2018-09-01 10:33:45 Số lượt xem 1718
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành (sau này là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh) bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước bằng công việc phụ bếp. Người ra đi mang nỗi đau của người nô lệ mất nước. Người đã bôn ba ròng rã vượt qua ba đại dương đến bốn châu lục, 28 nước, từ những trung tâm văn minh nhất của thế giới tới những nơi bần cùng và đau khổ nhất của nhân loại thời ấy. Sống và làm việc trong thân phận người làm thuê nghèo khổ tại Hoa Kỳ, Anh, Pháp, trực tiếp cảm nhận và hoà mình trong cuộc sống của những người cùng khổ trong xã hội tư bản, Người hiểu đằng sau những khái niệm tự do, bình đẳng, bác ái, công lý, nhân quyền…của chủ nghĩa thực dân, đế quốc là nỗi đau khổ của nhân dân lao động bị áp bức bóc lột. Người đã đi đến kết luận: Ở đâu chủ nghĩa thực dân cũng tàn ác, ở đâu các dân tộc thuộc địa cũng đau khổ. Thương nước, thương dân đã hun đúc thành tư tưởng và lòng ham muốn của Bác: Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Bác trả lời Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Pháp, Anbe Xarô: Cái mà tôi cần nhất trên đời là đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập,
khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Độc lập, tự do là quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của tất cả các dân tộc. Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt những người Việt Nam yêu nước gửi kiến nghị đến Hội nghị hoà bình Véc xây bản yêu sách 8 điểm, đòi các quyền tự do dân chủ cho nhân dân Việt Nam. Đây là một hình thức đấu tranh của Bác đòi quyền bình đẳng, quyền tự do dân chủ tối thiểu cho nhân dân. Trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ, một người Việt Nam chưa có tên tuổi, giữa sào huyệt kẻ thù dám đưa yêu sách về “quyền của các dân tộc” là một hành động yêu nước dũng cảm, tài trí, khôn ngoan. Yêu sách không được các thế lực đế quốc để ý đến, càng khẳng định ý chí của Bác: Muốn giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào bản thân, trông cậy vào lực lượng của chính mình .

Đầu năm 1941, Bác từ nước ngoài về nước chỉ đạo cách mạng, thành lập Việt Minh. Người  viết thư kính cáo đồng bào: Trong lúc này, quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Mục tiêu đầu tiên của Việt Minh là: Cờ treo độc lập, xây nền bình quyền. Trong lúc ốm thập tử nhất sinh, Người vẫn thể hiện quyết tâm sắt đá: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác long trọng khẳng định trước quốc dân đồng bào và trước toàn thế giới:Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và thật sự đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là biểu tượng tuỵệt vời về ý chí bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, kết tinh truyền thống đoàn kết đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có nhiều bài học quý báu, trong đó phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu độc lập, tự do, đã tập hợp mọi lực lượng, mọi tầng lớp, tạo ra sức mạnh vô song thắng thù trong giặc ngoài, giành chính quyền về tay nhân dân.

Khi nền độc lập non trẻ nước ta đứng trước thù trong, giặc ngoài kéo đến xâu xé, khiêu khích, chính quyền như treo trên sợi tóc, vận mệnh của đất nước trong cơn nguy biến, Chủ tich Hồ Chí Minh bình tĩnh giải thích: Nền độc lập ta vừa mới giành được giống như một chiếc bình ngọc. Nay có những con kiến bò trên miệng bình, nếu ta dùng gậy đập kiến, chưa chắc kiến đã chết mà bình ngọc vỡ mất. Nếu ta lấy một cái que bắc cầu cho chúng xuống thì kiến sẽ đi hết, như vậy có hơn không? Bằng thiên tài, sự nhạy bén chính trị, khả năng tiên tri chính xác, Chủ tich Hồ Chí Minh đã lái con thuyền cách mạng vượt qua giông tố hiểm nguy. Sau hiệp định sơ bộ 6-3-1946, bọn phản động và lũ cơ hội càng tức giận, vu khống và mưu sát, Người khảng khái kiên quyết: Tôi, Hồ Chí Minh suốt đời đã cùng đồng bào chiến đấu cho độc lập của Tổ quốc. Tôi thà chết chứ không bao giờ bán nước. Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thể hiện quyết tâm bảo vệ độc lập và chủ quyền dân tộc, Người ra lời kêu gọi vang dậy núi sông: Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ .

