2019-10-22 15:28:09
Số lượt xem 13183
ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH
THÀNH ỦY BẮC NINH
*
Số: 581 -QĐ/TU
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Thành phố Bắc Ninh, ngày 11 tháng 10 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
Ban hành quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Luật tố cáo năm 2013;
- Căn cứ Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng;
Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng;
- Căn cứ Quyết định số 1097-QĐ/TW, ngày 07/7/2014 của Tỉnh ủy Bắc Ninh ban hành Quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý;
- Căn cứ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2015- 2020;
- Căn cứ Quy định số 05-QĐi/TU, ngày 14/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy ban hành quy định về phân cấp quản lý cán bộ;
- Xét đề nghị của Ủy ban kiểm tra Thành ủy,
BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”.
Điều 2. Quyết định này thay thế Quyết định số 06-QĐ/TU, ngày 24/8/2015 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành Quy định giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề nảy sinh, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Điều 3. Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Thành ủy có trách nhiệm thực hiện quyết định này.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy (B/c);
- UBKT Tỉnh uỷ (B/c);
- Như Điều 2 (T/h);
- Lưu VP.
|
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
đã ký
Vũ Chí Kiên
|
QUY ĐỊNH
Giải quyết tố cáo đối với đảng viên
là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý
(Kèm theo Quyết định số 581.-QĐ/TU, ngày 11./10./2019 của Ban Thường vụ Thành ủy.)
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này xác định chủ thể, đối tượng, nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định của Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ hoặc cụm từ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tố cáo trong Đảng là việc đảng viên, công dân báo cho tổ chức Đảng hoặc cán bộ, đảng viên có trách nhiệm biết về hành vi của tổ chức Đảng hoặc đảng viên mà người tố cáo cho là vi phạm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức hoặc cá nhân.
2. Đơn tố cáo là văn bản do đảng viên, công dân viết và ký tên hay điểm chỉ hoặc văn bản, băng, đĩa ghi âm, ghi hình được ghi lại khi đảng viên, công dân trực tiếp phản ánh với tổ chức Đảng, đảng viên có trách nhiệm về hành vi của tổ chức Đảng hoặc đảng viên mà người tố cáo cho là vi phạm, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm tố cáo; nội dung tố cáo, họ, tên, địa chỉ, chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
3. Các trường hợp không phải là tố cáo: Khi cơ quan, tổ chức cung cấp các thông tin, báo cáo cho tổ chức Đảng, đảng viên có trách nhiệm về hành vi được cho là vi phạm của tổ chức Đảng hoặc đảng viên; khi đảng viên báo cáo tổ chức Đảng những thông tin, dư luận nhưng chưa được kiểm chứng; khi đảng viên, cấp ủy viên phát biểu trong hội nghị cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy, tổ chức Đảng, Chi bộ phản ánh những thông tin có liên quan đến khuyết điểm, sai phạm của đảng viên, nhưng không yêu cầu tổ chức Đảng, đảng viên có trách nhiệm ghi âm, ghi hình hoặc ghi lại thành văn bản, có chữ ký xác nhận hoặc điểm chỉ của người phát biểu.
4. Giải quyết tố cáo trong Đảng là việc tổ chức Đảng có thẩm quyền tiến hành xem xét, giải quyết theo đúng quy định của Đảng về nguyên tắc, phương pháp, quy trình, thủ tục, thẩm quyền để có cơ sở kết luận, làm rõ đúng, sai, có hay không có khuyết điểm, vi phạm đối với tổ chức Đảng hoặc đảng viên bị tố cáo.
5. Không để người có liên quan đến tố cáo giải quyết tố cáo là việc không để người có quan hệ với người tố cáo hoặc với đảng viên bị tố cáo (người thân trong gia đình, người có quan hệ về nghiệp vụ như chủ tài khoản và kế toán, là người bị tố cáo hoặc cùng là đối tượng bị tố cáo trong một vụ việc, nội dung hoặc vấn đề tố cáo…) giải quyết tố cáo nhằm đảm bảo tính khách quan khi giải quyết.
