2024-12-19 16:12:42 Số lượt xem 60
Chùa Hàm Long, tên chữ là Long Hạm Tự, nay thuộc phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh. Chùa có từ thời Lý, dựng đặt ở lưng chừng núi Long Hạm, có thế đất hình tay ngai, bên phải là di tích chùa Dạm nổi tiếng, bên trái là chùa Bảo Quang với rừng tháp gồm hàng trăm chiếc nên dân gian quen gọi là chùa Bách Tháp. Giữa chốn thâm u tịch mịch, bốn bề làng mạc trù phù, chùa Hàm Long là chốn linh thiêng đồng thời là một danh lam lớn thời Lý, nơi tu hành của nhiều thiền sư danh tiếng như Dương Không Lộ, Nguyễn Minh Không, Huyền Quang... Văn bia của chùa đã ca ngợi: “Chùa Long Hạm là một kỳ quan của Kinh Bắc ta. Sông Lục Đầu, núi Lãm Sơn bao quanh, thế tứ linh bao bọc. Phía Đông Nam, Tây Nam ngửa lên là phượng, cúi xuống là rùa, ở trước mặt nhìn lên là lân đang bái. Một dải dằng dặc nhô lên từ phía Tây Bắc hùng vĩ như thần long đầu ngẩng cao, hàm nghếch rộng, ở chỗ đó là chùa Long Hạm, cho nên mới có tên gọi...”
Chùa Hàm Long 
Vào thế kỷ XVIII, chùa Hàm Long được tu bổ mở rộng nhờ sự hưng công của Hòa Thượng Trịnh Thập, người được coi là tổ thứ nhất của chùa. Mùa hè năm Mậu Thân (1728), hòa thượng Trịnh Thập viết Cứu sinh Thập nguyện bằng máu rồi tụng đọc cho công quả viên mãn, trở thành cứu sinh Bồ tát. Ngài viên tịch ngày Rằm tháng hai năm Nhâm Tý (1732), xá lỵ đặt tại tháp Chùa Liên Phái (Hà Nội) và tháp chùa Hàm Long, gọi là Cứu Sinh Tháp.
 
Vườn tháp chùa Hàm Long 
Chùa Hàm Long đã qua nhiều lần tu bổ, mở rộng, gồm tầng tầng lớp lớp các công trình: Tiền đường, hậu đường, tả hữu, tăng phòng, khách xá, vũ môn hộ, tổ đường, vườn tháp trong đó cao to đồ sộ là ngôi tháp Cứu sinh xây bằng đá. Trong chùa lưu giữ nhiều pho tượng cổ, nhiều đồ thờ tự quý, tiêu biểu là các pho tượng Đồng Anan, Ca diếp, Thế tôn... Đặc biệt là tấm bia tứ diện khắc vào năm 1830, mặt thứ nhất ghi chép về việc tu sửa chùa Hàm Long; mặt thứ hai ghi chép về việc quan viên Đỗ Thị Lang và các già lam Hậu Phật; mặt thứ ba ghi việc khách thập phương công đức tu sửa chùa; mặt thứ tư ghi chép sao lục về tổ sư cứu sinh họ Trịnh.
Chùa Hàm Long đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1988. Dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Thích Thanh Dũng, chùa Hàm Long được bảo tồn, tu bổ ngày càng tố hảo, là chốn hành hương của tín đồ Phật tử và thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan chiêm bái mỗi khi có dịp về quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc.
 
Ban Biên tập
(Theo: Thành phố Bắc Ninh - vùng đất văn hiến)
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online55
Tất cả3188365