2022-10-17 09:22:26 Số lượt xem 1415
Xuân Ái ngày xưa có tên nôm là trang Soi (có lẽ vì làng nằm trên bãi soi giữa vùng chiêm trũng nên có tên đó). Đến thế kỷ XV, gọi là làng Xói thuộc tổng Châm Khê huyện võ Giàng. Sau này thuộc xã Hòa Long huyện Yên Phong (nay thuộc xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh). Làng có các dòng họ: Bùi, Nguyễn, Đỗ, trong đó họ Bùi chiếm đa số. Từ xa xưa, dân làng Xuân Ái sống bằng nghề cấy lúa là chính. Ngoài ra có nghề trồng rau chăn tằm, dệt vải khổ hẹp.
Từ xa xưa, dân làng đã xây dựng những công trình thờ tự tín ngưỡng tôn giáo để phục vụ đời sống tâm linh. Đó là các ngôi đình, chùa. Đình làng có hướng Tây Bắc. Theo văn bia “Bản thôn tự sự hậu thần hậu Phật” (kích thước 25 x 60 cm) dựng năm 1692 do Trịnh Vũ Xứng soạn, chúng ta biết đình làng được xây dựng từ thời Lê. Hiện nay, dân làng còn lưu giữ được bản thần phả và 21 đạo sắc phong do các vị hoàng đế thời Lê và thời Nguyễn phong tặng. Thành hoàng của làng là Quý Minh đại vương và Thánh Tam Giang. Trong đình có 3 long ngai và nhiều đồ thờ quý khác.
Chùa làng có tên là Pháp Hoa. Theo tư liệu văn bia “Trí bảo hậu thần kiêm hậu Phật bi ký” (kích thước 40 x 98 cm) dựng năm 1705 do Nguyễn Đăng Bảng soạn thì chùa được xây dựng vào thời Lê. Ngôi chùa hiện nay đã qua nhiều lần tu sửa (1705, 1740,...), lần tu sửa lớn gần đây là năm 1992. Chùa có mặt bằng kiến trúc hình chữ “đinh” gồm 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện. Chùa có hệ thống tượng thờ bằng chất liệu gỗ có niên đại Nguyễn (gồm tượng Phật, Bồ Tát, Thánh tăng, La hán,...) và nhiều đồ thờ cổ như bát hương thời Lê,...
Hàng năm, làng có các tiết lệ:
Ngày mùng 4 Tết (mùng 4 tháng Giêng âm lịch): làm lễ khai xuân
Ngày 12 tháng Giêng: mở Hội chùa
Ngày mùng 2 tháng hai làm lễ Kỳ yên
Ngày mùng 10 tháng Tư: Giỗ Thánh Tam Giang
Ngày mùng 10 tháng Tám: mở Hội đình
Đình Xuân Ái, xã Hòa Long
Ngày xưa, làng có lệ phân đinh: con trai 9 tuổi mới được vào làng. Cha mẹ người vào làng phải có cơi trầu ra đình làm lễ cáo yết Thành hoàng, sau đó, gắp thăm để xác định thứ tự trước sau (đối với những người sinh cùng năm). Sau khi được vào làng, đương sự phải theo lệ đóng góp tiền gạo ăn cơm tại đình trong các ngày hội, ngày lễ. Trai đinh từ 18 tuổi trở lên, nếu ai mua nhiều thì không phải chịu phu phen tạp dịch; 49 tuổi thì lên lão. Người làm lễ lên lão phải giết con lợn khoảng 30 cân để khao làng. Từ đó, người đó không phải gánh vác việc làng và được ra đình bàn việc làng, ngồi mâm các cụ.
Để thực hiện các tiết lệ, hàng năm, làng cử luân phiên 2 ông Cai đám, 2 ông Hóa và 12 ông thôn (tiếng địa phương đọc là “sôn”) để lo việc làng. Những người này đều từ 49 tuổi trở xuống và không có tang trở.
