2024-01-31 14:31:28
Số lượt xem 845
1. Đền Bà Chúa Kho
Đền Bà Chúa Kho toạ lạc tại núi Kho, khu Cô Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đây không chỉ là khu di tích lịch sử văn hóa có giá trị nằm trong quần thể di tích của khu Cô Mễ (gồm Đình - Đền - Chùa) mà còn là nơi hàng năm nhân dân khắp cả nước đến hành lễ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, ngưỡng vọng đối với một vị nhân thần đã có công trong thời Lý đó là Bà Chúa Kho.
Đền Bà Chúa Kho (ảnh: bacninh.gov.vn)
Bà là một người phụ nữ nhan sắc, đảm đang, tài giỏi, đã có công chiêu dân, dựng lập làng xóm vùng Quả Cảm - Cô Mễ -Thượng Đồng, giúp mọi người nơi đây làm ăn, đem lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ giàu có. Rồi Bà trở thành Hoàng Phi Triều Lý, giúp vua trong việc kinh bang đất nước, tích luỹ lương thực, trông nom kho tàng quốc gia trong thời kỳ trước và sau chiến thắng Sông Như Nguyệt ở vùng núi kho làng Cô Mễ. Sau đó Bà đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Tống vào ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1077). Nhà vua thương tiếc phong Bà là Phúc Thần, nhân dân trong làng với niềm tôn kính lập Đền thờ trên núi Kho, nơi đặt kho lương xưa trở thành trung tâm thờ phụng và lễ hội của vùng, mọi người vẫn gọi Bà với niềm tôn kính thân thuộc là Bà Chúa Kho.
Đền Bà Chúa Kho vốn ban đầu là ngôi miếu nhỏ, sau được mở rộng và xây dựng thành quy mô lớn hơn, gồm nhiều công trình như: Đền Trình, Cổng Tam Quan, Sân Giải và Toàn Tiền Tế, Cung Đệ Nhị, Hậu Cung...Tất cả làm thành một quần thể kiến trúc cổ kính trên sườn núi Kho, bên cạnh dòng sông Câu thơ mộng, giữa cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trong vùng quê Quan họ đậm đặc tính lịch sử văn hoá tâm linh của quê hương Bắc Ninh. Đền thờ Bà Chúa Kho trở thành một trong những điểm đến tâm linh rất nổi tiếng không những ở khu vực lân cận mà còn là điểm tâm linh tín ngưỡng của nhân dân khắp cả nước.
Với hệ thống các công trình kiến trúc nghệ thuật, Nhà nước cấp bằng Di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia cho cụm di tích đình, đền, chùa làng Cô Mễ, phường Vũ Ninh, Thành phố Bắc Ninh.
2. Chùa Dạm
Chùa Dạm, có tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm Gian, nay thuộc phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.
Chùa Dạm hiện nay (ảnh: bacninhtv)
Theo thư tịch, chùa được xây dựng vào năm 1086, được vua Lý ban lên chùa là Cảnh Long Đồng Khánh. Trong thời kỳ chiến tranh, theo lệnh tiêu thổ kháng chiến, chùa Dạm bị đốt chỉ còn giữ lại được hai pho tượng cổ là tượng Nguyên phi Ỷ Lan và tượng vua Lý Nhân Tông.
Chùa đặt ở sườn núi phía nam của dãy Lãm Sơn, chính giữa ngọn cao nhất. Núi Rùa làm tiền án, ngòi Con Tên làm Minh Đường, bên tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ chầu về. Chùa Dạm hội tụ đủ huyết mạch linh thông theo thuyết phong thủy. Chùa dựa hẳn vào sườn núi và 4 lớp nền đá trườn theo sườn núi vừa tôn tầm cao công trình vừa tạo dáng vẻ uy nghiêm hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh, hơn nữa tránh được nạn lụt lội ở vùng “rốn nước" lắm đồng sâu ruộng trũng. Chiều dài của lớp nền 120m, chiều rộng 70m (ở Chùa Phật Tích là 100m và 60m ), tổng cộng diện tích gần 8000m vuông, bốn lớp nền được bó ghép bằng đá tảng (mỗi viên có kích thước 50×60 cm) các lớp đá được cấu tạo choãi chân đế, chếch khoảng 70 độ và có độ cao 5-6m.
Lên cấp nền đầu tiên mà dân địa phương gọi là Bãi hội (nhân dân nơi đây thường gọi là bàn cờ tiên) khách đi bằng một lối cửa, tầng bậc cao, cả khoang bậc rộng 16m.
