2017-05-12 16:09:07 Số lượt xem 1301

Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh: TTXVN

TCCSĐT - Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” từ ngày 11 đến 15-5.

Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc đầu tiên của Chủ tịch nước sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Quốc hội khóa XIV bầu ra Ban Lãnh đạo mới và là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của đồng chí Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước.

Tiếp tục xu thế phát triển tích cực

Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc năm 2016 và đầu năm 2017 tiếp tục duy trì xu thế phát triển tích cực và đạt nhiều tiến triển mới.

Hai bên tiếp tục tăng cường các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, nổi bật là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (01-2017) và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (9-2016); cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC tại Peru (11-2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Thủ tướng Lý Khắc Cường nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ (14-7); chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Ủy viên Trưởng Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang (11-2016) và nhiều chuyến thăm cấp Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ.

Thông qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí kiên trì tôn trọng lẫn nhau, tăng cường trao đổi chiến lược, gia tăng tin cậy chính trị, làm sâu sắc hợp tác cùng có lợi, kiểm soát và xử lý thỏa đáng các bất đồng còn tồn tại và các vấn đề nảy sinh, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định.

Quan hệ giữa hai Đảng tiếp tục được tăng cường, lần đầu tiên hai bên tiến hành Cuộc gặp đại diện hai Bộ Chính trị (10-2016), tổ chức tốt Hội thảo Lý luận lần thứ 12 giữa hai Đảng (12-2016); duy trì truyền thống tốt đẹp cử Đặc phái viên của Tổng Bí thư sang thăm và chuyển Thông điệp của Tổng Bí thư hai Đảng nhân dịp Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam; duy trì hợp tác về đào tạo cán bộ.

Hai bên phối hợp tổ chức tốt các cơ chế hợp tác quan trọng như: Phiên họp lần thứ 10 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương (4-2017), Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới lần thứ 3 (3-2016), Đối thoại quốc phòng Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 6 (11-2016), Đối thoại an ninh cấp Thứ trưởng lần thứ 2 (9-2016).

Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, công an.

Hai bên đã tổ chức Hội nghị công tác cảnh sát biển lần thứ nhất (8-2016), cuộc gặp cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (3-2017).

Giao lưu hữu nghị giữa các địa phương diễn ra sôi động. Giao lưu nhân dân hai nước được tích cực triển khai với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như: Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam - Trung Quốc, Liên hoan Thanh niên Việt - Trung lần thứ III (11-2016).

Theo thống kê của Việt Nam, năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 72 tỷ USD (tăng 7,9% so với năm 2015). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu gần 22 tỷ USD (tăng 28,4%); nhập gần 50 tỷ USD (giảm 0,9%), nhập siêu giảm 13,7%.

Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Kim ngạch thương mại song phương 3 tháng đầu năm 2017 đạt gần 19 tỷ USD (tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2016).

Tính đến tháng 3-2017, Trung Quốc có 1.615 dự án đầu tư tại Việt Nam, với số vốn 11,2 tỷ USD, đứng thứ 8/116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam.

Năm 2016, khoảng 2,7 triệu lượt du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam (tăng 51% so với cùng kỳ); 2,2 triệu lượt du khách Việt Nam đi Trung Quốc, đứng đầu trong số các nước ASEAN. Riêng 3 tháng đầu năm 2017, gần 950.000 lượt du khách Trung Quốc đã đến thăm Việt Nam.

Tình hình biên giới trên bộ và Vịnh Bắc Bộ cơ bản ổn định, đường biên mốc giới được giữ vững, an ninh chủ quyền quốc gia và trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới được bảo đảm.

Hai bên đã tiến hành Phiên họp lần thứ 7 Ủy ban liên hợp biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (01-2017); ký kết Bản ghi nhớ về triển khai hợp tác thả giống nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong Vịnh Bắc Bộ (01-2017).

Từ đầu năm 2017 đến nay, tình hình Biển Đông tuy không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng trên thực địa, nhưng tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường.

Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục duy trì trao đổi về vấn đề trên biển, hai bên nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo hai Đảng, hai nước đã đạt được và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”; sử dụng tốt cơ chế đàm phám cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc và các cơ chế đàm phán trên biển; kiên trì tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được; tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC), trên cơ sở hiệp thương thống nhất, sớm xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC); kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Thúc đẩy hội nhập quốc tế, kết nối khu vực

Từ ngày 14 đến 15-5, Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế về “Vành đai và Con đường” sẽ diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.

Sau ba năm đưa ra sáng kiến”Vành đai và Con đường”, Trung Quốc đã đạt được một số bước tiến quan trọng, vận động sự ủng hộ quốc tế, chuẩn bị tài chính, khuôn khổ pháp lý và triển khai các dự án cụ thể, đặt nền tảng để cụ thể hóa sáng kiến thành một khuôn khổ hợp tác chính thức với bước đầu là tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường".

