2021-05-18 14:16:16 Số lượt xem 1916
Để phục vụ công tác thông tin tuyên truyền trong tháng 5 và tháng 6 năm 2021, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố đã triển khai việc lựa chọn, giới thiệu một số bài viết đã được đăng tải trên Tạp chí Cộng sản và Bản tin hàng ngày của Thông tấn xã Việt Nam, bao gồm những nội dung sau:
1. Bài viết “Hệ quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” (Bài viết của GS.TS Lê Hữu Nghĩa - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đăng trên Tạp chí Cộng sản – số tháng 4/năm 2021).
2. Bài viết “Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp” (Bài viết của đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban công tác đại biểu của Quốc hội, đăng trên Tạp chí Cộng sản – số tháng 4/năm 2021).
3. Bài “Cu Ba sau 10 năm cập nhật hóa mô hình kinh tế” (Bài đăng trên Tài liệu tham khảo đặc biệt hàng ngày của Thông tấn xã Việt Nam – số ra ngày 04/5/2021).
4. Bài “Bài học lớn từ cơn “sóng thần” COVID-19 ở Ấn Độ” (Bài đăng trên Tài liệu tham khảo đặc biệt hàng ngày của Thông tấn xã Việt Nam – số ra ngày 05/5/2021).
Trang thông tin điện tử Thành ủy trân trọng giới thiệu tài liệu tham khảo nêu trên để phục vụ công tác tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân.
 
HỆ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO TRONG VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII CỦA ĐẢNG
 
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã trình bày hệ thống quan điểm chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hệ quan điểm chỉ đạo này có ý nghĩa rất quan trọng, chứa đựng những nội dung mới về nhận thức lý luận, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải quán triệt trong nhận thức và hoạt động thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới.
Kế thừa Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng đã trình bày hệ thống quan điểm chỉ đạo sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các quan điểm này có quan hệ biện chứng với nhau tạo thành một chỉnh thể phản ánh lý luận về công cuộc đổi mới của nước ta; cụ thể như sau:
Thứ nhất, quan điểm về kiên định và sáng tạo.
Đây là một quan điểm hàng đầu có ý nghĩa xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đổi mới. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng yêu cầu phải “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
 Có thể coi đây là quan điểm về “bốn kiên định”; đồng thời, đi liền với kiên định, Đảng ta cũng yêu cầu phải vận dụng và phát triển sáng tạo. Đảng ta xác định chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng. Thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua là nhờ Đảng ta kiên định, trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định và sáng tạo đối với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là hai mặt của một vấn đề thống nhất và biện chứng với nhau; kiên định phải trên cơ sở sáng tạo, còn sáng tạo phải trên cơ sở kiên định. Nếu “kiên định” mà không sáng tạo sẽ rơi vào bảo thủ, giáo điều, trái lại, “sáng tạo” mà không kiên định sẽ rơi vào chủ nghĩa cơ hội, xét lại, cực đoan, siêu hình. Cũng với ý nghĩa đó, có thể coi “bảo vệ” và “phát triển” là hai mặt của một vấn đề trong nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày nay, sự biến đổi vô cùng nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định của tình hình thế giới đang đặt ra nhiều thách thức cho việc kiên định và sáng tạo, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lê-nin, nắm thật vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên bám sát sự thay đổi của tình hình thực tiễn trong nước và thế giới.
Trải qua chặng đường hơn 90 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Đảng ta luôn kiên trì, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng; nhờ đó, tạo ra sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Tùy theo từng giai đoạn cách mạng cụ thể, Đảng ta đã đề ra chiến lược, sách lược, bước đi, mục tiêu phù hợp để giải quyết mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giữa dân tộc và giai cấp, giữa dân tộc và quốc tế, giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, trong bối cảnh thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán; sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn, chủ nghĩa thực dụng trong quan hệ quốc tế, đặt ra cả thời cơ và thách thức trong việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Vì vậy, phải kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đi đôi với tăng cường tiềm lực quốc phòng – an ninh, “tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”.
 Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đến nay đã trải qua 35 năm. Trong 35 năm đó, nhờ có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo với nhiều đột phá, như phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, đường lối chủ động, tích cực hội nhập quốc tế… nên đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Lý luận về đường lối đổi mới không ngừng được bổ sung và hoàn thiện, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo,… khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.
Vì vậy, phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì, kiên định đường lối đổi mới; đồng thời, tăng cường tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bổ sung những nhận thức mới, không ngừng hoàn thiện đường lối đổi mới, tổ chức thực hiện đường lối có hiệu quả hơn.
 Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chỉ rõ, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, phải kiên định và vận dụng sáng tạo các nguyên tắc xây dựng Đảng Cộng sản trong sạch, vững mạnh, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng nào xa rời những nguyên tắc đó sẽ không tránh khỏi rơi vào suy thoái, biến chất, tan rã, đánh mất vai trò lãnh đạo của mình. Bài học về sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô và một số đảng cộng sản ở các nước Đông Âu trước đây đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.
 Quan điểm chỉ đạo trên đây được Đại hội XIII của Đảng nêu ra là những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”.
Thứ hai, quan điểm về chiến lược phát triển tổng thể đất nước.
 Kế thừa và phát triển quan điểm của Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội làm trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Đảng ta đề cao lợi ích quốc gia – dân tộc nhưng không rơi vào chủ nghĩa dân tộc cực đoan, vị kỷ, mà phải dựa trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nhưng phải giữ vững độc lập, tự chủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ Đại hội XI, Đảng ta đã đề ra chủ trương phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững. Nhận thức về chủ trương này đến nay ngày càng rõ và sâu sắc hơn. Phát triển nhanh nhưng phải  bền vững, không được chủ quan, nóng vội; phát triển bền vững nhưng không để tụt hậu, chậm trễ, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Thực hiện các mục tiêu trong chương trình phát triển bền vững của Liên hợp quốc, ngày 25-9-2020, Chính phủ đã banh hành Nghị quyết số 136/NQ-CP, “Về phát triển bền vững”; trong đó, nêu rõ 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030, phấn đấu đạt mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong thời kỳ mới, chiến lược phát triển tổng thể đất nước đòi hỏi phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ hơn các nhiệm vụ, các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm”. Đến Đại hội XII, Đảng ta bổ sung, “phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm”; bởi vì, kinh tế gắn chặt với xã hội. Tuy nhiên, trong điều kiện chịu tác động rất mạnh mẽ của biến đổi khí hậu đến môi trường, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo vệ môi trường khi đề cập đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, “giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường”, bổ sung vấn đề “bảo vệ môi trường” vào mối quan hệ lớn là “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.
Đại hôi XIII của Đảng tiếp tục khẳng định nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, vì xây dựng Đảng liên quan đến sự sống còn của Đảng, đến bảo vệ Đảng, đến vận mệnh của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, khi nhấn mạnh tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta đồng thời cũng rất coi trọng nhiệm vụ xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; bởi vì, Đảng chỉ mạnh khi Nhà nước và hệ thống chính trị vững mạnh; Nhà nước thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, chính sách; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong đường lối của mình, Đảng ta coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, là nguồn lực nội sinh. Với tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, coi trọng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, coi trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Văn hóa gắn với con người, do con người sáng tạo ra nên Đại hội XIII của Đảng khi đề cập đến quan điểm về văn hóa luôn nhấn mạnh việc phát huy vai trò con người, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kế thừa Đại hội XI, Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm “tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên”. Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng yêu cầu phải gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa để bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, quan điểm về khơi dậy, phát huy mạnh mẽ các động lực phát triển.
