2019-09-26 10:43:59 Số lượt xem 3499
Nằm ở tiếp điểm của trung du với đồng bằng châu thổ, Thành phố Bắc Ninh (Thị xã Bắc Ninh trước đây) chứa nhiều yếu tố địa hình và khí hậu đặc trưng: có vùng gò đồi mà đỉnh cao từ 30 - 50 mét gài nối xen kẽ với đồng chiêm trũng, có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mùa đông lạnh và khô khan, mùa hè nhiều mưa kèm theo dông bão. Một năm ở đây có tới 9 tháng nhiệt độ cao, tỷ lệ tích nhiệt 8.2000C - 8.5000C và 1750 - 1800 giờ nắng, khoảng 110 ngày mưa cho vũ lượng 1500 - 1600mm3. Đó là một vị trí địa lý và cảnh quan thiên nhiên lý tưởng cho quá trình ra đời của Thành và Thị Bắc Ninh.
 
 Hơn 3500 năm trước đây, khi toàn bộ vùng Bắc Ninh còn là đầm lầy và rừng rậm, cư dân đã tụ cư đông đúc ở Xuân Ổ, tạo nên một trung tâm chế tác đồ trang sức bằng đá quý, một trung tâm giao lưu trao đổi trên lưu vực sông Tiêu Tương. Họ đã để lại nhiều di vật bằng gốm (nồi, vò, chì lưới), bằng đá (nhẫn, vòng tay, khuyên tai, rìu, cưa, khoan) khá tinh xảo cùng với dấu vết của kinh tế trồng trọt, đánh cá, dệt vải. Dưới thời Bắc thuộc và trong thời Lý - Trần, Xuân Ổ vẫn là một tụ điểm kinh tế sầm uất với bến sông, phố chợ đông vui.
         
Khi sông Tiêu Tương bị mất dòng thì Xuân Ổ cũng nhạt dần tính chất phố chợ. Phố Ó xơ xác hơn. Chợ Ó chỉ còn lại như một kỷ niệm vào cuối tối mùng 5 tháng giêng. Mọi hoạt động tấp nập chuyển tới vùng phố chợ bên sông Cầu - Thị Cầu. Ở đây nhà Lê đã dựng nên trấn thành Kinh Bắc. Có sông lớn thông thương dễ dàng với vùng biển, vùng đồng bằng và vùng núi. Có đường cái xứ nối với Đông Kinh và Lạng Sơn. Lại có nghề rèn sắt điêu luyện, có chợ bầy bán đủ thức, có trạm đón tiếp sứ thần. Nhờ đó suốt mấy trăm năm tồn tại, Thị Cầu sống động như một thành thị đầy sức thanh xuân. Sự phù hoa nhộn nhịp ấy còn mới trong tên gọi của núi Trấn, núi Dinh, kho Đạn trải cả sang Cô Mễ, Đáp Cầu.
         
Năm 1804, nhà Nguyễn với ý đồ tách bóc trung tâm hành chính quân sự ra khỏi tổ hợp kinh tế - văn hoá Thị Cầu nên đã chọn khu đất ngã ba huyện thuộc Đỗ Xá (Võ Giàng), Yên Xá, Khúc Toại (Yên Phong) và Lỗi Đình (Tiên Du) để dựng nên trấn thành Kinh Bắc theo kiểu vô-băng có 6 cạnh, 6 pháo đài. Chọn vị trí này vua tôi nhà Nguyễn muốn khống chế hoàn toàn trục đường tới Thái Nguyên, Lạng Sơn, Hải Dương đồng thời kiểm soát các khoảng trống lớn do sông Cầu, sông Thương, sông Nam mở ra kể cả con đường qua Phả Lại ra biển. Họ cũng muốn biến vành đai gò đồi Trượng Sơn - Quả Cảm, Đáp Cầu - Thị Cầu, Trung Sơn… thành những tiền đồn bảo vệ.
         