Diễn đàn lần này có chủ đề “ Vành đai và Con đường: Hợp tác vì thịnh vượng chung”.

Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo cấp cao của 28 quốc gia gồm: Liên bang Nga, Kazakhstan, Ba Lan, Belarus, Serbia, Séc, Hungary, Uzbekistan, Thụy Sỹ, Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan, Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines, Lào, Sri Lanka, Mông Cổ, Myanmar, Kenya, Chile, Argentina, Fiji, Ethiopia và nhiều tổ chức quốc tế như: Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trần Đại Quang dẫn đầu tham dự Diễn đàn.

Diễn đàn gồm ba hoạt động chính: Lễ khai mạc, Hội nghị bàn tròn của các Nhà lãnh đạo và Đối thoại cấp cao (dành cho các Bộ trưởng, doanh nghiệp và giới học giả). Dự kiến, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ tham dự Phiên thảo luận về kết nối thương mại; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sẽ tham dự Phiên thảo luận về kết nối chính sách; Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Trung Nguyễn Xuân Thắng sẽ tham dự Phiên thảo luận về giao lưu nhân dân.

Dự kiến, các nhà Lãnh đạo sẽ ra Thông cáo chung của Hội nghị bàn tròn của các Nhà lãnh đạo.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai” và Con đường” nhằm duy trì đà phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, tăng cường quan hệ tin cậy chính trị, thúc đẩy việc nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa hai nước; tăng cường thông tin về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam cho cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc; củng cố nhận thức chung cấp cao về giữ gìn hòa bình, ổn định, thúc đẩy đàm phán về vấn đề trên biển đạt tiến triển thực chất; thể hiện thiện chí đối với các sáng kiến và nỗ lực nhằm thúc đẩy hội nhập quốc tế, kết nối khu vực, hợp tác vì thịnh vượng chung.
 Ngày 10-5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Trung Quốc.

Đề cập triển vọng quan hệ hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc có nền tảng tốt đẹp và có những điểm tương đồng cơ bản, đó là quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống được xây dựng và vun đắp trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc; hai nước đều đang kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa, cùng đang trong giai đoạn quan trọng của công cuộc đổi mới, cải cách, mở cửa và hai nước cùng có chung lợi ích gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh chóng, phức tạp, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc là phù hợp với lợi ích căn bản, lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới; đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế, được đánh giá là một trong những quốc gia thành công về thu hút đầu tư nước ngoài trong số các nước đang phát triển. Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục nghiên cứu các biện pháp mở rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong các lĩnh vực hợp tác.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước sẽ cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của Đảng, Nhà nước Trung Quốc trao đổi về phương hướng và các biện pháp lớn nhằm tiếp tục tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm, củng cố hơn nữa tình hữu nghị truyền thống Việt - Trung, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và góp phần tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.

Về Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường”, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng đây là dịp để lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế cùng trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác, thúc đẩy hội nhập quốc tế vì hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Việt Nam ủng hộ các sáng kiến và nỗ lực tăng cường liên kết kinh tế, kết nối khu vực vì lợi ích chung của các quốc gia; kỳ vọng Diễn đàn sẽ mở ra cơ hội hợp tác, kết nối kinh tế giữa các quốc gia và khu vực, đặc biệt là thúc đẩy kết nối kinh tế thông suốt, hiệu quả, phát triển hạ tầng giao thông liên lục địa, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp, mở rộng giao lưu nhân dân, góp phần thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có cơ hội tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu, ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ, phát triển các ngành và sản phẩm kinh tế có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, việc kết nối này cũng giúp hai nước đẩy mạnh hợp tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang trên đà phát triển với những kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Trung Quốc liên tục là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN. 

Tính đến tháng 3-2017, Trung Quốc có hơn 1.600 dự án với tổng số vốn trên 11 tỷ USD, đứng thứ 8/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm đẩy nhanh tiến độ các dự án và bảo đảm chất lượng như đã cam kết sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho cả hai bên và góp phần nâng cao uy tín của các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam. 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, Việt Nam tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, chuyển động lực tăng trưởng kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến. 

Trong quá trình này, Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cường đầu tư, kinh doanh, chuyển giao công nghệ tiên tiến thông qua các dự án lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển của Trung Quốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực Trung Quốc có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, như phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, năng lượng sạch... 

Đồng thời, với vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Quốc trao đổi hàng hóa với thị trường ASEAN và thế giới./.

Nguồn Tạp chí Cộng sản

 
Video
Thống kê truy cập
Đang online46
Tất cả3048366