2019-04-30 08:58:07
Số lượt xem 1774
Những hòn đảo năm xưa khô khát, hoang vu giờ đây đã tràn ngập màu xanh. Những ngôi nhà khang trang, những mái chùa cong vút, những con đường xi măng và hàng cây rợp bóng mát cùng các em học sinh tung tăng đi học… 44 năm đã qua kể từ ngày giải phóng Trường Sa, nhìn vào sự phát triển lớn mạnh của quần đảo hôm nay, càng thấy trân quý hơn giá trị của những chiến công đã đi vào lịch sử dân tộc.
Giờ đây, nơi đảo xa ngày càng thay đổi, vươn mình kiêu hãnh vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.
Vào những ngày này của 44 năm về trước, khi những cánh quân “thần tốc, bất ngờ, táo bạo” tiến về giải phóng miền Nam thì cũng là lúc lực lượng đặc công Hải quân nhận lệnh giải phóng quần đảo Trường Sa trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa. Với hơn 200 chiến sỹ tinh nhuệ của Đoàn Đặc công nước 126 đã chia thành các mũi tiến công, bất ngờ tập kích từng đảo. Bằng cách đánh linh hoạt và bản lĩnh ngoan cường của những người lính Đặc công Hải quân, các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa lần lượt được quân đội ta tiếp quản. Ngày 29-4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân và Tư lệnh Quân khu 5 hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa, tạo nên một chiến thắng quan trọng, góp phần vào đại thắng của dân tộc trong cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
44 năm trôi qua, các thế hệ chiến sĩ Hải quân đổ mồ hôi, công sức và cả xương máu để xây dựng Trường Sa trở thành một phần máu thịt kiên trung nơi biển đảo cực Đông của Tổ quốc. Những hòn đảo năm xưa khô khát, hoang vu giờ đây đã tràn ngập màu xanh khát vọng. Hệ thống doanh trại, nhà làm việc của cán bộ, chiến sĩ và chỉ huy đảo, những căn nhà nhỏ của nhân dân huyện đảo với tường vàng, hắt màu đỏ của mái ngói lên nền trời xanh như khẳng định Trường Sa chính là một phần trong trái tim Tổ quốc.
44 năm trôi qua, các thế hệ chiến sĩ Hải quân đổ mồ hôi, công sức và cả xương máu để xây dựng Trường Sa trở thành một phần máu thịt kiên trung nơi biển đảo cực Đông của Tổ quốc. Những hòn đảo năm xưa khô khát, hoang vu giờ đây đã tràn ngập màu xanh khát vọng. Hệ thống doanh trại, nhà làm việc của cán bộ, chiến sĩ và chỉ huy đảo, những căn nhà nhỏ của nhân dân huyện đảo với tường vàng, hắt màu đỏ của mái ngói lên nền trời xanh như khẳng định Trường Sa chính là một phần trong trái tim Tổ quốc.
Chùa Trường Sa, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Đối với chúng tôi, những người lần đầu đến với Trường Sa, khi đặt chân lên đảo đã thực sự bất ngờ bởi những con đường rộng, đẹp được lát bê tông với hàng cây xanh bên đường, khung cảnh thân thương, gần gũi như ở đất liền. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là sự hiện hữu của ngôi chùa Trường Sa Lớn. Ngôi chùa được xây theo phong cách truyền thống mái cong ngói vẩy, thiết kế tam quan hai tầng tám mái với tư tưởng đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc, góp phần đem lại sự bình an, thịnh vượng cho quần đảo nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc. Ngôi chùa chính là “cột mốc văn hóa” quan trọng, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Trần Văn Quyển, từ ngày có chùa Trường Sa, sáng sớm tinh mơ, giữa thinh không lại vẳng tiếng kinh, lời kệ, chuông chùa. Những âm thanh của cõi thiền khiến cán bộ, chiến sỹ và người dân thấy ấm lòng. Nơi đây không chỉ là điểm đến tâm linh cho người dân, cán bộ, chiến sỹ trên đảo, mà còn là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin của những người dân đang sinh sống nơi đảo xa.
