2024-01-11 08:32:05
Số lượt xem 742
Thành phố Bắc Ninh là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, văn hiến, yêu nước, cách mạng; là nơi có đậm đặc các di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội truyền thống. Trên địa bàn thành phố có 203 di tích, trong đó có 98 di tích được Nhà nước xếp hạng (43 di tích cấp quốc gia, 55 di tích cấp tỉnh) và 03 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận Bảo vật quốc gia (Cột đá chùa Dạm; Cửa võng đình Diềm và 12 bia Tiến sỹ Văn miếu Bắc Ninh). Là nơi khởi nguồn của Dân ca Quan họ Bắc Ninh - được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, có Đền thờ Vua Bà - Thủy tổ Quan họ; có 31/44 làng Quan họ gốc và 20/150 làng Quan họ thực hành của tỉnh Bắc Ninh. Những giá trị di sản văn hóa đồ sộ, phong phú, đa dạng và độc đáo này là nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch thành phố và tỉnh Bắc Ninh.
Đền Bà Chúa kho
Kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp, những thành quả của các thế hệ đi trước, những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với thực tiễn luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Bắc Ninh quan tâm triển khai thực hiện với những giải pháp đồng bộ, đạt được kết quả tích cực. Năm 2020, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 02/6/2020 về "Tăng cường phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030"; Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 12/12/2022 về thực hiện Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững"; các đề án, kế hoạch triển khai thực hiện của UBND thành phố và các phòng chuyên môn đã cơ bản xác định được tiềm năng, lợi thế và đề ra các nhiệm vụ thực hiện, trong đó có nội dung quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và lễ hội truyền thống, đầu tư đồng bộ, hoàn thiện các dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh.
Trên địa bàn thành phố Bắc Ninh có 02 điểm du lịch cấp tỉnh là điểm du lịch làng Diềm (khu Thủy tổ Quan họ) và Đền Bà Chúa kho là nơi có các lễ hội truyền thống, hệ thống di tích lịch sử - văn hóa giá trị, di sản văn hoá (DSVH) Dân ca Quan họ đặc sắc được lưu giữ và bảo tồn... Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch, đặc biệt loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh. Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng, trùng tu, tôn tạo, bảo tồn, phát huy và quản lý các DSVH được tăng cường; hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch, giới thiệu di sản văn hóa, truyền thống lịch sử, văn hóa, con người thành phố được đẩy mạnh... góp phần thu hút đông đảo nhân dân và khách du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Bắc Ninh nói chung và phường Hòa Long, Vũ Ninh nói riêng.
Đền Vua Bà Thuỷ tổ Quan họ
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, tầm vóc, giá trị của hệ thống di tích, DSVH của thành phố. Công tác bảo tồn DSVH, các di tích lịch sử văn hoá và Dân ca Quan họ Bắc Ninh đã được quan tâm đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tại các điểm di tích chưa được quan tâm đúng mức; hoạt động kinh doanh, dịch vụ du lịch chưa có; các dịch vụ hướng dẫn, cung ứng sản phẩm lưu niệm, đặc sản địa phương, khả năng khai thác dịch vụ nghỉ dưỡng và các loại hình chưa đa dạng; chất lượng dịch vụ du lịch chưa cao, hệ thống lưu trú chưa đồng bộ, các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, số lượng, chất lượng, nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, kết cấu hạ tầng du lịch, đường giao thông tiếp cận các điểm du lịch chưa tốt...; việc gắn kết với đầu tư, quản lý, khai thác giá trị các di tích, DSVH để phát triển du lịch ở các điểm du lịch vẫn còn hạn chế, còn thiếu rất nhiều cơ sở vui chơi giải trí tổng hợp, các khu dịch vụ xứng tầm, khách sạn, nhà hàng, chưa có điểm du lịch quy mô lớn, chưa thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào phát triển tại điểm du lịch khu Thủy tổ Quan họ và Đền Bà Chúa Kho; tại các điểm di tích đội ngũ nhân lực của ban quản lý di tích địa phương chưa chuyên nghiệp. Công tác quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch; nhiều sản phẩm quảng bá còn thiếu tính gắn kết du lịch - văn hóa; việc liên kết với các doanh nghiệp, công ty du lịch, lữ hành để kết nối các khu, điểm du lịch, di tích với du khách còn nhiều hạn chế; các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt để tạo sức cạnh tranh, thu hút khách du lịch còn ít; lượng du khách chưa nhiều, mang tính mùa vụ, thời gian lưu trú ngắn, khả năng chi tiêu thấp, tập trung chủ yếu vào tháng đầu năm và tháng cuối năm.
Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác giá trị du lịch văn hóa, lịch sử quần thể di tích khu Viêm Xá (Thủy tổ Quan họ), phường Hoà Long và đền Bà Chúa Kho, phường Vũ Ninh thành phố Bắc Ninh đảm bảo tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, tầm vóc, giá trị của di tích, thời gian tới, thành phố Bắc Ninh sẽ tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng đối với công tác quản lý, đầu tư, khai thác giá trị các di tích lịch sử văn hoá, lễ hội truyền thống và di sản Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đối với các điểm du lịch: khu Viêm Xá (Thủy tổ Quan họ) và Đền Bà Chúa Kho sẽ ban hành những giải pháp gắn việc đầu tư, quản lý, bảo tồn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc phát triển du lịch, bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị di sản. Lấy tiêu chí: "Di tích lịch sử văn hóa tạo động lực thúc đẩy ngành du lịch phát triển" để hướng đến "Du lịch phát huy các giá trị của di tích lịch sử văn hóa" tại địa phương.
Thứ hai: Tiếp tục quan tâm công tác quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hoá khu Thủy tổ Quan họ và Đền Bà Chúa Kho; tập trung nghiên cứu, lập, thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch tổng thể một cách phù hợp để phát huy lợi thế phát triển du lịch. Đồng thời, đối với quy hoạch chi tiết, bố trí nguồn vốn và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, không gian kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên cần sớm được xây dựng. Triển khai quy hoạch xây dựng một số dự án, công trình, hạng mục (nâng cấp, mở rộng đường giao thông đến các điểm di tích, đường giao thông nối giữa khu Thủy Tổ quan họ và Đền Bà Chúa Kho; trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn phường Hòa Long và Vũ Ninh); huy động tối đa nguồn vốn xã hội hóa trong việc bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích; đầu tư, làm mới các biển chỉ dẫn, giới thiệu về ý nghĩa, giá trị của các di tích để người dân trong và ngoài nước tìm hiểu, nghiên cứu.
Thứ ba: Nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hoá; khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch như: Cung cấp dịch vụ ăn uống với các món ăn đặc sản địa phương; hướng dẫn du khách tham quan, tìm hiểu các di tích, lễ hội, hát Dân ca Quan họ; sản xuất và cung ứng các mặt hàng lưu niệm; cung cấp dịch vụ lưu trú và các hình thức vui chơi giải trí…; nghiên cứu mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn để người dân hiểu biết sâu hơn về lợi ích, trách nhiệm phát triển du lịch, về kỹ năng, nghiệp vụ, hướng dẫn, giao tiếp với du khách để họ thực sự là đối tượng hưởng lợi từ phát triển du lịch.
Thứ tư: Tăng cường quảng bá, giới thiệu các di sản văn hoá trên các phương tiện truyền thông như sách báo, tạp chí, Đài phát thanh - truyền hình, Cổng thông tin điện tử, trên các trang web du lịch, hội chợ xúc tiến du lịch, các ấn phẩm hướng dẫn du lịch và trên các trang mạng xã hội. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao ý thức thực hiện công tác phát triển du lịch gắn với giá trị di sản văn hoá; xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, đảm bảo vệ sinh, an ninh trật tự cho du khách; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá...
