2023-02-09 11:00:27
Số lượt xem 2217
Ném Thượng vốn là làng Ném Thượng (còn gọi là làng Thượng), nay là khu Thượng, thuộc phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Vùng Ném nói chung và Ném Thượng nói riêng là vùng đất cổ, có vai trò quan trọng trong lịch sử. Ở sườn các đồi gò và ngọn núi trong vùng, tiêu biểu là núi Và (thuộc phường Hạp Lĩnh), núi Ba Huyện, các nhà khảo cổ đã phát hiện những ngôi mộ cổ cùng nhiều hiện vật có niên đại những thế kỷ đầu công nguyên. Dấu tích đó cho thấy vùng Khắc Niệm, Hạp Lĩnh đã bị nhà Hán chiếm giữ trong thời gian thống trị nước ta.
Đặc biệt nhiều truyền tích và tài liệu cho thấy làng Ném Thượng có từ thời Lý - Trần. Minh chứng rõ ràng nhất là làng Ném Thượng thờ vị thần hoàng làng là Đông Hải Đại Vương, một danh tướng của Nhà Lý có tên Đoàn Thượng với lễ hội “Chém lợn” độc đáo để kỷ niệm Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng.
Để tưởng niệm vị thần hoàng Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng, cùng với việc thờ cúng tôn nghiêm tại đình làng, hàng năm nhân dân Ném Thượng và Ném Sơn còn tổ chức lễ hội để nhớ ơn vị Thần hoàng với nghi lễ độc đáo là tục “lễ chém lợn” khao quân được tổ chức tại Ném Thượng trong thời gian lui quân cố thủ tại địa phương. Với nghi lễ độc đáo này, lễ hội Ném Thượng được dân gian gọi là hội “Chém lợn” tế thần.
Lễ hội khu Ném Thượng, phường Khắc Niệm
Lễ hội được tổ chức từ ngày mồng 5 đến 12 tháng Giêng âm lịch hàng năm, do làng Ném Thượng chủ trì có sự phối hợp của dân làng Ném Sơn vốn cùng gốc Ném Thượng và cùng thờ vị Thần hoàng Đoàn Thượng.
Lễ hội bắt đầu từ ngày mồng 5 với lễ rước Thần từ nghè về đình để làm lễ nhập tịch - tức lễ khai hội. Ngay từ sáng mồng 5, các quý khách ở trong vùng đã kéo về đình Ném Thượng để tham dự lễ rước Thánh. Cả một vùng không gian làng xóm, gò đồi, đường xá rực rỡ màu cờ, sắc áo, âm vang chiêng trống, bát âm, sinh tiền. Đi đầu đám rước dáo hàng tộc và trống hàng trận (trống tiến quân) dẹp đường. Sau dáo và trống hàng tộc là hàng cờ mao tuyết hai lá, tán lòng xanh, lòng đỏ tím vàng, tiếp đó là cờ Thượng Thần có hộ quốc ngựa chiến. Đi sau ngựa kiệu sơn son thiếp vàng, hai bên che tàn, lọng rực rỡ, rồi đến chiêng, trống ở hai bên. Sau kiệu ngọc là hương án với lễ vật (hoa quả, hương đăng, tam sinh...). Cuối cùng là trống hậu quân, theo sau là các quan đám, các chân tự văn, dân làng và người đến xem hội.
Đoàn rước bắt đầu từ đình làng tiến về núi Nghè - nơi an vị của Thần hoàng tại ngôi nghè, nên gọi là núi Nghè, để rước bài vị Thần hoàng về đinh làm lễ nhập tịch (khai hội).
- Tục lệ nuôi lợn thờ Thành hoàng ở làng Niệm Thượng
Tục lệ xưa của làng Niệm Thượng qui định: từ tháng Bảy, tháng Tám của năm trước, mỗi giáp phải nuôi một con lợn thờ. Người được giáp giao cho việc chăn nuôi lợn thờ phải có đức tính cẩn thận, sạch sẽ, có kinh nghiệm nuôi lợn. Nền chuồng lợn phải có mặt phẳng nghiêng và được lát gạch. Mỗi ngày gia chủ phải cho lợn ăn 3 bữa và mùa hè phải tắm cho lợn thờ 3 lần.
Giống lợn mà làng nuôi làm lợn thờ là giống lợn Ỷ. Giống lợn này có đặc điểm là ít nạc, nhiều mỡ, thân hình béo tròn, có màu lông đen mượt hoặc lang hồng, trông rất đẹp mắt. Trải qua thời gian, hiện nay dân làng không còn nuôi lợn Ỷ mà nuôi lợn trắng tuyền.
