2018-10-01 08:40:05 Số lượt xem 10487
ĐẢNG BỘ TỈNH BẮC NINH
THÀNH ỦY BẮC NINH
 
ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
*
Số  06 - NQ/TU
 
 
TP. Bắc Ninh, ngày 20 tháng 9 năm 2018
 
 
 
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN THƯỜNG VỤ THÀNH ỦY
về tăng cường công tác vệ sinh môi trường
trên địa bàn thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2018-2022
-----
 
 
Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và người dân về vệ sinh môi trường được nâng lên; nhiều tuyến đường, phố, khu dân cư, nơi công cộng được thường xuyên duy trì vệ sinh, đảm bảo sạch đẹp; công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải được tăng cường, mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại phường Ninh Xá, mô hình thu gom rác theo giờ tại các phường Tiền An, Suối Hoa được triển khai; công tác xã hội hóa thu gom rác thải ở 18/19 xã, phường được chuyển về Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Bắc Ninh; nhiều hoạt động bảo vệ và vệ sinh môi trường được tập trung thực hiện, trong đó Cuộc vận động “Vì thành phố Bắc Ninh sạch”, Chương trình “10 phút góp phần làm sạch thành phố” được triển khai và bước đầu đạt kết quả; hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng công tác vệ sinh môi trường cũng như diện mạo, cảnh quan của thành phố.
Tuy nhiên, công tác vệ sinh môi trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khi thành phố trở thành đô thị loại I, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững và chất lượng cuộc sống của người dân. Vệ sinh môi trường ở nhiều nơi chưa được đảm bảo; tình trạng vứt, bỏ rác, phế thải, phế liệu bừa bãi diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến đường, phố, khu vực công cộng, khu đất trống, đê điều, công trình thủy lợi, kênh, mương, rãnh thoát nước...; việc nạo vét hệ thống thoát nước ở khu dân cư chưa được làm thường xuyên; việc thu gom, vận chuyển rác thải ở một số địa bàn có lúc chưa kịp thời, còn để tồn đọng rác qua ngày; điểm tập kết, trung chuyển rác thải còn thiếu và chưa được quy hoạch, một số điểm còn bất cập, thiếu mỹ quan; việc chăn nuôi trong khu dân cư, thả rông vật nuôi gây ô nhiễm, mất vệ sinh... đã ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị và đời sống của nhân dân. Chưa tạo được ý thức tự giác của người dân trong việc phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường chưa đi vào chiều sâu, còn thiếu thường xuyên và chưa có biện pháp hữu hiệu để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư; một số phong trào, hoạt động, mô hình tự quản về bảo vệ và vệ sinh môi trường chưa phát huy được hiệu quả. Việc thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận quần chúng, nhân dân còn hạn chế.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế chủ yếu là do một số cấp ủy đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác vệ sinh môi trường. Công tác quản lý nhà nước về vệ sinh môi trường chưa chặt chẽ, việc ngăn chặn, kiểm tra và xử lý các vi phạm chưa được kịp thời. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương còn chưa tích cực, thiếu chặt chẽ. Hạ tầng kỹ thuật ở một số nơi chưa được đầu tư, nâng cấp đồng bộ. Sự vào cuộc của MTTQ và các đoàn thể nhân dân trong việc tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào, hoạt động về vệ sinh môi trường chưa cao, hiệu quả đạt được còn thấp, có nơi còn mang tính hình thức. Ý thức, trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhìn chung chưa cao, còn có khoảng cách giữa nhận thức và hành động, giữa cam kết và thực hiện, chưa hình thành được thói quen, ý thức tự giác trong xã hội...
Từ thực trạng trên, đòi hỏi phải nhìn nhận và đánh giá đầy đủ, đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của công tác vệ sinh môi trường; từ đó, có định hướng, quyết tâm mạnh mẽ từ ý thức đến hành động của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần thay đổi tích cực diện mạo, cảnh quan, môi trường đô thị, đáp ứng sự phát triển bền vững và tạo nền tảng hình thành không gian sống lý tưởng cho người dân.
I. MỤC TIÊU
