2020-10-22 14:20:05
Số lượt xem 8188
Câu hỏi 1: Đồng chí Bí thư chi bộ là Hiệu trưởng Trường THCS bị tố cáo có vi phạm quy định trong công tác đầu tư, xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết đơn tố cáo và kết luận đối với sai phạm bị tố cáo đó. Đồng thời, kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo có hình thức kiểm điểm xử lý đảng viên vi phạm. Thường trực Thành ủy giao cho Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiến hành xem xét, thi hành kỷ luật theo quy định. Vậy, trường hợp này Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có cần phải thành lập Đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm không?
Trả lời: Tại Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 32, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định về việc phát hiện, xác định dấu hiệu vi phạm của đảng viên thông qua:
“- Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra của các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế và giám sát của Nhân dân.
- Tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng và đảng viên; việc bình xét phân tích chất lượng đảng viên, tổ chức đảng.
- Tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị của đảng viên và quần chúng.
- Phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng đã được kiểm chứng”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, trên cơ sở kết luận thanh tra và kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố đối với sai phạm của đảng viên là Hiệu trưởng Trường THCS thì Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cần phải thành lập Đoàn kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Đoàn kiểm tra sử dụng kết luận thanh tra hoặc những thông tin, tài liệu khác để thẩm tra, xác minh, xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét kết luận và xử lý theo quy định.
Câu hỏi 2: Đảng viên A có vi phạm về chính trị nội bộ (lịch sử chính trị) bị Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy A kiểm tra, xem xét, xử lý. Qua kiểm tra Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy nhận thấy Ban Thường vụ Thành ủy A và cá nhân đồng chí Trưởng Ban tổ chức Thành ủy A đã buông lỏng vai trò lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát nên đã xác nhận không đúng về lịch sử chính trị của đảng viên B.
Vậy, khi xem xét xử lý kỷ luật về đảng đối với đảng viên B và Ban tổ chức Thành ủy A, cá nhân đồng chí Trưởng Ban tổ chức Thành ủy A thì trường hợp nào được áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật về đảng?
Trả lời: Tại Khoản 2, Điều 3, Quy định 102-QĐ/TW, ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định:
“Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khai trừ; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại có xâm hại đến lợi ích quốc gia và việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận không hợp pháp”.
Tại Khoản 3, Điều 5, Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28 tháng 8 năm 2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm cũng quy định như sau:
“Không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng đối với những vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức giải tán; vi phạm về chính trị nội bộ; về an ninh, quốc phòng, đối ngoại xâm hại đến lợi ích quốc gia”.
Căn cứ các quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, vi phạm của đảng viên B là vi phạm về chính trị nội bộ nên không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đảng; vi phạm của Ban Tổ chức Thành ủy A và đồng chí Trưởng ban Tổ chức Thành ủy A là vi phạm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát dẫn đến không biết vi phạm và xác nhận không đúng về lịch sử chính trị của đảng viên nên được áp dụng quy định về thời hiệu để xem xét, xử lý.
Câu hỏi 3: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy B tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Thường trực Thành ủy Y, tỉnh B. Vậy việc kiểm tra đó có đúng không? Thường trực Thành ủy có phải là đối tượng kiểm tra, giám sát không?
Trả lời: Tiết 1.1.2, Điểm 1.2, Khoản 1, Điều 30, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định đối tượng, kiểm tra, giám sát của Đảng gồm có:
“Chi uỷ, chi bộ, đảng uỷ bộ phận, ban thường vụ đảng uỷ cơ sở, đảng uỷ cơ sở; cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, thường trực cấp uỷ từ cấp trên cơ sở trở lên; uỷ ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên”.
Căn cứ quy định trên, thường trực cấp ủy từ cấp trên cơ sở trở lên thuộc đối tượng kiểm tra, giám sát của Đảng. Do đó, trường hợp câu hỏi nêu, Thường trực Thành ủy Y là thường trực cấp ủy cấp trên cơ sở được UBKT Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm là đúng quy định của Đảng.
