2023-01-11 14:11:00 Số lượt xem 1149
Thời xa xưa làng có tên là trang Đấu. Vào thế kỷ VI, gọi là làng Hàn. Theo các cụ cao tuổi trong làng cho biết thì vào thế kỷ VI, có một số người thợ hàn thuyền có công hàn thuyền chiến cho quan quân triều đình đỗ ở bến Tam Giang về ngụ ở đây. Vì vậy mà làng có tên là Hàn. Từ đầu thế kỷ XX trở về trước, làng thuộc tổng Châm Khê, nay thuộc xã Hòa Long. Làng nằm ở bờ nam sông Cầu. Phía Đông Nam giáp làng Cô Mễ, phía Đông Bắc giáp sông Cầu, đối ngạn với làng Chu Xá - xã Quang Châu - huyện Việt Yên - tỉnh Bắc Giang, phía Tây giáp làng Hữu Chấp. Làng có 13 dòng họ, trong đó, họ Nguyễn chiếm đa số.
Đình ở trung tâm làng, có cảnh quan và kiến trúc đẹp, phía trước có hồ nước, có gò nghiên bút, có gò long hổ. Trong đình, dân làng còn lưu giữ được nhiều đồ thờ cổ quý; 3 bộ hương án gỗ thời Lê - Nguyễn, trên đó có bát hương cổ, cây đèn đồng, nậm rượu... ; có 10 đạo sắc do hoàng đế triều Lê, Nguyễn phong tặng. Trong cung cấm có 4 ngai thờ cổ thờ 4 vị Thành hoàng là Thánh Tam Giang, Nguyễn Tuân, nguyễn Tùng, Nguyễn Lang.
Theo văn bia “Hậu Phật bi ký” soạn năm 1705 thì chùa làng có tên là Thụy Long, còn theo văn bia “Tạo tác hậu thần, hậu Phật bi ký” dựng năm 1734 do Nguyễn Hưng Thiệu soạn thì thời kỳ đó, chùa có tên là Đoan Minh. Chùa nằm ở phía Tây Nam của làng. Chùa có các hạng mục công trình: Tiền đường, thượng điện Tổ đường, nhà Mẫu. Trong chùa, dân làng còn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ: quả chuông đúc năm 1695, nhiều hoành phi câu đối, văn bia,...
Cách làng khoảng 500 mét về phía Tây có một miếu thổ thần và thủy thần, và cách làng khoảng 200 mét về phía Đông có đền thờ Tản Viên sơn thánh..
Hàng năm, làng Đẩu Hàn có các tiết lệ:
Ngày mùng 3 tháng Giêng âm lịch: lễ động thổ được thực hiện ở phía Tây làng
Ngày mùng 7 tháng Giêng: lệ chiếu khoán ở đền phía Đông làng
Ngày 15 tháng Giêng: tế ở văn chỉ
Ngày 16 tháng Giêng: hội chùa
Ngày mùng 7 tháng Tám: hội chùa.
Làng có 4 xóm: xóm Đông, xóm Giữa, xóm Chùa, xóm Tây. Ngày xưa, mỗi xóm có một ngôi điếm 3 gian. Tại các ngôi điếm đó, hàng năm, mỗi năm 2 lần, dân làng cúng cho những cô hồn không có người thờ cúng.
Làng Đẩu Hàn ngày xưa có nhiều tiết lệ, mỗi tiết lệ có nghi lễ riêng. Trong những ngày vào hội, dân làng tổ chức các trò chơi: đu, vật, hát Quan họ. Trong đó, hát Quan họ là hấp dẫn nhất. Trong dịp này, Quan họ Đẩu Hàn mời liền anh liền chị Quan họ làng Xuân Ái, Quan họ Nội Ninh về hát. Sau khi đưa Quan họ bạn vào chùa lễ Phật, Quan họ chủ mời Quan họ khách về “nhà chứa” tổ chức hát canh theo tục lệ Quan họ. Cũng dịp đó, Quan họ làng Đẩu Hàn được Quan họ các làng lân cận: Diềm, Hữu Chấp đến hát. Sau khi vào chùa lễ Phật, họ tìm địa điểm thích hợp để hát giao lưu cho đến sáng hội mới chia tay.
Lễ hội làng Đẩu Hàn lớn nhất trong năm là ngày mùng 10 tháng Tám âm lịch hàng năm. Vào những năm hòa cốc phong đăng, làng tổ chức hội từ ngày mùng 10 đến ngày 12 tháng Tám với các nghi thức: rước bài vị Thành hoàng trên kiệu long đình ra 2 đền, rồi sau đó rước về đình để tổ chức tế lễ. Lễ vật dùng để tế Thành hoàng là một con bò được chặt làm 6 mảnh để luộc rồi ghép lại như nguyên để tế cả con.
Trong những ngày làng vào hội, các chức sắc, bô lão, quan viên của làng tiếp chạ anh là chức sắc, bô lão, quan viên làng Chu Xá (xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) tại đình làng. Có năm, làng mở hội lớn, hai làng còn tổ chức rước Thành hoàng qua làng của nhau.
Sau nghi lễ tế lễ, dân làng tổ chức các trò vui: vật, bắt vịt, chạy thi,... Buổi tối có tổ chức hát Quan họ, hoặc diễn chèo, tuồng.
Những năm gần đây, làng mở hội vào ngày 16 tháng Giêng, còn các tiết lệ khác, dân làng làm lễ chứ không mở hội.
 
Nguồn: Thành phố Bắc Ninh - Vùng đất văn hiến 
(tr. 97-99)
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online17
Tất cả3097117