2019-05-28 14:14:10 Số lượt xem 1200
Đồng chí Hoàng Quốc Việt thuộc lớp công nhân công nghiệp đầu tiên ở nước ta, nhà lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam.
 
Đồng chí Hoàng Quốc Việt (ngồi thứ 2, từ trái sang) với công nhân ngành Xây dựng Hà Nội (Ảnh: Tư liệu).

 

Sớm chịu ảnh hưởng của phong trào yêu nước những năm 1925-1926, ở lứa tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết, Hoàng Quốc Việt vào học Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng và tích cực tham gia phong trào bãi khóa, biểu tình phản đối chính quyền thực dân, đòi thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh. Bị chính quyền thực dân đuổi học, Hoàng Quốc Việt lên mỏ Phấn Mễ (Thái Nguyên) xin làm thợ nguội, rồi sau đó làm ở mỏ than Mạo Khê (Quảng Yên) và Nhà máy cơ khí Carông (Hải Phòng). Năm 1928, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên. Năm 1929, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động, tuyên truyền, mở rộng ảnh hưởng của Đảng. Bằng hoạt động tích cực, các đồng chí Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương... đã gây dựng được một số chi bộ Đảng ở Nam Kỳ, tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn, Phú Riềng, Dầu Tiếng; của nông dân ở Mỹ Tho, Tân An... góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Nam Kỳ.
Năm 1930, đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử thay mặt bộ phận Đông Dương Cộng sản ở Nam Kỳ đi dự Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản, đồng chí bị thực dân Pháp bắt. Mặc dù bị bắt, đồng chí vẫn được Hội nghị Trung ương tháng 10 năm 1930 cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng.
Từ tháng 5-1930 đến tháng 10-1936, đồng chí bị giam cầm, tra tấn dã man, đặc biệt là tại nhà tù Côn Đảo-địa ngục trần gian. Ngay từ khi bị bắt, đồng chí đã tự nhủ, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững lời thề thiêng liêng khi vào Đảng: không phản bội Đảng, phản bội Tổ quốc. Đồng chí coi việc vượt qua mỗi trận đòn, mỗi cuộc chiến đấu, mỗi cuộc tuyệt thực là một thử thách. 
Tại nhà tù Côn Đảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn là một trong những người tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ giam cầm hà khắc, dã man của thực dân Pháp, đòi cải thiện đời sống sinh hoạt, cải thiện chế độ nhà tù. Nhiều cuộc đấu tranh lớn có sự phối hợp của anh em tù chính trị đã gây tiếng vang không chỉ trên đảo mà còn làm xôn xao dư luận ở đất liền, làm cho thực dân Pháp phải khiếp sợ, phải nhiều lần nhượng bộ. Tờ báo Ý kiến chung đồng chí do Hoàng Quốc Việt và một số anh em tù khác phụ trách thường xuyên ra đều đặn, thông tin kịp thời những tin tức thời sự trên thế giới, trong nước và trên đảo, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần.
 Năm 1936, với thắng lợi của Mặt trận bình dân Pháp, đã ban bố một số quyền tự do dân chủ cho nhân dân Đông Dương, đồng chí Hoàng Quốc Việt được trả tự do, nhưng bị quản thúc ở quê nhà. Đầu năm 1937, đồng chí trốn ra Hà Nội cùng với Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Hoàng Văn Thụ và một số đồng chí khác tham gia khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ, đặc biệt là đẩy mạnh hoạt động báo chí công khai của Đảng.
Năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong Cao trào Mặt trận dân chủ Đông Dương. Sau Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), đồng chí đảm nhận trọng trách Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, Ủy viên Thường vụ Trung ương, có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí lại tham gia ngay vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Dù ở nhiều cương vị công tác, đồng chí Hoàng Quốc Việt luôn nêu cao tác phong quần chúng, hội tụ những phẩm chất của một người chiến sĩ cách mạng trung kiên, mẫu mực, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Là đặc phái viên của Trung ương Đảng và Mặt trận Việt Minh chỉ đạo cách mạng miền Nam, đồng chí đã cùng với cấp ủy và chính quyền “giải quyết hàng loạt các công việc cấp bách”. Được phân công phụ trách công tác dân vận và công tác mặt trận, đồng chí đã có nhiều sáng tạo hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia, ủng hộ cách mạng, góp phần vào xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Gần 30 năm đảm trách vị trí Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng chí đã chủ trương xây dựng cơ chế làm chủ tập thể của công nhân, viên chức từ Trung ương đến cơ sở và hết lòng chăm lo đến việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của giai cấp công nhân. Trong khoảng 16 năm làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đồng chí đã cùng với tập thể xác lập được vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát trong thể chế Nhà nước xã hội chủ nghĩa, trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Với 87 năm tuổi đời, gần 70 năm hoạt động cách mạng, đóng góp nhiều công lao to lớn đối với cách mạng, đồng chí vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Kỷ niệm 114 năm ngày sinh đồng chí, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, học tập và noi gương đồng chí Hoàng Quốc Việt, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, đổi mới, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

 Lê Thị An
Nguồn: baobacninh.com.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online7
Tất cả2575861