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân ra miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra chân lý bất hủ, có giá trị cho mọi thời đại: Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đây không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống, là học thuyết cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng theo Người: Độc lập mà không đem lại tự do cho dân thì độc lập cũng không có nghĩa gì. Đây là đúc rút của Bác khi Người đi đến nhiều nước tuy có nền độc lập mà dân không được tự do. Hơn nữa, dân tộc Việt Nam trải qua hàng thế kỷ dưới ách thực dân phong kiến, cuộc sống không có được một tự do tối thiểu, bị nô dịch và nghèo đói đến cùng cực. Khát vọng tự do để hoạt động nâng mức sống của nhân dân lên đã trở thành mục đích thiêng liêng của độc lập dân tộc. Giải phóng dân tộc là để đem lại tự do cho nhân dân. Nhà nước của ta có sứ mệnh lịch sử bảo đảm tự do cho dân sống và hoạt động, môi trường tự do hoạt động sáng tạo của từng cá nhân, mưu cầu một cuộc sống ngày càng đầy đủ, hạnh phúc hơn. Đó là khát khao cháy bỏng suốt cả cuộc đời của Người . 

Ngay từ những ngày đầu khi Cách mạng Tháng Tám vừa thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt chú trong việc xoá đói. Người kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung lực lượng để chống 3 thứ giặc là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Người nói: Chúng ta gianh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: Làm cho dân có ăn. Làm cho dân có mặc. Làm cho dân có chỗ ở. Làm cho dân có học hành. Người căn dặn cán bộ: Ở Bắc Bộ ta lúc này bị đói. Từ tháng giêng đến tháng 7, tháng 8 vừa qua, dân ta chết đói hơn hai triệu người, nhiều gấp mấy số đồng bào tử trận tại Nam Bộ. Nạn đói còn nguy hại hơn giặc Pháp nữa. Nhiệm vụ cứu đói của chúng ta rất nặng nề, công việc cứu đói cũng gấp rút như công việc kháng chiến.

Ngày nay,  xoá đói giảm nghèo không còn là vấn đề của mỗi quốc gia riêng biệt mà đã trở thành vấn đề chung, vấn đề mà xã hội bức xúc mang tính toàn cầu, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn nhân loại. Với tinh thần đó, năm 2000, Tuyên bố thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc có sự tham gia của 150 vị đứng đầu nhà nước, chính phủ, đã quyết định lấy ngày 17-10  hằng năm, ngày mà 55 năm trước đó (17-10-1945) Chủ tich Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi chống giặc đói ở nước ta, là “Ngày thế giới chống đói nghèo”. Từ nhiều năm nay, cuộc vận động vì người nghèo do Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động thu hút toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở với hàng triệu cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia, đem lại kết quả to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần và đạo lý.

Để chống “giặc dốt”, tháng 10-1945 Người ra lời kêu gọi chống nạn thất học: Pháp cai trị nước ta, chúng thi hành chính sách ngu dân. Chúng hạn chế mở trường học, chúng không muốn cho dân ta biết chữ, để dễ lừa dối dân ta và bóc lột dân ta. Số người Việt Nam thất học so với số người trong nước là 95 phần trăm, nghĩa là hầu hết người Việt Nam mù chữ. Như thế thì tiến bộ làm sao được? Nay chúng ta đã giành được độc lập, một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí. Chính phủ đã gia hạn trong một năm tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, nội hàm của khái niệm “dốt” và “chống dốt” rộng lớn hơn việc xoá nạn mù chữ, dẫu rằng trước hết phải bắt đầu từ việc xoá nạn mù chữ cho nhân dân. Người khẳng định: Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Mục tiêu của Người là nâng dân tộc lên ngang tầm thời đại. Để khẳng định tầm quan trong của sự nghiệp giáo dục, Người chỉ rõ: Vì sự nghiệp mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Tư tưởng này luôn luôn mang tính chiến lược, đó là sự kết tinh từ đặc trưng cơ bản nhất trong tư tưởng của Bác: Tất cả vì con người, do con người. Tư tưởng đó bao quát toàn bộ cách mạng Việt Nam là giải phóng dân tộc, đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Tận đến lúc đi xa, Người vẫn dành muôn vàn tình thương yêu cho mọi người. Đó là cốt lõi tâm hồn của Bác đối với hạnh phúc của con người, tương lai của dân tộc và nhân loại.

Hồ Chí Minh lo cho tất cả chỉ quên mình. Suốt đời đấu tranh cho tự do hạnh phúc của mọi người, còn đối với bản thân sống vô cùng giản dị, thanh đạm, bởi lẽ sống của Người là: Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Phẩm chất đó của Bác Hồ đã được cố Thủ tướng Pham Văn Đồng khái quát: Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, lớn mà không làm ra vĩ đại, soi sáng mà không làm choáng ngợp.

Tấm gương suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân của Bác là mẫu mực cho mọi người, cho các thế hệ Việt Nam học tập, nhất là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.

Nguồn: Trần Công Huyền
xaydungdang.org.vn
Video
Thống kê truy cập
Đang online25
Tất cả2539356