Mặc dù làng không quy định trọng lượng của mỗi con lợn thờ, nhưng vì danh dự của cả cộng đồng nên giáp nào cũng cố nuôi lợn thờ của giáp mình thật to, thật béo, có mã thật đẹp. Vì vậy, sau khi nuôi được 5- 6 tháng, vào lúc chiều tối ngày mùng 5 tháng Giêng, khi các giáp rước lợn ra đình làm lễ, thì các “ông Ỉn” đã béo híp mắt, không đi lại được, da bóng mỡ, nặng hàng tạ. Đến trưa ngày mùng 6 tháng Giêng thì làng tổ chức chém lợn thờ để làm lễ tế Thành hoàng.
Ngày mồng 6 là lễ chính tịch - tức lễ tế Thánh hay còn gọi là lễ làm cỗ ngọc tế Thánh.
Ngay từ trong năm, làng đã cử hai ông đám ở tuổi 49 sắp qua 50, mỗi người một con lợn. Tối ngày mồng 5 tết, hai ông đám giao lợn cho 2 tổ ba bàn (mỗi tổ 12 người). Các tổ đưa lợn vào cũi, tắm rửa cho lợn sạch sẽ, chuẩn bị các lễ vật để sáng hôm sau đưa lợn ra đình làm lễ. Sau đó, hai con lợn được đưa vào nhà 2 ông đám, để sáng mồng 6 đưa lợn ra đình làng tổ chức lễ “chém lợn thi”. Sau lễ chém lợn thi, các trai đinh làm thịt lợn tế Thánh gọi là tế thịt cỗ ngọc. Thịt cỗ ngọc sau khi tế thánh được chia cho dân làng cùng hưởng lộc thánh.
Cũng trong ngày mồng 6, dân làng Ném Sơn mang lễ vật sang tế Thánh ở đình Ném Thượng, thể hiện mối quan hệ nguồn gốc, được hai làng kết thành chạ anh, chạ em. Sau việc tế Thánh, hai làng Ném Thượng và Ném Sơn tổ chức ăn chạ tại đình Ném Thượng, thể hiện mối gắn kết anh em của hai làng.
Những ngày sau (từ ngày 7 đến 12, hoặc có năm chỉ trong 2 ngày 7 và 8), dân làng Ném Thượng và Ném Sơn tổ chức hội vui ở từng làng với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao truyền thống như: chọi gà, đu tiên, đấu vật, cờ tướng...Đặc sản và cuốn hút đông hội là ca hát Quan họ. Các bọn quan họ ở các làng trong vùng kéo về hát vui ở đình, chùa Ném Thượng và Ném Sơn. Các bọn quan họ kết bạn với các bọn quan họ ở Ném Sơn được mời về hát vui ở hội, sau được đón tiếp ở trong các nhà chứa và tổ chức các cuộc hát canh thâu đêm suốt sáng.
Lễ hội Ném Thượng là lễ hội dân gian đặc sắc với nghi lễ ”Chém lợn” độc đáo nhằm tưởng niêm Đông Hải Đại Vương Đoàn Thượng - một danh tướng chiều Lý, được sử sách và các triểu vua ghi công, ban sắc cho dân nhiều làng thờ làm Thần hoàng, trong đó có làng Ném Thượng.
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lễ hội Ném Thượng tiếp tục được duy trì và phát huy.
Tuy vậy, nhân dân Ném Thượng không thực hiện tục “chém lợn” giữa sân đình mà chỉ thực hiện nghi lễ mổ lợn, làm cỗ ngọc để cúng Thánh bảo đảm nghi thức tâm linh với sự tham gia của những người thực hiện và sự chứng kiến là các cụ thượng lão trong làng.
Lễ hội được tổ chức với nghi lễ rước sách, tế lễ trang nghiêm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống và hiện đại, trong đó có ca hát quan họ là hoạt động nghệ thuật truyền thống hấp dẫn, cuốn hút đông hội thưởng thức. Chính vì vậy, lễ hội Ném Thượng là lễ hội cuốn hút quý khách trong vùng tới dự và các nghi thức tâm linh tưởng niệm vị thần hoàng vẫn được nhân dân Ném Thượng thực hiện tôn nghiêm thể hiện sự nhớ ơn một danh tướng triều Lý.
Nguồn: Thành phố Bắc Ninh - vùng đất văn hiến
Tr.100-104
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 96 | |
Tất cả | 3097032 |