2023-01-04 14:06:33 Số lượt xem 1228
Cuộc đời người làm báo luôn gắn liền với những chuyến đi. Tôi đã đi và viết nơi tận cùng cực Bắc - địa đầu Tổ quốc tới chót mũi Cà Mau mà dường như chưa đủ. Cơ may cho tôi có được hành trình ra quần đảo Trường Sa, được tác nghiệp ở vùng biển đảo, tận mắt nhìn ngắm sự hùng vĩ, giàu mạnh của biển đảo quê hương. Chuyến đi để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc.
Trường Sa luôn là mảnh đất mơ ước được đặt chân đến một lần trong đời của rất nhiều người. Bởi đây là biểu tượng của tình đoàn kết, của niềm tự hào dân tộc, của tình yêu quê hương đất nước. Khi cầm quyết định công tác đi Trường Sa, tôi ngỡ ngàng, không tin niềm mơ ước bấy lâu nay của mình giờ đã thành hiện thực. Niềm vui tràn ngập khi chúng tôi có mặt tại vịnh Cam Ranh, một trong hai điểm có thể khởi hành đến nơi đảo xa của Tổ quốc. Lần đầu tôi được tận mắt thấy những con tàu to, hiện đại có sức chứa 400 - 500 người chở đầy hàng Tết. Chia tay những người thân mà khuôn mặt người đi và người ở đều rạng rỡ. Không có tiếng khóc, chỉ có những cái vẫy tay hẹn ngày gặp lại. Tôi thấy lòng mình rộn rã... Trời Khánh Hoà trong xanh. Mặt biển êm ả. Những người lính hải quân nước da sậm, đẹp khoẻ khoắn trong bộ quân phục trắng. Tôi sẽ cùng họ đến hơn mười điểm đảo nằm ở phía nam tỉnh Khánh Hoà trong một hành trình đi biển kéo dài 23 ngày.
Chào cờ trên đảo Trường Sa Lớn
Sau những hồi còi chào tiễn biệt, tàu KN-491 bắt đầu rẽ sóng, đưa tôi và đoàn công tác ra biển lớn. Tàu di chuyển nhẹ nhàng. Lúc đó tôi thầm tiếc vì mình uống thuốc chống say và nghĩ những đồng nghiệp quá lo xa khi khuyên tôi nên chọn thời điểm khác đi vì giờ là mùa biển động. Nhưng họ đã đúng, khi tàu rời cửa vịnh, sóng lớn dữ dội âm âm đập vào mạn tàu. Hành lang trong phòng rung chuyển, điện thoại, hộp thuốc... trên bàn lắc mạnh, tự chạy về phía trước và lao xuống mặt sàn để rồi lăn đều theo nhịp lắc của tàu. Tàu lắc đều về hai phía theo nhịp sóng và tôi cũng lắc đều trên chiếc giường cá nhân trong căn phòng tiện nghi của sĩ quan cao cấp ở tầng cuối của con tàu. Bạn cùng phòng của tôi, anh Hoàng Phước, phóng viên Báo Hải Phòng nói: “Anh ơi, em bị “rang lạc”. Không chỉ có Phước, gần như tất cả mọi người lần đầu đi tàu đều chống chếnh. Lần đầu tiên ra biển lớn và đối với tôi, đó cũng là lần đầu tiên nếm trải say sóng. Song thật kỳ lạ, sự say sóng hoàn toàn giảm khi chúng tôi đặt chân lên chiếc xuồng để lên đảo. Cảm giác đó biến mất ngay cả khi những con sóng bạc đầu xả nước xối xả vào mặt và người.
Đảo An Bang- Vị trí tiền tiêu khắc nghiệt ở Trường Sa
Tại các đảo chúng tôi đến, từ đảo nổi cho đến đảo chìm, chúng tôi cảm nhận rất rõ những hy sinh, gian khó mà các chiến sĩ đang trải qua từng ngày để thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương. Rất vinh dự trong các chiến sĩ giữ nhiệm vụ quan sát canh giữ biển cả rộng lớn có sự đóng góp của những người con Bắc Ninh, các anh đều tự hào là những người ngày đêm canh giữ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đó là binh nhất Lê Xuân Quang (sinh 1999) ở khu phố Phù Lộc, phường Phù Chẩn (thành phố Từ Sơn). Quang là con trai lớn trong gia đình có 2 anh em. Học hết THPT, Quang tình nguyện viết đơn nhập ngũ. Sau mấy tháng huấn luyện ở Quảng Ninh thì nhận nhiệm vụ ra đảo công tác từ tháng 7-2018. Quang có gương mặt rám nắng, nụ cười hiền tươi rói. “Được ra bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc với em là một vinh dự mà không phải ai muốn cũng đạt được nhất là khi sinh ra và lớn lên ở vùng quê không có biển”- Quang chia sẻ. Gặp gỡ bà con ngư dân ở đây, tôi biết rằng, ở những đảo tiền tiêu của Tổ Quốc, quân và dân ta dù đang đứng ở “đầu sóng ngọn gió” vẫn đang kiên cường bám biển, vươn lên trong cuộc sống và trong công tác. Ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp những nụ cười lạc quan, đầy sức sống. Đó là những kỉ niệm không thể nào quên. Hình ảnh lễ thượng cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền dân tộc được diễn ra ở tất cả các điểm đảo, dù là đảo nổi hay đảo chìm với lá cờ đỏ sao vàng tung bay ở cột mốc chủ quyền luôn là niềm kiêu hãnh của mỗi công dân đứng trên bờ cõi quê hương, đất nước. Tôi càng tự hào hơn khi thấy bộ đội và nhân dân ta đã kiên cường xây dựng biển, đảo ngày càng phát triển, đẹp giàu, căng tràn sức sống.
Sau chuyến đi công tác này, tôi cảm nhận và thấu hiểu được về những khó khăn, vất vả, hy sinh của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng, xem đảo là nhà, biển cả là quê hương. Cùng với cuộc sống của những người dân trên đảo, ngư dân vươn khơi bám biển… hay những công trình lưu dấu hồn cốt bao đời của cha ông khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chứng kiến sự kiên trung, can trường của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi hải đảo xa, tôi như được tiếp thêm nguồn sức mạnh để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình, cống hiến thật nhiều tác phẩm báo chí chất lượng. Tôi cũng luôn ý thức rằng, mình cần phải lan tỏa tinh thần yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương tới bạn bè người thân, góp phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Kết thúc chuyến công tác, loạt bài về Trường Sa đăng trên Báo Bắc Ninh đã nhận được sự chia sẻ động viên của đông đảo bạn đọc. Xúc động hơn nữa khi đúng dịp kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-2020), tôi được Hội Nhà báo tỉnh trao giải Nhì - Giải Báo chí Ngô Gia Tự cho loạt bài của mình. Những ngày tác nghiệp tại Trường Sa mãi là kỷ niệm không thể quên của cuộc đời làm báo của tôi, tôi tin chắc là thế.
 
Ghi chép của Đỗ Xuân
Nguồn: baobacninh.com.vn
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online34
Tất cả2576373