2024-11-27 15:21:13
Số lượt xem 61
Chùa Dạm có tên chữ là Đại Lãm Thần Quang tự, hay còn gọi là chùa Bà Tấm, chùa Cao, chùa Trăm gian, nay thuộc phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh.
Cột đá Chùa Dạm
Theo thư tịch, chùa được xây dựng vào năm 1086, được vua Lý ban tên là chùa Cảnh Long Đồng Khánh. Trong thời kỳ chiến tranh, theo lệnh tiêu thổ kháng chiến, chùa Dạm bị đốt chỉ còn giữ lại được hai pho tượng cổ là tượng Nguyên phi Ỷ Lan và tượng vua Lý Nhân Tông.
Chùa đặt ở sườn núi phía nam của dãy Lãm Sơn, chính giữa ngọn cao nhất. Núi Rùa làm tiền án, ngòi Con Tên làm Minh Đường, bên tả có Thanh Long, bên hữu có Bạch Hổ chầu về. Chùa Dạm hội tụ đủ huyết mạch linh thông theo thuyết phong thủy. Chùa dựa hẳn vào sườn núi và 4 lớp nền đá trườn theo sườn núi vừa tôn tầm cao công trình vừa tạo dáng vẻ uy nghiêm hài hòa với cảnh quan thiên nhiên xung quanh, hơn nữa tránh được nạn lụt lội ở vùng “rốn nước” lắm đồng sâu ruộng trũng. Chiều dài của lớp nền 120m, chiều rộng 70m (ở Chùa Phật Tích là 100m và 60m), tổng cộng diện tích gần 8000m2, bốn lớp nền được bó ghép bằng đá tảng (mỗi viên có kích thước 50x60cm) các lớp đá được cấu tạo choãi chân đế, chếch khoảng 70 độ và có độ cao 5-6m.
Lên cấp nền đầu tiên mà dân địa phương gọi là Bãi hội (nhân dân nơi đây thường gọi là bàn cờ tiên), khách đi bằng một lối cửa, tầng bậc cao, cả khoang bậc rộng 16m.
Lên cấp nền thứ hai có ba lối hẹp hơn, tầng bậc thấp hơn. Kè đá ở cấp nền thứ hai là nền chùa chính. Trên đá có chạm hoa văn sóng nước, nét hoa văn to nổi khối, do chạm sâu. Trên nền tầng này, ở khoảng giữa ba lối cửa, bên phải chùa có khu đất vuông, cạnh 7m, cao 2m, kè đá chạm văn sóng nước thời Lý.
Trên nền thứ hai khu đất này có dựng một tấm trên lưng chừng núi. Thân bia cao 1,5m, rộng 1m. Cả mặt bia đều mòn mờ, chỉ còn đọc được hai chữ “tín thí” to, sâu ở mặt hậu. Diềm bia có hoa văn dây leo có lẽ được khắc sau này. Đối diện khu đất vuông này qua lối cửa giữa, bên trái cũng có một khu đất nổi, nhưng hình tròn đường kính khoảng 4,5m, cao 1m, cũng kè đá chạm hoa văn sóng nước Lý.
Phần trên khu đất tròn này, dựng một cột đá lớn nguyên khối, không kể phần chôn sâu chìm, tất cả cao gần 5m. Cấu trúc cột gồm hai thớt khối, cũng lấy tượng hình vuông tròn trời đất. Khối gốc như hộp vuông tiết diện, cạnh 1,4m và 1,6m. Khối đặt ở trên khối vuông, đường kính khoảng 1,3m. Đoạn dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng tỏa sáng, thânquấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Hình dáng rồng giống dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt, năm móng. Đôi rồng nổi bật giữa các hoa văn phụ hình dây móc, tinh xảo. Thân rồng to, mập uốn khúc quanh cột. Hai chân phía trước của rồng có móng sắc, nhọn, giơ cao nâng viên ngọc dưới cằm. Cột đá chùa Dạm là những kiến trúc hết sức đặc sắc, tầm vóc hoành tráng, nhìn xa đã bị thu hút, nhìn gần càng đẹp. Có nhà nghiên cứu cho rằng những cột đá này là biểu tượng hòa bình, đời sống ấm no thịnh trị.
Dấu tích còn sót lại của Chùa Dạm cổ
Nền thứ ba và bốn có dấu tích chùa và đền thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan. Ở đây còn tấm bia đá nhỏ, khắc năm Chính Hòa thứ 17 (1696) cao 0,65m, rộng 1,4m. Bia “Đại Lãm Thần Quang tự tân tạo Hộ Pháp” cho biết trước đây hàng nghìn người làm việc phúc đã tu bổ chùa, dựng thêm tượng. Ngoài ra, ở di tích chùa Dạm còn tìm được phần đầu tượng đá. Các chân đế cột bằng đá cỡ lớn chạm khắc hoa văn đẹp của công trình thời Lý còn sót lại và nhiều mảnh đất nung hình con rồng, hoa lá...
Sơ đồ tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan Khu du lịch sinh thái và văn hóa núi Dạm, phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh
Với những giá trị lịch sử và nghệ thuật nêu trên, chùa Dạm thờ bà Nguyên Phi Ỷ Lan đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa năm 1964.
Ban biên tập
Theo: thành phố Bắc Ninh –vùng đất văn hiến
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 55 | |
Tất cả | 3125692 |