2019-10-16 08:24:09 Số lượt xem 1803
Cứ mỗi 100km2 diện tích lãnh thổ, Việt Nam có gần 1km chiều dài bờ biển, chỉ số này gấp 6 lần chỉ số trung bình toàn cầu. Đây là chỉ số thuộc loại cao hàng đầu của thế giới, góp phần khẳng định Việt Nam thực sự là quốc gia biển và có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển.
Quyết sách lớn
Biển là cái nôi của sự sống, là nhân tố hết sức quan trọng đảm bảo tính bền vững của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Nhận thức về biển và phát triển bền vững kinh tế biển trên thế giới ngày càng rõ ràng hơn với nhiều chuyển biến tích cực qua thời gian. Chiến lược biển của nhiều quốc gia đã nhấn mạnh tới nội hàm quan trọng là phát triển kinh tế biển và các thể chế quản lý biển. Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển. Ngày nay, biển và kinh tế biển ngày càng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, cũng như trong vấn đề an ninh quốc gia.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đưa ra nhiều chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển. Ngày 9/2/2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu quan trọng nhất là phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng (10/2018) đã tổng kết, đánh giá toàn diện về việc thực hiện Chiến lược biển và công bố Nghị quyết mới về biển có tên gọi “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” - Nghị quyết số 36/NQ-TW. Đây là chủ trương lớn, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam trong việc khai thác hợp lý các nguồn lực từ biển để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Nhiều quan điểm và cách đặt vấn đề mới được nêu ra trong chiến lược của Việt Nam, đặc biệt là cách nhìn nhận tổng thể và dài hạn về biển, phát triển kinh tế biển phải được nhìn nhận trong không gian 3 chiều: mặt biển, đáy biển, không gian trên biển. Cần phải vươn xa ra tới đại dương, nhưng đồng thời cũng cần phải đặc biệt chú trọng tới quản lý bờ biển vì xét đến cùng, mọi hoạt động vươn ra biển đều xuất phát từ bờ biển và bờ biển Việt Nam cần được sử dụng để tạo thuận lợi nhất cho chính sách hướng biển.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Tài nguyên môi trường)
Kiến tạo kinh tế biển xanh
Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra những mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng…
Bên cạnh đó, các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Tại các tỉnh, thành phố ven biển, chỉ số phát triển con người cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước....
Để đạt được những mục tiêu này, phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam cần chuyển từ nền kinh tế khai thác và gây ô nhiễm môi trường sang kinh tế xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên trong chuỗi kết nối hữu cơ, từ trong đất liền ra đến biển, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường biển ngay từ trong đất liền. Đồng thời, phải tái cơ cấu các ngành kinh tế biển và ven biển dựa trên hệ sinh thái và phù hợp với lợi thế, tiềm năng tự nhiên.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực như du lịch biển, đảo, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng dòng chảy thủy triều và năng lượng sóng biển) từng bước đầu tư phát triển công nghệ sinh học biển, dược liệu biển bên cạnh việc thúc đẩy các ngành kinh tế biển truyền thống như: kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển; nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và phát triển hạ tầng nghề cá; công nghiệp đóng tàu.
Việt Nam cần đảm bảo tối ưu hóa các lợi ích có được trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển bằng các quy định pháp luật theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích các hoạt động ngành, đồng thời, đảm bảo tài nguyên biển được khai thác hợp lý, tiết kiệm. Các tài nguyên tái tạo không bị khai thác quá mức để duy trì khả năng tái tạo, môi trường và các hệ sinh thái biển được bảo vệ, bảo tồn, thậm chí được cải thiện, khôi phục lại. Đặc biệt, khoa học, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực biển chất lượng cao chính là nhân tố đột phá để phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới./.
Nguồn: Dangcongsan.vn
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online150
Tất cả3170618