Câu hỏi 4: Đoàn kiểm tra của ủy ban kiểm tra Thành ủy giải quyết đơn tố cáo đồng chí A là Thành ủy viên, bí thư đảng ủy xã. Trong quá trình giải quyết, Đoàn kiểm tra đã phát hiện đồng chí A có dấu hiệu vi phạm khác nên báo cáo và được thường trực ủy ban kiểm tra Thành ủy cho chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Sau đó Đoàn kiểm tra báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh cả nội dung trong đơn tố cáo và nội dung dấu hiệu vi phạm ngoài đơn tố cáo với ủy ban kiểm tra Thành ủy. Vậy, việc làm đó của Đoàn kiểm tra giải quyết tố cáo là đúng hay sai?
Trả lời: Tại Tiết 5.1.1, Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 32, Hướng dẫn số 01-HD/UBKTTW, ngày 21 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện một số Điều trong Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng hướng dẫn như sau:
“Trong quá trình giải quyết tố cáo, nếu phát hiện đối tượng bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm khác thì chuyển sang thực hiện theo quy trình kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm (có thể bổ sung thành viên đoàn hoặc quyết định thành lập đoàn kiểm tra mới), đưa nội dung tố cáo thành nội dung kiểm tra vào báo cáo chung”.
Theo quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, Đoàn kiểm tra khi phát hiện đồng chí A có dấu hiệu vi phạm mới đã báo cáo và được thường trực ủy ban kiểm tra Thành ủy đồng ý cho kết hợp kiểm tra dấu hiệu vi phạm với giải quyết tố cáo, việc làm của Đoàn kiểm tra là đúng quy định.
Câu hỏi 5: Mục 1.8, Phần I, Hướng dẫn số 08-HD/UBKTTW, ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy định về nhân sự ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở như sau:
“Ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn, những tổ chức đảng trong cơ quan và doanh nghiệp có từ 300 đảng viên thì bố trí ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm”.
Vậy, đối với những ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở xã, phường… có dưới 300 đảng viên mà từ trước tới nay vẫn bố trí ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm do xuất phát từ tình hình thực tế nhiệm vụ chính trị của địa phương thì nay có được tiếp tục bố trí ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm nữa hay không?
Trả lời: Đối với nhân sự ủy ban kiểm tra đảng ủy xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định tại Mục 1.8, Phần I, Hướng dẫn số 08-HD/UBKTTW, ngày 14 tháng 02 năm 2020 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trường hợp những ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn có dưới 300 đảng viên mà từ trước đến nay vẫn bố trí ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm xuất phát từ tình hình thực tế nhiệm vụ chính trị của địa phương thì nay căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng đảng và điều kiện, khả năng thực tế biên chế của địa phương để quyết định, vận dụng cho phù hợp (do cấp ủy xem xét, quyết định sau khi xin ý kiến của cấp trên có thẩm quyền).
Câu hỏi 6: Đảng viên A có đơn tố cáo Thường trực Thành ủy X nhưng đã tự nguyện rút đơn tố cáo. Kết hợp với các nguồn thông tin khác, tổ chức đảng có thẩm quyền có được kiểm tra đối với Thường trực Thành ủy X không?
Trả lời: Căn cứ Hướng dẫn 01-HD/UBKT, ngày 21 tháng 11 năm 2016 về thực hiện một số Điều trong Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, tại Tiết 5.1.1, Điểm 5.1, Khoản 5 về thẩm quyền, nguyên tắc giải quyết tố cáo quy định:
“Trường hợp người tố cáo xin rút nội dung tố cáo thì tổ chức đảng giải quyết tố cáo không xem xét, giải quyết nội dung tố cáo, trừ trường hợp bị đe dọa, ép buộc, mua chuộc.
Người tố cáo nhận thấy việc tố cáo không đúng hoặc không còn phù hợp thì có thể xin rút một, một số nội dung tố cáo hoặc rút đơn tố cáo.
Tổ chức đảng nhận thấy người tố cáo tự nguyện xin rút một hoặc một số nội dung tố cáo hay rút đơn tố cáo, nếu có cơ sở thì chấp nhận cho kết thúc giải quyết một phần nội dung tố cáo hoặc toàn bộ đơn tố cáo (Phải lập biên bản có ký xác nhận của người tố cáo).
