2019-12-02 10:41:37 Số lượt xem 995
1. Sinh ngày 3-12-1908 trong một gia đình yêu nước và lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng, Ngô Gia Tự đã sớm thể hiện ý chí và hành động yêu nước. Cuối năm 1925, khi đang học Trường Bưởi, Ngô Gia Tự đã bắt đầu hoạt động yêu nước khi tham gia phong trào của nhân dân ta đòi “ân xá” cho cụ Phan Bội Châu và để tang chí sĩ Phan Châu Trinh vào đầu năm 1926.
Ðây là lần đầu phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân được thể hiện dưới hình thức mới đã thu được kết quả nhất định và với những hoạt động đầu tiên đã đánh dấu bước khởi đầu trên con đường hoạt động cách mạng của Ngô Gia Tự.
Trong bối cảnh phong trào cứu nước theo các xu hướng cũ đã trở nên hoàn toàn bế tắc, khi Nguyễn Ái Quốc mới bắt đầu việc tập hợp và tổ chức lực lượng thanh niên yêu nước ở Quảng Châu, Trung Quốc (tháng 6-1925), hành động yêu nước của Ngô Gia Tự cũng như của những thanh niên, học sinh tham gia phong trào yêu nước năm 1925-1926 đã đóng góp vào việc nuôi dưỡng và thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của dân tộc dưới hình thức đấu tranh mới.
Bất chấp thủ đoạn vừa đe dọa đuổi học vừa dụ dỗ của Nha học chính Bắc Kỳ, Ngô Gia Tự quyết tâm từ bỏ con đường cử nghiệp, tìm cách chống lại chế độ thực dân, phong kiến. Những hoạt động của Ngô Gia Tự và các đồng chí trong phong trào yêu nước trong những năm 1925-1926 đã góp phần tạo ra động lực mới, với hình thức mới, tạo cơ sở xã hội trong nước cho sự thâm nhập của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển biến nhanh chóng của lịch sử cách mạng nước ta theo con đường cách mạng dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
2. Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ðây là một bước chuyển biến mới trong tư tưởng và hoạt động cách mạng của Ngô Gia Tự. Ðồng chí hoạt động tuyên truyền cách mạng, phát triển tổ chức ở vùng Bắc Ninh - Bắc Giang. Giữa năm 1928, Ngô Gia Tự đã trở thành Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Bắc Ninh - Bắc Giang. Là một trong những người góp phần xây dựng chủ trương và trực tiếp “vô sản hóa”, Ngô Gia Tự đã đóng góp trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, thúc đẩy nhanh sự phát triển của phong trào, làm xuất hiện yêu cầu hình thành đội tiên phong để có thể đưa phong trào cách mạng tiếp tục tiến lên.
Tháng 3-1929, tại số nhà 5D phố Hàm Long (Hà Nội), Ngô Gia Tự cùng bảy đồng chí khác đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên, mở đầu việc hình thành các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ cộng sản đầu tiên, ngày 28, 29-3-1929, Ðại hội Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ đã tán thành chủ trương thành lập Ðảng Cộng sản và giao cho Ngô Gia Tự dẫn đầu đoàn đại biểu đi dự Ðại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên để khẳng định chủ trương đó. Chủ trương đúng đắn đó không được Ðại hội chấp nhận. Ngày 17-6-1929, tại ngôi nhà số 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, Ðông Dương Cộng sản Ðảng ra đời. Ngô Gia Tự là một sáng lập viên và trở thành một trong bảy ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Ðông Dương Cộng sản Ðảng.
Sự xuất hiện của Ðông Dương Cộng sản Ðảng với việc vận động mạnh mẽ của tổ chức này ở Trung Kỳ và Nam Kỳ đã đưa tới sự giải thể các cơ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và thu hút cả cánh tả trong tổ chức Tân Việt. Tình hình đó đã tác động mạnh mẽ hơn nữa tới toàn bộ phong trào công nhân, phong trào cách mạng ở nước ta và là một trong những tác động quan trọng dẫn tới sự ra đời của An Nam Cộng sản Ðảng ở Nam Bộ vào tháng 8-1929 và Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn ở Trung Bộ vào tháng 9-1929.
3. Tiến trình thành lập Ðảng Cộng sản duy nhất ở nước ta được khởi động mạnh mẽ và khẩn trương hơn. Nguyễn Ái Quốc đã đảm nhận sứ mệnh lịch sử chủ trì việc thống nhất ba tổ chức cộng sản và thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ngô Gia Tự được cử làm Bí thư chấp ủy lâm thời Ðảng bộ Nam Kỳ. Ðồng chí là người ký quyết nghị chấp nhận Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðiều đó khẳng định thái độ đúng đắn và vai trò to lớn của Ngô Gia Tự với tư cách là một trong những nhà hoạt động có cống hiến lớn với sự thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam trên thực tiễn.
Ngày 31-5-1930, đồng chí Ngô Gia Tự đã bị địch bắt. Vượt qua sự tra tấn tàn khốc tại khám lớn Sài Gòn, nhà tù Hỏa Lò cũng như dụ dỗ trắng trợn của kẻ thù, đối diện với án tử hình, Ngô Gia Tự khảng khái, kiên cường, buộc chính quyền thực dân phải hạ mức án xuống tù khổ sai chung thân. Ngày 13-5-1933, thực dân Pháp đã đày đồng chí ra Côn Ðảo. Cuối năm 1934, chi bộ Ðảng nhà tù Côn Ðảo quyết định để đồng chí Ngô Gia Tự vượt ngục trở về đất liền hoạt động. Ðồng chí đã hy sinh trên đường vượt biển.
4. Từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa cộng sản, theo sự chỉ dẫn và phấn đấu dưới ngọn cờ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là chiến sĩ cộng sản tiên phong kiên trung, bất khuất, đồng chí Ngô Gia Tự đã chiến đấu hy sinh cho lý tưởng cộng sản, cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Anh dũng hy sinh cho Ðảng, cho dân tộc và cách mạng nước ta lúc còn rất trẻ, khi mới 26 tuổi, nhưng với những hoạt động hết sức sôi nổi, phong phú, Ngô Gia Tự đã có những cống hiến vô cùng to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Việc sáng lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở
Việt Nam và thành lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng cũng như việc tham gia vào việc thống nhất các tổ chức cộng sản ở trong nước trong một bối cảnh chuyển biến khó khăn để hình thành trên thực tiễn một đảng cộng sản duy nhất trước sự đàn áp khốc liệt của chế độ thực dân, phong kiến càng làm nổi rõ vai trò tiên phong và những cống hiến lớn lao của Ngô Gia Tự với Ðảng và cách mạng Việt Nam.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đánh giá đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những chiến sĩ cộng sản tiên phong, nhà lãnh đạo hàng đầu của Ðảng “đã đặt lợi ích của Ðảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết”; “đã hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Ðảng, cho giai cấp, cho dân tộc”(1); “gương mẫu, trung với nước, hiếu với dân, khí phách hiên ngang cho đến hơi thở cuối cùng” (2); “đã nêu gương chói lọi của đạo đức cách mạng chí công vô tư cho tất cả chúng ta học tập” (3).
Tấm gương quyết tâm suốt đời của người cộng sản Ngô Gia Tự đấu tranh cho lý tưởng của Ðảng và cách mạng Việt Nam, mãi tỏa sáng cho các thế hệ học tập và noi theo.
(1) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t 7, tr 25
(2) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t 14, tr 468
(3) Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, t 11, tr 602
PGS, TS PHẠM HỒNG CHƯƠNG
Nguồn: Nhandan.com.vn
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online21
Tất cả2576965