THÀNH ỦY BẮC NINH
BAN TUYÊN GIÁO
*
Số: 16 -HD/TG
|
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
TP. Bắc Ninh, ngày 28 tháng 02 năm 2017
|
Thực hiện Hướng dẫn số 19-HD/BTGTU ngày 23/01/2017 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về “Tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017 và một số chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế”, Ban Tuyên giáo Thành ủy hướng dẫn công tác tuyên truyền như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức được bối cảnh trong nước và thế giới; nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận nhất trí cao về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập quốc tế năm 2017.
- Nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân về lộ trình, những thuận lợi, thách thức, khó khăn của hội nhập quốc tế trong bối cảnh tình hình mới năm 2017.
- Tạo sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trước những thành tựu phát triển của đất nước trong năm 2016; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; cổ vũ hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân phát huy nội lực, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2017.
- Công tác tuyên truyền cần triển khai tích cực với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo; bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, kết hợp lồng ghép với tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố theo tinh thần đổi mới, thiết thực, hiệu quả.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền Kết luận số 09-KL/TW ngày 19/10/2016; kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017.
- Làm rõ kết quả đạt được trên các mặt (kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế đạt được một số kết quả; văn hóa, xã hội có tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện; quốc phòng, an ninh được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế…); trong bối cảnh tình hình năm 2016 có những thuận lợi nhưng cũng xuất hiện những khó khăn, thách thức gay gắt.
- Khẳng định kết quả đạt được là do có vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân.
- Phân tích tình hình bối cảnh trong nước và thế giới năm 2017, những thuận lợi và khó khăn tác động trước mắt và lâu dài đến nền kinh tế nước ta.
- Mục tiêu, các chỉ tiêu chủ yếu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội (đã nêu trong Kết luận số 09-KL/TW, Nghị quyết số 23/2016/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/1/2017 của Chính phủ).
2. Tuyên truyền Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Tuyên truyền kết quả đạt được về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế (kết quả đạt được các mặt thị trường tài chính, xử lý nợ xấu, quản trị doanh nghiệp nhà nước và quản lý vỗn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp; quá trình cổ phần hóa, khu vực nông nghiệp, hội nhập quốc tế…). Phản ánh những hạn chế trên các mặt (thực hiện ba khâu đột phá chưa đạt mục tiêu đề ra, cơ cấu lại nền kinh tế triển khai chậm, thiếu đồng bộ, chưa thực sự gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chưa gắn kết tổng thể với trọng tâm; cơ cấu lại nông nghiệp chưa thực sự gắn với xây dựng nông thôn mới; cơ chế, chính sách điều phối phát triển ngành chưa đủ mạnh…) làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trong đó làm rõ nguyên nhân chủ quan là việc tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế ở các cấp, các ngành và địa phương còn thụ đồng, chậm trễ…
- Tuyên truyền bốn quan điểm, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng:
+ Đổi mới mô hình tăng trưởng là để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững toàn diện về cả kinh tế, xã hội và môi trường. Không thúc đẩy tăng trưởng bằng mọi giá, gây tác động xấu đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh, tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn môi trường sinh thái.
+ Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chú trọng và ngày càng dựa nhiều hơn vào các nhân tố thúc đẩy tăng năng suất lao động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, trí sáng tạo của con người Việt Nam và thành tựu khoa học- công nghệ của nhân loại, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế của các ngành, lĩnh vực, các địa phương và cả nước.
+ Đổi mới mô hình tăng trưởng gắn kết chặt chẽ với thực hiện ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế với trọng tâm ưu tiên là: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học- công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài.
+ Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu, có ý nghĩa quyết định đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương phải kiên trì, kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Toàn hệ thống chính trị và toàn dân, nhất là đội ngũ trí thức, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động, sáng tạo, tích cực tham gia và có đóng góp to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ này.
- Tuyên truyền một số mục tiêu cụ thể và chủ trương chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế như: nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô; ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học- công nghệ, nhất là khoa học công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm; phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế; đổi mới cách thức thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hóa; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước.
3. Tuyên truyền Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016 về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
- Tuyên truyền những kết quả đạt được khi Việt Nam hội nhập quốc tế; những hạn chế, yếu kém; bối cảnh mới của năm 2017 tác động đến quá trình hội nhập của Việt Nam.
- Tuyên truyền mục tiêu, quan điểm chỉ đạo.
+ Mục tiêu: Thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội, nhằm tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, tri thức, kinh nghiệm quản lý, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống nhân dân; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
+ Quan điểm chỉ đạo:
Kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế vì lợi ích quốc gia- dân tộc là định hướng chiến lược lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn, nhất là mối quan hệ giữa tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Hội nhập kinh tế là trọng tâm của hội nhập quốc tế; hội nhập trong các lĩnh vực khác phải tạo thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế. Hội nhập kinh tế quốc tế là sự nghiệp của toàn dân; doanh nhân, doanh nghiệp, đội ngũ trí thức là lực lượng đi đầu. Nhà nước cần tập trung khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm Việt Nam, nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế.