Trường hợp người tố cáo xin rút đơn tố cáo, song nếu thấy nội dung tố cáo có căn cứ, cơ sở thì tổ chức đảng nghiên cứu, xem xét kết hợp với nguồn thông tin khác để phục vụ cho công tác kiểm tra”
Đồng thời, tại Tiết 1.1.2, Mục 1.1, Khoản 1, Điều 30, Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định về đối tượng kiểm tra, giám sát gồm:
“Chi uỷ, chi bộ, đảng uỷ bộ phận, ban thường vụ đảng uỷ cơ sở, đảng uỷ cơ sở; cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, thường trực cấp uỷ từ cấp trên cơ sở trở lên; uỷ ban kiểm tra, các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp uỷ; ban cán sự đảng, đảng đoàn; đảng viên”.
Căn cứ quy định trên, thường trực Thành ủy X là đối tượng kiểm tra của Đảng nên tổ chức đảng có thẩm quyền có thể kiểm tra theo quy định. Việc đảng viên A có đơn tố cáo đối với thường trực Thành ủy X (đã tự nguyện rút đơn) có thể được xem là một trong những nguồn thông tin để tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, nếu thấy có căn cứ, cơ sở thì kết hợp với các kênh thông tin khác để quyết định kiểm tra đối với Thường trực Thành ủy X.
Câu hỏi 7: Đảng viên A là Thành ủy viên nhiệm kỳ 2010-2015 của Đảng bộ thành phố trực thuộc tỉnh C, giữ chức Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất. Sau đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí A không còn là Thành ủy viên, nhưng giữ chức Phó Văn phòng UBND - HĐND thành phố, nay chỉ còn là đảng viên. Đến cuối năm 2018, đồng chí A bị tòa án phạt 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và tháng 3/2019 bị UBND thành phố cách chức Phó văn phòng UBND -HDND. Theo quy định của Đảng, đồng chí A bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ. Tuy nhiên, có 2 loại ý kiến:
Thứ nhất: Thực hiện theo Điểm 1.1, Khoản 1, Điều 35, Quy định 30, thẩm quyền kỷ luật khai trừ đối với đồng chí A là Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh C do đồng chí A vi phạm khi còn là Thành ủy viên.
Thứ hai: Thực hiện theo Khoản 4, Điều 36, Quy định 30, thẩm quyền kỷ luật khai trừ đối với đồng chí A là Ủy ban Kiểm tra Thành ủy do đồng chí A nay chỉ là đảng viên, công tác tại UBND-HĐND thành phố, không giữ chức vụ về đảng và chính quyền.
Trả lời: Điểm 1.3, Khoản 1, Điều 35, Quy định 30, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Đối với đảng viên là cấp uỷ viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp uỷ các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu phát hiện có vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đang đương chức; nếu có vi phạm khi đã nghỉ hưu thì do tổ chức đảng quản lý đảng viên đó xử lý kỷ luật theo thẩm quyền”.
Khoản 4, Điều 36, Quy định 30 nêu trên quy định:
“Uỷ ban kiểm tra từ cấp huyện, quận và tương đương trở lên quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, nhưng không phải là cấp uỷ viên cùng cấp; quyết định khiển trách, cảnh cáo đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp uỷ cùng cấp quản lý và cấp uỷ viên cấp dưới trực tiếp”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, thời điểm xem xét, khai trừ đảng viên A ra khỏi đảng, đảng viên A không còn là thành ủy viên và đã bị cách chức vụ về chính quyền (chỉ còn là đảng viên), nên thẩm quyền khai trừ đảng viên A thuộc Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, không thực hiện theo ý kiến thứ nhất vì đảng viên A không thuộc trường hợp đã nghỉ hưu như đã nêu trong quy định. Vậy, ý kiến thứ hai đúng.
