2024-05-17 08:48:14
Số lượt xem 6307
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng thành phố Bắc Ninh
(08/8/1954 – 08/8/2024)
-------
Thành phố Bắc Ninh là một trong những vùng đất của các cư dân Việt cổ. Thời Văn Lang nằm trong bộ Vũ Ninh, về sau thuộc huyện Long Biên, quận Giao Chỉ. Thời Lý - Trần thuộc lộ Bắc Giang. Thời Hậu Lê thuộc trấn Kinh Bắc. Năm Minh Mệnh thứ ba (1822) trấn Kinh Bắc đổi thành trấn Bắc Ninh. Năm 1831 tỉnh Bắc Ninh được thành lập, thành phố Bắc Ninh trở thành trung tâm chính trị - kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh thời kỳ ấy. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, thành phố Bắc Ninh có vị trí quan trọng của cửa ngõ kinh thành Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Là một đầu mối trọng yếu về chính trị kinh tế - văn hoá - quân sự ở vùng Đông bắc Việt Nam.
Năm 1927, một số chi hội của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở thành phố Bắc Ninh được thành lập; đầu tháng 7/1929 đồng chí Ngô Gia Tự đã chọn các đồng chí Hồ Ngọc Lân, Nguyễn Hữu Căn, Phạm Văn Chất để lập ra chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, đây là chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thành phố, đồng thời cũng là chi bộ cộng sản đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh. Đến tháng 8/1929 ở Thành phố có 4 chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, các tổ chức này sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (03/02/1930) đã trở thành các chi bộ của Đảng ta.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (09/3/1945), nhiều cán bộ được cử về tăng cường cho Thành phố. Đến cuối tháng 3/1945 ở thành phố Bắc Ninh, các tổ chức công nhân, nông dân cứu quốc, các đội tự vệ phát triển hầu khắp các thôn, xóm, khu phố và các nhà máy chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ngày 17/8/1945 tại phường Thị Cầu đã lập ra Uỷ ban kháng chiến của nhân dân; ngày 19/8/1945, lực lượng quần chúng tiếp tục diễu hành, biểu dương lực lượng qua các khu phố ở Thị Cầu và các phố của Thành phố. Không khí khởi nghĩa sục sôi khắp các khu phố và các xã ngoại thành. Sáng 20/8/1945 từ Thị Cầu, Đáp Cầu và các xã lân cận, các đội tự vệ, các tổ chức cứu quốc và quần chúng được vũ trang bằng dao, kiếm, gậy gộc, giáo mác kéo đến tập trung ngăn chặn các ngả đường thuộc phố Ninh Xá, phố Tiền An để chờ lệnh khởi nghĩa; từ đó toả đi đánh chiếm trại Bảo an binh, Sở cảnh sát, Kho bạc và Dinh tỉnh trưởng. Đến sẩm tối 20/8/1945 lực lượng khởi nghĩa đã chiếm xong các công sở, Cờ đỏ sao vàng tung bay trước Dinh tỉnh trưởng, cuộc khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở thành phố Bắc Ninh đã thắng lợi hoàn toàn.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Thành phố đã có ảnh hưởng lớn trong toàn tỉnh. Địch ở các huyện xung quanh nghe tin không dám chống lại và nhanh chóng tan dã. Đến 22 giờ đêm 20/8/1945 tại thành phố Bắc Ninh, Uỷ ban kháng chiến của Tỉnh được thành lập; chính quyền nhân dân các cấp được hình thành. Ngay sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, nhiều cơ sở đảng ở Thành phố được xây dựng, củng cố, phát triển, đã nhanh chóng xây dựng lực lượng dân quân du kích, tự vệ chiến đấu để bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân và tiếp tục công cuộc kháng chiến.