Bảo đảm đồng bộ giữa đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; chủ động xử lý các vấn đề nảy sinh; giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả quá trình thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là trong những lĩnh vực, vấn đề liên quan đến ổn định chính trị- xã hội.
Bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị- xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị- xã hội; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tiến trình hội nhập quốc tế. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị- xã hội, đặc biệt là công đoàn, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.
- Một số chủ trương chính sách lớn.
+ Chủ trương chính sách chung:
Xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền kinh tế có khả năng tự chủ cao, ứng phó được với những biến động kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế.
Thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, coi đây vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của hội nhập kinh tế quốc tế, là giải pháp có tính quyết định để nâng cao nội lực nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Xác định gia tăng xuất khẩu, số lượng và chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế là các tiêu chí kinh tế trực tiếp để đánh giá kết quả hội nhập quốc tế về kinh tế.
Tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị trong tình hình mới và thực thi các cam kết quốc tế. Tập trung nghiên cứu, triển khai thực hiện các giải pháp mới có hiệu quả để phát huy sức mạnh tổng hợp và sự sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển.
Trong 5- 10 năm tới, tập trung khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, xây dựng các cơ chế, chính sách phòng vệ thương mại, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp quốc tế, có chính sách phù hợp hỗ trợ các lĩnh vực có năng lực cạnh tranh thấp vươn lên; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ, trình độ pháp luật quốc tế, xây dựng hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ chủ động phù hợp.
+ Các chủ trương, chính sách cụ thể: Tăng cường công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung; hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao năng lực thực thi pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường quốc phòng, an ninh; nâng cao và phát huy hiệu quả uy tín và vị thế quốc tế; bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giải quyết tốt các vấn đề môi trường; đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức công đoàn và quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức người lao động tại doanh nghiệp.
4. Kết luận số 60-KL/TU ngày 21/12/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về “Tình hình kinh tế -xã hội, an ninh- quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, MTTQ và các đoàn thể năm 2016. Nhiệm vụ, giải pháp năm 2017”, gắn với tuyên truyền thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội sau 20 năm tái lập tỉnh và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 185 năm ngày thành lập và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh, Mừng Đảng, Mừng Xuân.
5. Tuyên truyền các kết quả kinh tế - xã hội của Thành phố năm 2016:
Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Trong bối cảnh kinh tế có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết tâm, quyết liệt của Thành ủy - HĐND - UBND thành phố, sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, xã hội. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã khắc phục khó khăn, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tập trung thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm: "Tăng cường trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị; tập trung phát triển thương mại - dịch vụ", thực hiện góp phần hoàn thành 03 quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh: Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn; hoàn thành kế hoạch xóa nhà cấp 4 dột nát cho hộ nghèo, xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ gia đình chính sách và thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
* Một số kết quả cụ thể:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,87%, vượt 0,87% so với kế hoạch. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
- Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 18.890 tỷ đồng, bằng 101,6% kế hoạch, tăng 13,1% so với năm 2015.
- Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN (theo giá so sánh năm 2010): ước đạt 65.565 tỷ đồng, đạt 104,9% kế hoạch, tăng 15,4% so với năm 2015.
- Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 2.691,4 tỷ đồng, bằng 341%dự toán giao và tăng 217% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách thành phố ước thực hiện 1.356, 4 tỷ đồng, đạt 193% dự toán giao và bằng 113% so với năm 2015.
- Chi ngân sách thành phố ước thực hiện 1.018,9 tỷ đồng, bằng 145% so dự toán giao và tăng 88.5 % so với năm 2015.
- Giải quyết việc làm cho hơn 5.215 lao động, đạt 100,28% kế hoạch năm (5.300).
- Xây dựng thêm 4 trường chuẩn Quốc gia mức 1 (MN Hòa Long, MN Võ Cường 1; THCS Hòa Long, THCS Suối Hoa) và 4 trường chuẩn Quốc gia mức 2 (MN Sao Mai, MN Ánh Dương, Tiểu học Phong Khê, MN Kinh Bắc).
- Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định. Thực hiện tốt công tác quân sự địa phương và chính sách hậu phương quân đội.
- Tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 trên địa bàn thành phố đảm bảo dân chủ, công khai, đúng luật.
- Tổ chức nhiều hoạt động đón Tết, vui Xuân Nguyên Đán Bính Thân 2016, hoạt động đền ơn đáp nghĩa Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, Chào mừng 62 năm Ngày Giải phóng thành phố (8/8/2016), Thăm tặng quà Tết Trung thu cho các cháu Thiếu nhi, đặc biệt là khai trương khu vui chơi miễn phí cho trẻ em tại Công viên Nguyễn Văn Cừ ...v.v. mang ý nghĩa thiết thực tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong cán bộ và nhân dân thành phố.
- Triển khai thực hiện Kết luận của Thường trực Thành ủy tại các buổi làm việc với 19 xã, phường đạt nhiều kết quả tích cực.
- Kỷ cương, nề nếp, hiệu quả điều hành chính quyền từ thành phố đến các xã, phường thực hiện tốt, được nhân dân đánh giá cao.
- Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể tiếp tục được tập trung chỉ đạo toàn diện, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại cần tập trung chỉ đạo khắc phục, đó là: Một số đơn vị, địa phương chưa quyết tâm, quyết liệt, chưa xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện 03 Nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa XXI); Thương mại - dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một đô thị loại II đang dần hướng tới đô thị loại I; Công tác quản lý đô thị trên địa bàn chưa đạt hiệu quả cao; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; tình hình an ninh nông thôn, an ninh đô thị, an ninh tôn giáo còn tiềm ẩn những phức tạp; việc thực hiện các kết luận, quyết định sau thanh tra, kiểm tra; kết luận của Thường trực Thành ủy ở một số xã, phường còn chậm; Việc quán triệt, triển khai Chỉ thị, Nghị quyết ở một số tổ chức Đảng cơ sở chưa được tập trung; nội dung sinh hoạt chi bộ chưa được đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả chưa cao; một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Công tác "Dân vận khéo” ở khu dân cư hoạt động chưa thật sự đồng đều.
6. Tuyên truyền nội dung các kỳ họp của Quốc hội khóa XIV và nội dung các nghị quyết, luật về lĩnh vực kinh tế- xã hội đã được quốc hội thông qua.
7. Tuyên truyền về các hoạt động đối ngoại Nhà nước và ngoại giao nhân dân, các hoạt động của Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC năm 2017, về Cộng đồng ASEAN, trách nhiệm thực hiện các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
8. Đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước. Phát hiện, cổ vũ, biểu dương nhân tố mới và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội.
9. Đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tình hình kinh tế- xã hội nước ta, xuyên tạc quan điểm, đường lối phát triển kinh tế- xã hội của Đảng, Nhà nước ta.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Tuyên giáo các Đảng bộ cơ sở:
- Tham mưu cho các cấp ủy chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế- xã hội. Đặc biệt quán triệt các quan điểm chỉ đạo trong các Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016, Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 5/11/2016, Kết luận số 09-KL/TW ngày 19/10/2016. Phát động phong trào thi đua yêu nước thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2017.
- Nắm bắt tư tưởng, tâm trạng cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp, nhân dân trên các mặt của đời sống kinh tế- xã hội; chủ động dự báo những vấn đề tư tưởng nảy sinh trước những tác động của tình hình trong nước, khu vực và quốc tế.
- Tăng cường hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tổ chức tập huấn cho cán bộ tuyên truyền về công tác tuyên truyền kinh tế- xã hội.
- Đăng tin bài định hướng trên bản tin Thành phố, trang thông tin điện tử Thành ủy; chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước biên soạn, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền ở địa phương, đơn vị.
2. Phòng văn hóa - thông tin:
- Chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường và các đơn vị chức năng tổ chức hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể thao, du lịch, triển lãm, cổ động trực quan… góp phần quảng bá du lịch, thu hút đầu tư phát triển Thành phố.
3. Các phòng, ban, ngành của Thành phố, nhất là phòng, ban thuộc lĩnh vực kinh tế- xã hội (Phòng kinh tế, phòng Tài nguyên và Môi trường, phòng Lao động- Thương binh và Xã hội, phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Y tế…): Chủ động phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy để xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; biên soạn và phát hành tài liệu tuyên truyền; định hướng dư luận xã hội và báo chí về các chương trình, dự án, sự kiện liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân; tổ chức các cuộc hội thảo, họp báo về tình hình phát triển kinh tế- xã hội của Thành phố; về phong trào xây dựng nông thôn mới, về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
4. Đài phát thanh Thành phố, bản tin Thành phố, Trang thông tin điện tử Thành ủy, cổng thông tin điện tử Thành phố:
- Nâng cao chất lượng chuyên trang, chuyên mục, diễn đàn, tin, bài phản ánh tình hình triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và khí thế thi đua lao động, sản xuất của các cấp, các ngành, các địa phương.
- Phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế- xã hội.
- Cổ vũ, động viên các phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2017.
- Chủ động trong thông tin, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, doanh nghiệp, người tiêu dùng và góp phần định hướng tư tưởng, dư luận xã hội trước các tình huống kinh tế- xã hội phức tạp, nhạy cảm.
5. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội Thành phố:
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, vận động phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong mọi lĩnh vực, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội.
- Tích cực thực hiện và giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2017 của đất nước, tỉnh, Thành phố và cơ sở.
Trên đây là hướng dẫn tuyên truyền kết quả phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2017 và một số chủ trương, chính sách quan trọng về phát triển nền kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, đề nghị các đồng chí quan tâm, thực hiện để các nội dung trên đến được tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thành phố, tạo động lực để tiếp tục xây dựng và phát triển Thành phố trong thời gian tới./.
Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (b/c).
- TT Thành ủy; HĐND; UBND TP; (b/c);
- MTTQ và các đoàn thể TP;
- Các phòng: kinh tế, Tài nguyên, Lao động, Giáo dục, Y tế; Văn hóa
- Đài phát thanh TP;
- Các chi, đảng bộ trực thuộc
- Lưu TG
|
TRƯỞNG BAN
(Đã ký)
Nguyễn Mạnh Hiếu
|
Đang online | 45 | |
Tất cả | 3181762 |