Năm 1822, trấn Kinh Bắc được gọi là Bắc Ninh. Hai năm sau trấn thành được xây dựng lại bằng đá ong Biên Hoà. Cùng với nó là việc dựng cột cờ cao 17 mét ở cổng chính nam, khu dinh thự cho Tổng đốc, Bố chính, Án sát, Lãnh binh; khu vọng cung và doanh trại, kho tàng (dự trữ thóc, muối, tiền kẽm, thuốc súng).
Vào năm 1831, Trấn Bắc Ninh đổi là tỉnh Bắc Ninh. Khi đó khu vực thành ngoại đã có đường bao quanh dài trên 2600 mét được coi là gianh giới của tư thổ công điền. Người ta có thể dễ dàng nhận biết được khu vực phố phường dân sự được mở ra ở phía trước cửa chính nam, ở phía cửa đông bởi một luỹ đất cao tới 1m30 có trồng tre bao quanh với chiều dài 4 km và có diện tích tới 54,5ha. Từ phía Thị Cầu, Đáp Cầu muốn vào các phố phường của Bắc Ninh phải qua cổng Đông được trổ ở luỹ, nằm trên đường cái xứ. Đây là một phố quan trọng, nhà được xây gạch lợp ngói và hầu như toàn Hoa kiều. Họ kinh doanh đủ thứ từ thuốc bắc, vải vóc đến dầu, thực phẩm. Cổng phía Tây (nằm ở ngã tư đường 1 và 38) mở ra trên con đường rộng 4 mét, có lát đá hoặc gạch thành một dải ở giữa. Các phố nhỏ kiểu này chỉ có người Việt Nam cư trú với các bức tường được cấu trúc bằng chum vại, tiểu sành và mái rạ úp.
         
Sự phát triển buôn bán chủ yếu vẫn nhờ vào sự năng nổ của 1500-1600 Hoa kiều. Dân Bắc Ninh vẫn chăm chút nghề nông. Có chăng cũng chỉ làm một vài nghề thủ công hoặc cất một ít chum vại bầy bán trên hè phố. Có một chi tiết khiến cho khu vực phố phường này có vẻ là thành thị là cột đèn dầu ở ngã tư đường chính, đêm đêm thắp sáng đều đặn. Còn ở mãi phía bên ngoài mới thấy rải rác có Văn Miếu ở Thị Cầu, sau chuyển về Phúc Đức, đàn Xã Tắc ở Lỗi Đình, đàn Tiên Nông ở Y Na, trường học của tỉnh ở Đỗ Xá, miếu Hội Đồng và miếu Thành Hoàng ở Lỗi Đình. Đó là bộ mặt rất đặc trưng cho một tỉnh lỵ thời cổ.
         
Chợ trung tâm thị xã Bắc Ninh thập niên 1920 (ảnh tư liệu, sưu tầm)
Thời thuộc Pháp vùng Thành phố Bắc Ninh là cứ điểm trọng yếu về quân sự của Bắc Kỳ hơn là tỉnh lỵ hay trung tâm kinh tế chính trị của một vùng. Khu vực thành nội bị giải toả để lấy chỗ đóng quân. Các đồi cao ở Đáp Cầu, Thị Cầu trở thành các pháo đài kiên cố. Năm 1885, Đáp Cầu là bản doanh của lữ đoàn quân khu miền Đông. Năm 1888, cả Đông Dương có 4 lữ đoàn thì một đóng ở Bắc Ninh chỉ huy 7 quân khu (Cao Bằng, Lạng Sơn, Phủ Lạng Thương). Quân Pháp ở khu vực này ít khi dưới mức 2000 tên. Lính lê dương, pháo thủ, hậu cần đóng tại Đáp Cầu, Thị Cầu. Lính khố đỏ đóng trong thành Bắc Ninh. Lính khố xanh ở đầu phố Ninh Xá. Đó là chưa kể lính khố vàng, cảnh sát dày đặc trong một khu vực dân cư có độ hai vạn người.
         
