2018-09-05 10:35:19
Số lượt xem 1840
Tuyến đường Ngô Gia Tự xưa
Mười sáu ngày, sau khi người lính Pháp cuối cùng rút khỏi thị xã Bắc Ninh, Báo Nhân Dân đăng bài “Những ngày mới giải phóng ở thị xã Bắc Ninh”của nhà báo Hồng Hà (**). Bài báo phản ảnh sinh động không khí hồ hởi, phấn khởi và tấm lòng kính mến của đồng bào thị xã đối với Hồ Chủ tịch. Đây là một tư liệu quý về lòng yêu nước của nhân dân thị xã Bắc Ninh, tin tưởng vào chính sách của Chính phủ, chống lại luận điệu thâm độc, xuyên tạc, lừa bịp của các thế lực thù địch, nhanh chóng xóa bỏ những tàn dư của chế độ cũ, hàn gắn lại vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới trong độc lập, tự do và hòa bình.
Bài báo viết:
…“Nằm trên đường số 1, cách Hà Nội 30 cây số, thị xã Bắc Ninh gồm khu phố thị xã và thị trấn Đáp Cầu với 1 vạn 7 ngàn dân là một thị xã đông vui trù phú nhất của trung du, có con đường xe lửa Hà Nội-Lạng Sơn chạy qua.
Những ngày chờ đợi bộ đội ta vào giải phóng thật là hồi hộp, nóng ruột. Ngồi trong nhà đóng chặt cửa chỉ còn nghe thấy tiếng xe Pháp chạy lồng lộn về Hà Nội, tiếng lính Pháp đi cướp vàng, tiền, xe đạp ở cửa Tiền, ở những phố vắng, tiếng súng bắn chết anh em tù trong thành, tiếng những đồng bào bị Pháp lùa đi Nam Bộ gọi nhau không chịu rời quê hương, tiếng đập phá ở nhà tên tỉnh trưởng.
Khi những đơn vị bộ đội đầu tiên của ta từ phía bắc tiến vào, đồng bào phất cờ, tung cửa, tung xiềng xích đau khổ của 6 năm tạm bị chiếm, kéo ra đứng kín 2 bên đường, hoan hô vỗ tay, tung hoa giấy, nhảy cả lên cảm động đến nghẹt cổ. Nhiều gia đình mừng rỡ reo to: “Mở cửa rộng ra ! Các anh bộ đội đã về ! Bộ đội cụ Hồ đã về !”. Một bà mẹ già nhận thấy mặt con trong hàng ngũ quân đội vào thành, chạy ra ôm chầm lấy con khóc nức nở: “Con ơi, 6, 7 năm rồi, sao còn được ngày sung sướng hôm nay”.
Ở nhà máy điện, anh em công nhân đã chờ sẵn với mấy cỗ máy 50 mã lực mà anh em đấu tranh giữ lại được không cho quân Pháp cướp đi cho nên đèn vẫn sáng ngay từ đêm giải phóng đầu tiên. Cụ Nhoi làm trong nhà máy, người làng Dương Ổ nghẹn ngào nói: “Đời tôi hôm nay có bộ đội cụ Hồ về mới biết thật là còn sống !.”. Hầu hết anh chị em nhân viên thuộc các cơ quan chính quyền Pháp và Bảo Đại đã ở lại đón chào chính quyền mới .Những anh chị em y tá, hộ lý, nhà thương dấu được đầy đủ thuốc men, dụng cụ lúc quân Pháp rút lui. Những công nhân viên sở Địa Chính bắt tay ngay vào việc dọn dẹp lại thị xã. Những công an viên hôm tên tỉnh trưởng tay sai của Ngô Đình Diệm dụ dỗ họ đi Nam Bộ đã trả lời: “Chúng tôi không đem thân đi bón đồn điền cao su Nam Bộ”.
Lòng yêu nước, kính mến Hồ Chú Tịch của đồng bào thị xã ấp ủ và biểu lộ trong mấy năm qua góp phần không nhỏ vào thắng lợi ngày nay. Khu phố Đáp Cầu là khu phố của công nhân máy gạch, lò vôi,vận tải, làm cầu cũng là khu phố đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh anh dũng trước đây. …Không còn tiếng xe Pháp đi vây ráp, khủng bổ, không còn bóng những tên lính lê dương hung ác đi mò phụ nữ và bắt lính. Từ những phố tấp nập đến những phố nhỏ bé nhưng có nhiều thành tích đấu tranh vẻ vang chống thuế, chống bắt lính như Đọ Xá, Tân Ấp giờ đây lúc nào cũng tưng bừng tiếng ca hát, liên hoan giữa bộ đội và nhân dân..
