2022-03-16 08:12:19 Số lượt xem 990
Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma, xã Cam Hải Ðông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Cách đây 34 năm, vào ngày 14/3/1988, trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại các bãi đá Gạc Ma, Cô Lin và Len Ðao, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, mặc dù lực lượng, phương tiện, vũ khí của ta lúc đó còn hạn chế, song những người lính biển ngày ấy đã chiến đấu dũng cảm, quyết tử đến cùng. Trong số đó, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lực lượng của ta lúc đó là cán bộ, chiến sĩ hải quân các tàu vận tải và công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, nhưng đã mưu trí, sáng tạo, anh dũng, chủ động, kiềm chế đến mức tối đa, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tuy nhiên, đối phương đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy ba tàu vận tải, đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta và 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh dũng hy sinh, nằm lại giữa biển khơi để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Những người trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc ngày ấy, người thì ở lại tiếp tục cống hiến xây dựng quân đội, Quân chủng Hải quân sau này, người trở về đời thường xây dựng quê hương, đất nước. Một điểm chung mà chúng tôi cảm nhận được mỗi khi gặp các cựu chiến binh từng là những người lính biển ngày ấy, đó là niềm vinh dự tự hào về phẩm chất cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân" không sợ hy sinh, gian khổ, cống hiến máu xương giữ từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc.
16 giờ ngày 13/3/1988, tàu HQ 604, HQ 505 cơ động đến vị trí quy định ở hai bãi đá Cô Lin và Gạc Ma, thả neo an toàn. Sáng sớm 14/3, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Công binh 83 (nay là Lữ đoàn Công binh 83) trên tàu HQ 604 triển khai chuyển vật tư lên bãi đá Gạc Ma để xây dựng công trình bảo vệ đảo. Ngay lập tức, ba tàu chiến Trung Quốc đến gần, quay pháo hướng vào tàu HQ 604 uy hiếp và dùng loa yêu cầu cán bộ, chiến sĩ ta phải ra khỏi khu vực Gạc Ma.
6 giờ ngày 14/3, tàu đối phương cho ba xuồng nhôm chở 40 lính cùng vũ khí, trang bị đổ bộ lên bãi đá Gạc Ma đang có lực lượng của ta ở đó. Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy đảo Gạc Ma, thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chỉ huy các chiến sĩ và công binh xây dựng kiên quyết đấu tranh để bảo vệ cờ, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc và đã anh dũng hy sinh. Chiến sĩ công binh Nguyễn Văn Lanh lập tức xông vào giữ cờ, cùng các đồng đội quây quanh bảo vệ, quyết tâm bảo vệ đảo đến cùng. Bị đâm lê vào vai, đồng chí Lanh ngã xuống nhưng hai tay vẫn ôm chặt cột cờ giữ cho lá cờ Tổ quốc tiếp tục tung bay.
Không uy hiếp được bộ đội ta rút khỏi bãi đá, đối phương nã pháo bắn thẳng vào tàu HQ 604 và bộ đội ta đang làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ đảo. Tàu HQ 604 bị hỏng nặng không thể nhổ neo ủi bãi; một số cán bộ, chiến sĩ ta hy sinh và bị thương. Mặc cho đạn pháo bắn xối xả về phía tàu, Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ bình tĩnh chỉ huy, động viên mọi người trên tàu vừa chiến đấu tự vệ vừa cấp cứu thương binh và cứu chữa tàu. Tàu HQ 604 bị cháy và chìm xuống biển. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và nhiều cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã anh dũng hy sinh.
Ở bãi đá Cô Lin, tàu HQ 505 do Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và Thuyền phó Chính trị Thượng úy Võ Tá Du chỉ huy đưa bộ đội lên cắm hai lá cờ Tổ quốc trên bãi đá. Sau khi phát hiện tàu HQ 604 và lực lượng của ta ở Gạc Ma bị bắn pháo, Thiếu tá Lễ cho tàu nhổ neo. Hai tàu chiến của đối phương nã pháo vào tàu HQ 505, ngay lập tức Thiếu tá Lễ lệnh cho chiến sĩ hàng hải hướng mũi vào bãi đá Cô Lin và mở hết tốc độ lao lên bãi đá. Tàu HQ 505 đã trở thành một cột mốc vững chắc khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên bãi đá Cô Lin.