Động lực là nhân tố thúc đẩy sự vận động, phát triển. Một xã hội, một tổ chức hay một con người nếu không có động lực hoạt động sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, cầm chừng, thậm chí là suy thoái, tan rã. Động lực bao gồm nhiều loại, như động lực vật chất, động lực tinh thần, động lực cá nhân, động lực tập thể, có động lực làm chuyển động cả một dân tộc, động lực bên trong, động lực bên ngoài… Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất coi trọng vai trò của việc nhận thức và phát huy các động lực trong cách mạng. Kế thừa và bổ sung những nhân tố tạo thành động lực của Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Có thể nói, điểm nhấn mới trong nhận thức về động lực của Đại hội XIII là phát huy mạnh mẽ ý chí tự cường dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Nếu như trước đây, khi đất nước bị xâm lược thì khát vọng độc lập, tự do là động lực to lớn đưa cả dân tộc vào cuộc hành quân vĩ đại đấu tranh chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc giành độc lập, tự do, thì ngày nay, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, không cam chịu đói nghèo, tụt hậu là động lực to lớn đưa cả dân tộc vào công cuộc phấn đấu vì một nước Việt Nam phát triển, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Về động lực trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, khoa học – công nghệ, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”. Đổi mới sáng tạo dựa trên thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là động lực rất mới mà chưa được đề cập đến trong các văn kiện của Đảng trước đây.
Thứ tư, quan điểm về phát huy các nguồn lực để phát triển.
Động lực và nguồn lực, tuy khác nhau, song có quan hệ chặt chẽ với nhau. Nguồn lực nếu được phát huy tốt sẽ biến thành động lực, tạo điều kiện cho động lực được thúc đẩy mạnh mẽ. Có thể phân chia các nguồn lực thành nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, nguồn lực trong nước và nguồn lực quốc tế; nguồn lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội… Kế thừa quan điểm về nguồn lực phát triển trong các văn kiện Đại hội XI, Đại hội XII, Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng xác định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Quan điểm trên đây cũng chính là đường lối, phương châm đối nội và đối ngoại trong thời kỳ mới.
Thứ năm, quan điểm về xây dựng Đảng gắn liền với xây dựng hệ thống chính trị, với xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
Đại hội XIII của Đảng xác định đây là những khâu thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau, tạo thành sức mạnh chính trị to lớn có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Kiên định với quan điểm “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”, “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”, Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”; phải “phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân”.
Hệ quan điểm chỉ đạo trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận qua 35 năm Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước. Hệ quan điểm đó là sự vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn đất nước và những biến đổi của tình hình thế giới. Các quan điểm thống nhất chặt chẽ với nhau, không thể coi nhẹ quan điểm nào, tạo thành nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới của Đảng, phản ánh đúng đắn cả mục đích và phương tiện, mục tiêu và phương thức để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc thực hiện trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với tầm cao mới.
 
TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG TRONG BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP
 
Trong hệ thống chính trị nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam có một vị trí rất quan trọng. Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Yêu cầu tất yếu đặt ra hiện nay là cần đảm bảo và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong bộ máy nhà nước nói chung và trong các cơ quan dân cử nói riêng.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là một tất yếu, xuất phát từ vị trí của hai cơ quan này trong bộ máy nhà nước. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; “Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý trí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”. Quốc hội và Hội đồng nhân dân chính là cơ quan đầu tiên được hình thành trong nhiệm kỳ mới, là khởi đầu của sự hình thành các cơ quan trong bộ máy nhà nước, ở Trung ương là Chủ tịch nước, Chính phủ…, ở địa phương là ủy ban nhân dân.
Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 là tiền đề thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình; kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức, Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội”.
Để bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy nhà nước, trước hết cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu dân cử. Báo cáo tổng kết cuộc bầu cử năm 2016 của Hội đồng bầu cử quốc gia cũng khẳng định: “1 trong 5 nguyên nhân dẫn tới sự thành công của cuộc bầu cử là sự lãnh đạo sát sao của Bộ Chính trị và các cấp ủy đảng trong từng bước triển khai, chuẩn bị bầu cử”.
Nội dung, yêu cầu đối với sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp
Sự lãnh đạo của Đảng trước hết là để bầu được Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp có tính đại diện, bảo đảm cơ cấu và chất lượng đại biểu. Đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phải có đủ sức, đủ tài để thay mặt nhân dân quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.
Sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chuẩn bị bầu cử và các giai đoạn của quá trình bầu cử cần tuân theo quy định quả Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.
Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đồng thời với việc tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác chuẩn bị bầu cử.
Ngay từ đầu năm 2020, Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng “Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”. Đề án đã được báo cáo Bộ Chính trị và trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến. Kết quả của Đề án là Kết luận số 174-TB/TW, ngày 8-6-2020, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026”.
Với sự tích cực chuẩn bị của Đảng đoàn Quốc hội, mọi công tác chuẩn bị cho bầu cử đều được triển khai sớm hơn các nhiệm kỳ trước. Hội đồng bầu cử quốc gia được Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 9, sớm hơn 1 kỳ họp so với kỳ bầu cử trước đây. Thành phần của Hội đồng bầu cử quốc gia được xác định theo đúng quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, gồm đại diện Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mật trận tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành và một số ban của Đảng. Trong số 21 thành viên Hội đồng bầu cử quốc gia có 6 thành viên là Uỷ viên Bộ Chính trị.
Tiêu chuẩn về nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương, nhân sự đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã được quy định trong Kết luận số 174-TB/TW của Bộ Chính trị và sau đó được Ban Tổ chức Trung ương có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn. Đây chính là tiền đề quan trọng để lựa chọn đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân chuyên trách, lực lượng nòng cốt của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Cùng với đó, các văn bản chỉ đạo bầu cử được các cơ quan nghiên cứu, xây dựng công phu, kỹ lưỡng, có tổng kết những ưu điểm, nhược điểm trong chỉ đạo bầu cử trước đây và bổ sung những điểm mới cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Ban hành chỉ thị, hướng dẫn cuộc bầu cử
Để chỉ đạo cuộc bầu cử, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 20/6/2020, “Về lãnh đạo cuộc bần cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” với 7 nội dung, trong đó tập trung vào công tác nhân sự, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn bầu cử, công tác tuyên truyền, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị giao trách nhiệm cho từng cấp ủy đảng ở Trung ương và địa phương. Theo đó, các tỉnh ủy, thành ủy đều thành lập ban chỉ đạo để lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, làm tốt công tác giới thiệu người ứng cử ở địa phương, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp ở địa phương.