Điều 3. Chủ thể giải quyết tố cáo và đối tượng bị tố cáo
1. Chủ thể giải quyết tố cáo
a. Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy.
b. UBKT Thành ủy; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Thành ủy (gọi chung là các Ban Đảng), Đảng ủy Công an Thành phố, Đảng ủy Quân sự Thành phố được Ban Thường vụ Thành ủy giao giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết hoặc chủ trì giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
2. Đối tượng bị tố cáo phải giải quyết
Đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
Điều 4. Nguyên tắc giải quyết tố cáo
1.Việc giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện ban Thường vụ Thành ủy quản lý phải đúng nguyên tắc, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm, kịp thời, chính xác, khách quan, theo quy định của Đảng; bảo đảm an toàn, bí mật cho người tố cáo (trừ trường hợp người tố cáo tự công khai danh tính của mình); bảo vệ uy tín, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của đảng viên bị tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo.
2. Ủy ban kiểm tra Thành ủy và các tổ chức Đảng được Ban Thường vụ Thành ủy giao giải quyết hoặc chủ trì giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và điều lệ của các đoàn thể chính trị- xã hội.
3. Tổ chức Đảng nhận được tố cáo phải phân loại, chuyển đơn tố cáo hoặc trích nội dung tố cáo có liên quan để chuyển các cơ quan có thẩm quyền xem xét; giải quyết các trường hợp thuộc phạm vi, trách nhiệm hoặc phối hợp với các tổ chức Đảng có thẩm quyền để giải quyết. Chậm nhất 180 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo (gửi, phản ánh trực tiếp, hoặc theo dấu bưu điện) phải kết luận và xử lý đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định này.
Những tố cáo không có cơ sở, điều kiện để giải quyết thì phải thông báo cho người tố cáo biết lý do để chấm dứt việc tiếp tục tố cáo. Trường hợp hết thời hạn mà chưa giải quyết xong thì được gia hạn, nhưng không quá 30 ngày làm việc, đồng thời phải thông báo cho người tố cáo biết. Sau khi giải quyết xong phải thông báo cho người tố cáo biết kết quả giải quyết tố cáo bằng hình thức thích hợp.
Tổ chức Đảng và đảng viên nhận được tố cáo phải hướng dẫn người tố cáo thực hiện đúng quy định của Đảng và Nhà nước; trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản.
Không để người tố cáo hoặc người có liên quan đến tố cáo giải quyết tố cáo. Có biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp để giữ bí mật thông tin và bảo vệ người tố cáo.
4. Đơn tố cáo phải giải quyết: là đơn được xác định có tên của đảng viên, công dân gửi tổ chức Đảng có trách nhiệm giải quyết chứa đựng, phản ánh cụ thể họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý mà người tố cáo cho rằng có dấu hiệu vi phạm.
5. Đơn tố cáo không giải quyết: là đơn tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ và đơn tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền (do Điều lệ Đảng và Luật tố cáo quy định) xem xét, kết luận, nay tố cáo lại nhưng không có thêm tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất vụ việc; đơn tố cáo có tên nhưng nội dung không cụ thể, không có căn cứ để thẩm tra, xác minh; đơn tố cáo có tên, nhưng nội dung của đơn không chứa đựng, phản ánh nội dung tố cáo đối với đảng viên, tổ chức Đảng; đơn tố cáo không phải bản do người tố cáo trực tiếp ký tên; đơn tố cáo có từ hai người trở lên cùng ký tên; đơn tố cáo của người không có năng lực hành vi dân sự.
6. Cơ quan, tổ chức nào được giao trực tiếp giải quyết hoặc chủ trì giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết tố cáo thì cơ quan, tổ chức đó kết luận, phối hợp với UBKT Thành ủy đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy (đồng gửi cho UBKT Thành ủy) và có trách nhiệm trả lời người tố cáo theo quy định.
Đoàn giải quyết tố cáo do Ban Thường vụ Thành ủy thành lập có trách nhiệm phối hợp với UBKT Thành ủy và các tổ chức có liên quan báo cáo để Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, kết luận và xử lý (nếu có).