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc quyết liệt của MTTQ và các đoàn thể nhân dân cùng với việc huy động các lực lượng xã hội, các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn. Tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động để việc giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trở thành thói quen, nếp sống văn minh của mỗi công dân, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Từ đó, quyết tâm cao để xây dựng thành phố Bắc Ninh trở thành một trong những "đô thị xanh - sạch - đẹp" của cả nước.
Đến năm 2022:
- Tạo sự chuyển biến căn bản về ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong việc giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Thu gom và xử lý 100% chất thải rắn sinh hoạt, không để xảy ra tình trạng rác thải tồn đọng qua ngày tại các điểm tập kết.
- Trên 80% số hộ gia đình tham gia thực hiện chương trình "10 phút góp phần làm sạch thành phố" hàng ngày.
- Hàng tuần, 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn thực hiện tốt việc tổng vệ sinh môi trường vào ngày làm việc đầu tuần hoặc cuối cùng trong tuần, đồng thời giữ gìn cảnh quan, môi trường cơ quan luôn sạch đẹp.
- 100% khu dân cư thực hiện tự quản vệ sinh môi trường tích cực, hiệu quả; tổ chức mỗi tháng ít nhất một cuộc tổng vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn với trên 80% cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên tham gia.
- 100% cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, bến xe, nhà ga, công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí, khu du lịch và các khu vực công cộng thích hợp được lắp đặt thùng rác thông minh.
- 90% phế thải xây dựng được đổ đúng nơi quy định.
- 100% khu dân cư đô thị có hệ thống cống, rãnh thoát nước và được nạo vét thường xuyên.
- Không có điểm tồn lưu rác thải phát sinh trên địa bàn.
II. NhiỆm vỤ và giẢi phÁp
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác vệ sinh môi trường
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương xác định việc đảm bảo, nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường là nhiệm vụ cần tập trung trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện thường xuyên, lâu dài; đồng thời, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng mất vệ sinh môi trường ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.
Đưa công tác bảo vệ môi trường (bao gồm đảm bảo vệ sinh môi trường) trở thành chỉ tiêu đánh giá thi đua của cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, người lao động hàng năm và là một trong những tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.
Tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường; từng đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải tự giác, gương mẫu thực hiện và chỉ đạo thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường. Mỗi cán bộ, đảng viên cần làm tốt công tác vệ sinh môi trường gắn với chăm sóc, bảo vệ cây xanh và giữ gìn vệ sinh môi trường mọi lúc, mọi nơi, nhất là tại nơi làm việc, nơi ở, trước cửa nhà. Hàng tháng, trong sinh hoạt cấp ủy, chi bộ ở các tổ chức cơ sở Đảng cần gắn với đánh giá, kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo và kết quả tổ chức thực hiện công tác vệ sinh môi trường.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố tăng cường theo dõi, bám sát cơ sở, tập trung chỉ đạo và thực hiện chế độ đi thực tế kiểm tra công tác vệ sinh môi trường ít nhất mỗi tháng một lần tại địa phương, đơn vị được phân công phụ trách; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương kiểm tra thực tế công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý ít nhất mỗi tuần một lần; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động vệ sinh môi trường, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm theo quy định.
2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường
Các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của tỉnh và thành phố về công tác vệ sinh môi trường.