Tiếp sau Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị, các cơ quan của Đảngđã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn bầu cử, cụ thể là: Uỷ ban Kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW, ngày 2-2-2020, “Về việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp”;Ban Tổ chức Trung ương ban hành Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20-01-2021, “Về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”; Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn soos169-HD/BTGTW, ngày 22-01-2021, về “Tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành các chỉ thị về lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Lãnh đạo về công tác nhân sự
Công tác nhân sự được lãnh đạo thực hiện tốt, nhằm bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Đảng lãnh đạo việc giới thiệu cán bộ, đảng viên trong cơ quan, tổ chức, đơn vị ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Những người được giới thiệu đều bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Đảng, Nhà nước và của pháp luật; đồng thời, là những người thực sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm lập trường chính trị vững vàng, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Tỷ lệ đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân là phụ nữ và người dân tộc thiểu số luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Năm 2006, Quốc hội đã thông qua Luật bình đẳng giới, quy định tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước” đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%; ngày 20-1-2018, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW, “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”.
Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng và quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến cơ cấu, thành phần người ứng cử đại biểu Quốc hội để bảo đảm số lượng phụ nữ đước giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp đạt ít nhất 35% tổng số trong danh sách ứng cử chính thức. Thời gian tới sẽ tiến hành bước hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân. Sau bước hiệp thương lần thứ hai, danh sách sơ bộ người ứng cử cho thấy tỷ lệ người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ hiện đạt tỷ lệ cao, chiếm 44,15% tổng số người ứng cử.
Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong dự kiến người dân tộc thiểu số giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội và ban hành hướng dẫn để bảo đảm tỷ lệ hợp lý trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương. Quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của hội đồng nhân dân.
Rút kinh nghiệm trong các kỳ bầu cử trước đây, hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội được Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội,bảo đảm quy định về bảo vệ an ninh chính trị nội bộ. Kiên quyết không đưa vào danh sách ứng cử những người không đủ tiêu chuẩn, người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm quy định số 126-QĐ/TW, này 28-2-2018, của Bộ Chính trị, về “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội. Uỷ ban bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cũng quán triệt thực hiện nghiêm túc yêu cầu giới thiệu người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân đủ tiêu chuẩn.
Việc giới thiệu phải đảm bảo giữa tiêu chuẩn và cơ cấu; theo đó, phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Hội nghị hiệp thương lần thứ hai lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội, có nhiều người ứng cử có trình độ đại học và trên đại học (59,36% người có trình độ trên đại học).
Việc lựa chọn giới thiệu người ứng cử để làm đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được Đảng coi trọng, đặt ra tiêu chuẩn cao, như có trình độ đại học trở lên, có sức khỏe và độ tuổi theo quy định. Người ứng cử đại biểu Quốc hội theo chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói chung phải trải qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ từ vụ trưởng và tương đương, chức vụ giám đốc sở, ngành và tương đương trở lên; có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh thứ trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ trong các lực lượng vũ trang thì phải trải qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức danh cục trưởng, vụ trưởng và tương đương, chỉ huy trưởng bộ chỉ huyu quân sự tỉnh, chỉ huy trưởng bộ đội biên phòng tỉnh, giám đốc công an tỉnh và tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ Đại tá trở lên. Đối với một số lĩnh vực cần thiết phải cơ cấu đại biểu Quốc hội, nhưng không có nhân sự cấp vụ trưởng và tương đương đáp ứng yêu cầu thì Đảng đoàn Quốc hội phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định từng trường hợp phó vụ trưởng cụ thể, bảo đảm đúng quy định.
Người ứng cử làm đại biểu Quốc hội chuyên trách để làm phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương phải là tỉnh ủy viên, đang giữ chức vụ giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, có quy hoạch một trong các chức danh sau: Uỷ viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định của cơ quan có thẩm quyền về đại biểu Quốc hội chuyên trách, trong đó có các quy định về chức vụ, độ tuổi; có đánh giá khách quan, thận trọng về năng lực, trình độ, uy tín và khả năng tham gia làm đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Quy trình hiệp thương lần thứ nhất, lần thứ hai và lần thứ ba về cơ cấu, số lượng, lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp được thực hiện công khai , dân chủ, theo đúng quy định của pháp luật và Nghị quyết số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTVMTTQVN, ngày 15-1-2021, của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, về “Hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”; đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về công tác nhân sự.
Lãnh đạo trong công tác thành lập tổ chức phụ trách bầu cử
Tổ chức phụ trách bầu cử, từ Hội đồng bầu cử quốc gia ở Trung ương đến tổ bầu cử - tổ chức phụ trách bầu cử ở cấp cơ sở có vai trò quan trọng trong thành công của cuộc bầu cử. Có gần 12.000 ủy ban bầu cử, gần 90.000 ban bầu cử ở cấp tỉnh, huyện, xã và khoảng 90.000 tổ bầu cử. Tính trên cả nước, có hơn 1 triệu người tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử, đây không phải công việc chuyên trách, thường xuyên mà cứ 5 năm mới thực hiện lại, nhiều người ở tổ bầu cử có độ tuổi cao, trên 60 tuổi, không phải cán bộ, công chức nhà nước.
Do vậy, việc lựa chọn nhân sự tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng; lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được quần chúng nhân dân tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm thực hiện công tác bầu cử.
Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử ở Hội đồng bầu cử quốc gia, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bầu bổ sung, thay thế Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên Hội đồng bầu cử quốc gia không tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Thành viên tổ chức phụ trách bầu cử, đặc biệt là thành viên tổ bầu cử đều được tập huấn, nắm vững ngiệp vụ bầu cử để tránh sai sót, thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Một số điểm cần quan tâm trong thời gian tới
Trong thời gian từ nay đến khi bắt đầu kỳ họp đầu tiên của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp khóa mới còn rất nhiều công việc quan trọng phải thực hiện, như lập danh sách cử tri, ngày bỏ phiếu bầu cử, … có một số việc cần tiếp tục quán triệt sự lãnh đạo của Đảng để cuộc bầu của đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả tốt, cụ thể như sau:
Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các văn bản chỉ đạo của Đảng, quy định của pháp luật về bầu cử để tổ chức cuộc bầu cử an toàn, đúng pháp luật, là ngày hội của toàn dân, lựa chọn ra người đại diện xứng đáng trong Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
Hai là, tổ chức tốt hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Đây là bước quan trọng lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, uy tín để đưa ra cử tri bầu vào ngày 23-5-2021. Việc đưa ra khỏi danh sách người do cơ quan, tổ chức giới thiệu và người tự ứng cử cần bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng về cơ cấu, thành phần đã dự kiến, được sự đồng tình của dư luận và nhân dân. Không để lọt vào danh sách ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn, có vi phạm pháp luật về bầu cử.
Ba là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Nôi dung kiểm tra, giám sát bám sát tiến độ quy trình bầu cử, tăng cường kiểm tra, giám sát ở cơ sở, từ những việc nhỏ, cụ thể, để tránh sai sót. Có những sai sót tuy nhỏ nhưng ảnh hưởng tới cuộc bầu cử, như việc in sai tên ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2016 dẫn đến đã phải hủy bỏ kết quả bầu cử và tiến hành bầu cử lại.
Bốn là, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức vận động bầu cử bảo đảm đúng quy định của pháp luật, tạo sự công bằng giữa các ứng cử viên, bảo đảm ứng cử viên tiếp xúc được với nhiều cử tri nhất, tránh tình trạng tổ chức vận động bầu cử hời hợt, chiếu lệ.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa cuộc bầu cử, nắm vững thông tin về cuộc bầu cử (danh sách, tiểu sử, chương trình hành động của ứng cử viên, ngày bầu cử, địa điểm bầu cử, quy định pháp luật về bầu cử,…)để từ đó lựa chọn người xứng đáng trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Sáu là, đối với giải quyết khyếu nại, tố cáo với người ứng cử, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cần chủ động phân loại, xử lý và trực tiếp phối hợp với các cơ quan ở địa phương xem xét giải quyết hoặc chuyển đến các cơ quan ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết.