Trường Sa hôm nay đang đổi mới, điều kiện sống, sinh hoạt, học tập, làm việc của nhân dân và cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã được cải thiện, thuận lợi hơn so với trước đây. Đi qua hơn 10 điểm đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống thường nhật nơi đây, ấn tượng sâu sắc nhất trong chúng tôi là quân và dân trên đảo rất biết chăm chút cho đời sống tinh thần. Ở đảo Đá Tây, ngoài tủ sách với hàng trăm cuốn sách còn có một cây ghi ta được treo ngay ngắn trong phòng sinh hoạt chung. Anh em chiến sỹ kể, khi rảnh rỗi thì tập đàn, lúc vui buồn thì tụ lại hát cho nhau nghe. Mỗi lần như vậy, những mệt nhọc, khó khăn dường như tan biến hết. Từng chứng kiến nhiều cuộc giao lưu văn hóa, văn nghệ, nhưng hiếm khi chúng tôi lại thấy vui như những cuộc giao lưu với các chiến sỹ đảo Trường Sa. Những câu hát của những chiến sỹ đảo Đá Tây cứ vang mãi trong tôi: “Ta là chiến sỹ Trường Sa/Giữa bão tố phong ba, đảo vẫn là nhà/ Theo tiếng gọi của quê hương đất nước, cùng về đây chung lòng bảo vệ đảo Trường Sa”…
Tiết mục văn nghệ của các chiến sỹ đảo Đá Tây trong lúc giải lao
Trong chuyến đi công tác Trường Sa lần này, chúng tôi khám phá thêm được nhiều điều thú vị về cuộc sống của các chiến sỹ trẻ trên đảo. Nhưng thú vị nhất là tình cờ được gặp đồng hương giữa nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đó là binh nhất Lê Xuân Quang (sinh năm 1999) ở thôn Phù Lộc, xã Phù Chẩn (thị xã Từ Sơn). Quang là con trai lớn trong gia đình có 2 anh em. Học hết THPT Quang tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện ở Quảng Ninh thì nhận nhiệm vụ ra đảo công tác từ tháng 7-2018. Quang tâm sự: “Em được nghe nói đến quần đảo Trường Sa rất nhiều qua đài, báo. Em mong được ra đảo, được cầm súng bảo vệ Tổ quốc và mơ ước đã trở thành hiện thực. Lần đầu ra đảo, em nhớ nhà đến cồn cào, những đêm sau đó không sao ngủ được. Thú thực với anh, em đã khóc hai lần vì nhớ nhà. Một lần vào khoảng 1,2 giờ sáng em đứng gác một mình với khẩu súng. Đêm hôm đó trăng sáng vằng vặc, trời trong vắt. Cảnh trăng sáng ở đồng quê bỗng hiện về và nước mắt em chảy ra lúc nào không biết. Bây giờ thì em cứng rắn hơn nhiều rồi. Đã là lính đảo thì không được phép yếu mềm phải không anh. Quan trọng hơn, ở đây, em đã học được rất nhiều điều ý nghĩa với những người trẻ như chúng em đó là tình đồng chí, đồng đội chia sẻ với nhau từng ngụm nước ngọt cho đến từng nỗi nhớ”.
Càng đi, càng thấy tự hào và cảm phục những người lính đảo. Họ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình để giữ cho đất nước được yên bình. Cho đến hôm nay khi đã rời xa những người lính đảo được gần 4 tháng, nhớ lại những ngày lênh đênh trên biển để đến đảo, tận mắt chứng kiến cuộc sống của quân và dân trên đảo Trường Sa, trong tôi vẫn bồi hồi xúc động. Một cảm giác thân thương khó tả len lỏi trong tim vì cảm phục, mến yêu những người lính đảo. Tinh thần lạc quan yêu đời thể hiện ngay trong nếp sống hằng ngày của các anh với lời ca tiếng hát. Sự mặn mòi của biển, những cơn gió bão, những ngày nắng cháy thịt da hay những hiểm nguy đang rình rập ngoài khơi xa đã không làm các anh chùn bước. Trong gian khó, hiểm nguy là thế các anh vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Với tinh thần như thế các anh luôn chắc tay súng, để giữ vững chủ quyền của đất nước, giữ khát vọng hòa bình cho mai sau.
Đỗ Xuân
Nguồn: baobacninh.com.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 41 | |
Tất cả | 3171909 |