2019-05-07 08:43:08 Số lượt xem 2354
Nằm giữa ngàn khơi đầy nắng và gió, với ý chí vượt khó và được sự hỗ trợ hết lòng của đất liền, quân và dân huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã xây dựng thị trấn Trường Sa ngày càng đẹp đẽ, đời sống người dân ngày một cải thiện. Trường Sa không chỉ có “điện, đường, trường, trạm” và những ngôi nhà thơm mùi sơn mới san sát kề nhau, trẻ em tíu tít tới trường, mà trong hàng triệu trái tim người dân Việt Nam luôn có Trường Sa.
Thị trấn Trường Sa ngày càng được xây dựng khang trang, hiện đại.

 

Sau ba ngày hai đêm lênh đênh trên biển, cuối cùng chúng tôi đã đến thị trấn Trường Sa, nơi được ví là “thủ đô” của huyện đảo Trường Sa. Đây là đảo duy nhất mà con tàu KN491 có thể neo được tại bến mà không phải “tăng bo” bằng xuồng. Mọi mệt mỏi sau một hải trình dài đều tan biến khi hiện ra trước mắt chúng tôi là một thị trấn xinh đẹp, với những công trình khang trang, những con đường bê tông được phủ kín bóng mát cây xanh.
Ấn tượng đầu tiên đặt chân lên cát và sỏi đá Trường Sa là một màu xanh bạt ngàn của hoa lá, cỏ cây. Giữa cái nắng chói chang, tại một góc của hòn đảo xinh đẹp này là một ngôi làng vốn bình dị như bao ngôi làng khác trên dải đất hình chữ S, không xe cộ ồn ào, không phố xá nhộn nhịp, không nỗi lo cơm áo gạo tiền… Có một nơi bình yên đến lạ.
Ở đây điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình không quá chênh lệch, sống trong những ngôi nhà không quá khác biệt. Ngoài tình làng nghĩa xóm, bao đời nay họ cùng các chiến sĩ nơi đây vẫn hằng ngày bám biển và giữ đảo. Trong ngôi nhà vừa được tu sửa, vẫn thơm mùi sơn mới, chị Bùi Thị Em tiếp chúng tôi bằng một nụ cười tươi, chia sẻ: “Vợ chồng tôi chọn đảo này để lập nghiệp. Mặc dù không được như đất liền nhưng đời sống của chúng tôi khá ổn định. Những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày tương đối đầy đủ như điện thắp sáng, nước ngọt, tivi, tủ lạnh, sóng điện thoại,… lại được các đơn vị bộ đội hải quân quan tâm giúp đỡ. Quân và dân Trường Sa ai cũng phấn khởi, quyết tâm một lòng xây dựng đảo”.
Cuộc sống nơi đây khá đầm ấm, thoải mái, tuy không rộn ràng như đất liền nhưng mọi người rất gần gũi yêu thương nhau. Hằng ngày, những người đàn ông bám biển ra khơi theo nghề chài lưới, còn những người phụ nữ ở nhà cần mẫn vá lưới và trồng rau, nuôi lợn. Khi nắng chiều vụt tắt, họ lại thong dong đạp xe chở những đứa nhỏ dạo trên những con đường rợp bóng cây để tận hưởng làn gió biển mặn mòi. Họ bên nhau như một gia đình, thân tình,  ấm áp và bình an. Cuộc sống ở đây cứ thế  trôi đi từ ngày này qua ngày khác, không ồn ào, vội vã…
Phương tiện giao thông “duy nhất” ở thị trấn Trường Sa là xe đạp, người dân sử dụng chủ yếu để đi dạo vào mỗi buổi chiều trên những con đường bê tông rợp bóng cây xanh nằm quanh đảo. Chị Võ Thị Song, 38 tuổi, một người dân trên đảo cho biết: “Ở đây tôi thấy rất yên tâm, mặc dù không đầy đủ như ngoài đất liền nhưng không khí ở đây trong lành lắm. Các cháu từ lúc mới đẻ ra không bao giờ đau ốm gì cả”.
Những đứa trẻ lớn lên, vô tư hồn nhiên và mạnh mẽ. Các em được đến trường vui chơi, học tập và được trang bị những kỹ năng để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt nơi đầu sóng ngọn gió. Lớp học ở đảo Trường Sa rất đặc biệt. Từ những em bé mầm non 3 tuổi cho đến cô cậu học sinh lớp 4, lớp 5 đều được học chung một lớp và việc dạy học ở một lớp học như thế đối với các thầy, cô giáo chẳng bao giờ là dễ dàng cả. Đây là năm đầu tiên thầy giáo Bằng Hữu Tình tình nguyện đến đảo Trường Sa công tác. Với thầy việc được “gieo chữ” ở nơi đầu sóng ngọn gió vừa là niềm vinh dự, vừa là một trách nhiệm vô cùng nặng nề. Hiểu rõ được sứ mệnh của mình, người thầy giáo trẻ này đang dành tất cả những gì tốt nhất cho công việc “gieo mầm” ở đảo Trường Sa.

Cuộc sống bình yên trên đảo Trường Sa.

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nên chất lượng cuộc sống của người dân thị trấn Trường Sa không ngừng được cải thiện. Máy lọc nước biển được đầu tư khiến câu chuyện thiếu nước ngọt giờ đây không còn là nỗi lo quá lớn đối với những cư dân vùng đảo. Điện cũng đã được “bừng sáng” nhờ hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, những năm qua, thị trấn Trường Sa được đầu tư đồng bộ nhiều thiết bị y tế  hiện đại chẳng thua gì đất liền. Không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho cư dân, cán bộ chiến sĩ trên đảo, nơi đây còn trở thành “điểm tựa” của những ngư dân đi biển. Không ít trường hợp ngư dân gặp hiểm nguy đã được cứu sống kịp thời nhờ các thiết bị chuyên dụng hiện đại với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tay nghề cao tại Trung tâm Y tế Trường Sa.

Cũng giống như bao ngôi làng khác, trên hòn đảo xinh đẹp này có một ngôi chùa linh thiêng tồn tại từ bao đời nay. Nơi đây trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cư dân cũng như cán bộ chiến sĩ trên đảo. Thầy Thích Tâm Tánh, trụ trì chùa Trường Sa cho biết:  “Ngôi chùa chính là điểm tựa tinh thần là chốn tâm linh mà mọi người tìm đến để cầu mong sự chở che, cầu mong sóng yên, biển lặng, cầu mong hòa bình, an yên. Không chỉ có vậy sự hiện hữu ngôi chùa này như cột mốc sống khẳng định chủ quyền không thể chối cãi ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc”.
Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đẹp đẽ, bình dị nhưng cũng đầy sức sống tại nơi cách đất liền hàng trăm hải lý. Khó có thể kể hết cái mới và những tấm lòng hiếu khách, thân thiện của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Điều để lại trong lòng chúng tôi sau chuyến đi là sự đổi thay, phát triển của một Trường Sa ngày mới, một “thủ đô” sầm uất giữa lòng biển cả, nơi ngàn trùng sóng nước, là sự khâm phục những chiến sĩ hải quân kiên cường nơi tuyến đầu Tổ quốc...

Theo: Đỗ Xuân
Nguồn: Baobacninh.com.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online17
Tất cả2539113