2018-04-02 15:48:04 Số lượt xem 2129
Trong mọi mặt công tác, người cán bộ lãnh đạo phải quán triệt nguyên tắc thực hành:1) Đối với mình, không tự cao, tự đại, kiêu ngạo, cầu thị, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình ; 2) Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, bao dung và tận tình chia sẻ, giúp đỡ; 3) Đối với việc, phải dĩ công vi thượng; tận tâm, tận lực trên tinh thần: việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh.
Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phong cách làm việc mẫu mực của một lãnh tụ, của một nhà khoa học chân chính. Từ quan điểm mọi quyền lực, lợi ích đều thuộc về nhân dân, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang sắc thái riêng của một vĩ nhân, đó là phong cách làm việc của Người có 24 năm trên cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước luôn gần dân, trọng dân, tất cả vì nhân dân phục vụ, để mỗi cán bộ lãnh đạo có thể học tập và làm theo.
Gần dân, vì dân - bản chất phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh 
Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lề lối, cách thức làm việc của người lãnh đạo mà đối tượng là cấp dưới, là quần chúng nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm về vị trí và vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân lãnh tụ và quần chúng nhân dân, Hồ Chí Minh luôn gần gũi quần chúng, sâu sát quần chúng và tác động đến quần chúng với cách thức phù hợp để phát huy cao nhất vai trò, năng lực, khả năng sáng tạo của quần chúng trong tiến trình cách mạng. Cách làm việc này được thực hiện trên nguyên tắc: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc”(l) và “cách làm việc, cách tổ chức... của chúng ta đều phải lấy câu này làm khuôn phép: Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”(2).
Để có phong cách làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, Người yêu cầu cán bộ phải thường xuyên tiếp xúc làm việc với quần chúng, nắm tâm tư nguyện vọng và thật sự quan tâm tới đời sống mọi mặt của họ, phải tin yêu tôn trọng quần chúng, lắng nghe ý kiến đóng góp phê bình xây dựng của quần chúng: “Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng”(3), “không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo”(4) và không chỉ giáo dục mà còn nêu gương cho quần chúng noi theo. Khi làm việc với quần chúng, cần phải nắm vững tình hình quần chúng, phải phân loại quần chúng để có biện pháp làm việc hiệu quả. Mặt khác, phải nắm rõ đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của quần chúng là “hay so sánh” và họ so sánh đúng, vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Vì thế trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, “người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh”(5) để có biện pháp thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao nhất.
Làm việc sát quần chúng, hợp quần chúng, hòa mình với quần chúng để nghe được những điều quần chúng nói, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, nỗi bức xúc của quần chúng để lãnh đạo họ là vấn đề có tính nguyên tắc xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng, là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói và luôn gương mẫu thực hành trong quá trình làm việc. Phong cách làm việc gần dân, vì dân đã trở thành bản chất phong cách lãnh đạo của Người. Dù trong hoàn cảnh nào, chiến tranh hay hòa bình, Hồ Chí Minh cũng luôn hướng về nhân dân, đến với dân, hòa mình với nhân dân để hiểu dân, kịp thời có những chủ trương, quyết sách hợp với lòng dân, giải quyết những bức xúc của dân. Một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sáng 3-9-1945, Người chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời và cùng ngày, Người ra thông báo kế hoạch tiếp nhân dân. Giữa bộn bề công việc của những ngày đầu xây dựng nền dân chủ cộng hòa, đất nước đang bị đe dọa bởi nạn đói, nạn dốt và nạn ngoại xâm, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian để tiếp các tầng lớp nhân dân: “Từ năm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể, như: Văn hóa giới, Công giáo, Công hội, Thanh niên, Hoa kiều, Công chức, Phật giáo, Nông hội, Phụ nữ, Nhi đồng”. Trong đó, Người nêu rõ: “Xin gửi thư nói trước để tôi sắp xếp thời giờ rồi trả lời bà con, khỏi mất thời giờ chờ đợi mất công” và yêu cầu “mỗi đoàn không quá mười vị, mỗi lần không quá một tiếng đồng hồ”… Đó là biểu hiện cao nhất của tôn trọng dân chủ, là muốn nghe lòng dân để phục vụ nhân dân trong phong cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh thường dành thời gian đi cơ sở, đi thăm nhân dân ở các địa phương. Trong vòng 10 năm, từ năm 1955- 1965, theo một thống kê chưa đầy đủ, Người đã về địa phương, cơ sở, đã đến với nhân dân hơn 700 lần. Đặc biệt, vì muốn mắt thấy, tai nghe những việc thật, thông tin thật, người thật từ cơ sở, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh thường tránh báo trước, tránh những nghi thức rườm rà, nghi lễ đón tiếp, khẩu hiệu chào mừng, hàng rào danh dự... và nhất là rất ít khi ăn cơm ở những cơ sở, địa phương nơi Người đến. Người từng nói như một lời tâm sự: “Dân ta có câu há miệng mắc quai, về cơ sở mà ăn uống, nhận quà thì làm sao có thể phê bình được cơ sở? Hiện tượng “khách ba, chúa nhà bảy” không chỉ gây tốn kém mà còn mang tiếng với dân”…