Trong điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, nạn đói, nạn lụt năm 1945 đã làm cho hàng trăm người dân Thành phố chết đói, chết bệnh. Chính quyền thì còn rất non trẻ. Thực dân Pháp sau khi quay trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai đã ra sức đàn áp phong trào cách mạng, chúng tập trung tiêu diệt tổ chức đảng, chính quyền ở địa phương. Nhân dân Thành phố dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn một lòng trung thành với cách mạng, kiên quyết đấu tranh đập tan âm mưu của mọi kẻ thù. Khẩu hiệu “Không theo địch, không làm việc cho địch, không cung cấp lương thực, thực phẩm cho địch” được tuyên truyền rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân thành phố Bắc Ninh vừa tổ chức sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu. Lực lượng tự vệ, du kích được xây dựng ở thôn, xóm, khu phố, nhà máy được trang bị một số súng trường, lựu đạn, thực hiện phương châm lấy vũ khí địch đánh địch, lấy vũ khí địch để trang bị cho ta. Trước âm mưu của thực dân Pháp mở rộng cuộc chiến lên Bắc phần Bắc Ninh, Tỉnh đã tăng cường cán bộ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng ở Thành phố để sẵn sàng đối phó với địch. Ngày 13/7/1949 quân Pháp mở chiến dịch Bát-sti đánh chiếm Bắc Ninh, Bắc Giang. Trong chiến dịch này, thành phố Bắc Ninh là trọng tâm đánh chiếm của chúng. Chiếm được Thành phố, địch tổ chức các đợt càn quét ra các vùng xung quang nhằm thực hiện ý đồ “Chặt đứt đường giao thông huyết mạch từ Việt Bắc đến các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và thủ đô Hà Nội”. Quân Pháp đã huy động hơn 4.000 quân với 10 tiểu đoàn có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ chia thành 4 cánh quân tiến vào Thành phố. Nhân dân và các lực lượng vũ trang Thành phố đã phối hợp với các đơn vị chủ lực kiên cường chiến đấu với địch. Song với lực lượng áp đảo, vũ khí tối tân lại được tăng viện binh nên ngày 14/7/1949 Pháp đã chiếm được Thành phố. Chúng ra sức xây dựng lực lượng ngụy quân, ngụy quyền, lập nhiều đồn bốt, biến thành phố Bắc Ninh trở thành Trung tâm chỉ huy của Pháp và là trung tâm chính trị, quân sự của ngụy quyền. Các cơ quan đầu não của địch đều đặt ở Thành phố như: Dinh tỉnh trưởng, Toà chánh xứ, Quận lỵ Võ Giàng, Ty công an cảnh sát, Công binh xưởng, lực lượng gián điệp mật vụ, các tiểu đoàn Âu – Phi do một số sỹ quan của Pháp chỉ huy.
Theo chỉ thị của trên, để đối phó với địch, nhân dân và lực lượng vũ trang Thành phố thực hiện chủ trương “vườn không, nhà trống”. Người dân đã tự phá dỡ nhà xưởng, máy móc, công sở, không cho địch có nơi trú ngụ. Một mặt ra sức củng cố cơ sở, xây dựng làng xóm, khu phố chiến đấu, mặt khác tổ chức lực lượng sản xuất để cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội, du kích và tự vệ. Ra sức xây dựng, củng cố chính quyền, tổ chức đảng và các đoàn thể, kiên quyết đấu tranh phá tề, diệt ác, trừ gian. Lực lượng du kích được thành lập theo các thôn, xã, khu phố. Mỗi thôn có từ 1 đến 2 tiểu đội, xã có các trung đội, đại đội được trang bị vũ khí, tổ chức huấn luyện, ban ngày sản xuất, ban đêm bảo vệ làng xóm, tổ chức đi phá đường, cắt dây điện thoại, phối hợp cùng bộ đội địa phương đánh địch trên các tuyến đường giao thông quan trọng.
Ngày 14/11/1949, Trung đội bộ đội địa phương của Thành phố được thành lập lấy tên là Thành Bắc (phiên hiệu là B5). Đơn vị B5 có 33 chiến sỹ được trang bị súng trường, mìn, lựu đạn, giáo, mác và được biên chế thành 3 tiểu đội, có nhiệm vụ diệt ác, trừ gian, phát triển cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang trong Thành phố, đánh phá giao thông của địch trên các tuyến đường quốc lộ 1A, 18, 38; đưa đón, bảo vệ cán bộ từ các nơi về bảo vệ Ban cán sự Thành, các cơ quan của Thành phố, của Tỉnh, giúp đỡ tự vệ du kích, đánh địch, tuyển chọn người vào đơn vị và bổ sung cho bộ đội chủ lực.