"Chúng tôi muốn các thế hệ mai sau không bao giờ quên ngày 14/3/1988, không bao giờ quên những người đã ngã xuống vì quê hương, không bao giờ quên Gạc Ma, một phần máu thịt của Tổ quốc" - Ðại tá cựu chiến binh Vũ Huy Lễ, khẳng định.
Ðại tá cựu chiến binh Tống Xuân Quân, nguyên là Chính ủy Lữ đoàn 162, Vùng 4 Hải quân; năm 1988 là người trực tiếp chiến đấu ở đảo Len Ðao. Lúc đó, Trung úy Tống Xuân Quân là Trợ lý Thanh niên Hải đội 1, Lữ đoàn 125, được cấp trên điều động tăng cường xuống tàu HQ 605 làm Thuyền phó Chính trị. Anh cùng đồng đội nhận nhiệm vụ trước Tết Nguyên đán (Mậu Thìn 1988) ra Cam Ranh, sau đó cơ động ra khu vực biển Trường Sa. Tàu HQ 605 do Ðại úy Nguyễn Lệnh Sơn làm Thuyền trưởng.
Ðại tá cựu chiến binh Tống Xuân Quân nhớ lại: Ngày ấy, tàu HQ 605 sau khi làm nhiệm vụ tại đảo Ðá Ðông xong được lệnh cấp trên cơ động về đảo Len Ðao nhận nhiệm vụ chốt giữ. Sáng sớm 14/3, chỉ huy tàu cho anh em hạ xuồng xuống cắm hai lá cờ Tổ quốc tại đảo Len Ðao. Sau đó, hơn 8 giờ sáng cùng ngày, tàu hộ vệ tên lửa của đối phương từ hướng đảo Gạc Ma kéo đến nã pháo trực tiếp vào ca-bin tàu HQ 605 và nhiều phát đạn vào mạn tàu. Khi tàu HQ 605 bốc cháy, cán bộ, chiến sĩ trên tàu dập lửa nhưng không thể cứu được. Thuyền trưởng lệnh cho anh em rời tàu bơi vào đảo để băng bó thương binh và bảo vệ đảo Len Ðao, rồi tiếp tục vận chuyển thương binh về đảo Sinh Tồn.
Cuộc chiến đấu rạng sáng 14/3/1988 của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam - những người lính biển ở cụm đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Ðao đi vào lịch sử dân tộc như một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Trong đó, 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là những tấm gương sáng ngời minh chứng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Hình ảnh Anh hùng liệt sĩ Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội "Không được lùi bước, phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng" đã tiếp lửa cho tuổi trẻ hôm nay tiếp tục bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Trợ lý Phòng Cán bộ, Cục Chính trị Hải quân, con trai Anh hùng Vũ Huy Lễ; Ðại úy Nguyễn Tiến Xuân, Trợ lý Tác chiến, Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 955, con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, Chỉ huy trưởng khung đảo Gạc Ma; Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Thủy, nhân viên văn thư bảo mật, Lữ đoàn 146, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương… là minh chứng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, "Lớp cha trước, lớp con sau/Ðã thành đồng chí chung câu quân hành".
Người dân tham quan Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma.
Noi gương các thế hệ cha anh đi trước, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam - những người lính biển hôm nay dù ở đất liền, hay ở nơi đảo xa, trên mỗi con tàu trực, đài, trạm trên núi cao đã và đang phát huy truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, ra sức thi đua huấn luyện giỏi, sẵn sàng chiến đấu cao, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong thực hiện nhiệm vụ, luôn chắc tay súng, không để bị động, bất ngờ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Hoàng Sa, Trường Sa luôn là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam. Mỗi rạn san hô, từng hạt cát, nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang hình hài của hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người con đất Việt.
Những năm qua, mỗi khi tàu của ta ra thăm các đảo trên quần đảo Trường Sa, đi qua lại vùng biển nêu trên đều tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Có dịp tham dự buổi lễ tưởng niệm, tôi cũng như các thành viên trong đoàn công tác đều cảm nhận được trước vùng biển rộng lớn mênh mông như ấm lên, dường như linh hồn của các anh lại hiện về...
Tổ quốc nơi đầu sóng luôn có các anh. Quân dân cả nước luôn hướng về Trường Sa, chung tay, góp sức làm cho Trường Sa hôm nay luôn mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về tình đoàn kết quân dân.
 
Trần Kiên và Văn Vũ
Nguồn: nhandan.vn
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online24
Tất cả2538870