TCCS - Năm 2016 đã khép lại với những diễn biến phức tạp và khó lường hơn trong tình hình khu vực và quốc tế. Kinh tế thế giới bấp bênh, tốc độ tăng trưởng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Các trào lưu dân túy, dân tộc chủ nghĩa gia tăng. Sự kiện Brexit và những thay đổi chính trị ở nhiều nước diễn ra bất ngờ. Tiến trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đứng trước những thách thức mới. Cạnh tranh chiến lược và tập hợp lực lượng giữa các nước lớn diễn biến phức tạp, tác động nhiều chiều tới các nước vừa và nhỏ. Nhiều “điểm nóng” ở Trung Đông, Đông Á, Nam Á tiếp tục bế tắc, có lúc manh nha nguy cơ bùng nổ. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên vẫn quyết liệt trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, di cư, khủng bố... nổi lên gay gắt, đe dọa an ninh và ổn định của nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Ngoại giao Việt Nam vươn tới tầm cao mới - Ảnh: chinhphu.vn
Trong bức tranh toàn cảnh với nhiều gam màu xám như vậy, châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục nổi lên là khu vực phát triển năng động nhất thế giới. ASEAN vẫn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 5%, đẩy mạnh các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong các cấu trúc đang định hình ở khu vực. Vai trò của luật pháp quốc tế trong việc xử lý các tranh chấp ở khu vực được công luận quốc tế quan tâm hơn trước, đặc biệt sau phán quyết ngày 12-7-2016 của Tòa Trọng tài thường trực trong vụ kiện của Phi-líp-pin về Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại của nước ta tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng hiệu quả, phục vụ đắc lực mục tiêu đối ngoại “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc” được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra với năm hướng lớn sau đây:
Thứ nhất, chúng ta đã khẩn trương quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương đối ngoại lớn của Đại hội XII, đặc biệt là những bổ sung, phát triển mới về đường lối hội nhập quốc tế. Ngay sau Đại hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng đề án đánh giá tổng thể tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế kể từ khi nước ta trở thành thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thẳng thắn chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến các yếu kém của tiến trình hội nhập thời gian qua, phân tích sâu các cơ hội và thách thức từ việc thực hiện các cam kết thương mại tự do thế hệ mới, kiến nghị định hướng nâng cao hiệu quả tiến trình hội nhập trong giai đoạn mới. Tháng 11-2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 5-11-2016, về “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Ngành ngoại giao cũng tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII” nhằm kịp thời quán triệt đường lối đối ngoại của Đại hội XII, xác định trọng tâm của công tác đối ngoại thời gian tới và tìm ra các biện pháp mới, cách làm mới, phối hợp chặt chẽ hơn với quốc phòng, an ninh, kinh tế... để phục vụ hiệu quả hơn các mục tiêu phát triển, bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Thứ hai, chúng ta đã triển khai mạnh mẽ các hoạt động đối ngoại, nhất là hoạt động đối ngoại cấp cao, coi đây là hướng quan trọng để đưa quan hệ đi vào chiều sâu, ổn định, mang lại các lợi ích thiết thực cho đất nước. Năm qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện 16 chuyến thăm nước ngoài; chúng ta cũng đón gần 30 lãnh đạo cấp cao các nước thăm Việt Nam. Trong đó, chúng ta dành ưu tiên trao đổi đoàn cấp cao với các nước láng giềng, như Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc; với các nước ASEAN, như Xin-ga-po, Bru-nây, Mi-an-ma, Phi-líp-pin; với các nước lớn, như Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp và các nước bạn bè truyền thống, như Cu-ba, I-ran... Các hoạt động đối ngoại quan trọng này được triển khai theo hướng ngày càng gia tăng mức độ đan xen lợi ích giữa ta và các đối tác, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác và tăng cường lòng tin chính trị giữa hai bên. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sử dụng hiệu quả hơn các cơ chế được thiết lập qua trao đổi cấp cao để xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đối tác.
Thứ ba, chúng ta đã đẩy mạnh công tác biên giới, lãnh thổ, củng cố “phên dậu” của Tổ quốc. Trong năm 2016, chúng ta đã hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới, ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền với Lào; đã thực hiện được hơn 83% khối lượng công việc phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ với Cam-pu-chia. Chúng ta cũng đã triển khai hiệu quả Hiệp định khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc và Hiệp định về tự do đi lại của tàu thuyền ở cửa sông Bắc Luân với Trung Quốc. Về các vấn đề trên biển, chúng ta tiến hành đàm phán về phân định vùng đặc quyền kinh tế với In-đô-nê-xi-a, tiếp tục trao đổi, đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ với Trung Quốc, cùng ASEAN thúc đẩy thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)...
