2023-02-24 08:07:37 Số lượt xem 1240
Phúc Sơn có tên nôm là làng Bãi Cát, trước đây thuộc xã Y Na tổng Đỗ Xá huyện Võ Giàng. Làng có 5 giáp, nằm trên 3 quả núi: Mạn, Vấu, Giữa. Làng có 3 dòng họ: Nguyễn, Phạm, Hoàng, trong đó, họ Nguyễn chiếm đa số.
 Làng thờ Thành hoàng là Lạc Long Quân và Quý Minh.
Hội làng được mở từ ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng Giêng âm lịch; được tổ chức trên khu vực đình, chùa, đền.
Theo lệ làng từ xa xưa, việc chuẩn bị lễ hội được làng giao cho 5 giáp dưới sự điều hành của ông Cai Đám. Chức Cai Đám có nhiệm kỳ là một năm, do dân làng bầu ra. Tùy theo lứa tuổi, trong đình được phân ra các bàn theo thứ tự:
Bàn các cụ: gồm những người đàn ông từ 50 tuổi trở lên,
Bàn Quan viên: gồm những vị quan viên từ 40 đến 49 tuổi
Bàn lềnh: gồm những người đàn ông từ 30 đến 39 tuổi
Bàn ba: gồm trai đình từ 20 tuổi đến 29 tuổi.
Hội làng Phúc Sơn được diễn ra theo trình tự như sau:
- Ngày mùng 9 tháng Giêng: làng tổ chức lễ nhập tịch, mở cửa đình, làm lễ bao sái các đồ thờ tự.
- Ngày mùng 10 tháng Giêng là chính hội: làng tổ chức rước bài vị Thành hoàng từ đền về đình, sau đó tiến hành tế lễ. Tiếp theo là các trò vui được tổ chức: vật, kéo co, diễn chèo, hát Quan họ, trong đó hát Quan họ là nội dung được quan tâm nhất.
Các liền anh liền chị Quan họ làng Phúc Sơn sau khi lễ Phật, vái thần, sẽ vào cuộc hát đối đáp với nhau. Khi các liền anh liền chị Quan họ làng Y Na đến, họ hát mừng Quan họ bạn. Sau đó, Quan họ chủ nhà mời bạn vào chùa lễ Phật, lễ thần. Đôi bên hát theo lề lối Quan họ. Sau đó, chủ nhà mời khách ngồi vào chiếu trải sẵn ở sân chùa. Họ hát đối đáp liên tục từ đó đến chiều tối.
Chùa Phúc Sơn
Hội làng Phúc Sơn còn có nghi lễ đấu vật thờ. Nghi lễ vật thờ được tổ chức trước khi tế lễ tại sân đền. Làng cử 2 đô vật. Sau khi lễ Thánh, hai đô ra sới vật, lên đài, chào khán giả rồi vào cuộc đấu.
Ngày 11 tháng Giêng: giã hội, làng đóng cửa đình.
Nguồn: TP Bắc Ninh - vùng đất văn hiến
Tr.111-113
Video
Thống kê truy cập
Đang online23
Tất cả3096996