Tăng cường đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền theo hướng tiếp cận đa diện, có ảnh hưởng sâu rộng nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh và các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường, trong đó cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu trong thực hiện và tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, quần chúng, nhân dân tích cực tham gia giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đưa công tác vệ sinh môi trường vào định hướng nội dung sinh hoạt chi bộ và tuyên truyền hàng tháng. Kết hợp giữa tuyên truyền trực quan với tuyên truyên trên không gian mạng đảm bảo thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận, tạo tác động mạnh mẽ tới ý thức của các tầng lớp nhân dân; mở chuyên trang, chuyên mục về công tác vệ sinh môi trường trên hệ thống phát thanh, truyền thanh, Trang thông tin điện tử Thành ủy, Cổng thông tin điện tử thành phố... Tăng cường nêu gương, khích lệ các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường và có sáng kiến, giải pháp, mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường. Đồng thời, tạo dư luận xã hội phê phán mạnh mẽ các hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường.
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh môi trường trong các trường học nhằm cung cấp tri thức và xây dựng ý thức tự giác của công dân ngay từ lứa tuổi học đường. Đồng thời, khuyến khích các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức các hoạt động thiết thực để nâng cao ý thức tự giác vệ sinh môi trường cho học sinh, sinh viên, học viên trên địa bàn.
3. Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của Khối dân vận từ thành phố đến cơ sở đối với công tác vệ sinh môi trường
Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân thành phố tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt công tác giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường; thu gom và phân loại chất thải rắn tại nguồn; chăm sóc, bảo vệ cây xanh; bảo vệ hạ tầng kỹ thuật... Xác định tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị, trong đó Tổ dân vận các thôn, khu phố, Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể là lực lượng nòng cốt.
Tăng cường công tác vệ sinh môi trường trên cơ sở gắn kết một cách phù hợp với các cuộc vận động, phong trào, các mô hình, hoạt động, như: Phong trào thi đua "Dân vận khéo", Cuộc vận động “Vì thành phố Bắc Ninh sạch”, Chương trình “10 phút góp phần làm sạch thành phố”, Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", phong trào "Tuổi cao gương sáng", "Hội viên Hội cựu chiến binh gương mẫu", "5 không 3 sạch", các phong trào tình nguyện "Bảo vệ môi trường", mô hình "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường"... đảm bảo toàn bộ các tuyến đường, phố, vỉa hè, ngõ xóm, ngõ phố, khu đất trống, đồng ruộng... được các tổ chức đoàn thể đảm nhận, tự quản vệ sinh môi trường và hoạt động tích cực, hiệu quả. Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở và kiên trì nhắc nhở các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đổ rác, chất thải đúng giờ, đúng nơi quy định và luôn giữ gìn vệ sinh môi trường mọi lúc, mọi nơi.
Phối hợp tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường ở các khu dân cư hàng tháng gắn với Ngày môi trường thành phố - ngày 26 hàng tháng (nếu không trùng vào ngày thứ 7, chủ nhật có thể chuyển vào ngày trước hoặc sau ngày 26). Thường xuyên tổ chức nạo vét, khơi thông các rãnh thoát nước trong khu dân cư; tổng vệ sinh, bóc xóa quảng cáo, rao vặt sai quy định; làm sạch đồng ruộng thông qua việc thu gom rác thải (chai, lọ, túi ni-lông... trên đồng ruộng)...
Chú trọng xây dựng và thực hiện các quy chế, hương ước, quy ước, cam kết về bảo vệ môi trường nói chung và vệ sinh môi trường nói riêng tại khu dân cư. Thực hiện đánh giá, bình xét chất lượng vệ sinh môi trường ở các khu dân cư do các tổ chức tự quản đảm nhận, từ đó xem xét, đánh giá kết quả hoạt động của Khối dân vận các xã, phường, Tổ dân vận các thôn, khu phố, các tổ chức đoàn thể hàng năm. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa bàn, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình làm tốt; đồng thời, nhắc nhở, phê bình đối với những trường hợp vi phạm, làm chưa tốt. Tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả ở các khu dân cư để nhân rộng, tạo hiệu ứng lan tỏa trên địa bàn thành phố.
Phát huy vai trò giám sát trong công tác vệ sinh môi trường của MTTQ, các đoàn thể và cộng đồng dân cư. Tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ và các đoàn thể với cấp ủy, chính quyền địa phương; giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể cơ sở với cấp ủy chi bộ, trưởng thôn, trưởng khu phố trong việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào về vệ sinh môi trường, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư và đem lại hiệu quả, ý nghĩa thiết thực.
4. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về vệ sinh môi trường
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về vệ sinh môi trường; củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan chuyên môn và đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban nghiệm thu sản phẩm công ích thành phố theo hướng chuyên trách, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Từng bước triển khai thực hiện đấu thầu cung ứng dịch vụ công ích vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi nâng cao chất lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đô thị. Tiếp tục triển khai đầu tư, cải tạo, nâng cấp và vận hành hiệu quả các nhà vệ sinh công cộng; quy hoạch, bố trí địa điểm hợp lý và lắp đặt các thùng rác công cộng thông minh, đồng thời rà soát, điều chỉnh hệ thống thùng rác công cộng hiện có nhằm đảm bảo phù hợp nhu cầu sử dụng thực tế. Tiếp tục trồng mới và tăng cường chăm sóc, bảo vệ cây xanh theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 05/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về đẩy mạnh phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020.
Làm tốt công tác quản lý việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; kiên quyết không để xảy ra tình trạng tồn đọng rác qua ngày và không có điểm tồn lưu rác thải phát sinh trên địa bàn. Rà soát, điều chỉnh thời gian, tần suất và lộ trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cho từng tuyến đường, phố, khu vực, đảm bảo sự hợp lý giữa thời gian vận chuyển rác của đơn vị thực hiện dịch vụ công ích với thời gian thu gom rác của người dân. Quản lý chặt chẽ và phát huy hiệu quả các điểm tập kết, trung chuyển rác thải... kiểm soát không để xảy ra tình trạng ô nhiễm tại các khu vực này; tổ chức rà soát và quy hoạch, bố trí hợp lý các điểm tập kết, trung chuyển và có giải pháp nhằm đảm bảo vệ sinh, mỹ quan đô thị, tiết kiệm chi phí, hài hòa với khu vực xung quanh. Quan tâm đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên cơ sở ứng dụng công nghệ tiên tiến, phương tiện, trang thiết bị hiện đại, tiết kiệm chi phí, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả trong công tác vệ sinh môi trường. Tăng cường các biện pháp giảm bụi bẩn trên đường phố, như: đầu tư xe hút bụi, rửa đường, quét đường hiện đại…
Tăng cường công tác quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý phế thải xây dựng; nghiên cứu phương thức quản lý chặt chẽ việc thu gom, vận chuyển phế thải xây dựng đối với các chủ đầu tư xây dựng công trình, chủ đầu tư nhà ở riêng lẻ, đảm bảo phế thải xây dựng được thu gom, vận chuyển đổ đúng nơi quy định. Các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ các điều kiện, hồ sơ, đảm bảo trước khi khởi công xây dựng phải có hợp đồng của chủ nguồn thải với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và đơn vị quản lý điểm tập kết, xử lý chất thải rắn xây dựng. Đồng thời, quy hoạch địa điểm, xây dựng và vận hành có hiệu quả các khu chứa phế thải xây dựng trên địa bàn.
Nghiên cứu xây dựng Quy tắc về giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường để tạo dựng ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, công dân đối với môi trường, cảnh quan của thành phố. Trang bị kiến thức và triển khai các giải pháp đưa hoạt động phân loại và thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vào nền nếp và hình thành ý thức tự giác thực hiện trong các tổ chức, cá nhân. Khuyến khích các hoạt động tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt trên cơ sở lựa chọn công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Làm tốt công tác quản lý vệ sinh môi trường khu vực công cộng, nhất là khu vực công viên, vườn hoa, quảng trường, tượng đài, đài tưởng niệm... Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống biển báo, nội quy, quy định tại các khu vực này, đảm bảo phù hợp thực tiễn; nghiên cứu triển khai niêm yết các quy tắc về giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường, về ứng xử nơi công cộng.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát vệ sinh môi trường; phát hiện sớm và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường; việc chăn nuôi trong khu dân cư, thả rông vật nuôi gây ô nhiễm, mất vệ sinh môi trường; quảng cáo, rao vặt trái quy định... Tăng cường quản lý, vận hành có hiệu quả hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn; tổ chức nạo vét, khơi thông hệ thống cống thoát nước, hố ga kỹ thuật; đảm bảo mặt nước ao, hồ không có rác thải. Kiên quyết xử lý việc xây dựng trái phép các công trình, hạng mục công trình trên hệ thống thoát nước trong khu dân cư.
