2017-04-18 16:13:49 Số lượt xem 4909

1. Hỏi: UBKT Đảng ủy xã sau khi triển khai quyết định, kế hoạch giải quyết đơn tố cáo đối với đ/c X; đ/c X là người bị tố cáo, đã không viết báo cáo giải trình, không hợp tác làm việc. UBKT Đảng ủy xã đã nhiều lần mời và trực tiếp gặp nhưng đồng chí X cố tình không viết báo cáo giải trình, không hợp tác và bỏ đi làm ăn xa.

Vậy, trường hợp này xử lý như thế nào?

Trả lời:

Tiết 5.1.1, Điểm 5.1, Khoản 5, Điều 32 Quy định số 30- QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:

“-Tổ chức đảng và đảng viên bị tố cáo phải trình bày rõ, trung thực, đầy đủ, kịp thời những vấn đề bị tố cáo với tổ chức đảng có thẩm quyền, cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan cho chủ thể giải quyết tố cáo; tự giác nhận rõ sai lầm, khuyết điểm và có quyền sử dụng bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo không đúng; không được đối phó, gây khó khăn, trở ngại cho chủ thể giải quyết tố cáo, truy tìm, trấn áp, trù dập, trả thù người phê bình, tố cáo.

- Tổ chức đảng quản lý đối tượng bị tố cáo phải bảo đảm quyền dân chủ của đảng viên và quần chúng trong việc giám sát, tố cáo, phản ảnh về tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Phối hợp và thực hiện yêu cầu của tổ chức đảng có thẩm quyền giải quyết tố cáo”.

Trường hợp câu hỏi nêu, nếu đảng viên bị tố cáo cố tình không viết báo cáo, giải trình, không hợp tác với tổ giải quyết tố cáo là vi phạm quy định của Đảng. Tổ giải quyết đơn tố cáo căn cứ nội dung tố cáo tiến hành thẩm tra, xác minh, yêu cầu tổ chức đảng có đảng viên bị tố cáo phối hợp trong quá trình giải quyết tố cáo. Tổ giải quyết tố cáo hoàn chỉnh báo cáo giải quyết đơn tố cáo và trình UBKT đảng ủy xã xem xét giải quyết, kết luận và báo cáo đảng ủy xã xử lý nghiêm theo quy định của Đảng.

 

2. Hỏi: Khi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và việc thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Đảng ủy xã A, UBKT Thành ủy kết luận Chi bộ B trực thuộc Đảng bộ xã A đã quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên. Trong kết luận kiểm tra, UBKT Thành ủy yêu cầu Chi bộ B phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định kỷ luật đó.

Có ý kiến cho rằng, yêu cầu của UBKT Thành ủy như vậy là không đúng, vì chỉ có cấp ủy, UBKT các cấp (từ cấp quận, huyện và tương đương trở lên mới có quyền thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên, còn chi bộ không có quyền này.

Vậy, ý kiến trên là đúng hay sai?

Trả lời:

- Tiết 5.2.3, Điểm 5.2, Khoản 5, Điều 32, Quy định số 30- QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định về “ Quyền chuẩn y, thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật” như sau:

“UBKT từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên có thẩm quyền chuẩn y,thay đổi hoặc xóa bỏ hình thức kỷ luật đối với đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới quyết định”.

- Tiết 1.4, Khoản 1, Điều 35, Quy định 30 nêu:

“Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình,kiểm điểm, rút kinh nghiệm, nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc UBKT cấp trên xem xét, quyết định”.

Căn cứ các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, UBKT Thành ủy kết luận Chi bộ B trực thuộc Đảng bộ xã A đã quyết định oan, sai đối với đảng viên thì UBKT Thành ủy có quyền xem xét, quyết định theo thẩm quyền; hoặc giao cho Đảng ủy xã Chỉ đạo Chi bộ B quyết định thay đổi hoặc xóa bỏ quyết định kỷ luật của Chi bộ đối với đảng viên.