Cơ quan, tổ chức, đoàn giải quyết tố cáo nêu tại khoản 6 Điều này chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo và đề xuất của mình.
Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm
1. Gây khó khăn, phiền hà đối với việc thực hiện quyền tố cáo của công dân.
2. Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, nơi công tác, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác có thể làm lộ danh tính của người tố cáo.
3. Thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết tố cáo; làm sai lệch hồ sở vụ việc trong quá trình giải quyết tố cáo.
4. Không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, sách nhiễu, gây phiền hà cho đảng viên bị tố cáo.
5. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo.
6. Cản trở, can thiệp vào việc giải quyết tố cáo; cản trở việc thực hiện quyền tố cáo; đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người tố cáo; bao che đảng viên bị tố cáo; mua chuộc, hối lộ người giải quyết tố cáo; đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo.
7. Cố ý tố cáo sai sự thật; kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; mạo danh người khác để tố cáo; lợi dụng việc tố cáo để phát tán đơn tố cáo không đúng địa chỉ tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết tố cáo.
Lợi dụng việc tố cáo để tuyên truyền chống Đảng và Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Đảng và Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xuyên tạc, vu khống, gây rối an ninh, trật tự, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
8. Đưa tin sai sự thật về việc tố cáo và giải quyết tố cáo.
9. Vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tố cáo và giải quyết tố cáo.
CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Nội dung tố cáo phải giải quyết
Những nội dung liên quan đến tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên; chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; đoàn kết nội bộ, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Điều 7. Phân công trách nhiệm giải quyết tố cáo
1. UBKT Thành ủy trực tiếp giải quyết những nội dung tố cáo liên quan đến những quy định về nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn; tiêu chuẩn cán bộ, tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Trường hợp tố cáo nhiều nội dung, liên quan đến trách nhiệm giải quyết của nhiều cơ quan, tổ chức thì UBKT Thành ủy chủ trì giải quyết. Khi giải quyết, UBKT Thành ủy phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để cử đảng viên tham gia đoàn giải quyết tố cáo.
UBKT Thành ủy tham mưu, giúp BTV Thành ủy chỉ đạo việc phối hợp giữa các cơ quan có chức năng giải quyết những nội dung tố cáo liên quan đến truy tố, xét xử, thi hành án theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; Chỉ đạo xem xét, giải quyết và kết luận những nội dung tố cáo liên quan đến quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực.
Những nội dung tố cáo mà UBKT Thành ủy chưa đủ điều kiện xem xét thì đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét giải quyết theo thẩm quyền.
2. Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì giải quyết những nội dung tố cáo liên quan đến lịch sử chính trị, chính trị hiện nay.
3. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì giải quyết những nội dung tố cáo liên quan đến quan điểm, tư tưởng chính trị, báo chí, xuất bản.
4. Ban Dân vận Thành ủy chỉ đạo giải quyết và kết luận những nội dung tố cáo liên quan đến việc chấp hành Điều lệ của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội.
5. Đảng ủy Công an thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, chỉ đạo hoặc chủ trì giải quyết và kết luận những nội dung tố cáo liên quan đến việc khởi tố, điều tra theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
6. Đảng ủy Quân sự thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao chỉ đạo việc xem xét, giải quyết tố cáo có liên quan theo phân cấp quản lý cán bộ.
Điều 8. Nhận và chuyển đơn tố cáo
Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Thành ủy, các tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước, MTTQ, đoàn thể chính trị- xã hội và đảng viên khi nhận đơn tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý thì phải chuyển đến UBKT Thành ủy để tổng hợp, nghiên cứu, phân loại, đề xuất hướng xử lý và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Những nội dung tố cáo không thuộc thẩm quyền trách nhiệm trực tiếp giải quyết của mình thì trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận, UBKT Thành ủy chuyển đơn tố cáo hoặc trích nội dung tố cáo có liên quan đến cơ quan, tổ chức có trách nhiệm để kịp thời xem xét, giải quyết.