Lên cấp nền thứ hai có ba lối hẹp hơn, tầng bậc thấp hơn. Kè đá ở cấp nền thứ hai là nền chùa chính. Trên đá xây có chạm hoa văn sóng nước, nét hoa văn to nổi khối, do chạm sâu. Trên nền tầng này, ở khoảng giữa ba lối cửa, bên phải chùa có khu đất vuông, cạnh 7m, cao 2m, kè đá chạm văn sóng nước thời Lý.
Trên nền thứ hai khu đất này có dựng một tấm trên lưng chừng núi. Thân bia cao 1,5m, rộng 1m. Cả mặt bia đều mòn mờ, chỉ còn đọc được hai chữ “tín thí” to, sâu ở mặt hậu. Diềm bia có hoa văn dây leo có lẽ được khắc sau này. Đối diện khu đất vuông này qua lối cửa giữa, bên trái cũng có một khu đất nổi, nhưng hình tròn đường kính khoảng 4,5m, cao 1m, cũng kè đá chạm hoa văn sóng nước Lý.
Phần trên khu đất tròn này, dựng một cột đá lớn nguyên khối, không kể phần chôn sâu chìm, tất cả cao gần 5m. Cấu trúc cột gồm hai thớt khối, cũng lấy tượng hình vuông tròn trời đất. Khối gốc như hộp vuông tiết diện, cạnh 1,4m và 1,6m. Khối đặt ở trên khối vuông, đường kính khoảng 1,3m. Đoạn dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Hình dáng rồng giống dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt, năm móng. Đôi rồng nổi bật giữa các hoa văn phụ hình dây móc, tinh xảo. Thân rồng to, mập uốn khúc quanh cột. Hai chân phía trước của rồng có móng sắc, nhọn, giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm. Cột đá chùa Dạm là những kiến trúc hết sức đặc sắc, tầm vóc hoành tráng, nhìn xa đã bị thu hút, nhìn gần càng đẹp. Có nhà nghiên cứu cho rằng những cột đá này là biểu tượng hòa bình, đời sống ấm no thịnh trị.
Nền thứ ba và bốn có dấu tích chùa và đền thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan. Ở đây còn tấm bia đá nhỏ, khắc năm Chính Hòa thứ 17 (1696) cao 0,65m, rộng 1,4m. Bia “Đại Lãm Thần Quang tự tân tạo Hộ Pháp” cho biết trước đây hàng nghìn người làm việc phúc đã tu bổ chùa, dựng thêm tượng. Ngoài ra, ở di tích chùa Dạm còn tìm được phần đầu tượng đá. Các chân đế cột bằng đá cỡ lớn chạm khắc hoa văn đẹp của công trình thời Lý còn sót lại và nhiều mảnh đất nung hình con rồng, hoa lá...
Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật nêu trên, chùa Dạm thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1964.
3. Văn miếu Bắc Ninh - nơi thờ các vị khoa bảng vùng Kinh Bắc
Văn Miếu Bắc Ninh xưa kia được khởi dựng tại sơn phận Thị Cầu thuộc tổng Đỗ Xá, huyện Võ Giàng, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc vào thời Lê (thời kỳ hưng thịnh nhất của nho giáo và khoa cử Hán học ở nước ta, thời kỳ phát triển rực rỡ nền giáo dục và khoa bảng của quê hương).
Theo các nguồn sử liệu, Văn Miếu Bắc Ninh là công trình tín ngưỡng thờ Khổng Tử - ông tổ của nền Hán học và khoa cử Nho giáo, đồng thời là nơi ghi danh các vị khoa bảng, các vị tiên hiền tiên triết người Bắc Ninh - Kinh Bắc. Nhằm phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo chăm lo học hành và bồi đắp nhân tài cho quê hương, đất nước.
Cổng Văn miếu Bắc Ninh
Cùng với sự thăng trầm phát triển của đất nước, Văn Miếu Bắc Ninh cũng trải qua rất nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Năm 1893, Văn Miếu được di dời từ sơn phận Thị Cầu về núi Phúc Sơn, phường Đại Phúc, thành phố Bắc Ninh ngày nay. Tổng thể công trình Văn Miếu gồm: Tiền Tế (5 gian), Hậu Đường (5 gian), hai bên hồi Hậu Đường là Bi Đình (3 gian 2 dĩ), hai bên hồi Tiền Tế là Hội Đồng trị sự và Tạo Soạn; hai bên sân trước Tiền Tế là nhà Tả Vu, Hữu Vu. Toàn bộ công trình xây dựng bằng gỗ lim được bào trơn đóng bén.