…Ở phố Chợ,sau khi được nghe anh em cán bộ giải thích chính sách, một nhà buôn gọi bà con hàng xóm: “Chính phủ cho tự do phát triển công thương nghiệp đấy ! Không có chuyện “đấu” nhà giầu đâu !”
Thực dân Pháp và bọn Ngô Đình Diệm đã phun bao nhiêu nọc độc quanh các chính sách của ta hòng gieo nghi ngờ và hoang mang trong nhân dân ta, cho nên đồng bào càng tin tưởng Chỉnh phủ càng khao khát muốn hiểu rõ các chính sách đảm bảo đời sống nhân dân. Mấy hôm nay, những đồng bào bị quân Pháp lừa bịp chạy theo Pháp hôm chúng rút đã lục tục quay về thị xã Bắc Ninh.
Bộ mặt thị xã Bắc Ninh được giải phóng mỗi ngày một đổi mới, tươi vui hơn. Những công sở, trại lính, đường phố trước đây ngập rác nay đã được dọn sạch, chiếc xe bò sơn đen của sở Công chính sáng chiều hai lượt đi các phố gọi đổ rác. Ở trụ sở Ủy ban quân chính thị xã đồng bào ra vào nhộ nhịp. Những công chức đến nhận công tác mới, những anh em vừa bỏ hàng ngũ quân đội Pháp đến xin giấy về quê hương, những linh mục và nhà sư đến hỏi chính sách tôn giáo, những nhà giáo đến xin phép mở trường và xin chương trình giáo dục mới.
Những anh em công nhân và lao động nghèo bị thất nghiệp đã được Ủy ban tìm việc làm như đi lấy đá, lấy than, vận tải cho Chi sở Mậu dịch. .Hơn 200 phụ nữ trước đây vì hoàn cảnh phải đi làm nghề mại dâm nay được trở về với lao động. Từng đoàn hành khất rời thị xã về quê hương làm ăn, sung sướng nói: “Hòa bình rồi, không bao giờ còn làm cái nghề khốn khổ này nữa”.
Ngoài đường phố thị xã, người đi lại rầm rập suốt ngày, tụ tập trước những tấm biểu ngữ, những tờ công bố chính sách của Chính phủ, những tranh, ảnh, sách báo từ vùng tự do cũ mới đưa vào, kéo đến các phòng đổi tiền, đi mua bán hoặc đi thăm lại những nơi quen thuộc trong thị xã mà 6 năm trời quân Pháp chiếm đóng, giăng giây thép gai và mìn không cho qua, đường phố như trẻ lại. Nhịp sống náo động kéo dài đến tận đêm khuya. Một bà hàng tạp hóa phố Tiền An nói: “Từ ngày giải phóng, phố xá đông như ba mươi Tết, sướng nhất là được đi lại tự do. Chả bù với trước kia, đi lại trăm sự phiền phức,lo sợ, có người quen ở cuối tỉnh cũng ngại không dám đến chơi. Chiều đến chưa tắt mặt trời, nhà nào nhà nấy đều đóng chặt cửa, không được thò đầu ra. Bây giờ đất nước là của mình, chính quyền là của mình cũng có khác”.
…Trên sông Cầu, đồng bào công giáo Hạ Bì chuyên nghề đánh cá,sau mấy năm bị Pháp tập trung ở bến Tây Cao nay tự do chèo thuyên đi quăng lưới tới những khúc sông xa. Cầu sắt lớn Đáp cầu vắt sang đất Bắc Giang đã mở lối giữa cho xe cộ và khách bộ hành qua lại.
…Tiếng chuông nhà thờ, đình chùa trong thị xã, tiếng trống, tiếng chiêng liên hoan ở các làng ngoại ô trong dòng người và xe cộ đi trẩy hội mừng ngày giải phóng dưới phố đưa tới gợi biết bao tình yêu đất nước. Tiếng hát quan họ tình tứ, êm dịu của Bắc Ninh đã trở lại thị xã sau 6 năm tạm bị chiếm. Tiếng hát về cùng quân đội ta, về cùng chính quyền dân chủ ta, vang vọng mãi mai trong lòng chúng ta và cũng mãi mãi ca ngợi tình yêu hòa bình, ý muốn độc lập của tất cả dân tộc ta./.”
Hồng Minh
----------------
* Bài báo đầy đủ hiện lưu trữ tại Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hà Nội.
** Nhà báo Hồng Hà:Phóng viên báo Cứu Quốc từ năm 1946; Nguyên ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI; Bí thư Trung ương Đảng Khóa VII. Nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Chủ tịch tổ chức Nghi sỹ Việt Nam với các nước.
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 25 | |
Tất cả | 3220229 |