Câu hỏi 8: Khi xem xét, bỏ phiếu biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật ở chi bộ (nơi trực tiếp quản lý đảng viên) bằng hình thức khai trừ, nhưng chưa đủ 02/03 tổng số đảng viên chính thức trong chi bộ nhất trí. Sau đó cấp ủy cấp trên trực tiếp (Ban Thường vụ Thành ủy) bỏ phiếu biểu quyết đề nghị kỷ luật khai trừ với 100% số phiếu.
Vậy, với kết quả bỏ phiếu đề nghị kỷ luật như trên thì tổ chức đảng có thẩm quyền có ra quyết định kỷ luật khai trừ đảng viên được không?
Trả lời: Tại Điểm 3.2, Khoản 3, Điều 38, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Trường hợp khai trừ đảng viên, giải tán tổ chức đảng phải được sự đồng ý của ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng cấp dưới đề nghị và được sự đồng ý của trên một nửa số thành viên của tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định.
Nếu đảng viên vi phạm đến mức phải khai trừ hoặc tổ chức đảng vi phạm đến mức phải giải tán nhưng chưa đủ hai phần ba số đảng viên chính thức của chi bộ hoặc thành viên của tổ chức đảng cấp dưới biểu quyết đề nghị thì chuyển hồ sơ để tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định”.
Căn cứ quy định trên, trường hợp câu hỏi nêu, mặc dù chi bộ nơi trực tiếp quản lý đảng viên biểu quyết đề nghị hình thức kỷ luật khai trừ với số phiếu chưa đủ 2/3 tổng số đảng viên chính thức trong chi bộ nhất trí, nhưng cấp ủy cấp trên trực tiếp bỏ phiếu đề nghị hình thức kỷ luật với 100% số phiếu đồng ý thì tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền vẫn xem xét quyết định kỷ luật khai trừ nếu vi phạm của đảng viên đến mức khai trừ ra khỏi Đảng.
Câu hỏi 9: Đồng chí A bị đảng ủy xã kỷ luật, đồng chí gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban kiểm tra Thành ủy và Ban thường vụ Thành ủy. Theo quy định hiện hành, Ủy ban kiểm tra Thành ủy có trách nhiệm giải quyết. Tuy nhiên, Ban thường vụ Thành ủy yêu cầu để Ban thường vụ lập đoàn giải quyết. Vậy, quyết định của Ban thường vụ có đúng với quy định của Đảng không?
Trả lời: Tại Tiết 5.2.2, Điểm 5.2, Khoản 5, Điều 32, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Uỷ ban kiểm tra cấp trên giải quyết khiếu nại kỷ luật do tổ chức đảng cấp dưới trực tiếp đã quyết định kỷ luật hoặc đã quyết định giải quyết khiếu nại”.
Điểm 7.1, Khoản 7, Điều 39, Quy định số 30 nêu trên cũng quy định:
“Việc giải quyết khiếu nại về kỷ luật đảng được tiến hành từ đảng uỷ cơ sở, đảng uỷ cấp trên cơ sở, uỷ ban kiểm tra, ban thường vụ cấp uỷ hoặc cấp uỷ từ cấp huyện và tương đương trở lên.
Đảng viên là cấp uỷ viên các cấp, thuộc diện cấp uỷ cấp trên quản lý, chi bộ đã quyết định xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, nếu có khiếu nại thì do cấp uỷ cơ sở hoặc ban thường vụ cấp uỷ quản lý đảng viên đó giải quyết khiếu nại kỷ luật lần đầu.”
Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp câu hỏi nêu, do đảng viên bị kỷ luật không phải là cấp ủy viên các cấp, không phải là cán bộ thuộc diện cấp ủy cấp trên quản lý, nên thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật thuộc thẩm quyền của Ủy ban kiểm tra Thành ủy. Sau khi giải quyết khiếu nại, nếu đảng viên khiếu nại tiếp thì Ban thường vụ Thành ủy lập đoàn giải quyết khiếu nại theo quy định. Ủy ban kiểm tra Thành ủy cần báo cáo, đề nghị Ban thường vụ Thành ủy xem xét lại việc chỉ đạo cho đúng quy định của Đảng về giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của đảng viên.