Từ cuối năm 1950, phong trào kháng chiến ở Thành phố tiếp tục có bước triển mạnh. Trước yêu cầu đó, Tỉnh uỷ quyết định thành lập Thành uỷ Bắc Ninh để lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang Thành phố thực hiện nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc. Cùng với việc thành lập Thành uỷ, về tổ chức lực lượng vũ trang thì Tỉnh đội đã cho phép Thành phố thành lập thêm một Trung đội bộ đội địa phương và thành lập cơ quan Đại đội. Tiếp đó đã tổ chức các lớp huấn luyện cho du kích về kỹ chiến thuật, chỉ đạo các xã thành lập các tổ ba người làm nhiệm vụ bám sát cơ sở, nắm tình hình và làm công tác địch vận. Phong trào đấu tranh của nhân dân và lực lượng vũ trang Thành phố đã chuyển sang một bước mới, từ thế bị động mà chủ yếu là đối phó sang thế chủ động và tiến công địch. Đến giữa năm 1951, Thành phố đã có 1 Đại đội bộ đội địa phương; các thôn đều có các tiểu đội, trung đội du kích; các xã có Ban chỉ huy xã. Lực lượng vũ trang Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Tiểu đoàn Thiên Đức và các đơn vị chủ lực để tiến công đánh địch tại nhiều nơi và các điểm trọng yếu của quân Pháp và bộ máy ngụy quyền.
Nhân dân Thành phố đã tổ chức tốt việc quyên góp, ủng hộ bộ đội địa phương và các đơn vị chủ lực. Phong trào thi đua sản xuất, giết giặc lập công được triển khai rộng khắp ở cả ở vùng nông thôn cũng như nội thị, đường dây liên lạc từ trên xuống được đảm bảo bí mật và giữ vững. Địch ra sức càn quét, chống phá nhưng đều vấp phải sự chống trả quyết liệt của dân quân du kích và bộ đội địa phương. Các cơ sở tề phần lớn đã do chúng ta điều khiển, những tên tề, ngụy ác ôn đều bị trừng trị, bộ máy ngụy quyền từ Thành phố đến cơ sở lung lay, nhiều tên hoang mang, lo lắng, sợ hãi. Cũng trong thời gian này, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã tham gia nhiều chiến dịch quan trọng như: Chiến dịch Biên giới năm 1950, các Chiến dịch Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Chiến dịch đường 18… Đó là những bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ và nhân dân Thành phố đã đấu tranh và đánh thắng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” (07/5/1954). Tiếp đà thắng lợi của quân và dân ta, đến ngày 08/8/1954, thành phố Bắc Ninh đã hoàn toàn được giải phóng.
Trong kháng chiến chống Pháp, thành phố Bắc Ninh là một điển hình trong việc áp dụng các phương châm, phương pháp tác chiến đánh giặc, là đơn vị tiêu biểu trong việc xây dựng, củng cố lực lượng, kết hợp các hình thức đấu tranh với địch. Với những thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Bắc Ninh đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Ba.
Bẩy mươi năm, một chặng đường đã đi qua kể từ ngày giải phóng thành phố Bắc Ninh (08/8/1954) với nhiều dấu mốc quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố. Nhìn lại những ngày đầu mới giải phóng, thành phố Bắc Ninh còn rất nhiều khó khăn, bên cạnh những thiệt hại mất mát về người và của trong cuộc kháng chiến chống Pháp, kẻ địch còn đang ẩn nấp trong nhân dân, chúng móc nối với các phần tử phản động trong và ngoài nước tìm cách chống phá cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, gây rối làm mất trật tự trị an, an toàn xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Thành phố đã bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng. Tập trung xây dựng, cải tạo phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và an ninh, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh của kẻ địch; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) đã đề ra hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng nước ta trong thời kỳ này là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước. Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới, ngày 27/10/1962, Quốc hội khoá II đã quyết định hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Ngày 01/4/1963, tỉnh Hà Bắc chính thức làm việc theo đơn vị hành chính mới, thị xã Bắc Ninh trở thành thị xã thứ hai của Tỉnh.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đến năm 1964 thành phố Bắc Ninh là một trong những trọng điểm mà đế quốc Mỹ tập trung đánh phá bằng không quân, trong đó có các khu vực Cầu Đáp Cầu, tuyến đường Quốc lộ 1A, đường sắt, Ga Thị Cầu, Ga Bắc Ninh... Tại các khu vực như Thành Bắc Ninh, Trường Công binh, Cảng Đáp Cầu, các cụm kho hàng dự trữ quốc gia, các nhà máy, xí nghiệp, quân và dân Thành phố đã lập các trận địa pháo cao xạ để đánh trả máy bay địch. Giai đoạn 1965 -1968 và đặc biệt là cuối năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động trên 300 lượt máy bay ném hàng ngàn tấn bom xuống Thành phố. Các lực lượng dân quân tự vệ Thành phố đã hợp đồng chặt chẽ với các đơn vị bộ đội phòng không đánh trả với 82 trận, bắn rơi, bắn cháy 08 máy bay trong đó có 03 chiếc rơi tại chỗ, bắt sống 03 giặc lái; bảo vệ an toàn các mục tiêu, hàng hoá, giữ vững trận địa. Phá hàng trăm quả bom nổ chậm, đảm bảo giao thông thông suốt, đưa dẫn hàng chục ngàn lượt xe qua sông an toàn.