Hiện nay, Văn Miếu Bắc Ninh còn lưu giữ được 15 tấm bia đá. Trong đó, 12 bia “Kim bảng lưu phương” dựng năm 1889, lưu danh 677 vị đại khoa quê hương Kinh Bắc (bao gồm cả Bắc Ninh, Bắc Giang và một số xã sau này nhập về huyện Gia Lâm, Đông Anh thuộc Hà Nội và Văn Lâm, Văn Giang thuộc Hưng Yên). Một bia phụ nhỏ khắc vào năm 1896, ghi chép lại số ruộng do các quan viên tỉnh Bắc Ninh cung tiến vào Văn Miếu để làm từ điền. Một bia nhỏ được dựng ở đầu hồi phía trái trong nhà bia có tên “Trùng tu Bắc Ninh bi đình ký” dựng vào năm 1912, ghi chép việc chuyển vị trí Văn Miếu từ Thị Cầu về núi Phúc Sơn. Đặc biệt còn một tấm bia được coi là bảo vật của Văn Miếu, được dựng ở ngoài sân mang tên “Bắc Ninh tỉnh trùng tu Văn Miếu bi ký”, khắc vào năm Bảo Đại thứ 3 (1928).
Ngày 28/01/1988 di tích Văn Miếu Bắc Ninh được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Khu di tích Văn Miếu ngày nay đã và đang trở thành trung tâm của các hoạt động văn hóa giáo dục, phát huy truyền thống hiếu học và khoa bảng quê hương. Hàng năm vào dịp lễ, tết, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, thành phố đã tổ chức lễ dâng hương tại đây, ngoài ra còn có những cá nhân đỗ đạt thành danh của tỉnh Bắc Ninh và học sinh trong các trường trên địa bàn tỉnh, thành phố đến dâng hương, tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân đã có công khởi dựng nền giáo dục và truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo.
4. Quần thể di tích làng Diềm và lễ hội cổ truyền
Diềm là tên gọi của một làng cổ thuộc phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh - nơi có Đền thờ đức Vua bà Thủy tổ Quan họ. Truyền rằng bà là con gái Hùng Vương, trong ngày dự hội cướp cầu bỗng gặp con mưa lớn, bà và các thị nữ giáng xuống trang Viêm Xá, bà ở lại đây giúp dân dựng lập làng xóm, dạy hát. Để tỏ lòng biết ơn, nhân dân đã xây dựng đền thờ bà.
Đền Vua Bà dựng ở giữa làng, hướng nhìn ra sông Cầu. Tương truyền nơi đây bên dưới có mạch nước ngầm dẫn từ cửa Đền ra sông, khiến cây cối tươi tốt, con người đầm ấm nghĩa tình trọn vẹn. Cạnh Đền là Đình Diềm - một trong ba ngôi đình nổi tiếng nhất xứ Bắc: “Thứ nhất là đình Đông Khang - Thứ nhì Đình Bảng vẻ vang đình Diềm”.
Đình Diềm dựng năm Nhâm Thân 1692 với nhiều cổ vật quý đặc biệt là bức cửa võng trạm lộng tinh xảo gồm 9 tầng, là tác phẩm điêu khắc độc nhất trong các ngôi đình cổ ở Việt Nam. Cùng kề bên Đền Vua Bà là chùa Hương Sơn bề thế lưu giữ nhiều pho tượng cổ quý thời Lê.
Cổng vào Đền Cùng, giếng Ngọc
Trong quần thể di tích lịch sử văn hóa của làng Diềm còn có ngôi Đền đó là Đền Cùng - Giếng Ngọc được dựng ngay đầu làng, dưới chân núi Kim Lĩnh. Đền thờ nhị vị công chúa là Ngọc Dung và Thủy Tiên. Truyền rằng hai bà có công giúp dân đánh giặc, cứu đói đem lại cuộc sống no đủ, thanh bình cho dân làng, được nhân dân nhớ ơn, lập đền thờ. Trước cửa Đền là Giếng Ngọc, trong giếng nước có cá thần, nước giếng trong nguồn mạch ngầm tinh khiết không bao giờ cạn càng tôn vẻ linh thiêng được dân gian truyền tụng: "Dù ai đi lễ chín phương - Không bằng linh hiển thắp hương Đền Cùng”.
Hàng năm vào ngày 6/6 âm lịch, nhân dân trong vùng mở hội tế lễ tại Đền Vua Bà, uy nghiêm trọng thể nhất là màn tái diễn lại hội cướp cầu, lễ rước nước từ Giếng Ngọc về Đền Cùng thể hiện lòng nhớ ơn Đức Vua Bà, cầu mong cho dân làng làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, dân an vật thịnh. Không những vậy, đây cũng là dịp để nhân dân trong vùng hội tụ tham dự sinh hoạt ca hát Quan họ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của quê hương Kinh Bắc - Bắc Ninh./.
Ban Biên tập
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 29 | |
Tất cả | 3063183 |