Điều 9. Phối hợp giải quyết tố cáo
1. UBKT Thành ủy chủ trì giải quyết tố cáo, trực tiếp xem xét những nội dung thuộc trách nhiệm của mình; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng và đảng viên thực hiện nhiệm vụ giải quyết tố cáo; báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, chỉ đạo giải quyết những tố cáo phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, đến trách nhiệm giải quyết tố cáo của nhiều cơ quan, tổ chức; tổng hợp kết quả giải quyết tố cáo đối với cán bộ, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy.
2. Các tổ chức Đảng quy định tại Điều 3 Quy định này trực tiếp giải quyết hoặc chủ trì giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết những nội dung tố cáo thuộc phạm vi, trách nhiệm của mình; có trách nhiệm phối hợp với UBKT Thành ủy và các tổ chức Đảng có liên quan chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết những nội dung tố cáo đảng viên thuộc cấp mình.
Trường hợp có ý kiến khác nhau thì UBKT Thành ủy báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.
3. Khi trực tiếp giải quyết hoặc chủ trì giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết và sau khi kết luận về những nội dung tố cáo thuộc trách nhiệm của mình, các tổ chức Đảng thông báo cho đảng viên bị tố cáo và người tố cáo theo quy định; đồng thời thông báo cho UBKT Thành ủy để xem xét, xử lý. UBKT Thành ủy khi xem xét, giải quyết và sau khi kết luận về những nội dung tố cáo thuộc trách nhiệm của mình thì thông báo cho đảng viên bị tố cáo và người tố cáo theo quy định; đồng thời thông báo cho tổ chức Đảng có liên quan và cho những tổ chức, cá nhân nhận được đơn tố cáo. Nếu nội dung tố cáo đã được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng thì phải yêu cầu đăng cải chính theo quy định của Luật Báo chí.
4. Trường hợp cần thiết, UBKT Thành ủy và các tổ chức Đảng có trách nhiệm báo cáo để Ban Thường vụ Thành ủy giao cho một cơ quan chủ trì, có sự phối hợp của các cơ quan có liên quan hoặc Ban Thường vụ Thành ủy quyết định lập đoàn giải quyết tố cáo.
5. Qua giải quyết, hoặc chủ trì giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, nếu thấy có vấn đề phải xem xét thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc xử lý bằng pháp luật, thì tổ chức Đảng báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy qua UBKT Thành ủy. UBKT Thành ủy có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp với tổ chức Đảng có liên quan yêu cầu tổ chức Đảng cấp dưới tổ chức kiểm điểm, báo cáo; quyết định hoặc đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy quyết định thi hành kỷ luật đối với đảng viên bị tố cáo có vi phạm theo thẩm quyền.
Điều 10. Trách nhiệm và thẩm quyền của chủ thể giải quyết tố cáo
1. Về trách nhiệm
a. Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết; chuyển đơn tố cáo hoặc trích nội dung tố cáo không thuộc trách nhiệm giải quyết cho cơ quan, đơn vị, tổ chức có trách nhiệm giải quyết theo quy định.
b. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoặc phối hợp giải quyết tố cáo đối với đảng viên theo quy định.
c. Giải thích cho đảng viên bị tố cáo hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết tố cáo về những vấn đề cần thiết theo quy định.
d. Không được để lộ họ, tên, địa chỉ, nơi công tác của người tố cáo, họ, tên, địa chỉ của người bị tố cáo, nội dung tố cáo cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết. Không để người tố cáo chủ trì giải quyết tố cáo đối với mình. Không giao cho người tố cáo hoặc người có liên quan đến tố cáo giải quyết tố cáo. Không được sao chụp các biên bản làm việc gửi cho người tố cáo và tổ chức, cá nhân không liên quan đến giải quyết tố cáo.
