2017-12-15 16:54:37 Số lượt xem 1937
Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo tích cực đưa di sản văn hóa dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các nhà trường và được đông đảo giáo viên, học sinh đón nhận, qua đó, góp phần quan trọng trong việc giáo dục học sinh phát triển toàn diện, có tri thức đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH mà vẫn giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của quê hương, dân tộc.
Các nghệ sĩ của Nhà hát Dân ca Quan họ BN giao lưu với các em học sinh Trường THCS Tiền An.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của di sản văn hóa dân ca Quan họ đối với việc giáo dục thế hệ trẻ mà học sinh đóng vai trò trung tâm, nhất là thực hiện cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, năm học 2011- 2012, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch biên soạn tài liệu dạy hát dân ca Quan họ Bắc Ninh và đưa vào giảng dạy ở các trường từ Tiểu học đến THPT trên địa bàn toàn tỉnh. Cùng với đó, tổ chức tập huấn cho 640 giáo viên dạy âm nhạc của cấp Tiểu học và THCS, chuyên viên phụ trách của các phòng Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, bậc Tiểu học và THCS, học sinh được học 18 tiết/năm học; bậc THPT, học 12 tiết/năm học. Việc giảng dạy được thực hiện đảm bảo phù hợp với đặc điểm lứa tuổi, có sự kết hợp giữa hình thức truyền khẩu dân gian của các nghệ nhân và giảng dạy của giáo viên. Mỗi năm học các em được tham gia học 6 buổi ngoại khóa để hướng tới mục tiêu mỗi học sinh có thể hát được ít nhất một bài Quan họ truyền thống.
Trường THCS Tiền An (thành phố Bắc Ninh) là một trong những ngôi trường đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai có hiệu quả việc giảng dạy dân ca Quan họ trong trường học. Trên cơ sở hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Trường THCS Tiền An đã chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, trong đó tập trung vào các bài hát quen thuộc, dễ hát như Mời nước, Mời trầu, Đi cấy, Còn duyên… với thời lượng 0,5 tiết/tuần/lớp và thực hiện trong 34 tuần. Dù không phải là môn học chính, chiếm nhiều tiết học trong tuần, nhưng hầu hết các em đều tham gia tích cực, hào hứng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các giờ sinh hoạt dân ca Quan họ mà trường tổ chức.
Nhà trường chủ động phối hợp cùng Đoàn thanh niên Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh tổ chức hoạt động ngoại khóa tìm hiểu về dân ca Quan họ với sự tham gia của hơn 40 thầy cô giáo và hơn 800 em học sinh của nhà trường, nhất là giao lưu với các nghệ nhân Quan họ. Trong các buổi ngoại khóa, học sinh được trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, thiết thực như tìm hiều về văn hóa mời trầu, tục kết bạn, giới thiệu nguồn gốc sinh hoạt văn hóa Quan họ, nghề chơi Quan họ, trang phục Quan họ, giải thích về tên làng Quan họ; giao lưu, giải đáp câu hỏi của khán giả; nghe hát Quan họ…  từ đó hiểu hơn về nét đặc sắc trong văn hóa Quan họ mà các em chưa được biết qua sách vở. Vì lẽ đó, mà số học sinh hát hay về các bài hát Quan họ cổ, thậm chí cả những bài hát Quan họ lời mới ca ngợi về quê hương, đất nước ngày càng tăng lên. Đặc biệt, đến nay việc biểu diễn hát Quan họ đã trở thành nội dung chính trong các chương trình liên hoan văn hóa, văn nghệ của nhà trường cũng như các trường THCS trên địa bàn thành phố.
Theo cô Vương Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Tiền An: Sau 6 năm triển khai thực hiện, việc dạy và học hát dân ca Quan họ đã trở thành một hoạt động ngoại khóa không thể thiếu và ngày càng thu hút đông đảo học sinh và giáo viên nhiệt tình hưởng ứng. Đến nay, rất nhiều em không chỉ hát hay, hát giỏi mà có sự hiểu biết sâu rộng về nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Bắc Ninh, Kinh Bắc - dân ca Quan họ. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” gắn với thực hiện Nghị quyết 04 - NQ/TU của Tỉnh ủy về việc “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ tỉnh Bắc Ninh”
Hiện nay, hoạt động này tiếp tục được triển khai tích cực, sôi nổi ở nhiều trường học và ngày càng thu hút đông đảo học sinh và giáo viên tham gia, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Quan họ, nhất là khơi dậy tình yêu trong thế hệ trẻ để đào tạo lực lượng thực hành di sản kế cận. Tính đến hết năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 1.543 CLB văn nghệ thuộc khối Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), 75 CLB của khối trường THPT và 17 CLB thuộc khối Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Bên cạnh hoạt động giảng dạy trong nhà trường, các Phòng Giáo dục đã tổ chức các chương trình ngoại khóa, liên hoan văn hóa nghệ thuật giữa các CLB, tạo cơ hội cho học sinh gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân, liền anh, liền chị ở làng Quan họ gốc.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác giảng dạy hát dân ca Quan họ trong nhà trường, trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho các giáo viên bộ môn có nội dung giảng dạy về di sản văn hóa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa di sản văn hóa dân ca Quan họ, nhất là biên soạn các tài liệu giới thiệu về các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
                                                                  Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online17
Tất cả2538871