2023-06-15 14:53:47 Số lượt xem 2280
(ĐCSVN) - Đến thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, một trong những ấn tượng đặc biệt đối với các đoàn công tác chính là hình ảnh những thầy giáo luôn hết lòng với sự nghiệp "trồng người" nơi đảo xa. Với tình yêu biển, đảo cùng trách nhiệm nghề nghiệp, họ đã gác lại những cảm xúc riêng tư để gắn bó với Trường Sa, đồng hành cùng học sinh nơi muôn trùng sóng...
Trong chuyến công tác cùng Đoàn cán bộ, học viên các trường sĩ quan Quân đội nghiên cứu, học tập và thăm các đảo, nhà giàn DK1 cuối tháng 5 vừa qua, tình cờ chúng tôi được gặp, trò chuyện cùng thầy giáo Nguyễn Công Qua, giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây. Đi qua cầu cảng dẫn vào đảo Đá Tây A, khu nhà của Trường Tiểu học Đá Tây hiện ra khang trang không kém gì trong đất liền. Dù là thời gian nghỉ hè nhưng thầy giáo Nguyễn Công Qua vẫn tranh thủ kiểm tra, chỉnh sửa lại những mô hình, học cụ trực quan để phục vụ cho các nội dung giảng dạy.
Vừa giới thiệu với chúng tôi về phòng học trên đảo với chân dung Bác Hồ, 5 lời dạy của Bác và hệ thống các bức tranh, hình vẽ, bưu thiếp của thầy và trò cùng làm, thầy giáo Nguyễn Công Qua vừa chia sẻ: “So với trong đất liền, việc dạy học trên đảo có những đặc thù riêng đòi hỏi sự cố gắng của cả thầy và trò. Nét đặc thù nhất đó là do đảo chỉ có một thầy nhưng lại có nhiều trò với các độ tuổi khác nhau nên giáo viên phải tổ chức lớp ghép, cùng lúc phải dạy nhiều trình độ khác nhau, từ mầm non đến lớp 5 của bậc Tiểu học. Người dạy phải bố trí "xoay vòng". Như khi thầy giảng bài cho các anh chị đang học chương trình lớp 4 thì các em khác sẽ tự ôn, hoặc làm bài tập. Đồng thời, giáo viên vừa là người thầy vừa là "bảo mẫu" chăm sóc, dỗ dành, giáo dục các em nhỏ hơn”.
Thầy giáo Nguyễn Công Qua (bên phải), giáo viên Trường Tiểu học Đá Tây trao đổi về việc dạy học ở đảo xa. Ảnh: Quang Đạo
 
Sinh năm 1994, quê huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, gần 5 năm trước, thầy Qua viết đơn tình nguyện xung phong ra công tác tại Trường Tiểu học Sinh Tồn, thuộc quần đảo Trường Sa dù đã có công việc ổn định tại đất liền. Vượt qua hơn 1.000 hải lý; vượt lên nỗi nhớ nhà, người thân, người thầy giáo trẻ đã dần làm quen với môi trường giáo dục nơi đầu sóng ngọn gió. Sau 4 năm giảng dạy tại đảo Sinh Tồn, thầy Qua cũng là giáo viên đầu tiên giảng dạy tại Trường Tiểu học Đá Tây. Với 11 học sinh, thầy Qua chia học sinh thành các nhóm với các trình độ khác nhau trong cùng một lớp học. Tuy học ghép như vậy nhưng trong năm học vừa qua, thầy và trò Trường Tiểu học Đá Tây vẫn duy trì hai buổi học mỗi ngày, với nội dung, chương trình như trong đất liền.
Tương tự, tại xã đảo Song Tử Tây, huyện đảo Trường Sa, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cũng đảm nhiệm giảng dạy lớp ghép của đảo với học sinh thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau, từ mẫu giáo đến hết tiểu học. Thầy Nguyễn Hữu Phú chia sẻ: “Lúc ở trong đất liền, tôi đã giảng dạy tại nhiều trường tiểu học ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Tôi được chọn ra đảo Song Tử Tây dạy học vào cuối tháng 5/2018 sau khi hai lần viết đơn tình nguyện. Ngày biết tin đơn tình nguyện của mình được chấp nhận, tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào vì được đóng góp một chút công sức nhỏ bé của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ, qua đó góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương".
Xa đất liền, nhưng thầy giáo Nguyễn Hữu Phú vẫn luôn tự học, tự nghiên cứu để cập nhật chương trình mới, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá. Nhờ đó, các em học sinh khi hết lớp 5 tại đảo đều đủ điều kiện vào đất liền để học tiếp lớp 6; nhiều năm liền, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây đều được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển giáo dục của địa phương. 
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hiện nay huyện đảo Trường Sa đã có 4 trường tiểu học ở các đảo: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây A. Theo các thầy giáo, do không có mạng Internet nên hoạt động dạy và học trên các đảo gặp một số khó khăn, nhất là việc tiếp cận, cập nhật các nội dung thông tin, kiến thức mới. Bên cạnh đó, điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên các đảo cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, tuổi thọ của các mô hình, học cụ phục vụ công tác giảng dạy. Song, với tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, những thầy giáo nơi đảo xa vẫn luôn cố gắng vượt lên khó khăn để cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp trồng người. Đặc biệt, các cấp chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ ở đảo thường xuyên quan tâm, phụ giúp dọn dẹp vệ sinh, trang trí lớp những ngày lễ, ngày khai giảng, tổng kết năm học, quân và dân gắn bó như một gia đình… Đó là điều kiện thuận lợi để thầy, trò trên các đảo vươn lên dạy tốt, học tốt.
Một tiết học của thầy giáo Nguyễn Hữu Phú, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây. Ảnh: Nguyễn Ninh.
Anh Lê Xuân Việt, một cư dân của đảo Đá Tây A chia sẻ: "Tôi có hai con, cháu lớn năm nay 11 tuổi, còn cháu thứ hai 8 tuổi, tất cả đều là học sinh của thầy Qua. Thầy rất trách nhiệm trong dạy dỗ, chăm sóc bọn trẻ. Nhờ đó, vợ chồng tôi yên tâm tham gia các hoạt động sản xuất, huấn luyện trên đảo".
Có thể thấy, dù xa đất liền, xa gia đình và người thân, điều kiện còn nhiều thiếu thốn, song các thầy giáo ở Trường Sa luôn hết mình với việc dạy dỗ, chăm sóc các em học sinh. Với họ, được dạy học ở Trường Sa thực sự là niềm vinh dự, tự hào lớn lao.
Nói đến sự nghiệp "trồng người" ở huyện đảo Trường Sa chính là nói đến tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh của những người thầy giáo nơi đây. Họ đang lặng lẽ cống hiến sức trẻ, nhiệt huyết của tuổi trẻ cho công tác giáo dục nơi đầu sóng ngọn gió với mong muốn tạo điều kiện thuận lợi nhất để "công dân nhí" trên các đảo được học tập, vui chơi như các bạn cùng trang lứa trong đất liền. Dù đảo xa còn những thiếu thốn nhất định, song sự quan tâm thường xuyên của cấp ủy, chính quyền huyện đảo Trường Sa cùng các lực lượng trên đảo đã tiếp thêm niềm vui, động lực để các thầy giáo yên tâm bám đảo, giữ biển, gieo chữ, "trồng người", góp phần vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi./.
Tạ Quang Đạo - Nguyễn Văn Long
Nguồn: dangcongsan.vn
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online42
Tất cả3246494