2019-03-13 14:13:58 Số lượt xem 6271
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930, là sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tua (Pháp) tháng 12/1920. (Ảnh tư liệu).
 
Bối cảnh ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa tư bản chuyển từ tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Các nước tư bản đế quốc vừa tăng cường bóc lột nhân dân lao động trong nước vừa xâm lược và áp bức nhân dân các nước thuộc địa khiến cho mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa với chủ nghĩa thực dân ngày càng gay gắt. Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ ở các nước thuộc địa.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự ra đời của Quốc tế Cộng sản đã trở thành tấm gương sáng, mở ra một thời đại mới - thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc. 
Tại Việt Nam, thực dân Pháp thực hiện chính sách chia để trị, áp bức, bóc lột hà khắc khiến đời sống của nhân dân hết sức khổ cực, mâu thuẫn giữa các giai tầng trong xã hội, giữa nhân dân Việt Nam với thực dân Pháp ngày càng sâu sắc. Yêu cầu cách mạng lúc đó là phải đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc và xóa bỏ chế độ phong kiến, giành quyền dân chủ cho nhân dân.
Phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân diễn ra liên tục và sôi nổi như: Phong trào Cần Vương,  khởi nghĩa Yên Thế, phong trào của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… Nhưng do thiếu đường lối đúng đắn, thiếu tổ chức và lực lượng cần thiết nên đều thất bại. Cách mạng Việt Nam chìm trong cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước.
Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc) ra đi tìm đường cứu nước. Trải qua nhiều hoạt động thực tiễn, vừa lao động, vừa học hỏi, tìm tòi, Tháng 7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc ''Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa'' của Lenin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản. 
Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã thực hiện truyền bá chủ nghĩa Mac-Lenin về Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng, tổ chức và các điều kiện để thành lập Đảng. Người đã viết nhiều bài báo, tham gia nhiều tham luận tại các đại hội, hội nghị quốc tế, viết tác phẩm ''Bản án chế độ thực dân Pháp'', Đường Kách Mệnh và tổ chức ra các tờ báo Thanh niên, Công nông, Tiền phong, nhằm truyền bá chủ nghĩa Mac-Lenin vào Việt Nam. Năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi cán bộ đi học tại trường Đại học Phương Đông (Liên Xô) và trường Lục quân Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Với những nỗ lực không ngừng, phong trào cách mạng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, ở Việt Nam đã xuất hiện 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng Sản liên đoàn.
Cuối năm 1929, những người cách mạng Việt Nam trong các tổ chức cộng sản đã nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải thành lập một chính Đảng duy nhất, chấm dứt tình trạng chia rẽ trong phong trào cách mạng. Từ ngày 6/1 đến ngày 7/2/1930, Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức và chủ trì Hội nghị hợp nhất Đảng tại Hong Kong, Trung Quốc. Hội nghị đã quyết định hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. 
Hội nghị thảo luận và thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản. Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản có ý nghĩa như một Đại hội thành lập Đảng. Những văn kiện được thông qua tại Hội nghị hợp nhất do Nguyễn Ái Quốc chủ trì chính là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng đã quyết nghị lấy ngày 3/2 dương lịch hằng năm làm ngày kỷ niệm thành lập Đảng./.
Ý nghĩa của sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng 
Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất - Đảng Cộng sản Việt Nam - theo một đường lối chính trị đúng đắn, tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là sự kiện lịch sử trọng đại, một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mac-Lenin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam. 
Sự ra đời của Đảng đã chấm dứt khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo. Cương lĩnh chính trị đúng đắn là cơ sở để Đảng Cộng sản Việt Nam nắm được ngọn cờ lãnh đạo cách mạng, mở ra con đường và phương hướng mới; là cơ sở đảm bảo cho sự đoàn kết và tập hợp lực lượng để tiến hành cuộc cách mạng vĩ đại, giành những thắng lợi to lớn sau này. Đây cũng là điều kiện cơ bản quyết định phương hướng phát triển, bước đi của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn 80 năm qua. 
Sự ra đời của Đảng đã khiến cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận và tranh thủ được sự ủng hộ to lớn của phong trào cách mạng thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại làm nên những thắng lợi vẻ vang.
 Nhân dịp kỷ niệm 89 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019), Đảng bộ thành phố Bắc Ninh đã tổ chức trao tặng Huy hiệu từ 30 năm đến 70 năm tuổi Đảng cho 171 đồng chí nhằm ghi nhận công lao, sự hy sinh phấn đấu gian khổ, liên tục, bền bỉ của các đảng viên vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. 
Ban Biên tập 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online14
Tất cả2587527