Hội chùa mở vào ngày 12 tháng Giêng nhưng khâu chuẩn bị được thực hiện từ ngày 11. Ngày hội đó, nhà chùa nhờ hai ông Đám dựng cây phướn giữa sân chùa. Đến tối, các sư và và các vãi già làm lễ tụng kinh, cúng Phật. Tối hôm đó, các vãi diễn các tích nhà Phật.
Ngày 12 tháng Giêng: các vãi già và con nhang Phật tử làm cơm chay và tổ chức đón khách thập phương đến lễ Phật.
Tại sân đình, trai làng dựng cây đu từ trước Tết Nguyên đán và được hạ sau khi kết thúc hội Chùa. Trong ngày hội, làng tổ chức hát Quan họ, do các “bọn Quan họ” trong làng và ở các làng xung quanh đến hát góp vui.
Trong ngày hội trước đây, làng Xuân Ái có các “bọn Quan họ” của các làng đến hát, như: Xuân Viên, Xuân Đồng, Viêm Xá, Y Na, Đẩu Hàn. Họ vào chùa lễ Phật, rồi gặp nhau và mời nhau hát ở sân chùa theo từng cặp. Cứ một bọn Quan họ nam của làng này hát với bọn Quan họ nữ của làng khác. Trong nhiều năm, thông thường là bọn Quan họ nữ Điều Thôn, Đẩu Hàn hát với bọn Quan họ nam Yên Mẫn, Đặng Xá. Các bọn Quan họ chủ bao giờ cũng đợi sẵn bọn Quan họ khách ở chùa. Khi bọn Quan họ khách đến, họ chào hỏi nhau và cùng nhau hát chào, rồi Quan họ chủ dẫn Quan họ bạn vào thắp hương lễ Phật. Sau đó, Quan họ chủ dưa bạn về “nhà chứa” tiếp đãi trầu nước cơm rượu. Đến tối, các canh hát mới bắt đầu được mở ra. Họ hát đến đêm khuya mới chia tay nhau.
Hội đình làng Xuân Ái mở vào ngày mùng 10 tháng Tám âm lịch hàng năm. Ngày xưa, hội chỉ được mở vào những năm phong đăng hòa cốc, còn những năm khác chỉ có sự lệ.
Trước khi mở hội, vào ngày mùng 9, làng tổ chức rước nước từ giếng đất ở đầu làng về đình để làm lễ. Trong đám rước nước có các nghi trượng: cờ quạt, kiệu bát cống, phường bát âm. Các quan viên của làng tập trung ở đình rước các nghi trượng ra giếng đất đầu làng lấy nước, đổ vào chóe để dùng làm nước cúng Thánh cả năm. Khi đám rước đến bờ giếng, đôi chóe cổ được đặt gần bờ giếng, rồi hai ông Hóa lấy gáo dừa múc nước khiêng lên kiệu, rước về đình làm lễ nhập tịch.
Ngày mùng 10 tháng Tám là chính hội. Vào ngày đó, dân làng thịt trâu, thịt lợn để làm cỗ đám. Còn các ngày mùng 9, 11, 12, 13, 14 chỉ có xôi gà làm lễ. Cũng trong ngày mùng 10, dân làng tổ chức rước cụ thượng ra đình để thể hiện sự tôn vinh của làng đối với bậc trưởng thượng. Cụ thượng mặc áo đỏ, còn ông Đám mặc áo màu tím, các quan viên mặc áo màu xanh.
Trong ngày hội, dân làng còn mời liền anh liền chị Quan họ làng Ngang Nội đến hát ở sân đình. Trong ngày đó, các bọn Quan họ làng Xuân Ái mời Quan họ kết bạn của các làng đến chơi hội và hát.
Nguồn: Thành phố Bắc Ninh - Vùng đất văn hiến (tr.93-97)
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online26
Tất cả3191766