2017-10-25 08:32:05
Số lượt xem 1664
Nơi đây xưa là “thị xã đèn dầu”
Phố lép kẹp bám dài theo quốc lộ
Những phố Vệ, phố Tiền, làng Niềm, làng Đọ…
Chỉ ngọn muống vươn dài phủ kín những ao sâu…
(Thành phố trẻ- HP)
Ngược dòng thời gian từ khi nhập 2 tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang thành tỉnh Hà bắc đã 34 năm, thị xã Bắc Ninh không còn là thị xã tỉnh lỵ nữa, người dân vẫn thường gọi vui là “thị xã đèn dầu”, đến năm 1996 người dân vẫn chưa có nước máy sạch để dùng. Tái lập tỉnh Bắc Ninh 1-1-1997 là một mốc son đánh dấu bước khởi đầu một quá trình chuyển động toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội... của cộng đồng dân cư trong tỉnh, nhất là đối với thị xã tỉnh lỵ.Việc các nhà lãnh đạo nghĩ tới đầu tiên là công tác quy hoạch cho thị xã Bắc Ninh. Bản quy hoạch thị xã coi như bộ xương sống của thành phố Bắc Ninh sau này. Việc mở ra các trục không gian lớn khang trang ở quy hoạch khu trung tâm thành phố thể hiện một tầm nhìn rộng nhằm đáp ứng những yêu cầu phát triển lớn trong tương lai. Khu vực này sẽ tiêu biểu cho “hồn vía” của đô thị cả về kiến trúc cảnh quan, cả về lối sống và văn hóa. Các công trình công sở sẽ đặt chủ yếu ở khu trung tâm sẽ có những vị trí thích hợp với tầm nhìn tốt sẽ tạo được không gian hoành tráng và bề thế.
Thời gian không dài, nhưng đô thị Bắc Ninh dẫu còn non trẻ cũng đã hiện dần lên bộ mặt của nó, với hầu hết các công sở được xây dựng mới khang trang và bề thế. Nhìn chung đã khai thác được những nét tinh hoa của kiến trúc truyền thống kết hợp trong kiến trúc hiện đại, ở đó đã biết khai thác yếu tố mái ngói một cách sáng tạo, giản dị, mực thước mà cũng rất tinh tế, sắc sảo trong cốt cách của ngôi nhà Việt.
Công sở là nơi đại diện cho bộ mặt của chính quyền Nhà nước, kiến trúc công sở vì thế không chỉ thoả mãn cho nhu cầu làm việc của công chức, ý tưởng sáng tạo của các kiến trúc sư mà hơn hết, kiến trúc công sở là kiến trúc chính thống, góp phần định hướng phát triển kiến trúc, thể hiện đường lối chỉ đạo phát triển của địa phương, là một phần quan trọng của không gian kiến trúc đô thị nhằm tạo dựng bản sắc riêng cho đô thị, tạo nên một môi trường kiến trúc lành mạnh. Đó cũng là mơ ước và mong muốn của những người làm nghề vì đã đến lúc cuộc sống hôm nay buộc chúng ta phải tiến về phía trước với những công trình kiến trúc xứng đáng với tầm vóc của mình.
Công trình Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc là nơi tổ chức các hoạt động về mọi mặt: văn hóa, nghệ thuật, hội họp có tầm cỡ khu vực và quốc tế. Công trình được bố trí các hạng mục theo dạng hình cung tròn cũng phù hợp với yếu tố phong thủy của kiến trúc truyền thống. Mặt trước của Trung tâm là quảng trường rộng. Tiếp đến là hồ nước, sân khấu ngoài trời, cây xanh hai bên. Công trình mang dáng dấp đình chùa Kinh Bắc truyền thống với mái ngói phẳng, các hàng cột thấp, to khỏe, hòa quyện với không gian chung quanh. Bên cạnh đó, những mảng mái dốc để tạo nên một dấu ấn, một hình ảnh mới của Bắc Ninh. Với mái dốc này, công trình dường như vươn cao hơn, tạo sự thanh thoát mà vẫn bề thế.
