2019-04-11 17:14:15 Số lượt xem 1786
Trong chuyến thăm hàng chục điểm đảo khu vực phía Nam của quần đảo Trường Sa vào đầu năm 2019, lực lượng quân y để lại ấn tượng khá sâu sắc, đặc biệt là tại đảo Trường Sa Lớn-trái tim của huyện đảo Trường Sa.
Trung tâm y tế thị trấn Trường Sa.
 
Trưa Trường Sa. Sóng êm xô vào bờ cát trắng và nắng vàng rực. Tranh thủ phút nghỉ trưa quý báu, Y sỹ y học cổ truyền Bùi Minh Đức tưới tắm, chăm sóc cho vườn thuốc Nam mà bao lâu nay Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa cố công gây dựng. Đến nay, vườn thuốc Nam trên đảo có trên 10 loại cây thuốc quý như: Ngải cứu, nha đam, dâu tằm, trinh nữ, mật gấu... Vườn thuốc Nam tuy nhỏ nhưng tấm lòng, công lao của những chiến sĩ khoác áo blouse trắng trên đảo Trường Sa thì không nhỏ. Mỗi luống cây, mỗi thớ đất là mồ hôi, công sức, sự hy sinh thầm lặng mà không dễ gì mấy ai làm được. Trong đó, đáng kể nhất là việc che chắn gió mùa Tây Nam gây cháy lá bằng các vật liệu sẵn có. Rồi đến việc tiết kiệm, tận dụng lượng nước ngọt quý báu của mỗi người trong sinh hoạt hằng ngày để tưới tắm giúp cây thuốc sinh trưởng và phát triển. Anh Lâm Ngọc Vinh, một người dân sinh sống tại thị trấn Trường Sa tâm sự: Sống giữa ngàn khơi, đối mặt với sóng gió, mỗi khi nhức đầu, mỏi gối, hoa mắt, chóng mặt tôi lại được các y, bác sỹ ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa tận tình giúp đỡ bằng các phương thuốc dân gian từ vườn thuốc Nam. Nhờ đó, sức khoẻ được đảm bảo, yên tâm làm ăn sinh sống. Trong cuộc chuyện trò với người y sĩ tuổi 9X, một câu hỏi của anh cứ làm tôi nhớ mãi. Y sĩ Bùi Minh Đức khẳng định một câu tựa hồ cây phong ba mọc thẳng ở Trường Sa: “Anh biết tại sao loại cây ngải cứu tưởng chừng như bé nhỏ ở vườn thuốc nam đảo Trường Sa lại rất mãnh liệt, phát triển tốt, cho dù sóng gió, cho dù bão táp. Đó chính là nhờ sự đoàn kết, tương trợ, dựa vào nhau mà sống”.
Chính câu nói của người y sĩ nơi tuyến đảo tiền tiêu của Tổ quốc đã làm khơi dậy trong tôi và có lẽ trong tất cả chúng ta, những con dân đất Việt về truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Đó chính là tinh thần đoàn kết dân tộc, sẵn sàng đập tan, đánh bại những âm mưu, thủ đoạn, luận điệu vu khống, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. 
Bác sỹ Lê Phước Cường thăm khám cho bệnh nhân.
 