Phong cách làm việc gần dân, trọng dân, vì dân gắn liền với thực hành dân chủ, tôn trọng các quyết định của tập thể, lắng nghe ý kiến của mọi người xung quanh. Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ lãnh đạo khi lắng nghe, thấu hiểu và phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo của quần chúng nhân dân, quy tụ được sức mạnh, sự đồng tình ủng hộ của nhiều người, sẽ tạo nên sức mạnh to lớn để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Chính Người, trước khi quyết định vấn đề gì, cũng đều cẩn thận hỏi lại những người giúp việc và cơ quan đã giúp mình chuẩn bị công việc, vì theo Người: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ dẫn đến cái tệ bừa bãi lộn xộn, vô chính phủ”(6). Người nhiều lần nhắc nhở, phê phán và đấu tranh nhằm khắc phục cách làm việc quan liêu, mệnh lệnh xa rời cơ sở, xa rời quần chúng của những "ông quan cách mạng"; đồng thời, yêu cầu các đồng chí phụ trách ở các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương phải thường xuyên đi kiểm tra và giải quyết công việc tại chỗ, phải chống bệnh giấy tờ, hội họp nhiều, ra mệnh lệnh từ bàn giấy, "kế hoạch trên trời".... Người nhiều lần phê phán kiểu cán bộ lãnh đạo chỉ biết nói giỏi, nói hay, những không làm và có làm cũng không hiệu quả; đồng thời, yêu cầu họ họ hãy “nói ít, bắt đầu bằng hành động”(7) và “tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước”(8). Cùng đó, Người nhắc nhở cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để rút kinh nghiệm, phát triển điều hay, sửa đổi khuyết điểm của mình; đồng thời, phải hoan nghênh người khác, phê bình mình, phải chống những bệnh hữu danh, vô thực, bệnh hình thức…
Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực của người lãnh đạo suốt đời làm công bộc tận tụy, làm đầy tớ trung thành của nhân dân, thấu hiểu cuộc sống của dân và luôn thấu cảm lòng dân; luôn gắn lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm, nêu gương trước quần chúng. Trả lời nhà báo Cộng sản Cu Ba, Người nói: “Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho dân tộc” và “mỗi người có một nỗi đau riêng, mỗi gia đình có một nỗi khổ riêng. Gộp tất cả nỗi đau khổ đó lại thành ra nỗi đau khổ của bản thân tôi!”. Tấm gương đạo đức của Người, phong cách lãnh đạo của Người tỏa sáng, trở thành giá trị chuẩn mực và định hướng giá trị trong giáo dục đạo đức, rèn luyện đạo đức cho các thế hệ người Việt Nam, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.
Thường xuyên làm theo phong cách lãnh đạo của Bác
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo nói riêng ngày càng sâu sát cơ sở, làm việc một cách khoa học, dựa trên trình độ học vấn ngày càng cao và trình độ chuyên sâu trong công việc, năng động sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhiều cán bộ lãnh đạo đã thực hành tốt nói đi đôi với làm và nêu gương trước cấp dưới, được quần chúng khen ngợi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn những hạn chế, bất cập. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Nhất là, một bộ phận cán bộ “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân..”. Trong đó, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đằng làm một nẻo, nhất là nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp... vẫn diễn ra nghiêm trọng. Thực trạng này không chỉ phản ánh phong cách làm việc của người lãnh đạo không thấm nhuần theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xa rời các nguyên tắc xây dựng Đảng cách mạng trong sạch, vững mạnh, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, mà còn cho thấy sự thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Đảng, cơ quan công quyền...
Vì vậy, để thiết thực đẩy mạnh học tập và làm theo phong cách làm việc của Bác Hồ ttrở thành tự giác, thường xuyên, mỗi cán bộ lãnh đạo phải luôn phát huy vai trò độc lập, tự chủ, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, lấy lợi ích của Đảng, của nhân dân làm cơ sở cho hoạt động của mình. Trong mọi mặt công tác, người cán bộ lãnh đạo phải quán triệt nguyên tắc thực hành:1) Đối với mình, không tự cao, tự đại, kiêu ngạo, cầu thị, nghiêm khắc tự phê bình và phê bình; 2) Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, bao dung và tận tình chia sẻ, giúp đỡ; 3) Đối với việc, phải dĩ công vi thượng; tận tâm, tận lực trên tinh thần: việc gì có lợi cho dân, phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân, phải hết sức tránh. Mỗi cán bộ lãnh đạo phải hướng về cơ sở, sâu sát với dân, nắm bắt được nguyện vọng của dân để phát huy vai trò của dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhằm đem sức dân, tài dân làm lợi cho dân. Trong quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch công tác, cán bộ lãnh đạo: một mặt, phải nghiên cứu cụ thể, tỉ mỉ để có biện pháp thực hiện sáng tạo, phù hợp với địa phương, cơ quan, đơn vị; mặt khác, phải rèn luyện cách nói, cách viết ngắn gọn, dễ hiểu để tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên quần chúng tham gia; phát huy tiềm năng, sức mạnh của quần chúng để cùng “ra sức thi hành”, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Đồng thời, cán bộ lãnh đạo phải là người tiên phong, gương mẫu trong mọi hoàn cảnh, không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng, tri thức khoa học, phong cách làm việc và nêu gương trước quần chúng để quần chúng tin tưởng, làm theo./.
 
1, 2, 3, 4, 5, 6, 8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H,2002, t. 5, tr.246, 248, 293, 297, 297, 505, 108.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.430.
Nguyễn Văn Công
Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Nguồn: Tuyengiao.vn
___________

 
Video
Thống kê truy cập
Đang online102
Tất cả3093062