2017-10-09 15:00:47 Số lượt xem 2924
Ngày 07-11-1917, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga đứng đầu là V.I. Lê-nin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã nhất loạt khởi nghĩa, lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản và phản cách mạng, lập nên Nhà nước Xô-viết. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười mở ra đã làm thay đổi cục diện thế giới. Đó là sự thể nghiệm thắng lợi chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong thực tiễn, để lại những bài học kinh nghiệm vô giá cho các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
ảnh: V.I. Le-nin với cách mạng Tháng Mười Nga
Đánh giá sự kiện lịch sử trọng đại này, Nguyễn Ái Quốc viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên Trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1). Khác với cuộc cách mạng tư sản thay thế ách thống trị phong kiến bằng ách thống trị của giai cấp tư sản, Cách mạng Tháng Mười thực hiện sứ mệnh giải phóng quần chúng lao động khỏi mọi áp bức bóc lột, đưa họ từ thân phận người nô lệ làm thuê lên địa vị người chủ chân chính của xã hội. Với Cách mạng Tháng Mười, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền tự quyết của các dân tộc được thực hiện. Cách mạng Tháng Mười đem lại nhà máy cho công nhân, ruộng đất cho nông dân, hòa bình và hữu nghị cho các dân tộc, tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cách mạng Tháng Mười không chỉ tuyên bố những lý tưởng cao cả mà nó thực sự hành động vì những lợi ích thiết thân nhất, bức xúc nhất của nhân dân.
Dưới ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, chủ nghĩa xã hội trở thành một hệ thống trên thế giới. Phong trào giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh cho tiến bộ hòa bình được thức tỉnh, cổ vũ và trở thành những làn sóng to lớn trong thế kỷ XX. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga tác động to lớn đối với sự phát triển của cách mạng thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đầu năm 1919, Quốc tế thứ ba được thành lập, đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với khuynh hướng cơ hội hữu khuynh và chủ nghĩa sô-vanh của Quốc tế thứ hai.
Khi nhân dân Nga tiến hành cách mạng vô sản thành công, nhân dân Việt Nam vẫn đang chìm đắm trong đêm dài nô lệ. Mặc dù không ngừng vươn lên đấu tranh chống đế quốc và tay sai, song các phong trào yêu nước theo đường lối phong kiến hoặc theo khuynh hướng tư sản ở Việt Nam lúc này đều thất bại vì không đáp ứng được nguyện vọng của đa số quần chúng nhân dân lao động. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc, sau hơn 10 năm bôn ba tìm con đường cứu nước đã đến với ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười. Trong tác phẩm Đường Cách mệnh, Người viết: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”(2).
Tháng 7-1920, khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V. I. Lê-nin, Nguyễn Ái Quốc sớm nắm bắt được cốt lõi trong tư tưởng của V.I. Lê-nin: vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại. Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho đồng bào Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm. Người viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(3). Người đã có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(4). Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Đó là con đường gắn mục tiêu độc lập dân tộc với mục tiêu chủ nghĩa xã hội, gắn cách mạng Việt Nam với xu thế thời đại. 
Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và phát triển sáng tạo những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, đưa cách mạng vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn. Những định hướng cơ bản từ Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam, đó là:
Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo
Nguyễn Ái Quốc khẳng định, muốn giải phóng dân tộc thành công: “cần có sự lãnh đạo của một Đảng cách mạng chân chính của giai cấp công nhân, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”(5).
Vai trò lãnh đạo của Đảng được C. Mác, Ph. Ăng-ghen, V.I. Lê-nin khẳng định và trong Cách mạng Tháng Mười Nga, V.I. Lê-nin đã vận dụng rất thành công. Nhận thức về vấn đề này, ngay từ tác phẩm Đường Cách mệnh (năm 1927), Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”(6).
Ngày 11-11-1924, rời nước Nga, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc), mang theo những khát vọng về giải phóng, về độc lập, tự do, hạnh phúc, về tình đoàn kết quốc tế của V.I. Lê-nin vĩ đại để thực hiện ở Việt Nam. Từ Quảng Châu - trung tâm cách mạng của châu Á, Người bắt đầu xây dựng những cơ sở ban đầu cho sự ra đời của một chính đảng kiểu mới ở Việt Nam theo nguyên tắc Mác-xít - Lê-nin-nít.
Nguyễn Ái Quốc cho rằng, để xây dựng Đảng Cộng sản, trước hết phải giải quyết tốt vấn đề nhận thức tư tưởng chính trị và phương pháp tổ chức cho những người yêu nước; phải giác ngộ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam theo lập trường cách mạng vô sản... Trong quá trình huấn luyện cán bộ cho cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc không chỉ truyền bá lý luận Mác - Lê-nin vào công nhân, mà còn truyền bá vào các tầng lớp trí thức yêu nước. Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, các tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập: Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ. Tuy nhiên, sự tồn tại của 3 tổ chức cộng sản hoạt động biệt lập trong một quốc gia là nguy cơ dẫn đến chia rẽ trong phong trào công nhân, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc. Yêu cầu bức thiết lúc đó là thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng cộng sản duy nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam.