Bảy là,chủ động có phương án phòng, chống những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới an ninh, trật tự. Có các phương án đề phòng đại dịch COVID-19 bùng phát. Kỳ bầu cử lần này, Hội đồng bầu cử quốc gia lần đầu tiên có Tiểu ban phụ trách về y tế để chủ động ững phó với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và các tình huống phát sinh dịch bệnh trên diện rộng.
Tám là, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp là vấn đề quan trọng, cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tránh tư tưởng sau ngày 23-5-2021 là đã chấm dứt cuộc bầu cử; sau ngày này, các tổ chức phụ trách bầu cử chưa kết thúc nhiệm vụ, mà theo quy định, còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là xác nhận tư cách người trúng cử.
Chín là, làm tốt công tác tập huấn ngiệp vụ bầu cử cho các tổ chức phụ trách bầu cử, nhất là các tổ bầu cử; bảo đảm thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử là những người có tâm huyết, trách nhiệm, nắm vững luật pháp về bầu cử, thành thạo công việc, giữ vững nguyên tắc trong việc bỏ phiếu, kiểm phiếu.
Đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp (Chủ nhật, ngày 23-5-2021), các tổ chức đảng, đặc biệt là ở địa phương, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền về bầu cử, thông tin về người ứng cử; tổ chức việc vận động bầu cử thiết thực, theo đúng quy định của pháp luật; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tại điểm bỏ phiếu; có các phương án bảo đảm an ninh, trật tự, phương án trong tình huống đại dịch COVID-19 bùng phát; hoàn thiện hồ sơ, tài liệu sau bầu cử; xác nhận tư cách người trúng cử.
 
CUBA SAU 10 NĂM CẬP NHẬT HÓA MÔ HÌNH KINH TẾ
 
Ngày 19/04/2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Cuba ( Đại hội VIII) bế mạc sau 4 ngày làm việc, đánh dấu quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba đã thực hiện được 10 năm. 10 năm qua, mặc dù ban lãnh đạo của Cuba đã trải qua sự thay đổi từ thế hệ cách mạng sang thế hệ hậu cách mang, nhưng tiến độ và nhịp độ của công cuộc cải cách vẫn không bị gián đoạn, từ đó có thể kỳ vọng vào 10 năm cập nhật hóa mô hình kinh tế tiếp theo.
Nhìn lại quá trình cập nhật hóa mô hình từ Đại hội VI và Đại hội VII
Đại hội VI Đảng Cộng sản Cuba năm 2011 được xem là khởi điểm của qúa trình cập nhật hóa mô hình kinh tế Cuba, nhưng trước đó Cuba đã tìm tòi và tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm khả thi. Kể từ khi trở thành người đại diện của cơ quan hành chính cao nhất Cuba vào năm 2006, và sau đó được chính thức bầu làm Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Cuba năm 2008, Raul Castro đã nhiều lần trình bày về vấn đề cải cách kinh tế của Cuba, điều này cho thấy ý tưởng về cập nhật hóa mô hình đã bắt đầu hình thành từ đó.
Không chỉ vậy, Raul Castro còn nhanh chóng bắt tay thực hiện ý tưởng của mình. Sau đó, Cuba bắt đầu nới lỏng hạn chế đối với lưu thông hàng hóa và giao dịch ngoại hối, từng bước mở cửa thị trường kinh doanh ô tô và bất động sản. Chính phủ cũng tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp " phân phối theo lao động" để cải cách hệ thống tiền lương hiện hành, từng bước nâng cao thu nhập của người lao động. Bên cạnh đó, Raul Castro cũng nhận thức được rằng chỉ khi có những thay đổi về cơ cấu kinh tế và quan niệm tư tưởng thì mới phù hợp với đặc điểm của đất nước. Dó đó, Raul Castro tuyên bố sẽ cắt giảm 500.000 công chức, viên chức nhà nước và bổ sung thêm 250.000 lao động tự do trước Đại hội VI. Lần tinh giản công chức, viên chức quy mô lớn, gây chấn động vào thời điểm đó đã trở thành liều thuốc mạnh cho công cuộc cải cách kinh tế của Cuba.
Đại hội VI năm 2011 là một kỳ đại hội có ý nghĩa đặc biệt trọng lịch sử Cuba, không chỉ vì Đảng Cộng sản Cuba tổ chức thành công đại hội sau 14 năm, mà còn do đại hội lần này đã chính thức thông qua và ban hành " Đường lối chính sách kinh tế - xã hội", trở thành văn kiện mang tính cương lĩnh để dẫn dắt Cuba cập nhật hóa mô hình kinh tế. Văn kiện này bao gồm mọi khía cạnh của nền kinh tế và xã hội, nội dung phong phú của nó đã trở thành mô hình quan trọng để Chính phủ Cuba xây dựng các kế hoạch kinh tế: về mục tiêu, không những sẽ tiếp tục tập trung vào nền kinh tế kế hoạch, mà còn tính đến vai trò của thị trường, về hình thức, thừa nhận và khuyến khích các hình thức sở hữu như liên doanh và lao động tự do; trong các vấn đề cụ thể, sẽ tiếp tục duy trì chăm sóc y tế và giáo dục miễn phí, nhưng giảm chi tiêu  xã hội quá mức và các khoản trợ cấp không cần thiết của chính phủ, sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài để hạn chế nguồn vốn của các đơn vị sản xuất chảy ra nước ngoài; cam kết từng bước loại bỏ hệ thống tiền tệ kép. Có thể nhận thấy công cuộc cải cách kinh tế của Cuba trong giai đoạn này đã bắt đầu dần đi đúng hướng, khác với sự cải cách phiến diện hoặc trên một số phương diện trước đây. Cuba đã tiến hành một cách có ý thức công cuộc cải cách toàn diện và mang tính cơ cấu đối với mô hình phát triển kinh tế của mình.
Năm 2016, Đại hội VII đã thông qua 3 văn kiện quan trọng, lần lượt là Khái niệm về cập nhật hóa mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa Cuba, Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội toàn quốc đến năm 2030, Cập nhật các chủ trương, chính sách kinh tế - xã hội của đảng và cách mạng. Trong đó, Khái niệm về cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội chủ nghĩa Cuba là tài liệu lý luận đầu tiên do Đảng cộng sản Cuba xây dựng, chủ yếu thảo luận về 4 khía cạnh là nguyên tắc của mô hình và những thay đổi chính của nó,quyền sở hữu tư liệu sản xuất, lãnh đạo kế hoạch kinh tế và chính sách xã hội. Dễ nhận thấy Đại hội VI và Đại hội VII có nhiều điểm tương đồng về quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế như Cuba không thực hiện tư hữu hóa và không để quy luật thị trường phát huy vai trò chủ đạo trong mô hình. Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện những điểm sáng mới như mặc dù quá trình cập nhật mô hình kinh tế của Cuba chủ yếu dựa trên đặc điểm cách mạng, nhưng cũng tham khảo kinh nghiệm của các nước, mục tiêu của mô hình Cuba là xây dựng chủ nghĩa xã hội thịnh vượng và bền vững...