Thiết lập đường dây nóng tiếp nhận các thông tin, phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về công tác vệ sinh môi trường trên cơ sở tích hợp nội dung với đường dây nóng trong lĩnh vực quản lý đô thị.
5. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động vệ sinh môi trường
Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia thực hiện công tác vệ sinh môi trường. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các dịch vụ vệ sinh môi trường, nhất là thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; sản xuất tái chế các phế liệu, phế thải; sản xuất, cung ứng các sản phẩm thân thiện với môi trường...
Huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tích cực hưởng ứng và tham gia hoạt động tổng vệ sinh môi trường. Vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư dụng cụ và khu vực lưu giữ chất thải đảm bảo hợp vệ sinh, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn, đổ rác thải đúng thời gian và địa điểm quy định; nộp tiền dịch vụ vệ sinh môi trường đầy đủ, đúng quy định; thực hiện tốt việc chăm sóc, bảo vệ cây xanh, nhất là cây xanh trước cửa nhà và xung quanh nơi cư trú.
Rà soát các điểm, khu vực công cộng thường xuyên mất vệ sinh môi trường; trên cơ sở quy hoạch xây dựng, nghiên cứu đề xuất điều chỉnh thành các công trình phúc lợi công cộng, vườn hoa, khu vui chơi giải trí... phục vụ đời sống dân sinh.
IV. TỔ chỨc thỰc hiỆn
1. UBND thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết; cân đối ngân sách, hỗ trợ các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện Nghị quyết. Định kỳ 6 tháng sơ kết và hàng năm tổng kết kết quả thực hiện.
2. Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo tăng cường hoạt động giám sát về đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố; đồng thời, nắm bắt và đôn đốc, giám sát giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân về công tác vệ sinh môi trường.
3. Các Ban xây dựng Đảng của Thành ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này.
4. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đài phát thanh thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đến các chi, đảng bộ trực thuộc, cán bộ, đảng viên và nhân dân.
5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các cấp, các ngành tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết; gắn việc tăng cường công tác vệ sinh môi trường với các cuộc vận động, phong trào thi đua; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, đoàn viên và vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.
6. Các chi, đảng bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết; tổ chức quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
7. Đảng ủy các xã, phường tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Tổ chức làm điểm cấp phường đối với các phường Khúc Xuyên, Vũ Ninh. Mỗi xã, phường lựa chọn 01 thôn (khu phố) để tiến hành làm điểm, sau đó đánh giá kết quả thực hiện để nghiên cứu hoàn chỉnh và áp dụng trên các địa bàn quản lý.
8. Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND-UBND thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, định kỳ báo cáo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy.
Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ.
 
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh (b/c),
- Các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy,
- TT Thành ủy, HĐND, UBND thành phố,
- Các ban, ngành, đoàn thể thành phố,
- Các chi, đảng bộ trực thuộc,
- Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, phường,
- Các cơ quan, đơn vị có liên quan,
- Trang thông tin điện tử Thành ủy, Cổng thông tin điện tử thành phố,
- Các đ/c Thành ủy viên khóa XXI,
- Lưu Văn phòng Thành ủy.
T/M BAN THƯỜNG VỤ
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC
 
 
 
(Đã ký)
 
 
 
Vũ Chí Kiên
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online88
Tất cả2951912