Kết luận kiểm tra, UBKT Thành ủy yêu cầu Chi bộ B phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó là đúng quy định. Chi bộ B cần nghiêm túc xem xét lại quyết định kỷ luật của mình để quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên. Trường hợp Chi bộ B cố tình không thực hiện yêu cầu của UBKT, thì Đảng ủy xã A rút lên xem xét quyết định xử lý cho phù hợp, đồng thời xem xét trách nhiệm của Chi bộ B và đ/c Bí thư Chi bộ.

3. Hỏi: Đ/c H là Đảng ủy viên Đảng ủy xã B, không được Đảng ủy phân công ứng cử Chủ nhiệm hợp tác xã, nhưng đ/c H đã nhận đề cử và trúng cử chức Chủ nhiệm hợp tác xã. UBKT Đảng ủy xã đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đ/c H. Qua kiểm tra đã kết luận đ/c H vi phạm Điều 7, Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm. Việc UBKT Đảng ủy xã đã kiểm tra và kết luận đ/c H vi phạm như vậy có đúng không? (Vì Ban Thường vụ Thành ủy quy định chức danh Chủ nhiệm hợp tác xã phải do Đảng ủy xã phân công ứng cử).

Trả lời:

Điều 7, Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm (gọi tắt là Quy định 47) quy định:

“Đảng viên (kể cả cấp ủy viên và đảng viên là cán bộ diện cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quản lý) tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử các chức danh của tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội (theo quy định phải do tổ chức đảng giới thiệu) khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền cho phép”.

Theo quy định trên thì đảng viên bất cứ cương vị nào, khi chưa được tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu hoặc cho phép thì không được tự ứng cử, nhận đề cử và đề cử người khác vào các chức danh của tổ chức Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị- xã hội (những chức danh này theo quy định phải do tổ chức đảng có thẩm quyền giới thiệu).

Trường hợp câu hỏi nêu, đ/c H là Đảng ủy viên Đảng ủy xã B, không được Đảng ủy phân công ứng cử chức danh Chủ nhiệm hợp tác xã, nhưng đ/c đã nhận đề cử là vi phạm Điều 47, Quy định 47 (theo quy định của Ban Thường vụ Thành ủy thì chức danh chủ nhiệm hợp tác xã phải do Đảng ủy xã phân công ứng cử).

Như vậy, việc UBKT Đảng ủy xã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và kết luận đ/c H vi phạm Điều 47, Quy định 47 là đúng thẩm quyền.

 

4. Hỏi: Đảng viên A là bí thư Chi bộ cơ quan, phó bí thư thường trực đảng ủy xã có vi phạm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đến mức phải thi hành kỷ luật cách chức. Khi quyết định thi hành kỷ luật thì cách ghi trong phiếu biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật cụ thể về cách chức các chức vụ của đảng viên vi phạm như thế nào?

Trả lời:

Điểm 6.4, Khoản 6, Điều 36, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:

“Trong một cấp ủy có ban thường vụ, nếu chỉ cách chức bí thư, phó bí thư thì còn chức ủy viên ban thường vụ. Nếu cách chức ủy viên ban thường vụ thì còn chức cấp ủy viên. Cách chức cấp ủy viên thì đương nhiên không còn chức bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ. Cách chức ủy viên ủy ban kiểm tra thì đương nhiên không còn là chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra của cấp ủy đó.

Đối với chi bộ có Chi ủy, nếu chỉ cách chức bí thư hoặc phó bí thư chi bộ thì còn là chi ủy viên; nếu cách chức chi ủy viên thì đương nhiên không còn là bí thư hoặc phó bí thư chi bộ.

Đối với chi bộ không có chi ủy, nếu cách chức bí thư hoặc phó bí thư chi bộ thì đương nhiên còn là đảng viên”.

Như vậy, theo quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên giữ nhiều chức vụ bị kỷ luật cách chức thì tổ chức đảng quản lý đảng viên đó căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ để xem xét, quyết định cách một, một số hay cách tất cả các chức vụ. Khi biểu quyết quyết định kỷ luật cách chức chức vụ nào của đảng viên vi phạm thì các thành viên trong tổ chức đảng đó đánh dấu chức vụ bị cách chức đó vào ô tương ứng trong phiếu biểu quyết kỷ luật.