Thứ tư, trong các hoạt động đối ngoại đa phương, chúng ta đã chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động và tích cực tham gia” thực chất vào quá trình xây dựng và định hình luật chơi chung trong các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Chúng ta đã tích cực đóng góp vào hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức các nước Cộng đồng Pháp ngữ, Ngân hàng Đầu tư kết cấu hạ tầng châu Á (AIIB), cơ chế Hợp tác Mê Công - Lan Thương, Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); tổ chức thành công các Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mê Công (ACMECS) lần thứ 7, Hội nghị Cấp cao hợp tác Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV) lần thứ 8, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về khu vực Mê Công lần thứ nhất. Những đề xuất, sáng kiến của chúng ta tại ASEAN, APEC, ASEM... được bạn bè, đối tác tích cực hưởng ứng. Chúng ta đã thực hiện tốt vai trò thành viên của các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc, như Hội đồng Nhân quyền, Ủy ban Di sản thế giới, Hội đồng Kinh tế - xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC), Hội đồng Chấp hành UNESCO... Lần đầu tiên đại diện của Việt Nam được bầu vào Ủy ban Pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC). Công tác chuẩn bị cho Năm APEC Việt Nam 2017 về cơ bản đã được hoàn tất; chủ đề mà Việt Nam đưa ra là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” đã được các nước thành viên tích cực hưởng ứng, ủng hộ. Trong các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực khác, chúng ta tham gia sâu hơn, thực chất hơn, nhất là tại các diễn đàn do ASEAN làm chủ đạo, như Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Tư lệnh cảnh sát ASEAN (ASEANAPOL)...
Thứ năm, chúng ta đã triển khai mạnh mẽ “Chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên hầu hết các lĩnh vực. Việt Nam và các đối tác đã chính thức ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), bắt đầu triển khai Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu và Hiệp định Đối tác và hợp tác (PCA) Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và sắp ký chính thức FTA Việt Nam - EU (EVFTA); tiếp tục đàm phán nhiều FTA quan trọng khác, như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA Việt Nam - I-xra-en. Trong năm qua, ta đã vận động thêm được 7 nước công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường, nâng tổng số các nước công nhận lên 66 nước. Hội nhập quốc tế về chính trị - ngoại giao, quốc phòng - an ninh đi vào chiều sâu với những đóng góp tích cực của Việt Nam trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, các cơ chế trao đổi, tham vấn, giao lưu, diễn tập chung trong khuôn khổ ASEAN và với các đối tác lớn, như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp...
Với các hướng lớn nêu trên, đối ngoại Việt Nam trong năm qua đã đóng góp tích cực vào việc duy trì môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước. Có thể nói, trong các thành tựu chung về kinh tế trong năm 2016, như kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6%; vốn FDI thực hiện ước đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9%; khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lần đầu tiên đạt kỷ lục 10 triệu lượt người, tăng 25% so với năm 2015... đối ngoại đã có những đóng góp quan trọng.
Bước sang năm 2017, tình hình thế giới và khu vực được dự báo là phức tạp và khó lường hơn trước. Nhiều nước sẽ tiến hành bầu cử, có những điều chỉnh nhất định về chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại. Điều đó sẽ tạo nên tác động nhiều chiều tới tình hình thế giới và khu vực, trong đó có những vấn đề thiết thân đối với an ninh và phát triển của nước ta, như môi trường khu vực, vai trò trung tâm và sự đoàn kết của ASEAN, việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Biển Đông... Chúng ta đứng trước những thách thức mới. Nhưng đất nước ta đã có thế và lực mới. Về đối ngoại, chúng ta đã tạo dựng được mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đủ vững bền để ổn định vị thế quốc tế của đất nước trước các biến động của tình hình. Điều cần có là đối ngoại phải tiếp tục nỗ lực gấp đôi với tinh thần chủ động, tích cực và sáng tạo hơn nữa.
Theo đó, hướng đối ngoại chính của năm 2017 là đưa quan hệ với các nước đi vào chiều sâu, gia tăng mức độ đan xen lợi ích với các nước láng giềng chung biên giới là Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, với các nước lớn, các nước ASEAN; triển khai mạnh mẽ chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; chủ động chuẩn bị để xử lý ổn thỏa các vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các nước.
Hoạt động đối ngoại quan trọng nhất trong năm 2017 là hoàn thành tốt vai trò nước chủ nhà APEC và tranh thủ một cách hiệu quả hoạt động này để thúc đẩy quan hệ song phương với các nước, nhất là với Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Nhật Bản và một số đối tác quan trọng khác; biến các hoạt động đa phương, các hoạt động ngoại giao cấp cao thành cơ hội thực hiện các lợi ích an ninh và phát triển của đất nước.
Để làm được các điều đó, công tác đối ngoại năm 2017 cần hết sức quan tâm tới việc triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - nhà ngoại giao lỗi lạc cả về trí tuệ và nhân cách, để xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại vừa hồng, vừa chuyên, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn đất nước hội nhập sâu, rộng vào khu vực và thế giới. Đồng thời, phải nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các kênh đối ngoại, giữa ngoại giao với kinh tế quốc phòng, an ninh.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, với những nỗ lực đó, chúng ta tin rằng, đối ngoại sẽ làm tốt nhiệm vụ là người lính tiên phong trong thời bình, tiếp tục phụng sự trung thành và hiệu quả lợi ích quốc gia - dân tộc, cho dù tình hình có phức tạp, khó lường đến mức nào./.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Tạp chí Cộng sản
Đang online | 225 | |
Tất cả | 3265876 |