2024-05-22 16:39:21 Số lượt xem 648
1. Dân cư và hoạt động kinh tế
 
Từ ngàn đời nay, nhân dân Thành phố Bắc Ninh đã không tiếc mồ hôi, xương máu để tạo dựng nên những làng đồi đầy cây trái những xóm mạc ngói đỏ như son. Nông nghiệp được coi là cái gốc, cái nền tảng của cuộc sống cũng như xuất phát điểm cho mọi hành động ứng xử khác trong gia đình và xã hội. Ngoài cây lúa, người dân ở đây còn quan tâm đến canh viên - trồng vườn với những mảnh ruộng thuốc lào Bồ Sơn, cà chua Y Na. Thời Pháp thuộc “làng Hoà Đình hàng năm sản xuất được 1500 tấn rau cải bắp, bán ở nhiều nơi”. Và cũng từ đây nền kinh tế nông nghiệp của Thành phố Bắc Ninh bắt đầu có những bước chuyển đổi.
         
Đỗ Xá, Yên Xá, Thanh Sơn, Cô Mễ, Y Na vốn là các làng chuyên canh nông nghiệp. Khi tỉnh lỵ Bắc Ninh mở rộng thì ruộng đất cấy trồng bị thu hẹp lại và phải dành cho xây dựng. Số người không có ruộng đất ngày một tăng, họ phải làm thuê cho những người nhiều ruộng, đi làm công nhân ở một số công xưởng, công nhân bốc vác ngoài bến bãi, làm bồi bếp cho một số chủ Tây hoặc nhà giàu. Một số khác chuyển sang làm nghề thủ công, dịch vụ hoặc buôn thúng bán mẹt. Nhiều người bỏ làng đi nơi khác kiếm ăn (lên rừng núi, ra vùng mỏ, đi làm đồn điền ở Nam Kỳ).
         
Nếu năm 1887, Bắc Ninh mang dáng dấp của thành phố Trung Quốc hơn là Việt Nam, trong đó số Hoa kiều đông tới 1.500 – 1.600 người thì đến đầu thế kỷ XX, bộ mặt đã đổi khác nhiều. Năm 1893, dân số ở đây có 8.000 người thì 40 năm sau, vào năm 1933 mới có 11.500 người và đến 1945 lên tới 20.000 người. Ngoài việc chuyển cư của Hoa kiều và dân nông nghiệp ở mấy làng kể trên, Bắc Ninh còn thu hút thêm nhiều cư dân ở các vùng trong và ngoài tỉnh. Hầu hết là các gia đình có nghề thủ công trong tay như làm thợ mộc, thợ nề, đúc đồng, rèn sắt, tiện gỗ, thêu, chạm, may mặc,… Cũng có một số hộ buôn bán hoặc gia đình quan lại, công chức, giáo viên, binh lính. Nhiều người không có nghề nghiệp cũng đến Bắc Ninh để định cư và kiếm sống.
         
Từ bộ mặt của một phố phường phong kiến, Bắc Ninh được chuyển dần sang kiểu thành phố mang dáng dấp phương Tây đa ngành, đa lĩnh vực.
         
Lớp tư bản công nghiệp, thương nghiệp, thầu khoán hình thành sớm hơn cả. Họ là lớp người phát đạt giàu có. Nhưng kẻ giàu hơn là các công ty tư bản người Pháp, vì họ là chủ các nhà máy điện, nhà máy giấy, nhà máy pháo, nhà máy gạch ngói, đường xe lửa và phương tiện vận tải đường sông. Trong lĩnh vực thương nghiệp, Hoa kiều cũng thao túng mạnh. Ngoài các hiệu bách hoá lớn của Ả Kiệm, Ả Lim, Khánh Thọ, họ còn độc chiếm các mặt hàng thuốc bắc, cao lâu, cân gạo và ngô bán cho nước ngoài. Cho nên, lớp tư sản người Việt ở Bắc Ninh chỉ còn phát huy thế mạnh của mình về thầu khoán, buôn bán nhỏ kiêm cho thuê nhà, cho vay nặng lãi, tậu ruộng cho phát canh thu tô. Lớp quan lại, viên chức cũng dần dần bị cuốn hút vào xu hướng trên.
         
Đội ngũ công nhân của Bắc Ninh cũng không ngừng phát triển và sớm hình thành giai cấp. Các tầng lớp tiểu chủ, tiểu thương, viên chức, thợ thủ công, dân nghèo thành thị và những người làm nghề tự do ngày một đông đảo và có một số lượng đáng kể.
         
Thành phố Bắc Ninh được biết đến trước hết là chất lượng và giá trị về thương phẩm các mặt hàng làm ra khá cao. Giấy ở Đáp Cầu được nhiều nơi ưa chuộng. Gạch ngói ở đây xuất sang tận Hồng Kông, Singapo, các loại đồ gỗ, đồ đồng, hàng thiếc, hàng da, hàng mũ, hàng khăn, đặc biệt là hàng hiệu thêu ren được thị trường trong và ngoài nước rất tín nhiệm. Nhiều tài liệu đã viết: “Danh tiếng tốt đẹp của hàng thêu Bắc Ninh đã lan truyền qua khắp núi dài sông rộng và ở bên phương Tây người ta cũng phải nhắc đến… Nhân những sự tham gia gần đây của tỉnh này vào các hội chợ triển lãm ở Mác-Xây, Pari (Pháp), Brúc-xen (Bỉ), Hà Nội các nơi đặt mua hàng không ngớt đổ dồn về”.
         
