Phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh) là vùng đất có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, được nhiều người biết đến không chỉ bởi là một làng quan họ gốc, cách chơi Quan họ cũng có nét đặc trưng mà nơi đây còn lưu truyền một môn nghệ thuật đặc sắc, đó là trống Cổ Bộ, một nghi thức đánh trống trong các dịp lễ tế trang trọng của cung đình xưa, hiện đang được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tìm biện pháp để gìn giữ và phát triển.
Ở cung đình Huế, trống Cổ bộ có tới 13 bài, thường được sử dụng vào những dịp trọng đại như: đón vua ngự giá, đón sứ thần, tế Nam giao, múa trống cung đình với tên gọi riêng: Chào đón vua ngự giá, Đón sứ thần, Tế Nam giao, Vũ nữ…. các bản diễn tấu từ chậm đến nhanh, vốn được dùng cho các công đoạn đón rước, mang trà, rượu, dâng lễ vật…
Khi trống Cổ bộ trở thành nghệ thuật dân gian ở Thị Cầu, để phù hợp với những lễ nghi địa phương chỉ sử dụng và lưu truyền 6 bài là: Rung một, Rung hai (dạo đầu), Hoa rơi (các dịp tế, lễ), Đánh lăn (lễ dâng hương), Bổ ba và Bổ chín. Mỗi bài mang một âm thanh, sắc thái khác nhau, tiết tấu nổi lên đều rung động, tinh thần phấn chấn nhộn nhịp. Trong 6 bài thì Hoa rơi và Đánh lăn có động tác múa dùi, tạo âm thanh từ việc chạm hai dùi với nhau bằng các động tác tay rất đẹp mắt. Nếu tách ra khỏi phần lễ, đánh liền 6 bài sẽ thành một bài trống lớn có đầy đủ phần mở đầu (rung 1, rung 2), phần phát triển (hoa rơi, đánh lăn) và kết thúc. Trong lễ hội, trống Cổ Bộ hòa quyện với làn điệu dân ca Quan họ trữ tình và nồng thắm, làm cho không khí trong ngày hội thêm đậm đà bản sắc văn hóa.
Trống cổ bộ Thị Cầu không có nhạc lý riêng, việc truyền dạy các bài gặp khó khăn nhất định, nhưng bằng sự nhiệt huyết của nhiều người cao tuổi ở Thị Cầu nên việc truyền dạy cho thế hệ sau vẫn được quan tâm thực hiện. Sau hơn một thế kỷ tồn tại, ngày nay, trống cổ bộ vẫn được người dân Thị Cầu phát huy. Hiện nay trên địa bàn phường có nhiều người biết đánh trống cổ bộ, tập trung ở độ tuổi gần 40 đến 70. Một số dòng họ trên địa bàn cũng mua trống và thành lập đội để đánh vào những dịp giỗ họ. Hội hàng năm, các đội trống đều đánh trống để tế, rước và đón các đoàn rước của 8 khu dân cư, các dòng họ lên đình làng dâng lễ. Tiếng nạo hòa cùng tiếng trống tạo thành giai điệu nghiêm trang, hùng tráng.
Năm 1980, đội trống Cổ bộ Thị Cầu do cụ Trịnh Sự làm trưởng đội đã dành được huy chương vàng Hội diễn văn nghệ quần chúng Hà Bắc và huy chương vàng Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn quốc. Trường văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh đã sưu tầm, nghiên cứu, dàn dựng khôi phục loại hình nghệ thuật này. Diễn tấu Trống cổ bộ Thị Cầu được hai nhạc sỹ Phó Đức Phương và Trọng Tĩnh phát triển, nâng cao bằng tiết mục "Trống hội đầu xuân" đã đạt giải bạc tại liên hoan các trường văn hóa nghệ thuật toàn quốc năm 2006. Năm 2010, đội trống cổ bộ được gia tộc họ Hồ mời về Quỳnh Lưu Nghệ An tham gia lễ giỗ tổ, thật tự hào khi người họ Hồ của 63 tỉnh thành về dự đều trầm trồ trước tiếng trống và phong cách biểu diễn trống cổ bộ Thị Cầu. Nhiều đài, báo đã quan tâm đưa tin, bài về trống cổ bộ. Tháng 11 năm 2015, Ban Văn nghệ giải trí của Đài truyền hình Việt nam đã đưa trống cổ bộ vào chuyên mục Di sản văn hóa mang tên: "Âm vọng hoàng cung".
Với mong muốn trao lại các loại hình nghệ thuật đặc sắc vốn có của Thị Cầu cho các lớp thanh niên lưu truyền và phát triển, năm 2014, Đảng ủy, chính quyền địa phương đã triển khai thực hiện Đề án truyền dạy cho lớp trẻ tuổi, đồng thời đưa trống cổ bộ và dân ca quan họ vào những chương trình biểu diễn ở một số lễ hội, sự kiện văn hóa của địa phương nhằm góp phần gìn giữ, quảng bá nghệ thuật dân tộc.
Trong dịp kỷ niệm 185 năm ngày thành lập tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh, đội trống Cổ bộ Thị Cầu đã được vinh dự tham dự màn khai mạc Chương trình cuả Hội VHNT tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt nam lần thứ XV ngày 10/2/2017, ngay sau lễ dâng hương tưởng niệm đức vua Lý Thái Tổ. Tiết mục đã tạo được ấn tượng tốt đẹp với các thi huynh thi hữu và du khách thập phương về những nét văn hóa đặc sắc riêng có của vùng Kinh Bắc xưa và nay.
Đang online | 10 | |
Tất cả | 3174222 |