức đảng và phong trào quần chúng.
Đầu năm 1938, Nguyễn Văn Cừ được Trung ương triệu tập vào Sài Gòn dự Hội nghị Trung ương và được Hội nghị bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã lặn lội vào Nam ra Bắc, vượt qua sự truy lùng gắt gao của địch, luôn có mặt ở những nơi sóng gió, chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, sai lầm trong Đảng. Với tinh thần tự phê bình và phê bình nghiêm khắc, đồng chí đã đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện cơ hội "tả" khuynh và hữu khuynh trong Đảng, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng. Tác phẩm Tự chỉ trích do đồng chí biên soạn là một tài liệu giáo dục chính trị - tư tưởng quan trọng cho cán bộ, đảng viên, đấu tranh trực diện với tư tưởng giáo điều “tả” khuynh và hữu khuynh, cải lương, thỏa hiệp, đả phá căn bệnh ích kỷ, hẹp hòi trong Đảng, là một đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận của Đảng ta. Cùng với thời gian, những nội dung trong tác phẩm này vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự; đặc biệt trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đó là lời nhắn nhủ: "Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, là “công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ"… (1)
Trước sự chuyển biến nhanh chóng của tình hình trong nước và thế giới do tác động của Chiến tranh thế giới thứ hai, tháng 11-1939, Nguyễn Văn Cừ triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ sáu của Đảng, quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, mở ra một bước ngoặt quan trọng về chỉ đạo chiến lược của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam trở về với quỹ đạo phát triển theo tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.
Giữa lúc cách mạng đang ở bước ngoặt lịch sử, đầy cam go, thử thách, Đảng cần những cán bộ tài trí, kiên định để đưa phong trào vượt qua ghềnh thác, thì đồng chí lại bị địch bắt tại Sài Gòn. Không lay chuyển được ý chí cách mạng của người cộng sản Nguyễn Văn Cừ, thực dân Pháp đã kết án tử hình đồng chí với tội danh "chủ trương bạo động" chống lại chính quyền thuộc địa, "chịu trách nhiệm tinh thần" về cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Ngày 26-8-1941, cùng với một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã bị thực dân Pháp xử bắn tại Hóc Môn - Gia Định.
Nguyễn Văn Cừ là một người cộng sản kiên trung, mẫu mực, nhà chính trị có bản lĩnh, luôn kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn, nhà chỉ đạo chiến lược và sách lược tài tình, một tấm gương sáng về tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật và sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí là Tổng Bí thư trẻ nhất của Đảng "chưa hề xuất dương", trưởng thành từ thực tiễn phong trào cách mạng trong nước. Cuộc đời Nguyễn Văn Cừ tuy ngắn ngủi, bị địch sát hại khi mới 29 tuổi, nhưng đồng chí đã để lại cho chúng ta một sự nghiệp cách mạng chói sáng của một Tổng Bí thư trẻ tuổi, chí lớn, tài cao, tận trung với nước, tận hiếu với dân.
 
Nguồn: tuyengiao.vn
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online19
Tất cả2538265