So sánh hai kỳ đại hội có thể thấy bên cạnh những kết quả mà quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế đã đạt được, Cuba cũng đang phải đối diện với những thách thức: một mặt, quá trình này đã đạt được sự đồng thuận cao trên cả nước, là xu thế không thể đảo ngược trong lịch sử Cuba.
Mặt khác, hiệu quả của cải cách chưa rõ rệt, kinh tế tăng trưởng chậm, mô hình kinh tế đơn nhất chưa được cải thiện từ căn bản. Bên cạnh đó, nó còn thúc đẩy sự thay đổi của trào lưu tư tưởng xã hội, bắt đầu xuất hiện nhiều cuộc thảo luận về nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Nhìn chung, quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba trong giai đoạn này vẫn tương đối dè dặt, chưa có những bước đột phá lớn hơn.
Ý tưởng và thiết kế của Đại hội VIII về quá trình cập nhật hóa mô hình
Trong giai đoạn từ Đại hội VII đến Đại hội VIII, tình hình ở trong và ngoài nước Cuba đã có những thay đổi phức tap. Công cuộc cải cách kinh tế của Cuba bắt đầu được thúc đẩy nhanh hơn và giai đoạn này đã xảy ra ba sự kiện mang tính bước ngoặt:
Một là, vào tháng 4/2019, Cuba đã ban hành Hiến pháp mới. Hiến pháp mới có nhiều " lần đầu tiên" trên phương diện kinh tế như lần đầu tiên thừa nhận thị trường, lần đầu tiên thừa nhận vai trò của vốn nước ngoài, cung cấp sự đảm bảo về pháp lý và thể chế cho quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba. Hai là, vào tháng 7/2020, Cuba tuyên bố dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với đồng USD, như được tự do sử dụng đồng USD và dỡ bỏ mức thuế 10% đối việc sử dụng đồng USD. Những điều này cho thấy quyết tâm phát triển theo hướng cải cách tiền tệ  của ban lãnh đạo mới.Ba là, vào tháng 1/2021, Cuba đã khởi động tiến trình cải cách tiền tệ,tuyên bố bãi bỏ hệ thống kép về tiền tệ và tỷ giá hối đoái của Cuba.
Đại hội VIII đã thông qua Nghị quyết cập nhật hóa mô hình kinh tế và xã hội chủ nghĩa Cuba vào ngày làm việc cuối cùng, nhấn mạnh Cuba hiện đang ở trong giai đoạn lịch sử quan trọng của công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, chủ quyền, độc lập, dân chủ, thịnh vượng và bền vững là những mục tiêu để xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Cuba. Nghị quyết này đã đặc biệt chỉ ra sự cần thiết của việc phải nhận thức được các hình thức sở hữu khác nhau và thực hiện đa dạng hóa quản lý. Nghị quyết này còn đề cập đến vai trò quan trọng của đổi mới công nghệ đối với sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.
Đại hội VIII đã đạt được đồng thuận 3 điểm về Nghị quyết cập nhật hóa mô hình kinh tế và xã hội xã hội chủ nghĩa Cuba: Một là, đồng ý tiến hành sửa đổi đối với hạng mục cập nhật hóa mô hình kinh tế và xã hội xã hội chủ nghĩa Cuba; hai là, Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Cuba sẽ chịu trách nhiệm nâng cấp khái niệm, lý thuyết và hành động đối với quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế; ba là đề nghị tiến hành phân tích vai trò của công nghệ số trong quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế.
Đại hội VIII có ý nghĩa quan trọng - kế thừa sự nghiệp của người đi trước trong quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba. So với Đại hội VI và Đại hội VII, nhận thức của Cuba về cập nhật hóa mô hình kinh tế trong Đại hội VIII, vừa có sự kế thừa vừa có sự phát triển: về khía cạnh kế thừa, Đại hội VIII đã tái khẳng định việc phát triển nền kinh tế quốc dân là một trong những nhiệm vụ chính của Đảng Cộng sản Cuba, nhưng sẽ không bao giờ sử dụng " liệu pháp sốc" đối với người dân và tầng lớp dân nghèo của Cuba, không bao giờ phá hoại lý tưởng cách mạng chính nghĩa và bình đẳng, cũng như không làm suy yếu sự đoàn kết giữa đảng và nhân dân. Cuba cần phải tiếp thêm sức sống cho công cuộc cập nhật hóa mô hình kinh tế, đồng thời tiến hành phân quyền, trao quyền cho cấp dưới giữa địa phương và trung ương, cấp cơ sở và cấp cao.Cuba chủ trương xóa bỏ định kiến lỗi thời về vốn nước ngoài, khuyến khích sử dụng vốn nước ngoài để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, nhưng không bao giờ có ý định thực hiện chủ nghĩa tự do mới và tư nhân hóa.
Về khía cạnh phát triển, lần đầu tiên Chính phủ Cuba có phản ứng tích cực đối với cuộc cải cách tiền tệ quy mô lớn. Báo cáo của Đại hội VIII nêu rõ Cuba sẽ kiên quyết loại bỏ những quan niệm có hại xuất hiện dưới sự bảo hộ của chế độ gia trưởng và chủ nghĩa quân bình, mức sống và tiêu dùng của người dân Cuba phải dựa vào thu nhập hợp pháp,thay vì do được trợ cấp và tiền lương không thích đáng.Mặc dù cuộc cải cách tiền tệ đã gây ra lạm phát nhiều hơn dự kiến, người dân Cuba vẫn chưa thể thích ứng với vật giá tăng cao, nhưng đây là giai đoạn cần thiết trong quá trình cập nhật hóa mô hình của nền kinh tế Cuba, sự thay đổi này sẽ góp phần cải thiện tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập xã hội.
Cuba bày tỏ sự khẳng định và kỳ vọng vào việc mở rộng phạm vi hoạt động của ngành kinh doanh tư nhân. Tháng 3/2021, Cuba tuyên bố xóa bỏ lệnh cấm kinh doanh tư nhân cho nhiều ngành nghề, mở rộng từ 127 ngành được phép hoạt động trước đây lên hơn 2.000 ngành, trong đó, chỉ có 124 ngành liên quan đến lợi ích cốt lõi của đất nước không mở cửa với bên ngoài. Về vấn đề này, báo cáo của Đại hội VIII một lần nữa nhấn mạnh rằng sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cũng giúp nâng cao hiệu quả và năng suất kinh tế của khu vực kinh tế quốc doanh.
Đảng Cộng sản Cuba bắt đầu phát hiện và giải quyết nhiều vấn đề hơn xuất phát từ chính mình, mặc dù nhiều vấn đề được đề cập đến nhưng chưa mang lại hiệu quả, trong đó có nhiều sự phê bình và tự phê bình gay gắt. Ví dụ, khi trình bày báo cáo tại đại hội, Raul Castro đã nêu rõ rằng hiện tượng quan liêu và tham nhũng là hai yếu tố chính cản trở sự phát triển của nền kinh tế Cuba.