Ngày 23-12-1929, Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm tới Trung Quốc, triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng họp tại Hồng Kông (ngày 06-01-1930) để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Để chỉ đạo Hội nghị tiến hành đạt mục tiêu thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất ở Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc xác định rõ vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tự phê bình và phê bình về những thành kiến của các tổ chức cộng sản dẫn đến tình trạng xung đột, công kích lẫn nhau, phải xóa bỏ những khuyết điểm đó và thành thật hợp tác để thống nhất các tổ chức cộng sản. Nguyễn Ái Quốc bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, đưa đến thành công của Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đầu những năm 30 của thế kỷ XX. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối của cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Tập hợp, huy động lực lượng toàn dân tham gia vào sự nghiệp cách mạng
Tiếp thu tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng cần vận động tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân Việt Nam đang bị mất nước. Người luôn khẳng định đoàn kết là một truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam mà nhờ đó mới tạo nên nhiều chiến công lẫy lừng của dân tộc. Từ thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng, Người nêu cao chân lý: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công. Do đó, Người chủ trương và dành nhiều tâm lực để xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất, để huy động sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân. Mặt trận dân tộc thống nhất tập hợp rất rộng rãi các tầng lớp xã hội, các giới đồng bào, các dân tộc và tôn giáo,… dựa trên sự đánh giá đúng đắn truyền thống lịch sử và thực trạng phân hóa kinh tế, xã hội và thái độ chính trị của các thành viên trong cộng đồng dân tộc Việt Nam đối với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Người coi công, nông là gốc của cách mạng và các tầng lớp xã hội khác như học sinh, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức là bầu bạn của công, nông. Chủ trương tập hợp lực lượng của Nguyễn Ái Quốc phản ánh tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Người. Năm 1942, Người chủ trương già, trẻ, gái, trai, dân, lính đều tham gia đánh giặc. Năm 1944, Người viết: “Cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến toàn dân, vũ trang toàn dân”. Thực hiện đường lối đoàn kết dân tộc với việc thành lập Mặt trận dân tộc mà thời kỳ trước đó đã tiến hành với nội dung hình thức thích hợp, Nguyễn Ái Quốc đã đóng góp lớn vào việc quyết định và thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) thay cho “Mặt trận dân tộc thống nhất Phản đế Đông Dương”, nhằm đoàn kết và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, đánh đuổi Pháp, Nhật.
Trải qua các bước tìm tòi, thử nghiệm, tháng 11-1939 và đến tháng 5-1941, Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mới lần lượt đưa ra các quyết định: Cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại… chỉ phải giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng” và nhiệm vụ đánh Pháp, đuổi Nhật không phải riêng của công, nông mà là nhiệm vụ chung của toàn thể nhân dân. Đến thời điểm này, quan điểm dựa vào sức mạnh toàn thể của nhân dân trong cộng đồng dân tộc làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập tự do được thực thi trọn vẹn. Lực lượng giai cấp, dân tộc được tập hợp và phát huy sức mạnh trong các đoàn thể cứu quốc, trong Mặt trận Việt Minh, tạo dựng An toàn khu, chiến khu để vừa bảo vệ Đảng, vừa tổ chức và phát triển các đơn vị vũ trang và đội quân chính trị. Tất cả những yếu tố đó tạo nên nguồn lực mạnh mẽ tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa do Trung ương phát động. Mọi người ra sức thực hiện nghị quyết của Đảng và Thư kêu gọi của Người: Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Tự chủ và sáng tạo, tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi do tình hình quốc tế đem lại, chớp thời cơ khởi nghĩa
Từ sự chuẩn bị mọi mặt cho cách mạng về đảng chính trị, về lực lượng, về cách thức, phương pháp tiến hành cách mạng, đến trình độ nhận thức nhạy bén, đánh giá xu thế chuyển biến của cục diện chính trị quốc tế, khu vực trong thời đại mới; sự phát triển của các phong trào cách mạng, phong trào hòa bình, dân chủ trên thế giới; thế và lực của cách mạng nước ta và đối phương, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những nhận định ngay từ tháng 5-1941: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”(7). Do đó, sau khi biết tin thắng trận của Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh trên chiến trường châu Âu đánh bại phát xít Đức, tiếp đó quân đồng minh tiến hành phản công trên Mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và trong nước, phong trào đấu tranh của nhân dân diễn ra dồn dập, lực lượng chính trị, vũ trang phát triển nhanh chóng, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cần chuẩn bị hết sức gấp rút để phát động toàn dân nổi dậy giành chính quyền đúng thời cơ, tiến hành tổng khởi nghĩa. Trong những ngày đầu tháng 8-1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho nhiều cán bộ cấp cao ở Tân Trào: “Chúng ta cần tranh thủ từng giây, từng phút, tình hình sẽ chuyển biến nhanh chóng. Không thể để lỡ cơ hội”(8).
Mặc dù đang ốm nặng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”(9). Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, trên cơ sở chọn lọc những yếu tố tích cực của mô hình tổ chức nhà nước Xô-viết và các nhà nước dân chủ khác, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Một quan điểm có ý nghĩa phương pháp luận mang tính chỉ đạo lâu dài đối với Đảng và nhân dân ta được Hồ Chí Minh chỉ ra: “Đi theo con đường do Lê-nin vĩ đại đã vạch ra, con đường của Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Việt Nam đã giành được thắng lợi rất to lớn. Chính vì vậy mà mối tình gắn bó và lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam đối với Cách mạng Tháng Mười vẻ vang, đối với Lê-nin vĩ đại và đối với nhân dân Liên Xô là vô cùng sâu sắc”(10).
Ngày nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục soi sáng con đường cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân tộc đang tiếp tục chiến đấu để bảo vệ, xây dựng và phát huy những thành quả tốt đẹp và vô cùng quý báu do Cách mạng Tháng Mười Nga và Cách mạng Tháng Tám mang lại./. 
------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 387
(2) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 304
(3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 562
(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 304
(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 391.
(6) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 2, tr. 289
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 7, tr. 100
(8) Anh cả Nguyễn Lương Bằng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 159
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tập 7, tr. 421- 422
(10) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 397
 
Nguồn: tapchicongsan.org.vn
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online33
Tất cả3186339