2017-10-03 15:18:52 Số lượt xem 4300
Là một công trình kiến trúc quân sự nằm trong lòng thành phố - thành cổ Bắc Ninh trở thành di tích lịch sử tiêu biểu của trung tâm tỉnh lỵ - nơi hội tụ truyền thống lịch sử và văn hiến của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc.
Ban đầu vốn là trấn thành Kinh Bắc dựng đặt ở Thị Cầu, huyện Võ Giàng. Năm Giáp Tý (1804), triều vua Gia Long, nhà Nguyễn cho dời trấn thành Kinh Bắc từ Thị Cầu về xã Lôi Đình, tức vị trí hiện nay.
ảnh: phía trước cổng thành
Thành Bắc Ninh xây trên 5 doi đất cao thuộc làng Thị Trung, tổng Châm Khê, huyện Võ Giàng. Làng này tiếp giáp với Đỗ Xá ở phía Nam, với Khúc Toại ở phía Tây Bắc, với Y Na ở phía Đông, xung quanh là các ngọn núi Tượng (Quả Cảm), núi Dinh (Đáp Cầu), Thiều Sơn, núi Đèo, núi Dạm.
Chuyển dời trấn thành từ Thị Cầu về trung tâm thị xã Bắc Ninh, nhà Nguyễn không chỉ nhằm tách rời trung tâm hành chính, quân sự ra khỏi trung tâm kinh tế, thương mại Thị Cầu, Đáp Cầu, mà chủ yếu nhằm xây dựng căn cứ quân sự để khống chế trục đường Bắc Ninh – Thái Nguyên – Lạng Sơn – Hải Dương, đồng thời kiểm soát các khoảng trống lớn do sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam mở ra vùng biển Đông Bắc của đất nước. Trấn thành Kinh Bắc trở thành căn cứ quân sự trọng yếu bảo vệ cho thành Hà Nội ở phía Bắc và Đông Bắc, nhằ chống lại sự tấn công của các thế lực xâm lược không chỉ từ Trung Quốc tràn xuống, mà nhà Nguyễn đã nhận thấy âm mưu và ý đồ xâm lược của thực dân phương Tây đối với với Việt Nam. Nhưng không phải chỉ có vậy, xây thành, đắp lũy, nhà Nguyễn còn nhằm khống chế, đàn áp sự nổi dậy khởi nghĩa của nhân dân chống lại sự bóc lột hà khắc của chính quyền phong kiến nhà Nguyễn.
Khi tên Bắc Ninh thay thế cho Kinh Bắc, thì trấn thành Kinh Bắc cũng được đổi gọi là thành Bắc Ninh vào năm 1822.
Thành Bắc Ninh xây theo kiểu lục giác với quy mô to lớn: 545.000m2 (54,5ha) bên trong bố trí đăng đối như bát quái. Tường thành ban đầu đắp đất, ngoài chân thành là khoảng trống nền đất rộng 10m, rồi đến lớp hào vừa rộng vừa sâu. Ngoài cùng có tường đất bao quanh. Ở 6 góc thành đều xây pháo đài nhô ra ngoài mang kiểu thành Vô Băng – kiểu thành tiêu biểu của nước Pháp thế kỉ XIX. Năm Minh Mệnh thứ 6, thành Bắc Ninh được xây bằng đá ong lấy từ Hiệp Hòa và đến thời Thiệu Trị (1841) thì được xây bằng gạch, lấy từ lò Quả Cảm.
 Thành Bắc Ninh mở 4 cổng (cửa): cổng Tiền ở phía nam, cổng Hậu ở phía bắc, cổng Đông ở phía tả và cổng Tây ở phía bên hữu. Mỗi cổng đều có xây cầu đi qua hào ngoài. Sách Bắc Ninh tỉnh địa dư ghi: ba cổng Tiền, Hậu, Hữu ở phía trong được xây năm Ất Dậu (1805), phần trên, phía dưới của các cổng đó cũng như các tường bên cạnh làm bằng đất, gạch, đá. Bên trong cổng có nhiều nhà lợp ngói, các cổng bên trái ở phía trong được xây năm Giáp Tuất (1814) làm bằng đất, bên trên có cầu ba gian lợp ngói.
  Cổng Tiền là cổng chính của thành nên được xây dựng cao to nhất. Qua cổng Tiền là đến cột cờ xây gạch, chiều cao 17m, gần bằng cột cờ thành Hà Nội.
 Cổng thành mở theo mùa. Mùa xuân lính mặc quần áo đỏ, đeo gươm. Mùa hè mặc quần áo vàng, đeo cung. Mùa thu mặc quần áo trắng, vác súng. Mùa đông mặc quần áo đen, vác giáo.
 Bao quanh thành Bắc Ninh, nhà Nguyễn còn cho xây nhiều công trình như: chuyển Văn Miếu từ Thị Cầu về xây ở đỉnh núi Phúc Sơn, tu bổ Đàn Khải Thánh; năm Minh Mệnh thứ 14 xây đàn Xã Tắc ở Lỗi Đình, Đàn Tiên Nông ở Y Na; năm Minh Mệnh thứ 18 dựng trường học ở Đỗ Xá; năm Minh Mệnh thứ 21 lập miếu Hội Đồng ở Lỗi Đĩnh; năm Thiệu Trị thứ nhất xây miếu Thành Hoàng cũng ở Lỗi Đĩnh.