2. Về thẩm quyền
a. Ban hành các văn bản để giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
b. Thành lập Đoàn giải quyết tố cáo và thông báo cho đảng viên bị tố cáo và tổ chức Đảng có đảng viên bị tố cáo biết để chấp hành; nắm tình hình liên quan đến đối tượng, nội dung giải quyết tố cáo.
c. Yêu cầu đảng viên bị tố cáo, người tố cáo và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết tố cáo cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, văn bản, hiện vật, trả lời, báo cáo, trao đổi về những nội dung liên quan đến việc tố cáo và giải quyết tố cáo; yêu cầu đảng viên bị tố cáo, người tố cáo và tổ chức Đảng có đảng viên bị tố cáo phối hợp và thực hiện đúng trách nhiệm, quyền của mình trong quá trình giải quyết tố cáo.
d. Qua chỉ đạo, giải quyết tố cáo, chủ thể giải quyết tố cáo xem xét, kết luận, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận, xử lý; thông báo Kết luận giải quyết tố cáo đến đảng viên bị tố cáo để chấp hành và đề nghị với tổ chức Đảng quản lý đảng viên bị tố cáo về những vấn đề cần thiết (nếu có).
- Trường hợp kết luận đảng viên bị tố cáo không vi phạm hoặc bị vu cáo, tố cáo sai sự thật thì phải thông báo bằng văn bản cho đảng viên bị tố cáo, cơ quan quản lý đảng viên bị tố cáo biết, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của đảng viên bị tố cáo bị xâm hại do việc tố cáo không đúng sự thật gây ra; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người tố cáo có dụng ý xấu, vu cáo hoặc tố cáo sai sự thật.
- Trường hợp hành vi vi phạm của đảng viên bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan pháp luật có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.
đ. Báo cáo kết quả giải quyết tố cáo với cấp có thẩm quyền hoặc thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho tổ chức, cơ quan, cá nhân có liên quan theo quy định.
e. Chỉ đạo hoặc tổ chức tuyên truyền, phổ biến kết quả giải quyết tố cáo theo quy định.
Điều 11. Trách nhiệm và quyền của đảng viên bị tố cáo
1. Về trách nhiệm
a. Chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Đảng.
b. Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, hiện vật, văn bản có liên quan đến nội dung tố cáo đối với mình theo yêu cầu của chủ thể giải quyết tố cáo.
c. Phối hợp, cộng tác với chủ thể giải quyết tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo. Trình bày rõ, trung thực, đầy đủ, kịp thời những vấn đề bị tố cáo đối với tổ chức Đảng có thẩm quyền; tự giác nhận rõ khuyết điểm hoặc vi phạm của mình (nếu có).
d. Chấp hành nghiêm túc các yêu cầu, kết luận, quyết định của chủ thể giải quyết tố cáo hoặc của cấp có thẩm quyền; khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm, vi phạm hoặc hậu quả do mình gây ra.
đ. Không được gây khó khăn, trở ngại hoặc đối phó với chủ thể giải quyết tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo; không được truy tìm, trấn áp, trả thù, trù dập người tố cáo bằng bất cứ hình thức nào.
2. Về quyền
a. Được chủ thể giải quyết tố cáo thông báo về quyết định giải quyết tố cáo đối với mình.
b. Đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền giải quyết tố cáo giải thích rõ về việc quyết định giải quyết tố cáo; xem xét, xử lý người tố cáo mang tính vu cáo, vu khống, có dụng ý xấu đối với mình.
c. Trình bày ý kiến, báo cáo giải trình, bảo lưu ý kiến; được sử dụng bằng chứng chứng minh về các nội dung tố cáo liên quan đến mình.
d. Từ chối trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản, hiện vật không liên quan đến nội dung tố cáo đối với mình hoặc thấy chủ thể giải quyết tố cáo thực hiện không đúng nội dung, yêu cầu, trách nhiệm, thẩm quyền.
đ. Được đề nghị, phản ánh, báo cáo với tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét lại việc đánh giá, kết luận, quyết định đối với mình hoặc xem xét lại việc giải quyết tố cáo không đúng nội dung, yêu cầu, nguyên tắc, quy trình, thủ tục, trách nhiệm của chủ thể giải quyết tố cáo.
