2018-07-16 09:12:12 Số lượt xem 2276
 
Tượng đài Đội Hoàng Sa đặt trước Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Tượng đài thể hiện nhóm 3 người, trong đó người đứng giữa là Đề công (đội trưởng nhóm ba thuyền trong một lượt ra Hoàng Sa) mặc áo quan triều đình với tấm bia chủ quyền đề 4 chữ “Vạn lý Hoàng Sa”; hai bên là hai dân binh mang giáo và lưới. Tác giả tượng đài là nhà điêu khắc Hà Trí Dũng. Công trình hoàn thành tháng 9-2009. Tượng đài là một biểu tượng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trung tuần tháng 6 vừa qua, khi chính thức được đặt chân lên huyện đảo Lý Sơn, được tiếp xúc với con người, cảnh vật thiên nhiên và đi thăm các điểm di tích tại đây mới thấy “cái chấm nhỏ xíu trên bản đồ Tổ quốc” chứa đựng cả một quá khứ hào hùng với vai trò là “bằng chứng sống” cho chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa, bởi đây chính là quê hương của Hải đội Hoàng Sa năm xưa - những người đầu tiên xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa liên tục trong nhiều thế kỷ, bắt đầu từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 cho đến những năm 50 của thế kỷ 19.        
Nhà trưng bày lưu niệm Hải đội Hoàng Sa rộng gần 400m vuông, mái lợp ngói âm dương, nơi đây trưng bày hơn 100 tư liệu, hình ảnh quý và nhiều hiện vật sinh hoạt liên quan đến đội hùng binh Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải. Mỗi đồ vật, văn bản cổ nơi đây đều ẩn chứa những câu chuyện đầy xúc động về sứ mệnh bảo vệ biển đảo của người dân Lý Sơn. Nhà trưng bày được chia làm ba nội dung chính: Lý Sơn-Tịnh Kỳ-Quảng Ngãi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải; Nhân dân Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Phần trưng bày về hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa và sự tôn vinh của nhân dân là nội dung cơ bản và gây ấn tượng nhất của toàn bộ nhà trưng bày.
Ở khu vực trưng bày này, có một khoảng không gian thoáng đãng để thể hiện đặc trưng của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đó là các phương tiện thuyền buồm dùng để đi biển cùng những đồ vật sinh hoạt, những vật dụng phục vụ cho việc đi biển, nhất là những vật “tùy thân” hết sức đặc biệt như chiếu, đòn tre, dây mây, thẻ tre… dùng để bó xác khi chẳng may ai đó trong đội thiệt mạng sẽ được đồng đội thả xuống lòng biển để mong thân xác người xấu số được sóng biển đưa về quê hương bản quán.
Mô hình thuyền câu, bài vị và những vật tùy thân dùng để bó xác khi không may bị thiệt mạng trên biển của các hùng binh Hoàng Sa tại nhà trưng bày.
Bên cạnh cảnh đặc trưng về hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa, phần trưng bày này còn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa trưng bày ảnh tư liệu về một số hòn đảo mang tên những Cai đội Hoàng Sa nổi tiếng như đảo Phạm Quang Ảnh, đảo Phạm Hữu Nhật... và những tư liệu cổ sử, tư liệu Hán Nôm, các tài liệu nghiên cứu khoa học, bản trích, sa bàn...
Việc sắp xếp trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật ở khu trưng bày này đã góp phần làm rõ vai trò, nhiệm vụ, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử chính trị của đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.
Ngoài ra, nơi đây còn vô số những di tích lịch sử liên quan đến việc đi khai thác và bảo vệ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đó là Âm Linh tự và mộ gió lính Hoàng Sa .Theo ông Võ Hiển Đạt, một vị cao niên trong xã An Vĩnh: Âm Linh tự làng An Vĩnh là nơi lưu giữ nhiều tư liệu quý liên quan đến các đội Hoàng Sa, kể cả các tư liệu riêng của các gia đình. Vào tiết thanh minh hàng năm, dân làng An Vĩnh tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, một nghi lễ đặc biệt nhằm tưởng nhớ và tri ân các liệt sỹ của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải cùng các dân binh, trai tráng đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên biển… được tổ chức vào dịp Tết Thanh minh hàng năm. 
Dấu tích về những người hùng Hoàng Sa bảo vệ biển đảo thuở xa xưa còn được lưu giữ qua những ngôi mộ gió trên đảo Lý Sơn. Bên cạnh những ngôi mộ có tên, còn có rất nhiều những ngôi mộ gió vô danh lâu năm. Tục đắp mộ gió đã có lịch sử hơn hai thế kỷ. Những ngôi mộ gió đầu tiên là của cai đội Phạm Quang Ảnh và 24 người lính của hải đội do ông quản lý. Trong khi làm nhiệm vụ trên biển, hải đội của ông Phạm Quang Ảnh gặp bão nên tất cả mọi người đều hy sinh. Tưởng nhớ công ơn và lòng xót thương, dân làng và triều đình đã lập mộ gió để thờ cúng. Đó là những ngôi mộ tượng trưng mà bên trong không có thi hài người quá cố. Tục lập mộ gió được lưu truyền cho đến tận bây giờ.
 
Nguồn: Trọng Linh
baobacninh.com.vn
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online21
Tất cả3247303