Hai công trình được coi như bộ mặt của tỉnh là trụ sở HĐND & UBND tỉnh và trụ sở Tỉnh uỷ (đã được tặng Giải thưởng Kiến trúc quốc gia) được nghiên cứu khá nhuần nhuyễn khi sử dụng hệ mái dốc và hài hoà trong bố cục mặt bằng, mặt đứng công trình. Là công sở nhưng nó gần gũi, ấm cúng với mọi người. Phần nội thất cũng như không gian sân vườn được bố trí hợp lý trên một khu đất được coi là đắc địa. Công trình được hoàn thành năm 2000, tuy hình khối, đường nét chưa thật hoành tráng, hiện đại, song nó được chấp nhận khi nó toạ lạc ở một miền đất có bề dày lịch sử văn hoá, nền nếp "có lịch có lề" thì sự hài hoà là một triết lý sống mang tính truyền thống.
Thực tế trả lời: những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền tỉnh và thành phố Bắc Ninh là bước đi ban đầu đúng hướng, đột phá mở đường cho sự phát triển bộ mặt của thành phố Bắc Ninh. Với nhận thức: không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan và điêu khắc là ba yếu tố quan trọng làm nên vẻ sang trọng, khẳng định sự phát triển và bộ mặt của đô thị tương lai, cho tới nay, thành phố Bắc Ninh có đến 3 tượng đài hoành tráng về những người có công với đất nước, với quê hương. Đấy là tượng đài Vua Lý Thái Tổ, tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và nhà cách mạng tiền bối Hoàng Quốc Việt đều ở những vị trí trang trọng nhất của thành phố. Các tượng đài đều được tuyển chọn kỹ lưỡng, đã góp phần giáo dục lòng yêu nước, tìm hiểu lịch sử, tự hào về truyền thống của cha ông, giúp nâng cao năng lực cảm thụ thẩm mỹ của người dân thành phố.
Đài tưởng niệm các AHLS tỉnh Bắc Ninh thực sự là một công trình mang tính cách mạng trong ngôn ngữ biểu hiện, vượt ra khỏi hình dáng thường thấy của thể loại đài tưởng niệm để tìm đến sự cô đọng, khái quát có tính tư tưởng nghệ thuật, vừa hoành tráng, vừa giầu chất thơ. Ý tưởng kiến trúc của công trình Đài tưởng niệm các AHLS tỉnh Bắc Ninh được chắt lọc từ những tinh hoa của vùng đất và con người Bắc Ninh. Ba cây chụm lại, như nhắc lại tâm tưởng của triết lý cha ông về sự đoàn kết, về sức mạnh. Tất cả đều có thể hình dung ra từ khả năng biểu hiện đa nghĩa của công trình này.
Các đảo giao thông lớn của thành phố cũng được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng với những hình tượng có thẩm mỹ cao tôn vinh mảnh đất Kinh Bắc nghìn năm văn hiến. Tuy mới nằm trong ý tưởng, đang được hoàn chỉnh để xây dựng, nhưng đã cho ta những cảm nhận thẩm mỹ sâu sắc. Đó là sơ phác biểu tượng Rồng ở Ngã Sáu - nút giao thông lớn nhất của trục đường Thần đạo mang tên Lý Thái Tổ, với biểu tượng của chín đời vua triều Lý ở đây là hoàn toàn phù hợp với không gian và cảnh quan kiến trúc, tạo nên điểm nhấn cho thành phố Bắc Ninh.
Đảo giao thông ở cửa ngõ phía tây bắc thành phố sẽ là những biểu tượng về giao duyên quan họ hoặc truyền thống hiếu học của cha ông ta. Ngay cả cột cờ thành phố, tuy nhỏ hẹp nhưng cũng được tạo hình gây được ấn tượng thẩm mỹ!
Đến nay quy hoạch thành phố liên tục được điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình đô thị hoá ngày càng phát triển của đô thị tương lai. Mai đây, khi đường H (chưa có tên chính thức) ở phia tây bắc thành phố rộng 100m được xây dựng sẽ tăng chiều dầy cho thành phố trung tâm với những công trình cao tầng hiện đại. Không gian kiến trúc lúc này sẽ thực sự xứng tầm của một đô thị trung tâm loại I.