 

5. Hỏi: Đảng viên không có chức vụ trong Đảng nhưng có (hoặc không có) chức vụ về chính quyền, đoàn thể bị kỷ luật đảng thì có phải xem xét, xử lý kỷ luật về chính quyền, đoàn thể không?

Trả lời:

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nội dung kỷ luật của Đảng bao gồm: Kỷ luật nội bộ Đảng (các vấn đề liên quan đến Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng được thể hiện qua nghị quyết, chỉ thị của Đảng); kỷ luật về mặt nhà nước (Hiến pháp và chính sách, pháp luật của nhà nước); kỷ luật của các đoàn thể (luật, điều lệ, các quy chế, quy định). Do đó, đảng viên vi phạm Hiến pháp, pháp luật và vi phạm kỷ luật của các đoàn thể mà mình tham gia đều là vi phạm kỷ luật của Đảng. Mặt khác, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật hành chính hay kỷ luật của đoàn thể đều có quy định chế tài riêng để xử lý các hành vi vi phạm.

Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 35, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:

“Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại. Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời”.

Căn cứ vào quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu thì kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật về chính quyền và kỷ luật của các đoàn thể. Việc xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm phải được tiến hành đồng bộ với kỷ luật về chính quyền và đoàn thể. Quy định này là bao quát chung nhất, còn trong thực tế có trường hợp đảng viên giữ chức vụ về đảng nhưng có hay không có chức vụ về chính quyền hoặc chỉ là thành viên của đoàn thể thì phải căn cứ vào thực tế để có hình thức kỷ luật về chính quyền hoặc đoàn thể cho phù hợp theo quy định của pháp luật và điều lệ của các đoàn thể chính trị- xã hội.

 

6. Hỏi: Sau khi thanh tra UBND Thành phố kết luận đ/c A, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã B có các vi phạm nhiệm vụ cấp trên giao.

Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng đối với đ/c A, có 2 loại ý kiến:

+ Theo trình tự, đ/c A phải kiểm điểm trước chi bộ, sau đó UBKT đảng ủy xã họp, báo cáo đảng ủy xã xem xét, trình UBKT Thành ủy xem xét, quyết định xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc báo cáo ban thường vụ đảng ủy xem xét, xử lý kỷ luật.

+ Căn cứ Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 39, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng thì đ/c A vi phạm nhiệm vụ cấp trên giao. Nhiệm vụ này chi bộ không biết nên không cần phải kiểm điểm ở chi bộ mà kiểm điểm ở đảng ủy xã và báo cáo UBKT Thành ủy xem xét, quyết định.

Vậy, ý kiến nào đúng?

Trả lời:

Khoản 1, Điều 36, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:

“Chi bộ quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên trong chi bộ (kể cả cấp ủy viên các cấp, đảng viên thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên (trừ nhiệm vụ do cấp trên giao).

Nhiệm vụ do cấp trên giao là công việc do tổ chức đảng cấp trên hoặc lãnh đạo cấp trên có thẩm quyền giao cho đảng viên. Nếu phải xử lý kỷ luật cao hơn, chi bộ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 39, Quy định 30 nêu:

“- Đảng viên vi phạm là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý cùng với việc kiểm điểm ở chi bộ còn phải kiểm điểm ở những tổ chức đảng nào nữa thì do cấp ủy , ban thường vụ cấp ủy hoặc UBKT của cấp ủy quản lý đảng viên đó quyết định.

- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau thì cấp ủy và UBKT có thẩm quyền trực tiếp xem xét, quyết định kỷ luật, không cần yêu cầu đảng viên đó phải kiểm điểm trước chi bộ: Vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao; nội dung vi phạm liên quan đến bí mật của Đảng và Nhà nước mà chi bộ không biết; vi phạm trước khi chuyển đến sinh hoạt ở chi bộ”.

Theo các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, đ/c A, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã B có vi phạm nhiệm vụ cấp trên giao, do đó, theo quy trình xem xét, xử lý kỷ luật, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét tình hình thực tế, có thể không cần yêu cầu đ/c A kiểm điểm trước chi bộ, chỉ yêu cầu đ/c A kiểm điểm ở những tổ chức đảng cần thiết.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy

 
Video
Thống kê truy cập
Đang online25
Tất cả3220357