Triển vọng của quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế: con đường phía trước tươi sáng nhưng không bằng phẳng
Sau Đại hội VIII, các cuộc thảo luận ở Cuba về quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế vẫn chưa kết thúc. Dưới tác động kép của đại dịch COVID-19 và sức ép tối đa từ Mỹ, Cuba đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất kể từ sau Liên Xô và Đông Âu tan rã, phải đối diện với  những khó khăn ở trong và ngoài nước; về kinh tế, GDP của Cuba năm 2020 giảm 11%, đây là mức kỷ lục thấp nhất trong 27 năm qua. Doanh thu từ du lịch và kiều hối giảm mạnh làm gia tăng sự suy giảm tính thanh khoản của nguồn vốn, nguy cơ vỡ nợ tăng cao và triển vọng phục hồi kinh tế ảm đạm. Về chính trị, di sản chính trị của Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn còn đó, đặc biệt là việc Trump kích hoạt lại chương 3 của Đạo luật Helms -Burton, vốn được cho là sự leo thang mới của các hoạt động xâm lược đối với Cuba. Chính quyền Joe Biden tuyên bố quan hệ Mỹ - Cuba không phải là ưu tiên hàng đầu và trong ngắn hạn quan hệ song phương khó có thể quay trở lại thời kỳ tốt đẹp như dưới thời Obama.
Từ tình hình hiện nay cho thấy việc Cuba vẫn còn nhiều vấn đề lịch sử cần giải quyết nếu muốn tiếp tục thúc đẩy quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế:
Một là, thẩm quyền của nhà lãnh đạo mới. Miguel Diaz-Canel xuất thân là một kỹ sư điện, là vị chủ tịch đầu tiên có bối cảnh dân sự kể từ cuộc Cách mạng Cuba đến nay.Tại Đại hội VII, Miguel Diaz-Canel cũng đã công khai cho biết sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Raul Castro về các vấn đề lớn.
Hai là, tính chuyên nghiệp của ban lãnh đạo. Chủ tịch Ủy ban cải cách kinh tế Cuba Marino Murillo sẽ không giữ vị trí chủ chốt trong công cuộc cải cách kinh tế, trong khi Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba đương nhiệm Alejandro Gil cũng không được đào tạo chính quy về kinh tế. Đo đó, tính chuyên nghiệp của đội ngũ phụ trách vấn đề kinh tế Cuba vẫn phải nâng cao hơn nữa.
Ba là, sự cập nhật về quan niệm và tư tưởng. Hiện nay, vẫn có quan chức chính phủ coi trọng quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba là quá trình do Mỹ và phương Tây lên kế hoạch nhằm lật đổ những thành tựu của cuộc cách mạng Cuba, cho rằng việc bãi bỏ hệ thống tiền tệ kép sẽ mang đến những hậu quả khôn lường. Những điều này cũng đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức đúng đắn của người dân Cuba đối với cải cách.
Bốn là, nâng cao vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hiện nay, các doanh nghiệp và hợp tác xã tư nhân vẫn bị gạt ra ngoài lề trong nền kinh tế và xã hội Cuba, không thể đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết vấn đề việc làm, thúc đẩy đổi mới và kích thích kinh tế tăng trưởng là do Cuba vẫn chưa chú trọng đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quá trình xem xét và thảo luận Đạo luật doanh nghiệp vừa và nhỏ của Cuba được khởi động từ 5 năm trước đã bị đình trệ, hiện vẫn đang có khoảng 100.000 người không có tư cách pháp nhân trong tổng số 600.000 lao động tự do đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân. Việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ thiếu căn cứ pháp lý đã khiến xuất khẩu của họ gặp trở ngại và bị hạn chế khi phải đi vay nợ. Điều này sẽ một lần nữa là suy yếu hiệu quả chung của cải cách. Tóm lại, ban lãnh đạo mới đang phải đối diện với lựa chọn quan trọng là quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế sẽ đi về đâu sau khi được thúc đẩy từ giai đoạn tương đối dè dặt sang giai đoạn nhanh chóng.
Tóm lại, trong 10 năm thực hiện tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế, Cuba đã có nhiều bài học kinh nghiệm, công cuộc cải cách nhìn chung đang được thúc đẩy một cách thận trọng. Trong những năm gần đây, trên cơ sở kiên trì đường lối mở cửa kinh tế, Chính phủ  Cuba đã dám bước ra khỏi vùng an toàn và có nhiều hành động mang tính đột phá. Đây hoàn toàn không phải là quyết sách mạo hiểm và cực đoan của nhà cầm quyền, mà là quyết sách sau khi đã cân nhắc thận trọng, khiến tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba có những nội hàm mới.Bên cạnh đó, cũng cần nhận thức tỉnh táo rằng công cuộc cải cách của Cuba cũng đã bước vào thời kỳ quan trọng, trong tương lai thúc đẩy cải cách đi vào chiều sâu vẫn là nhiệm vụ lịch sử đối với quá trình cập nhật hóa mô hình kinh tế của Cuba.
 
BÀI HỌC TỪ CƠN “SÓNG THẦN” COVID -19 Ở ẤN ĐỘ
 
Sau 4 thập kỷ viết về Châu Á trong vài trò nhà báo và nhà văn, tác giả (Ravi Velloor – Phó tổng biên tập The Straits Times) tưởng rằng mình đã chứng kiến gần như mọi loại thiên tai gây chết người hàng loạt.
Bạo lực cộng đồng nhằm vào người Sikh đã nổ ra và kéo dài suốt 1 tuần trong tháng 11/1984, vài ngày sau khi 2 người Sikh chĩa súng vào nhân vật mà họ đang bảo vệ - Thủ tướng Indira Gandhi. Sự sùng đạo – một điểm yếu chung của con người- đã khiến bà bị sát hại và gây ra phản ứng khiến hàng nghìn người Sikh thiệt mạng tại thủ đô New Delhi và một số bang ở miền Bắc Ấn Độ.
Chỉ 1 tháng sau đó, tác giả đã có mặt tại thành phố Bhipal ở miền Trung Ấn Độ sau khi xảy ra vụ việc được coi là thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất mọi thời đại. Sự yếu kém trong khâu bảo quản đã dẫn tới việc một lượng nước lớn được đưa vào các thùng chứa methyl isocyanate tại nhà máy sản xuất thuốc trừ sau Union Carbide, gây ra phản ứng tỏa nhiệt và khiến cho khí độc rò rỉ ra bên ngoài.
Cho đến hôm nay, lời thì thầm của người đàn ông đã may mắn thoát chết, cho dù phổi bị tổn thương nghiêm trọng, vào cái đêm đầu đông đó, khi chất khí không màu này len lỏi vào căn hộ của ông qua các kẽ hở trên cánh cửa, vẫn văng vẳng bên tai tác giả: “Chúng tối đã tự hỏi tại sao tối muộn thế này mà những người hàng xóm vẫn còn giã ớt”.
Vụ rò rỉ khí khiến ít nhất 3.800 người thiệt mạng và hơn nửa triệu người mang bệnh là hệ quả của một điểm yếu khác chung của con người – sự bất cẩn. Thảm họa trong trường hợp này cũng có liên quan đến chính trị. Nhà máy Union Carbide vốn được xây dựng bên ngoài thành phố, nhưng những người định cư bất hợp pháp đã lấn tới phần đất đối diện cổng nhà máy. Vì sợ mất phiếu bầu nên các chính quyền kế tiếp nhau đã hợp pháp hóa thành hành động lấn chiếm này.