 Giữa muôn ngàn sóng, vạn trùng gió, điều đáng nói nhất ở đây chính là sự làm chủ về trang thiết bị y tế hiện đại, sẵn sàng thăm, khám, cấp cứu, chữa bệnh, điều trị kịp thời cho nhân dân, ngư dân, cán bộ và chiến sĩ đang công tác trên tuyến đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đại úy, Bác sỹ Lê Phước Cường, Bệnh xá trưởng Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa cho biết: “Bản thân vốn thuộc biên chế của Viện quân y 175, nhưng khi đơn vị điều động thì tôi ra Trường Sa không chút do dự. Ra đây, điều kiện thời tiết khó khăn, đặc biệt là mỗi bác sỹ học mỗi chuyên khoa nhưng làm việc ở đảo thì phải nỗ lực học hỏi để chữa được nhiều bệnh. Trong quá trình hoạt động, tác nghiệp trên đảo xa đất liền nên Trung tâm phải luôn có kế hoạch dự phòng những trang thiết bị thiết yếu nhằm kịp thời thay thế khi bị hư hỏng, phục vụ người bệnh”. Nếu như trước đây, khi gặp những ca bệnh khó thì y, bác sỹ trên đảo chỉ có thể gửi thư điện tử hoặc điện thoại xin tư vấn từ đất liền, tuy nhiên nếu gặp phản hồi chậm thì cũng mất khá nhiều thời gian và điều kiện để chữa bệnh. Từ năm 2013, Trung tâm được trang bị hệ thống truyền hình ảnh trực tuyến giữa Trung tâm và Viện quân y 175 nhằm giúp cho việc chẩn đoán, điều trị những ca khó được thuận lợi hơn.
Tại phòng lưu bệnh của Trung tâm, với khuôn mặt rạng ngời vì vết thương đã lành, chiến sỹ Nguyễn Thế Thành, đảo Đá Tây cho biết: “Trong lúc đang thực hiện nhiệm vụ, không may bị thanh sắt đâm vào cổ. Giữa muôn trùng sóng nước, việc chạy về đất liền để cứu chữa là điều không thể. Được đồng đội cấp cứu về đây và đã được các y, bác sỹ trên đảo tích cực cứu chữa. Đến nay, sau gần 20 ngày chữa trị, cổ của tôi đã lành vết thương. Chắc cũng trong ít ngày nữa là tôi xin bác sỹ ra viện, tiếp tục về làm nhiệm vụ. Có đội ngũ khám chữa bệnh như ở Trường Sa, chúng tôi càng yên tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
 
Vườn thuốc nam của Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa được các y, bác sỹ chăm sóc chu đáo luôn xanh tốt.
Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa hiện có 10 biên chế, trong đó có 3 bác sỹ với 5 giường bệnh. Nhờ tinh thần ham học hỏi, nỗ lực không ngừng của mỗi y, bác sỹ phần nào “khoả lấp” được những thiếu thốn về điều kiện khám chữa bệnh trên đảo. Ông Trần Văn Quyển, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: “Mặc dù điều kiện trên đảo còn khó khăn nhưng trong thời gian tới, chúng tôi phấn đấu huy động từ nhiều nguồn lực để trang bị thêm cho Trung tâm những dụng cụ tốt hơn nữa, phục vụ công tác khám chữa bệnh”.
Không chỉ là những người nắm chắc chuyên môn, hết lòng vì bệnh nhân ruột thịt, nhiều y, bác sỹ ở Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa còn thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, không chịu lùi bước trước sóng gió bằng sự tinh tế trong việc chơi các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Thượng úy, Bác sỹ Phí Ngọc Dương trong những giờ khắc thiêng liêng trên đảo Trường Sa đã hoà mình cùng mây nước, sóng gió rồi cất vang tiếng sáo độc tấu những bài hát về biển đảo quê hương như: Nơi đảo xa, hay tiết tấu nhanh mạnh mẽ qua phần độc tấu sáo bài Tiếng đàn Ta lư. Mà mỗi khi đến lời nhạc: “Bộ đội giải phóng quân ơi, các anh đánh hay…” là trong tất cả chúng tôi đều nhớ về một thời hào hùng của cha ông.
Không thể nói hết đội ngũ y, bác sĩ ở Trường Sa, những “thiên thần” áo trắng đang thầm lặng hi sinh và cống hiến tuổi thanh xuân của mình, tất cả vì sức khỏe của bộ đội và ngư dân. Chỉ biết với họ, cứu sống một ngư dân là niềm vui nhân đôi. Sau những giọt mồ hôi mặn mòi là nụ cười tươi mới của ngư dân. Nụ cười ấy thắm đượm tình quân dân giữa ngàn khơi sóng gió.
Ghi chép của Đỗ Xuân
                                                                                          (Nguồn: baobacninh.com.vn)
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online37
Tất cả3187924