Trong 10 năm từ 1965 đến 1975, có 2.674 người con của Thành phố vào bộ đội, 214 người đi thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước. Anh chị em vào bộ đội và thanh niên xung phong đã tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở các chiến trường, nhiều người lập chiến công được tuyên dương Anh hùng, chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ, diệt máy bay, diệt xe cơ giới.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và lực lượng vũ trang Thành phố đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Cờ thi đua cho đơn vị 10 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, chi viện cho tiền tuyến; Huân chương Chiến công hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Ba.
Đặc biệt, ngày 17/3/2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cho nhân dân và các lực lượng vũ trang thành phố Bắc Ninh.
Sau thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), cùng với những khó khăn chung của cả nước, tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội ở thành phố Bắc Ninh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, duy trì và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Bước vào công cuộc đổi mới đất nước từ tháng 12 năm 1986, nhằm vận dụng đúng đắn, sáng tạo và cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, cùng với toàn Tỉnh, thành phố Bắc Ninh đã vững bước đi lên, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ trong những giai đoạn tiếp theo.
Từ ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Ninh được tái lập, thành phố Bắc Ninh trở lại vị thế trung tâm tỉnh lỵ. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Bắc Ninh, Đảng bộ và nhân dân thành phố Bắc Ninh đã nỗ lực phấn đấu xây dựng Thành phố phát triển nhanh và bền vững. Với sự đổi thay toàn diện trên nhiều mặt, bảo đảm các yếu tố đô thị hóa, ngày 25/01/2006, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2006/NĐ-CP về thành lập thành phố Bắc Ninh thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Năm 2007, trước yêu cầu về xây dựng, phát triển Thành phố trong tình hình mới, để đưa thành phố Bắc Ninh thực sự xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bắc Ninh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2007/NĐ-CP về điều chỉnh địa giới hành chính huyện Yên Phong, huyện Quế Võ, huyện Tiên Du để mở rộng thành phố Bắc Ninh và thành lập phường Võ Cường. Theo đó, các xã Hoà Long, Vạn An, Khúc Xuyên, Phong Khê, Kim Chân, Vân Dương, Nam Sơn, Hạp Lĩnh, Khắc Niệm về trực thuộc Thành phố quản lý. Không gian được mở rộng, thành phố Bắc Ninh có diện tích tự nhiên tăng gấp ba lần và dân số tăng gấp hai lần so với trước đó. Đà đô thị hóa tiếp tục được đẩy mạnh, năm 2010 các xã Vân Dương, Vạn An, Hạp Lĩnh được chuyển thành phường; năm 2013 các phường Phong Khê, Khắc Niệm, Khúc Xuyên được thành lập; các xã còn lại được nâng cấp lên phường vào năm 2019 là Hòa Long, Kim Chân và Nam Sơn.
Nếu như ngày 25/6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1044/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại II trực thuộc tỉnh đánh dấu một quá trình bền bỉ phấn đấu của Thành phố từ sau tái lập tỉnh, thì chỉ sau hơn 3 năm xây dựng và phát triển, đến ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2088/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Bắc Ninh là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bắc Ninh, đưa hình ảnh của Thành phố lên tầm cao mới, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của một trung tâm tỉnh lỵ.
Tự hào về truyền thống 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành từ sau Ngày giải phóng Thành phố (08/8/1954), mỗi cán bộ, đảng viên và người dân thành phố Bắc Ninh đều có những cảm nhận sâu sắc về sự đổi thay không ngừng của thị xã Bắc Ninh hôm qua và thành phố Bắc Ninh hôm nay.