Điều 12. Trách nhiệm và quyền của tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết tố cáo
1. Về trách nhiệm
a. Thực hiện nghiêm yêu cầu của chủ thể giải quyết tố cáo thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc chức trách, nhiệm vụ của mình.
b. Cung cấp thông tin, tài liệu, văn bản, hiện vật liên quan đến những nội dung tố cáo đầy đủ, khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm về những thông tin, tài liệu, văn bản, hiện vật đó; không được từ chối hoặc đùn đẩy, né tránh cung cấp thông tin, tài liệu, thông tin, hiện vật về những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc chức trách, nhiệm vụ của mình.
c. Không tiết lộ, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật có liên quan đến vụ việc tố cáo cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.
d. Tổ chức Đảng quản lý đảng viên bị tố cáo phải bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên và quần chúng trong việc giám sát, tố cáo, phản ánh về đảng viên vi phạm; phối hợp và thực hiện đầy đủ các yêu cầu của tổ chức Đảng có thẩm quyền giải quyết tố cáo; không được bao che cho những việc làm sai trái của đảng viên bị tố cáo.
đ. Người tố cáo phải: trình bày trung thực sự việc; ghi rõ họ, tên, địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được, chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo và bằng chứng của mình; nếu phản ánh trực tiếp thì được ghi lại thành văn bản, người tố cáo phải ký tên, hoặc điểm chỉ, chịu trách nhiệm vào văn bản. Không được gửi hoặc phổ biến nội dung tố cáo, tên người bị tố cáo, nội dung làm việc với tổ chức, cá nhân giải quyết tố cáo, nội dung thông báo kết quả giải quyết tố cáo của tổ chức Đảng có thẩm quyền cho những tố chức, cá nhân không có trách nhiệm; không được lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu cáo, đả kích, gây dư luận xấu đối với người khác.
2. Về quyền
a. Được chủ thể giải quyết tố cáo thông báo trước về thời gian, nội dung, yêu cầu làm việc với chủ thể giải quyết tố cáo.
b. Trao đổi với chủ thể giải quyết tố cáo về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các yêu cầu hoặc đề nghị của chủ thể giải quyết tố cáo.
c. Từ chối trả lời hoặc cung cấp thông tin, tài liệu, hiện vật không liên quan đến vụ việc giải quyết tố cáo.
đ. Người tố cáo có các quyền sau đây: gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức Đảng có thẩm quyền theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; yêu cầu tổ chức Đảng có thẩm quyền thông báo việc thụ lý giải quyết tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết; thông báo kết quả giải quyết tố cáo; yêu cầu cơ quan, tổ chức Đảng có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập.
CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức Đảng, đảng viên, công dân có thành tích trong việc tố cáo, giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý thì được biểu dương, khen thưởng theo quy định.
2. Tổ chức Đảng, đảng viên, công dân có sai phạm trong việc tố cáo và giải quyết tố cáo phải được xem xét, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Những đảng viên, công dân vi phạm trong việc tố cáo phải được xem xét, xử lý kịp thời; những tổ chức Đảng, tổ chức, cá nhân cản trở, dìm bỏ, đùn đẩy, né tránh hoặc vi phạm các quy định về việc giải quyết tố cáo phải được xem xét, xử lý về trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 14. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định
1. Các Chi, Đảng bộ trực thuộc Thành ủy tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định này ở cấp mình.
2. Các tổ chức Đảng và đảng viên có liên quan chấp hành nghiêm chỉnh kết luận, thông báo, quyết định của UBKT Thành ủy, của cấp trên về giải quyết tố cáo và thi hành kỷ luật trong Đảng. Trường hợp có ý kiến khác thì được quyền khiếu nại, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, quyết định.
3. Ủy ban kiểm tra Thành ủy có trách nhiệm
a. Định kỳ hằng năm, chủ trì giao ban với các tổ chức Đảng chủ trì giải quyết hoặc chỉ đạo giải quyết tố cáo để thông báo tình hình, bàn biện pháp phối hợp và những vấn đề khác cần thiết cho việc giải quyết tố cáo.
b. Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này; tổ chức sơ kết, tổng két, rút kinh nghiệm; báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy tình hình giải quyết tố cáo đối với đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý.
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 25 | |
Tất cả | 3205653 |