 Thành Bắc Ninh là công trình đồ sộ và kiên cố, đồng thời là trung tâm bộ máy hành chính cai trị của nhà Nguyễn ở tỉnh Bắc Ninh. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và của tỉnh Bắc Ninh.
 Đóng ở thành Bắc Ninh, quan quân nhà Nguyễn đã thường xuyên phải đối phó với các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi dậy chống lại nhà Nguyễn, trong đó có nhiều cuộc vây hãm thành Bắc Ninh của Nghĩa quân Cai Vàng vào nửa cuối thế kỉ XIX.
 Tháng 3 năm 1884, trước sức tiến công bằng tàu chiến và đại bác của thực dân Pháp, quan quân nhà Nguyễn trong thành Bắc Ninh đã phải đầu hàng. Tỉnh Bắc Ninh bị thực dân Pháp chiếm đóng và cai trị từ thời điểm lịch sử đó.
Thời thuộc Pháp, thị xã Bắc Ninh là cứ điểm trọng yếu về mặt quân sự ở Bắc Kỳ. Khu vực nội thành bị giải tỏa để lấy chỗ đóng quân. Các đồi cao ở Thị Cầu, Đáp Cầu trở thành pháo đài kiên cố. Quân Pháp tập trung ở đây khá đông, thường xuyên khoảng 2000 tên. Lính lê dương, pháo thủ, hậu cần đóng tại Đáp Cầu, Thị Cầu. Lính khố đỏ đóng trong thành Bắc Ninh, lính khố xanh đóng ở đầu phố Ninh Xá.
ảnh: Các ngôi nhà cổ trong thành
 Cùng với việc củng cố căn cứ quân sự, thực dân Pháp còn cho xây dựng nhiều công trình dân sự và kinh tế như Sở Thương chính, Công chính, Địa chính, bưu điện, ngân hàng, sở Canh nông, trường học… Bộ mặt phố xá, chợ bến, nhà cửa, dinh thự đã có nhiều đổi thay. Hoạt động kinh tế, buôn bán của Bắc Ninh đã khá sôi động, sầm uất. Đến năm 1938, Bắc Ninh trở thành thành phố thứ năm của Bắc Kỳ, đứng sau Hà Nội, Hải Phòng, Nam ĐỊnh và Hải Dương.
Thị xã Bắc Ninh chính là nơi ăn học và hoạt động cách mạng của các đồng chí Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt – những vị lãnh đạo tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính nhờ đó, nơi đây đã sớm hình thành những lớp thanh niên giác ngộ cách mạng dẫn tới ra đời chi bộ Cộng sản vào cuối những năm 20 của thế kỉ XX.
 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày 20 tháng 8 năm 1945, nhân dân thị xã Bắc Ninh đã phối hợp cùng lực lượng cách mạng của tỉnh Bắc Ninh nổi dậy lật đổ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Ngày 20 tháng 8 năm 1945 trở thành mốc lịch sử quan trọng: thời điểm nhân dân Bắc Ninh thoát khỏi sự áp bức bóc lột của chế độ phong kiến kéo dài hàng nghìn năm và của thực dân Pháp kéo dài trên 80 năm. Cũng từ đó, thị xã Bắc Ninh trở thành trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh trong chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thành cố Bắc Ninh là công trình quân sự duy nhất của triều Nguyễn còn lại trên đất Bắc Ninh. Đây cũng là số ít các công trình quân sự thời Nguyễn còn lại trên đất nước ta. Thành cố Bắc Ninh công trình quân sự tiêu biểu về quy mô lớn, kiến trúc xây dựng khá đặc sắc, với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra, khiến cho di tích thành Bắc Ninh gắn bó chặt chẽ với lịch sử của tỉnh và của thị xã, nay là thành phố Bắc Ninh.
Ngày nay, thành cổ Bắc Ninh đã trở thành di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của thành phố giàu truyền thống cách mạng – đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nơi được Bác Hồ ba lần về thăm. Di tích Thành cổ Bắc Ninh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc từ năm 1980. Ngày 14/1/2003, sở Văn hóa – Thông tin đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Bắc Ninh tổ chức hội thảo khoa học về thành cổ Bắc Ninh, nhằm khẳng định giá trị lịch sử - kiến trúc, văn hóa của di tích và các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử quý giá này. Trong tương lai, Thành cổ Bắc Ninh sẽ là điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch mỗi dịp về thăm thành phố Bắc Ninh – nơi hội tụ nhiều di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội nổi tiếng của cùng Bắc Ninh – Kinh Bắc giàu truyền thống văn hiến và cách mạng./.
 
Nguồn: Chuyên san của Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bắc Ninh
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online67
Tất cả3227078