Thời ấy, khuôn diện dân sự, hành chính cùng thay đổi theo. Luỹ ngoài trồng tre bị phá bỏ. Ngay trong đợt xây dựng đầu tiên thực dân Pháp đã lưu tâm đến dinh thự, công sở. Nào toà sứ, nào sở thương chính, công chính, địa chính, bưu điện, nào kho bạc, sở canh nông, đồn cảnh sát, nông phố ngân hàng. Huyện lỵ Võ Giàng cũng đóng ở phố Suối Hoa, địa phận Thành phố Bắc Ninh. Lại có cả khu dinh thự cho các viên quan lại Nam triều (Tổng đốc, Bố chính, Án sát, Đốc học) cấp tỉnh.
         
Năm 1938 Bắc Ninh được coi là thành phố thứ 5 của Bắc Kỳ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương. Bắc Ninh có Hội đồng thành phố. Đứng đầu thành phố Bắc Ninh là viên đốc lý, lúc đó là viên phó sứ người Pháp trực tiếp làm. Dưới thành phố là cấp hành chính được gọi là Hộ- gồm nhiều phố, đứng đầu là trưởng hộ. Thành phố Bắc Ninh chia ra làm 10 hộ: Tiền An, Đỗ Xá, Niềm Xá, Vệ An, Y Na, Thanh Sơn, Thị Cầu, Đáp Cầu, Tân Ấp, Cô Mễ. Nhân dân địa phương thường phân biệt thành 2 khu: Bắc Ninh và Thị Đáp Cầu.
         
Khu Bắc Ninh dần dần có nhiều đường ngang phố dọc, dựng đặt trên đất đai của các làng Đỗ Xá, Niềm Xá, Thị Chung, Khúc Toại. Đường phố chính bám theo trục quốc lộ 1A từ đầu làng Lỗi Đình (Hoà Đình) đến đầu dốc Suối Hoa dài hơn 2km; các phố khác như Vệ An, Hữu Mỹ, Cổng Trông, Hàng Thùng, Cổng Hậu, Cầu Gỗ thì bám theo các trục đường 38, 18. Đây chính là trung tâm về văn hoá, kinh tế của tỉnh Bắc Ninh. Ngoài các cơ quan, công sở bám dọc Ninh Xá, Tiền An còn có chợ Nhớn tập trung nhiều mối buôn bán, nhiều nghề thủ công nổi tiếng (thêu ren, đồ trang sức bằng vàng bạc). Phố Vệ An, Cổng Trông, Hữu Mỹ có nhiều người làm nghề đan cót, làm thùng, đúc đồng, đồ gỗ và nhà cửa của viên chức, gia đình binh lính. Hệ thống trường sơ cấp tiểu học, cao đẳng tiểu học công và tư, sân điền kinh, sân quần vợt, sân bóng đá, câu lạc bộ, nhà khuyến học, rạp hát, Nhà thờ lớn… đều xây dựng ở khu vực này.
         
Khu vực Thị - Đáp Cầu là một tổ hợp quân sự - quân cảng - thương cảng - công xưởng. Trên các đỉnh đồi, san sát doanh trại lê dương, pháo thủ. Đáp Cầu là một bến cảng tiếp nhận được nhiều loại pháo thuyền, canô, xà lan. Nhiều công ty tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng ở đây các nhà máy gạch ngói (1909), nhà máy giấy Cô Mễ (1915), nhà máy điện và nước đá. Bệnh viện, rạp chiếu bóng tư nhân cũng được xây dựng. Hai dãy phố chính Thị Cầu, Đáp Cầu cùng với chợ Thị Cầu khá sầm uất trong hoạt động buôn bán và thủ công nghiệp.
         
Thiên nhiên đã ưu đãi tạo ra một cảnh quan và một vị trí địa lý khá đặc biệt và trọng yếu ở ngay nơi này. Thành phố Bắc Ninh trở thành một đầu mối lớn về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, quân sự ở phía cửa ngõ vùng đông bắc Việt Nam.
 
 
Nguồn: Lịch sử Đảng bộ TP Bắc Ninh
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online33
Tất cả2948162