2023-06-13 09:45:56 Số lượt xem 1031
Làng Thị Chung xưa có tên là làng Yên Xá thuộc tổng Châm Khê huyện Võ Giàng và ở trong khu vực thành Bắc Ninh bây giờ. Năm 1804, khi thành Bắc Ninh được chuyển từ Đáp Cầu về xây dựng tại địa điểm hiện nay, làng Yên Xá được chuyển ra vị trí bây giờ. Khi đó, làng có 2 xóm Yên Chung và Yên Mẫn. Xóm Yên Chung sau này gọi là Thị Chung. Xóm Thị Chung, từ đầu thế kỷ XX trở đi, trở thành phố Thị Chung và trở thành bộ phận của làng Yên Xá thuộc tổng Châm Khê, huyện Yên Phong. Khi thị xã Bắc Ninh được thành lập, làng được sáp nhập về thị xã Bắc Ninh.
Đình làng thờ Thành hoàng là Bính Công đại vương, một vị tướng của Triệu Việt Vương, cùng Trương Hống, Trương Hát đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương thế kỷ VI. Để nhớ ơn công đức của ngài, hàng năm, cứ đến ngày 29 tháng Giêng đến ngày mùng 10 tháng Hai, làng tổ chức mở hội.
Hội làng Thị Chung diễn ra theo trình tự sau:
- Ngày 29 (hoặc 30) tháng Giêng: làm lễ mở cửa đình, tế khai quang
- Ngày mùng 01 tháng Hai: các bô lão, các dòng họ, ông tổng Biển, ông Tổng Cờ ra đình tế Thánh
- Ngày mùng 2 tháng Hai: rước kiệu từ đình ra nghè, ôn lại lai lịch và công trạng của Thành hoàng, sau đó tổ chức trò diễn “chạy chữ”, “cướp cầu”
- Ngày mùng 3 tháng Hai: đón khách thập phương về làm lễ Thánh
- Các ngày mùng 4, 5, 6, 7, 8: tế lễ
- Ngày mùng 9: tế giã đám
Ngày mùng 10: làng chuẩn bị đón chạ em Yên Mẫn đến rước sắc về thờ. Mọi người chứng kiến hai ông Cai Đám Yên Mẫn và Thị Chung kiểm sắc và giao sắc cho nhau.
Sau các hoạt động tế lễ, các trò vui dân gian được tổ chức: cướp cầu, đấu vật, chạy chữ.
Chùa Thị Chung 
Để có cuộc chạy chữ diễn ra tốt đẹp, những người tham gia phải trải qua nhiều ngày luyện tập công phu. Người chỉ huy cuộc kéo cờ chạy chữ là ông lềnh, tham gia trò diễn là những trai làng. Bốn ông lềnh sẽ chỉ huy cuộc kéo cờ chạy chữ. Hai ông lềnh cầm cờ lệnh hình đuôi nheo, một ông lềnh cầm trống khẩu, một ông lềnh cầm kiểng. Trai tráng được tuyển vào làm quân chạy chữ đều vận quần trắng, áo the hoặc áo lương, đóng khăn xếp, thắt lưng nhiễu điều bỏ múi bên hông, tay cầm một trong các thứ: cờ mao tiết, cờ ngũ hành, cờ tứ phương, tứ linh hoặc khí giới, như: gươm trường, đoản đao, giáo, thương, côn, trùy, phủ việt, bát xà mâu,...
Sau một hồi trống chiêng, những người chạy chữ phải chỉnh tề quần áo, cờ xí, khí giới xếp hàng ngang đối diện với cung thờ Thành hoàng. Sau hồi trống chiêng thứ hai, sau khi đã dặn dò lần cuối cho những trai đinh tham gia cuộc chạy chữ, một vị lềnh dõng dạc hô: “Cúc cung đại vương Thượng đẳng phúc thần”. Tất cả im lặng, trang nghiêm, quỳ một gối, cúi đầu, ngả cờ hoặc khí giới chếch về bên phải để bái Thành hoàng.
Sau một hồi trống khẩu và kiểng, mọi người vung mạnh các đồ tế khí trên tay, rồi nhất tề đứng dậy nghiêm chỉnh chờ hiệu lệnh.
Sau khi có hiệu lệnh được phát ra từ ông lềnh, người ta lập thế trận “nhất tự trường xà” bằng cách: hai hàng theo hai ông lềnh chuyển sang phía Đông và phía Tây, ngược đầu đuôi nhau. Các trai đinh luôn miệng “dạ” lớn theo từng hiệu lệnh của ông lềnh. Tiếp đó, đội hình lại chuyển động sang thế “cuốn tổ rồng”, rồi bắt đầu vào chữ. Tiếp theo, các đội hình theo hiệu lệnh cờ, hiệu lệnh trống, hiệu lệnh kiểng, các đội hình được cắt ngang, chạy dọc, quanh đi, quẩn lại, mở ra, lộn vào,... dần dần đã thấy hiện hình chữ “thiên” với hai nét ngang và một nét mác rõ ràng. Lúc này, kiểng, trống thúc liên hồi, từ mạnh, mau rồi dần dần nhẹ, khoan dần theo lệnh cờ của ông lềnh, rồi dừng hẳn. Khi đó, ông lềnh đi kiểm tra lại các cửa chữ. Sau đó, trống lại dồn dập đổ hồi, chiêng lại được khua vang. Mọi người trong các đội hình đều ngồi sụp xuống; đồng thời cờ và binh khí đều ngả chếch về bên phải. Khi đó, những người dự hội đã nhìn rõ chữ. Tiếp đó, một vị lềnh, đứng ở tư thế: một tay chống cạnh sườn, một tay phất cờ đuôi nheo. Nhìn hiệu cờ, các hàng vùng đứng dậy chạy theo, vừa chạy vừa hưởng ứng tiếng reo của ông lềnh: “Ơ ơ ơ ơ ơ ơ Cúc cung đại vương Thượng đẳng phúc thần! Ơ ơ ơ ơ....”
Thế rồi cả đội hình, dưới sự chỉ huy của ông lềnh, tiếp tục chạy hết các chữ, (các bước tuần tự như đối với chữ “thiên”) cho đến cuối cùng chạy xong được hết 7 chữ “Thiên hạ thái bình, lễ đại vương”.
Bảy chữ Hán này phản ánh được nguyện vọng hòa bình và sự sùng kính Thành hoàng của người dân. Bảy chữ này cũng là những chữ tương đối ít nét, lại bao gồm phần lớn là các nét ngang, nét sổ, nét mác, thuận lợi cho việc sắp xếp đội hình khi chạy chữ.
Trong lễ hội, các bọn Quan họ Y Na, Yên Mẫn, Đào Xá,... gặp nhau trong chùa, trước cửa đình, sân chùa, sân đình,... trò chuyện, hát đối với nhau hết ngày này sang ngày khác.
 
Nguồn: Thành phố Bắc Ninh - vùng đất văn hiến
(Tr.116-119)
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online81
Tất cả2893801