2019-10-25 08:39:48 Số lượt xem 1924
Thành phố Bắc Ninh ngày nay có 13 phường, 6 xã (số liệu năm 2011), đó là:
          - Phường Đáp Cầu.
          - Phường Thị Cầu.
          - Phường Tiền An.
          - Phường Vệ An.
          - Phường Ninh Xá.                                                 
          - Phường Kinh Bắc.
          - Phường Vũ Ninh.
          - Phường Suối Hoa.
          - Phường Đại Phúc.
          - Phường Võ Cường.
          - Phường Hạp Lĩnh.
          - Phường Vân Dương.
          - Phường Vạn An.
          - Xã Phong Khê.
          - Xã Hoà Long.
          - Xã Khúc Xuyên.
          - Xã Khắc Niệm.
          - Xã Kim Chân.
          - Xã Nam Sơn.     
         
Một đường phố ở Đáp Cầu (ảnh minh họa- sưu tầm)
 
Về tổ chức xã hội, trong mỗi làng xã cũ ở Thành phố Bắc Ninh có nhiều kiểu cấu trúc. Mỗi làng xã chia ra làm mấy thôn, có tên Nôm, tên tự. Chẳng hạn như xã Y Na thuộc tổng Đỗ Xá. Y Na có 2 thôn: thôn Phúc Sơn có tên Nôm là Bãi Cát, thôn Y Na có tên Nôm là Y Nưa. Xã Phượng Vĩ trước đây là Vũ Vĩ, còn gọi là Kẻ Vi. Từ năm 1907, Đỗ Xá rồi Yên Xá nhập vào Thành phố Bắc Ninh. Xã Võ Cường và Đại Phúc thì tới năm 1985 mới tách khỏi Tiên Sơn, Quế Võ về với Thành phố.
 
 Thời Lê, đứng đầu mỗi xã là một xã trưởng, còn đứng đầu tổng là cai tổng. Sang thời Nguyễn, xã trưởng đổi là lý trưởng, cai tổng đổi là chánh tổng. Giúp việc họ có phó lý, chưởng bạ. Ngoài ra còn có Hội đồng kỳ mục hoạt động như vai trò của cơ quan tham mưu, nắm giữ nhiều lĩnh vực ở chốn xóm làng. Từ năm 1927 đến năm 1939, thực dân Pháp tiến hành cuộc cải lương hương chính, đã thay thế Hội đồng kỳ mục bằng Hội đồng tộc biểu.
 
 Bên trong làng xã Bắc Ninh trước Cách mạng Tháng Tám 1945 còn ẩn chìm nhiều tổ chức xã hội phi hành chính nhưng lại là chất keo kết dính các thành viên với nhau, mang tính dân chủ tiểu sản xuất nông nghiệp. Ngoài sự ràng buộc nhau theo tính huyết thống - dòng họ, nó còn có các tổ chức khác nhau như Hội đồng tuế (cùng năm sinh), đồng môn (cùng thầy dạy), tư văn, tư võ, phe giáp, phường nghề (hàng mã, thợ thêu, bát âm, đồ mộc, chèo tuồng) cố kết nhau lại. Giữa làng này với làng khác lại còn kết nghĩa, kết chạ. Các thành viên của làng chạ coi nhau như anh chị em ruột thịt.
 
 Kể từ năm 1938, các làng xã trong tổng Đỗ Xá đã thuộc về thành phố do chính quyền thành phố điều hành. Nhiều ruộng công, ruộng đình, ruộng chùa, ruộng xóm, ruộng họ,… bị đem ra đấu thầu. Mỗi làng hàng năm chỉ còn một số tiền ít ỏi để tổ chức lễ tiết. Dân mấy làng Đỗ Xá, Yên Xá, Thị Cầu, Đáp Cầu đã gắn bó với hoạt động thương nghiệp, dịch vụ nhiều hơn. Họ thoát ly nông nghiệp. Nếu đem cộng với dân phi nông nghiệp ở nơi khác đến cộng cư thì số lượng thị dân của Bắc Ninh đã lớn dần lên. Tính thuần khiết và khép kín của làng xã không còn. Những quy định chặt chẽ của khoán ước, hương ước tỏ ra mất hiệu lực, mất tác dụng vì tổ chức hành chính nửa tỉnh, nửa quê và vai trò của trưởng hộ ở Thành phố Bắc Ninh. Bước chuyển tiếp của thời kỳ quá độ đó ắt phải xảy ra và phải có.
 
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ thành phố Bắc Ninh 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online164
Tất cả3196324