Từ một thị xã nhỏ về quy mô, diện tích chưa đầy 27 km2, dân số hơn 120.000 người, cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế. Đến nay, thành phố Bắc Ninh đã vươn lên mạnh mẽ trở thành một đô thị phát triển năng động trong vùng đồng bằng Sông Hồng theo hướng hiện đại với diện tích 82,61 km2, dân số hơn 500.000 người. Đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân ngày được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Các lĩnh vực kinh tế, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, tài nguyên, môi trường, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh hằng năm đều có những điểm nhấn quan trọng. Thành phố đã và đang tập trung triển khai đầu tư các công trình, dự án nhằm tháo gỡ “nút thắt” về kết nối giao thông, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chú trọng sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”.
Văn hóa - xã hội không ngừng phát triển, xây dựng hình ảnh con người Thành phố văn hiến, thanh lịch, phát triển toàn diện mang đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc - Bắc Ninh. Bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là Dân ca Quan họ gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch. Tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao có chất lượng phục vụ nhân dân. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục duy trì là đơn vị lá cờ đầu của tỉnh. An sinh xã hội, lao động việc làm được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,26%.
Công tác chỉnh trang đô thị được quan tâm triển khai xây dựng theo hướng đồng bộ, tạo cảnh quan đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp. Công tác quản lý nhà nước về môi trường được tăng cường, chú trọng; hằng năm có trên 90% khu phố đạt tiêu chí “Khu dân cư sạch”. Quốc phòng, an ninh được ổn định và giữ vững; phạm pháp hình sự, tai nạn giao thông đều giảm; các lực lượng vũ trang thành phố hằng năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là những đơn vị quyết thắng.
Trong những năm gần đây, thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu hướng kinh tế đô thị. Lĩnh vực mũi nhọn về thương mại dịch vụ được phát triển sôi động, tiếp tục có sự tăng trưởng cao. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đến nay đạt hơn 40.700 tỷ đồng, chiếm gần 44% giá trị toàn tỉnh; nhiều tuyến phố chuyên doanh, tuyến phố kinh tế đêm được khai trương và tổ chức hoạt động bước đầu có hiệu quả. Các trung tâm thương mại, chuỗi các khách sạn 5 sao, các siêu thị, nhà hàng, các chuỗi cửa hàng tiện ích, tiện lợi, cửa hàng phục vụ 24 giờ/ngày đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thành phố đã chú trọng kết hợp phát triển các loại hình thương mại truyền thống với thương mại hiện đại, thương mại điện tử. Nhiều dịch vụ hiện đại, chất lượng cao về giáo dục, y tế, tài chính… được hình thành, phát triển và mở rộng quy mô, góp phần đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về cuộc sống của người dân.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được những kết quả rõ nét; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền được nâng cao; hoạt động của MTTQ và các tổ chức - chính trị xã hội ngày càng hiệu quả thực chất. HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể nhân dân thành phố hằng năm đều được đánh giá “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và “Trong sạch, vững mạnh”. Năm 2023, Đảng bộ thành phố có 67/68 tổ chức cơ sở đảng “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” (trong đó có 14 tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ), 01 tổ chức cơ sở đảng “Hoàn thành nhiệm vụ”; không có tổ chức cơ sở đảng “Không hoàn thành nhiệm vụ”. Ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng, những kết quả tích cực Thành phố đã đạt được, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã quyết định xếp loại, đánh giá Đảng bộ thành phố Bắc Ninh “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” năm 2023 (Đảng bộ thành phố là đơn vị 5 năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ).
Năm 2024, kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thành phố, là năm có ý nghĩa quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Bắc Ninh quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Thành phố xác định tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Thành phố Bắc Ninh hôm nay đang triển khai các nội dung trong quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có định hướng phát triển không gian đô thị (đối với khu vực hiện hữu và khu vực phát triển mới) để đến năm 2030 sẽ hình thành các yếu tố đô thị của quận trung tâm khi tỉnh Bắc Ninh phấn đấu là Thành phố trực thuộc Trung ương.
Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, tự hào về truyền thống 70 năm sau Ngày giải phóng, thành phố Bắc Ninh đã và đang hội tụ nhiều nhân tố thuận lợi làm nền tảng để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố quyết tâm, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ và vận hội mới, đẩy mạnh công cuộc đổi mới quê hương, đất nước, hội nhập quốc tế để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành phố Bắc Ninh giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.
BAN TUYÊN GIÁO THÀNH UỶ BẮC NINH
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 38 | |
Tất cả | 3068800 |