Sắp tới, những công trình đang hoặc sẽ xây dựng ở thành phố sẽ là những công trình cao tầng nhà ở kết hợp với dịch vụ, thương mại cùng với các trung tâm công cộng khác, bộ mặt đô thị sẽ được bề thế hơn lên. Đấy là Cung Quy hoach với hình khối hiện đại, mang dáng dấp của giao duyên quan họ; đấy là Nhà hát Quan họ với hình khối khúc triết, đơn giản, hiện đại mà vẫn đậm đà hồn vía dân tộc; cùng với những khu nhà ở cao cấp đẹp đẽ cho người Bắc Ninh quý trọng chữ “tình” Thành phố Bắc Ninh nằm trong vùng đất cổ. Đây là vùng đất tiêu biểu của nền văn hiến, cũng là nơi hội tụ những tinh hoa văn hóa của xứ Kinh Bắc, chiếc nôi của nền văn minh lúa nước. Ngay từ năm 1938 thị xã Bắc Ninh đã được xếp vào thành phố thứ 5 của xứ Bắc Kỳ. Từ một thị xã “đèn dầu”, sau 20 năm tái lập, Bắc Ninh đã là một thành phố khang trang, hiện đại, sánh vai với các đô thị khác trong toàn quốc!
Rất nhiều điều cần những người làm công tác quản lý đô thị suy ngẫm để giữ cái hồn của đô thị Bắc Ninh được gìn giữ và toả sáng. Bây giờ khi nói tới thị xã Bắc Ninh cũ, người ta không thể không nhắc tới một “Viên ngọc quý” là Thành cổ Bắc Ninh- một trong bốn tòa thành đẹp nhất vùng Bắc Kỳ thời bấy giờ- ngôi Thành cổ đầu tiên của Việt Nam được xây dựng theo đồ án hình lục giác, từng đi vào câu ca Quan họ với niềm tự hào “Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ, ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh”. Nói tới thị xã Bắc Ninh, người ta nhớ đến Văn Miếu của miền đất khoa bảng với “…một đống tiến sĩ, một bị trạng nguyên…”, nhớ đến Chợ Nhớn bốn mùa sầm uất, dốc Suối Hoa rộn rã sắc mầu và cây cầu Chọi có mái ngói đỏ soi bóng trên dòng Ngũ Huyện Khê tình tứ…cùng với các làng cổ ngay trong lòng đô thị. Chính di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đô thị đã tạo nên được cái hồn cho thành phố Bắc Ninh này! Đó chính là vẻ đẹp của quá khứ dành tặng tương lai. Di sản của nền văn hiến Kinh Bắc đang trở thành nguồn nội lực to lớn, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Ninh giàu mạnh, văn minh, đồng thời đây cũng là niềm tự hào của nhân dân thành phố Bắc Ninh bởi đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn hiến và nhân cách Việt Nam, xứng đáng đóng một vai trò quan trọng trong quy hoạch vùng thủ đô.
Thời gian 20 năm, thành phố Bắc Ninh đạt được sự mở mang đủ tầm và đủ sức đón tương lai, mặc dù việc tạo dựng bản sắc cho một thành phố không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Bây giờ đến lúc phải lập chương trình phát triển theo chiều sâu, tức là bắt tay vào cải tạo và chỉnh trang khu trung tâm, các khu phố cũ; kiện toàn kiến trúc và cảnh quan những con đường và những khu phố mới mở; cải thiện vun đắp hình ảnh chung đô thị. Coi chỉnh trang đô thị là việc làm thường xuyên, trên cơ sở đời sống của người dân được nâng lên. Với một đô thị: Kiến trúc là bộ mặt; văn hoá là tâm hồn; con đường là mạch máu đô thị. Một thành phố được gọi là văn minh, phát triển thì bộ mặt phải gọn ghẽ, tâm hồn phải sáng sủa và mạch máu phải thông thoáng! Thành phố trong quá trình phát triển vẫn sẽ còn tiếp tục có những công trình là điểm nhấn đô thị mang dấu ấn bản sắc - nhìn vào, nhận ra Bắc Ninh…
Sau gần 20 năm trở lại là trung tâm chính trị - văn hóa – kinh tế của tỉnh, 10 năm trở thành thành phố, Bắc Ninh từ một thị xã nhỏ về quy mô, diện tích, dân số đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một đô thị sầm uất, ngày càng khang trang, hiện đại, cho ta lòng tin vào một thành phố của nơi đáng sống- thành phố Bắc Ninh hiện đại và đậm đà bản sắc Bắc Ninh- Kinh Bắc./.
KTS. NGUYỄN HUY PHÁCH
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 26 | |
Tất cả | 3227038 |