Hai thập kỉ sau, vào tháng 12/2004, thảm họa sóng thần đã xảy ra ở Đông Nam Á, cướp đi sinh mạng của hơn 220.000 người, bao gồm một phần người dân sinh sống dọc bờ biển phía Đông Châu Phi. Điều đáng lo ngại là hiện tượng thiên nhiên này giờ diễn ra thường xuyên hơn ở Châu Á.
Xét ở một số khía cạnh, thảm họa y tế đang diễn ra ở Ấn Độ là sự kết hợp của ba thảm họa kể trên. Đó là một thảm họa thiên nhiên nhưng đã trở nên trầm trọng hơn bởi sự tự mãn, sự yếu kém trong quản lý và trò chơi quyền lực của con người. Có lẽ điều trớ trêu là thảm họa này lại xảy ra đúng vào tuần lễ thế giới kỉ niệm 35 năm ngày xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl tại Ukraine, khi đó vẫn là một phần của Liên Xô. Nếu cần rút ra một bài học từ thảm họa này, thì bài học đó sẽ là: Cẩn thận không bao giờ thừa.
Đã có đủ tin tức về thảm kịch Ấn Độ, nhưng con số thống kê dưới dây vẫn đáng chú ý: Số nhà báo tử cong vì COVID -19 ở Ấn Độ trong năm 2021 nhiều hơn số nhà báo thiệt mạng khi đưa tin về cuộc Chiến tranh Việt Nam kéo dài 2 thập kỉ. Trong số khoảng 100 nhà báo Ấn Độ thiệt mạng, có một cây bút đầy triển vọng, dày dặn kinh nghiệm, đang làm việc cho tờ The Economic Times và từng theo học tại Singapore cách đây 1 thập kỉ theo chương trình Học bổng báo chí Châu Á do Quỹ Temasek tài trợ. 4 nhà báo đã thiệt mạng cùng một ngày trong tháng 4/2021 tại Mumbai.
Hãy để Ấn Độ phán xét các nhà lãnh đạo nước này, đánh giá phản ứng của họ trước mối đe dọa COVID -19 và nhận định số người bệnh lẽ ra có thể cứu được. Phần còn lại chúng ta ở Châu Á có thể học được gì từ đó? Dưới dây là một số bài học rút ra được.
Virus tự mãn
Chúng ta hãy tán thưởng việc các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đeo khẩu trang khi tham dự cuộc họp tại Jakarta hôm 24/4. Ảnh chụp cho thấy một số người còn đeo 2 khẩu trang. Điều này truyền đi một thông điệp quan trọng từ các nhà lãnh đạo cấp cao nhất. Chẳng có gì phải xấu hổ khi bị cho là quá cẩn thận.
Số ca nhiễm giảm khiến Chính phủ và người dân Ấn Độ lầm tưởng về tình trạng an toàn là lơ là cảnh giác. Và họ, kể cả những người giàu có mà phần lớn đã tránh được đợt bùng phát đầu tiên và năm 2020, đang phải trả giá cho điều này.
Chính trị cũng góp phần gây ra tình trạng hỗn loạn này. Thủ tướng Narendra Modi, người đã dược tiêm vaccine ngừa COVID -19 hôm 1/3, không chỉ tiếp đón hàng đoàn người đi bỏ phiếu khi vận động tranh cử cho Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) ở một số bang mà còn nói chuyện với họ mà không đeo khẩu trang. Từ ngày 11/3, người Hindu, đã hành hương đến sông Hằng để tham gia lễ hội tẩy trần. Trước sự khuyến khích của các nhà lãnh đạo Hindu theo chủ nghĩa dân tộc, hàng triệu người đã tham dự lễ hội này, khiến nó trở thành một sự kiện siêu lây nhiễm.
Hiện tượng tự mãn không chỉ có Ấn Độ. Chẳng hạn, người ta có thể nhìn thấy rõ dấu hiệu của tình trạng mệt mỏi vì COVID -19 tại nhiều nơi ở Đông Nam Á. Các chợ đêm hoạt động tháng Ramadan và các trung tâm thương mại sầm uất vào cuối tuần.
Một số nước khác cũng đang phải trả giá. Mới đây, Chính phủ Malaysia đã ra lệnh đóng cửa hàng chục trường học tại bang Selangor và Penang sau khi xuất hiện những ổ dịch mới. Theo Bộ Y tế nước này, 49 ổ dịch đã được phát hiện tại khu vực trường học. Mặc dù Chính phủ Maylaysia tìm cách ngăn chặn dòng người đổ về các làng trong tháng Ramadan, nhưng họ vẫn cho mở các chợ đêm để mọi người mua thức ăn. Một làn sóng COVID -19 lớn khac có thể gây tổn thất cho các nền kinh tế trong khu vực.
Các biến thể đáng quan tâm và lo ngại
Khi đề cập đến các chủng virus và biến thể của chúng, người ta không biết tình hình sẽ thế nào. Nếu biến thể của virus SARS – Cov -2 ghé thăm thành phố của bạn, thì hãy cầu nguyện rằng nó đỡ nguy hiểm hơn. Ít nhất một vài trong số những nỗ lực hiện nay của Ấn Độ nhằm đối phó với đại dịch đã bị cản trở bởi một loại biến thể kép được phát hiện đầu tiên vào tháng 10/2020 và dược cho là đang lấy lan nhanh nhất tại bang trù phú Maharashtra với thủ phủ là thành phố Mumbai.
Mặc dù Ấn Độ dường như đang chịu ảnh hưởng nặng hơn so với các nước, nhưng điều đáng sợ là tình hình lẽ ra còn tồi tệ hơn thế. Biến thể Ấn Độ có vẻ bớt nguy hiểm hơn so với biến thể Anh. Tuy nhiên, phần lớn các biến thể đã biết – trong đó các biển thể Anh, Brazil và Nam Phi – đều xuất hiện ở Ấn Độ. Nước này đang trong tình thế nguy hiểm vì họ đã lơ là cảnh cảnh giác tại thời diểm tồi tệ nhất – khi các biến thể lây lan.
Không một quốc gia nào, nhất là những quốc gia đông dân và có mật độ dân số cao, được phép lơ là cảnh giác. Các thành phố Manila, Jakarta, Bangkok và Hong Kong – hãy lưu ý điều này.
Thái Lan hiện đang trải qua một làn sóng lây nhiễm mới mà tâm điểm là Bangkok. Ngày 27/4, thành phố này ghi nhận 901 ca nhiễm mới trong tổng số 2.048 ca nhiễm trên cả nước, trong đó chỉ có ca 10 ca nhiễm nhập cảnh. Canada đang trong đợt lây nhiễm thứ ba. Kể từ khi Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, việc tiêm phòng cho người cao tuổi đã được tiến hành một cách khẩn trương. Tuy nhiên, giờ đây, số ca nhiễm trong số người thuộc độ tuổi thanh niên cũng đang gia tăng. Ngày 26/4, tờ The New York Time đưa tin tỷ lệ thanh niên nhập viện vì nhiễm COVID -19 trên toàn bang Michigan, vốn đang trải qua đợt bùng phát nguy hiểm nhất cho đến nay, đã cao hơn so với các giai đoạn trước của đại dịch. Việc ngăn cấm du khách đến từ các nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch thực sự có thể giúp làm giảm tốc độ lây lan. Tuy nhiên, một khi virus đã xuất hiện, thì đó là mối đe dọa đối với toàn cầu.