Câu hỏi 10: Đồng chí A có đơn tố cáo đồng chí B là lãnh đạo cơ quan; qua giải quyết tố cáo Ủy ban Kiểm tra nhận thấy bản thân đồng chí A cũng có vi phạm cùng với đồng chí B. Biết được việc này, nên khi đoàn kiểm tra đang thẩm tra, xác minh; đồng chí A đã rút đơn tố cáo. Vậy, trường hợp trên xử lý như thế nào?
Trả lời: Tiết 5.1.1, Điểm 5.1, Khoản 5, Điều 32, Hướng dẫn số 01-HD/UBKTTW, ngày 21 tháng 11 năm 2016 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thực hiện một số Điều trong Quy định số 30-QĐ/TW thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định như sau:
“...Trường hợp người tố cáo xin rút đơn tố cáo, song nếu thấy nội dung tố cáo có căn cứ, cơ sở thì tổ chức đảng nghiên cứu, xem xét kết hợp với nguồn thông tin khác để phục vụ cho công tác kiểm tra”.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp câu hỏi nêu, đoàn kiểm tra sau khi lập biên bản về việc người tố cáo rút đơn tố cáo thì báo cáo với thường trực ủy ban kiểm tra để xem xét, quyết định cho kết thúc việc giải quyết tố cáo và chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với cả đảng viên A và đảng viên B để xem xét, xử lý theo quy định.
Câu hỏi 11: Đảng viên A là công chức vi phạm khuyết điểm từ tháng 5/2015, đến tháng 5-2018 tổ chức đảng phát hiện và tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách, đề nghị chính quyền xử lý đồng bộ là khiển trách.
Có 2 ý kiến
Ý kiến thứ 1: Tổ chức đảng, chính quyền xử lý như vậy là đúng.
Ý kiến thứ 2: Việc tổ chức đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm nêu trên là đúng quy định của Đảng. Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật về chính quyền là không đúng, vì căn cứ quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với công chức thì đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật đối với đảng viên A.
Vậy, ý kiến nào đúng?
Trả lời: Khoản 6, Điều 2, Quy định số 102, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật như sau: “Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp uỷ quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể”.
Căn cứ quy định trên, sau khi xử lý kỷ luật đảng đối với đảng viên thì tổ chức đảng có thẩm quyền phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay cơ quan, tổ chức quản lý đảng viên đó xem xét xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể theo quy định.
Việc xác định thời hiệu xử lý về hành chính (chính quyền) thực hiện theo quy định của pháp luật, trường hợp đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật về hành chính thì thôi không xử lý kỷ luật về hành chính nữa.
Câu hỏi 12: Thời gian giám sát theo chuyên đề được tính từ khi nào?
Đáp: Điểm 2.2, Khoản 2, Điều 11, Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về thực hiện một số Điều trong Quy định số 86-QĐ/TW, ngày 01 tháng 6 năm 2017 của Bộ Chính trị về giám sát trong Đảng quy định:
“Kế hoạch giám sát cụ thể đối với tổ chức đảng hoặc đảng viên phải nêu rõ nội dung, đối tượng giám sát, phương pháp, mốc thời điểm, thời gian giám sát. Thời gian giám sát được tính từ ngày chủ thể giám sát nhận được báo cáo theo gợi ý giám sát của đối tượng giám sát. Thời gian giám sát đối với cấp Trung ương không quá 45 ngày làm việc; cấp tỉnh, thành và tương đương không quá 30 ngày làm việc; cấp huyện, quận và tương đương không quá 25 ngày làm việc; cấp cơ sở không quá 20 ngày làm việc. Trường hợp đặc biệt, chủ thể giám sát có thể quyết định gia hạn thời gian giám sát nhưng không quá 1/3 thời gian giám sát đối với từng cấp theo quy định”.
Căn cứ nội dung hướng dẫn trên, trường hợp câu hỏi nêu, thời gian giám sát được tính “từ ngày chủ thể giám sát nhận được báo cáo theo gợi ý giám sát của đối tượng giám sát”.
Nguyễn Thị Hương Giang
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 19 | |
Tất cả | 3220344 |