Lịch sử văn hiến của thành phố Bắc Ninh được kết tinh và phản ánh ở những danh lam cổ tự, những ngôi đình, đền, chùa, miếu ở các làng xã do nhiều thế hệ dày công xây đắp, gìn giữ, phát huy. Hiện nay, thành phố Bắc Ninh có 192 di tích, trong đó 87 di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng (41 di tích cấp Quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh). Nhiều di tích là những di sản văn hoá tiêu biểu như: Văn Miếu Bắc Ninh, chùa Dạm, đền Bà Chúa Kho, đình Diềm, thành Bắc Ninh… Thời gian gần đây, nhiều di tích được tu bổ quy mô lớn, bảo đảm giá trị thẩm mỹ, kiến trúc nghệ thuật và truyền thống lịch sử. Nhờ vậy, các di tích vừa phục vụ thiết thực nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng vừa trở thành địa chỉ, sản phẩm văn hoá-du lịch đặc thù, là điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh. Riêng năm 2017, cơ quan chuyên môn đã tích cực phối hợp với Ban quản lý di tích tỉnh khảo sát hiện trạng 3 di tích đề nghị xếp hạng, đồng thời lập danh mục các di tích xuống cấp để có kế hoạch tu bổ, tôn tạo lâu dài, trong đó năm 2017 có 7 di tích được hỗ trợ kinh phí tu bổ từ nguồn ngân sách nhà nước; 9 di tích khác đang xuống cấp được thống kê, đề nghị hỗ trợ tu bổ trong năm 2018.
Được ca ngợi là xứ sở của đình, chùa, lễ hội và giá trị văn hoá đặc sắc, mỗi năm Thành phố hiện có trên 80 lễ hội truyền thống. Nhìn chung, các lễ hội được tổ chức lành mạnh, văn minh, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Nhà nước, các hoạt động trong lễ hội bảo đảm tiết kiệm, trang trọng, công tác xã hội hoá được phát huy. Nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ, TDTT, các trò chơi dân gian được tổ chức lành mạnh, vui tươi trong lễ hội. Những lễ hội thu hút sự quan tâm của xã hội như lễ hội Khu Ném Thượng, lễ hội Đền Bà Chúa Kho, lễ hội thôn Viêm Xá luôn được các cấp, ngành chuyên môn tăng cường kiểm tra, trực tiếp theo dõi nắm bắt tình hình, bảo đảm lễ hội được tổ chức đúng quy định. Công tác kiểm tra các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá trong lễ hội được thực hiện thường xuyên. Những hiện tượng mê tín, dị đoan, khấn thuê, lưu hành văn hoá phẩm ngoài luồng hay đốt đồ mã sai quy định… trong lễ hội cũng được kiểm tra và xử lý kịp thời.
Văn Miếu Bắc Ninh - biểu tượng của truyền thống hiếu học, khoa bảng vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc.
Hệ thống di sản văn hoá không chỉ giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, trở thành nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho cộng đồng. Chính vì vậy, lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân địa phương thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản văn hoá. Thời gian tới, Thành phố tiếp tục quan tâm toàn diện lĩnh vực văn hoá, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tiên tiến, giàu bản sắc, giữ gìn và phát huy hiệu quả các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý di tích và tổ chức lễ hội; phối hợp triển khai quy hoạch tổng thể bảo tồn, tu bổ, phục hồi cụm di tích lịch sử văn hoá tâm linh chùa Dạm - chùa Hàm Long, đền Bà Chúa Kho, Văn Miếu Bắc Ninh, Thành Bắc Ninh… Ngoài ra, xúc tiến xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với văn hoá Quan họ, các di tích lịch sử văn hoá tâm linh tiêu biểu nhằm quảng bá hình ảnh, nét đẹp văn hoá của thành phố miền Quan họ đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Đang online | 33 | |
Tất cả | 3223040 |