Vanh-tơ-rơ-be (Wintrebert) trong Ghi chép về tỉnh Bắc Ninh (Monographic delaprovince de Bắc Ninh) cũng ghi lại: “Năm 1925 ở Hội chợ Hà Nội, tỉnh Bắc Ninh có 32 gian hàng cấp thành một khối được người ta đặc biệt chú ý dưới cái tên là Phố Bắc Ninh… Tỉnh lỵ Bắc Ninh nổi bật lên bằng những hàng thêu và đăng-ten rất đông khách. Hàng xuất khẩu thẳng sang Pháp và cả Mỹ”.
         
Chợ Nhớn Bắc Ninh và chợ Thị Cầu bán trâu bò cùng một mạng lưới các chợ nhỏ khác rải ra trên nhiều khu vực, họp tụ suốt từ sáng đến tối càng làm cho hoạt động thương nghiệp của Bắc Ninh nhộn nhịp đông vui. Bến cảng Đáp Cầu, ga xe lửa Bắc Ninh, cầu Gỗ, Thị Cầu, bến ô tô, … lúc nào cũng nhộn nhịp người qua lại buôn bán.
         
Nhìn từ góc độ kinh tế, nhân dân thành phố Bắc Ninh khá năng động và ít tính bảo thủ, sẵn sàng tiếp thu những tư duy và phương thức kinh tế mới để giải phóng mình ra khỏi sự ràng buộc của kinh tế nông nghiệp và tiến tới cuộc sống no đủ, ngày một giàu có hơn. Mỗi một xóm làng, phường phố ngày một phồn thịnh hơn lên vì một Thành phố Bắc Ninh, đổi mới lớn mạnh hơn.
         
2. Tổ chức xã hội truyền thống
         
Về tổ chức xã hội, trong mỗi làng xã cũ ở Thành phố Bắc Ninh có nhiều kiểu cấu trúc. Mỗi làng xã chia ra làm mấy thôn, có tên Nôm, tên tự. Chẳng hạn như xã Y Na thuộc tổng Đỗ Xá. Y Na có 2 thôn: thôn Phúc Sơn có tên Nôm là Bãi Cát, thôn Y Na có tên Nôm là Y Nưa. Xã Phượng Vĩ trước đây là Vũ Vĩ, còn gọi là Kẻ Vi. Từ năm 1907, Đỗ Xá rồi Yên Xá nhập vào thành phố Bắc Ninh. Xã Võ Cường và Đại Phúc thì tới năm 1985 mới tách khỏi Tiên Sơn, Quế Võ về với thành phố.
         
Thời Lê, đứng đầu mỗi xã là một xã trưởng, còn đứng đầu tổng là cai tổng. Sang thời Nguyễn, xã trưởng đổi là lý trưởng, cai tổng đổi là chánh tổng. Giúp việc họ có phó lý, chưởng bạ. Ngoài ra còn có Hội đồng kỳ mục hoạt động như vai trò của cơ quan tham mưu, nắm giữ nhiều lĩnh vực ở chốn xóm làng. Từ năm 1927 đến năm 1939, thực dân Pháp tiến hành cuộc cải lương hương chính, đã thay thế Hội đồng kỳ mục bằng Hội đồng tộc biểu.
         
Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, làng xã ở Bắc Ninh còn ẩn chìm nhiều tổ chức xã hội phi hành chính nhưng lại là chất keo kết dính các thành viên với nhau, mang tính dân chủ tiểu sản xuất nông nghiệp. Ngoài sự ràng buộc nhau theo tính huyết thống - dòng họ, nó còn có các tổ chức khác nhau như Hội đồng tuế (cùng năm sinh), đồng môn (cùng thầy dạy), tư văn, tư võ, phe giáp, phường nghề (hàng mã, thợ thêu, bát âm, đồ mộc, chèo tuồng) cố kết nhau lại. Giữa làng này với làng khác lại còn kết nghĩa, kết chạ. Các thành viên của làng chạ coi nhau như anh chị em ruột thịt.
         
Kể từ năm 1938, các làng xã trong tổng Đỗ Xá đã thuộc về thành phố do chính quyền thành phố điều hành. Nhiều ruộng công, ruộng đình, ruộng chùa, ruộng xóm, ruộng họ,… bị đem ra đấu thầu. Mỗi làng hàng năm chỉ còn một số tiền ít ỏi để tổ chức lễ tiết. Dân mấy làng Đỗ Xá, Yên Xá, Thị Cầu, Đáp Cầu đã gắn bó với hoạt động thương nghiệp, dịch vụ nhiều hơn. Họ thoát ly nông nghiệp. Nếu đem cộng với dân phi nông nghiệp ở nơi khác đến cộng cư thì số lượng thị dân của Bắc Ninh đã lớn dần lên. Tính thuần khiết và khép kín của làng xã không còn. Những quy định chặt chẽ của khoán ước, hương ước tỏ ra mất hiệu lực, mất tác dụng vì tổ chức hành chính nửa tỉnh, nửa quê và vai trò của trưởng hộ ở thành phố Bắc Ninh. Bước chuyển tiếp của thời kỳ quá độ đó ắt phải xảy ra và phải có.
 
Ban biên tập
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online53
Tất cả3188253