2019-01-10 15:59:26 Số lượt xem 1171

1. Bệnh Sởi là gì?

   Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sởi gây ra. Người là ổ chứa duy nhất. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài từ 7-18 ngày, trung bình 10 ngày.Biểu hiện của bệnh bao gồm: sốt, phát ban và viêm long đường hô hấp, xuất hiện các hạt nhỏ màu trắng ở niêm mạc miệng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi,viêm thanh quản, cam tẩu mã, tiêu chảy kéo dài, suy dinh dưỡng, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não tủy dễ dẫn đến tử vong. Bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, trẻ đang mắc các bệnh cấp tính và mãn tính khác.
 Bệnh sởi có tốc độ lây truyền rất cao, một người mắc có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người khác, đặc biệt trong điều kiện sống khép kín thì hầu hết những người chưa có miễn dịch đều có thể bị mắc bệnh. Thời kỳ lây truyền từ 5 ngày trước cho tới 5 ngày sau phát ban. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các hạt dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra được khuếch tán trong không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Miễn dịch có được sau khi mắc bệnh bền vững và miễn dịch của mẹ truyền cho con có thể bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời. Điều kiện ẩm thấp là môi trường thuận lợi nhất cho bệnh sởi lây lan, đặc biệt đối với người chưa có miễn dịch với bệnh sởi.
 2. Các biện pháp dự phòng:
2.1.Tiêm vắc xin:
  Tiêm vắc xin phòng sởi là biện pháp hiệu quả nhất (vắc xin dạng đơn hoặc dạng phối hợp Sởi-Quai bị-Rubella hoặc Sởi-Rubella). Cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ hai mũi theo khuyến cáo của ngành y tế: mũi 1 lúc trẻ 9 tháng tuổi và mũi 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Để phòng chống bệnh sởi và nguy cơ dịch sởi bùng phát, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch bổ sung 1 mũi vắc xin Sởi –Rubella (phòng chống bệnh sởi và bệnh rubella) ở các địa bàn có nguy cơ cao bùng phát dịch sởi. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chiến dịch tiêm vắc xin bổ sung này được tổ chức tại 5 địa phương là huyện Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Thuận Thành và thành phố Bắc Ninh vào tháng 12 năm 2018.
 
2.2.Phòng bệnh cá nhân:
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là vitamin A.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng
Thường xuyên vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường đặc biệt là những người tiếp xúc gần với bệnh nhân (sống cùng nhà, người chăm sóc bệnh nhân,…)
Tránh tối đa việc chùi tay lên mắt, mũi, miệng..
 Hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi mắc bệnh. Khi phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế và các trang bị phòng hộ cá nhân.
Không cho trẻ em dùng chung vật dụng cá nhân, đồ chơi hoặc đồ vật dễ bị ô nhiễm chất tiết mũi họng.
 Thường xuyên làm sạch đồ chơi, đồ vật bị nghi ngờ ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch.
Lau sàn nhà, nắm đấm cửa, lan can cầu thang, mặt bàn, ghế, khu vệ sinh chung hoặc bề mặt của đồ vật nghi ngờ bị ô nhiễm dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bằng xà phòng, hoặc các chất tẩy rửa thông thường với nước sạch từ 1-2 lần/ngày.
2.3.Phòng bệnh cho cộng đồng:
Mọi người trong cộng đồng đều phải thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cá nhân.
Hạn chế tập trung đông người, hội họp, đặc biệt trong những phòng chật hẹp, thiếu không khí trong khu vực ổ dịch.
Không cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người khi không cần thiết. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi. Không cho trẻ đến nơi đang có dịch, nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
 Người dân trong cộng đồng khi có biểu hiện mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị và hướng dẫn cách ly y tế kịp thời.
Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để ánh nắng chiếu vào và đảm bảo thông khí thoáng cho nhà ở, phòng học, nơi làm việc, phòng bệnh.
2.4.Phòng bệnh ở nhà trẻ, trường học:
Tuyên truyền các biện pháp phòng chống sởi cho thầy cô giáo và phụ huynh.
Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý cho trẻ.
Đảm bảo lớp học luôn thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, vệ sinh lau chùi bàn ghế, đồ dung, đồ chơi hàng ngày.
Khi phát hiện học sinh có dấu hiệu mắc sởi, phải cho học sinh nghỉ học để đi khám bệnh và điều trị đến khi khỏi bệnh.
2.5. Phòng ngừa lây nhiễm sởi ở cơ sở y tế:
Thiết lập khu vực riêng dành cho khám, điều trị bệnh sởi. Có biển cảnh báo và phân luồng khám chữa bệnh; thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Hướng dẫn và không để người nhà của bệnh nhân sởi tiếp xúc với người nhà của bệnh nhân mắc các bệnh khác.
Cán bộ y tế phải thực hiện việc rửa tay sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân sởi, mang phương tiện phòng hộ thích hợp, khử tiệt khuẩn đúng dụng cụ.
 Bệnh nhi mắc bệnh sởi cần được nằm phòng riêng, không nằm chung với bệnh nhân mắc các bệnh khác.
 Phòng điều trị bệnh nhân sởi phải có xử lý không khí tốt: phòng phải thoáng khí, mở cửa sổ để đối lưu không khí, ở cách xa các phòng bệnh khác.
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online29
Tất cả2590273