Tăng cường khả năng chống đỡ
Như tờ The Straits Times đã lưu ý vào tháng 2/2020, các nước tiên tiến từ lâu đã biết rằng mối đe dọa lớn tiếp theo đối với nền văn minh cũng có thể đến từ dịch bệnh. Quả thực, chiến tranh sinh học rất có thể xảy ra do con người đã đạt được nhiều tiến bộ trong lĩnh vực khoa học.
Tình trạng bất cân xứng về sức mạnh ở mức độ đáng kể đang diễn ra ở Châu Á, và điều này khích lệ các bên tham gia nhà nước và phi nhà nước cân nhắc việc sử dụng vũ khí sinh học như một công cụ để cóa bỏ sự chênh lệch này. Hơn một chục nước trên thế giới, trong đó có một số nước thuộc nhóm P5 (nhóm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) và nhóm G8 (nhóm 8 quốc gia có nền công nghiệp hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Italya, Nhật bản, Anh, Mỹ, Canada và Nga), đã và đang duy trì các chương trình vũ khí sinh học hoặc bị nghi ngờ làm vậy. Các quốc gia luôn nhận thức sâu sắc nguy cơ bị tấn công như Israel, Iran và Triều tiên cũng nằm trong số hơn chục nước này.
Vũ khí sinh học thường được gọi là bom nguyên tử của người nghèo, và loại vũ khí này có sức hút đối với những kẻ khủng bố vì chi phí sản xuất tương đối thấp mà hiệu quả lại cao khi xét tới tác động tâm lý to lớn mà nó gây ra. Hãy vận dụng những bài học – về dược phẩm, thiết bị y tế, oxygen và các chuỗi cung ứng – rút ra từ Ấn Độ để xây dựng khả năng chống đỡ trong tương lai.
Mutti hay Modi – hãy lựa chọn
Năm 2021, Thủ tướng Đức Angela Merket, thường được gọi là “mutti” (tiếng Đức nghĩa là “mẹ”), sẽ rời nhiệm sở sau 16 năm giữ vị trí lãnh đạo.  Đặc trưng của 16 năm này là sự ổn định và bà được ghi nhận là người đã đưa nước Đức vượt qua nhiều sóng gió. Xét ở một số khía ạnh, sự bình dân, thái độ nghiêm túc khi theo đuổi mục tiêu và hành vi dễ đoán đã mang lại uy tín cho bà.
Sự nhanh nhạy, ngoại hình, khả năng hùng biện và sở thích gây kịch tính không phải là những điểm tiêu cực ở các nhà lãnh đạo, nhưng chúng bị lu mờ trước sự tận tụy và năng lực trong công việc. Đầu tháng 4/2021, tờ The Straits Times đã tập trung vào các nhà lãnh đạo độc tài và lý do giải thích vì sao họ phần lớn đều xấu đi trong con mắt người dân của mình.
Một trong những câu hỏi liên quan đến thảm họa tại Ấn Độ khiến tác giả trăn trở là điều gì đang diễn ra trong các cuộc thảo luận tại Ấn Độ khiến tác giả trăn trở là điều gì đang diễn ra trong các cuộc thảo luận tại nội các do Modi dẫn dắt. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan là một bác sĩ có đủ trình độ chuyên môn và còn là Chủ tịch Hội đồng chấp hành Tổ chức y tế thế giới. Hai trong số đồng nghiệp của Modi trong nội các là những nhân vật kiệt xuất từng công tác tại Bộ Ngoại giao Ấn Độ và đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho thế giới bên ngoài.
Phải chăng họ đã quên mất ảnh hưởng của làn sóng COVID – 19 thứ hai và thứ ba đối với nhiều nước, và phải chăng họ đã suy nghĩ rằng Ấn Độ có thể tránh được điều này? Hay phải chăng họ sợ mang lại tin xấu cho nhà lãnh đạo đầy tâm huyết của mình, người từng thuyết phục bản thân rằng ông đã chiến thắng cuộc chiến chống đại dịch này. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới được tổ chức vào tháng 1/2021, Modi đã nói: “Người ta dự đoàn rằng Ấn Độ sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhát từ đại dịch thế giới này. Giờ đây, Ấn Độ nằm trong số những nước đã thành công trong việc cứu được nhiều sinh mạng nhất”.
Ngày 21/2/2021, BJP đã tuyên bố trong một nghị quyết rằng họ có thể tự hào mà nói dưới sự lãnh đạo tài tình, nhạy bén, tận tụy và thể hiện tầm nhìn của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đãnh đánh bại COVID – 19. Xung quang thời điểm BJP thông qua nghị quyết của mình, tỷ lệ lây nhiễm ở Ấn Độ đã bắt đầu tăng. Đến giữa tháng 3/2021, nước này rõ ràng đã chứng kiến cơn “sóng thần” các ca nhiễm mới.
Tuy nhiên, ngày 29/3/2021, Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmaniam Jaishankar đã chỉ đạo việc công bố Sách trắng mang tên “Ấn Độ: Nhà thuốc thế giới mở rộng tầm với trong lĩnh vực y tế toàn cầu”. Tại sự kiện này, ông khen ngợi các tác giả của Sách trắng khi cho rằng Ấn Độ sẽ không chỉ là nhà thuốc của thế giới mà còn có thể đưa ra một loạt giải pháp y tế cho các nước khác. Ngẫm lại lúc này, khi Ấn Độ chiếm hơn 1/3 số ca mắc COVID -19 được ghi nhận trên toàn thế giới, tuyên bố trên dường như một câu nói đùa nhạt nhẽo. Xét cho cùng, người dân châu Á cần suy ngẫm xem tuýp nhà lãnh đạo nào đáp ứng tốt nhất lợi ích của họ.
Một cuộc chiến lâu dài                                            
Gần như chắc chắn rằng số ca tử vong vì COVID -19 trong năm 2021 sẽ nhiều hơn số ca ghi nhận được trong năm 2020. Nhiều người hẳn còn nhớ lá thư mà Phó Thủ tướng Vương Thụy Kiệt gửi Thủ tướng Lý Hiển Long, công bố quyết định rời khỏi cuộc chạy đua người kế nhiệm ở Singapore. Trong thư, ông viết rằng trước sự xuất hiện của các biến thể mới, nhiều người cho rằng đây sẽ là một cuộc khủng hoảng lâu dài. “năm nay tôi 60 tuổi. Vì cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài nên khi cuộc khủng hoảng kết thúc, tôi cũng gần 65 tuổi”. Những lời nói này cho thấy ông dự đoán cuộc khủng hoảng có thể kéo dài ít nhất 4 năm nữa.
Đó là một nhận định thực tế. Ngay từ năm 2020, các công ty dược hàng đầu thế giới đã biết rằng đại dịch này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm. làn sóng COVID -19 thứ hai ở Ấn Độ được cho là sẽ chạm đỉnh vào giữa tháng 5. Đừng nhầm lẫn: Cuộc chiến này chưa kết thúc, ngay cả với số không nhiều những nước đã tiến hành tiêm chủng đầy đủ cho người dân của mình.
 
Ban biên tập Website Thành ủy
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online12
Tất cả2569920