Thứ năm: Tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành khai thác các tour văn hóa tâm linh đến khu Thủy Tổ quan họ và Đền Bà Chúa Kho; tăng cường đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống dịch vụ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan du lịch như: Làng hành hương, Trung tâm Văn hóa Thủy Tổ Quan họ - Đền Bà Chúa Kho, khu nghỉ dưỡng...; kết hợp du lịch tâm linh với các loại hình khác như: du lịch sinh thái, homestay, du lịch ẩm thực… để tạo không gian du lịch hấp dẫn.
Tập trung khai thác, phát huy thế mạnh sẵn có. Đối với Khu Thủy tổ Quan họ: tập trung đầu tư xây dựng khu bán đồ lưu niệm, sách giới thiệu về di sản văn hoá; mở rộng không gian tổ chức các trò chơi dân gian, các điểm hát Dân ca Quan họ, khu vực trải nghiệm trang phục Quan họ; ẩm thực Quan họ, biểu trưng Quan họ.... Đối với không gian Đền Bà Chúa Kho: tập trung đầu tư bố trí các khu vực: bãi đỗ xe, cổng chào, mở rộng Đền về phía khu vực cơ khí Đáp Cầu, các công trình phụ trợ, nhà khách, quầy dịch vụ, hệ thống xe điện đưa đón khách từ khu vực bãi đỗ xe vào Đền và ngược lại, quy hoạch khu vực bán hàng, viết sớ hợp lý, khu vực tổ chức trình diễn nghệ thuật dân gian truyền thống... Tăng cường kết nối các điểm du lịch liên vùng với các khu vực lân cận, tạo thành nhiều tuyến và sản phẩm du lịch hấp dẫn...
Xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo thương hiệu tại các điểm di tích và lễ hội truyền thống. Duy trì thường xuyên và đưa các trò chơi dân gian, tạo không gian mở để khách du lịch có thể trực tiếp tham gia vào các trò chơi và hoạt động của lễ hội (có thể gắn kết với trò chơi kéo co Hữu Chấp), hoạt động trải nghiệm, học hát Quan họ của các nghệ nhân; thực hành ẩm thực Quan họ, làm bánh khúc...; tổ chức chương trình Canh hát Quan họ đêm Rằm hàng tháng tại Nhà chứa Quan họ (hoặc sân Đền Vua Bà) gắn với các hoạt động văn hóa, ẩm thực...; tổ chức Liên hoan dân ca Quan họ thành phố Bắc Ninh (định kỳ 3 năm/lần); sản xuất các sản phẩm quà lưu niệm lấy ý tưởng từ đặc trưng di sản văn hoá của các địa phương; xây dựng dự án phát triển du lịch cộng đồng...
Thứ sáu: Đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch; kết nối khu, điểm du lịch, điểm di sản văn hoá. Ưu tiên nguồn lực đầu tư và xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển du lịch; dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích, các điểm du lịch; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, từng bước hình thành khu, điểm du lịch, trọng tâm là khu Thủy tổ Quan họ và Đền Bà Chúa Kho. Xây dựng không gian phát huy giá trị văn hóa khu Thủy Tổ Quan họ theo đồ án quy hoạch của Sở Xây dựng tỉnh với các phân khu chức năng chính gồm: không gian lễ hội Quan họ, khu đón tiếp và dịch vụ, không gian cây xanh cảnh quan, khu dân cư hiện trạng, khu dân cư kết hợp dịch vụ, không gian phụ trợ.
Tăng cường công tác quản lý các điểm du lịch, điểm di tích và tổ chức lễ hội. Xây dựng Quy chế quản lý hoạt động điểm du lịch và thực hiện công tác quản lý theo quy định tại Quyết định số 10/2021/QĐ-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh quy định quản lý di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 26/2023/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 về Quy chế quản lý điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đội ngũ hướng dẫn viên để quảng bá, giới thiệu các điểm du lịch, các di sản văn hoá. Đầu tư đúng mức cho hoạt động thuyết minh tại các điểm di tích, xây dựng nội dung và tạo điểm nhấn cho các di tích lịch sử văn hoá tại địa phương theo hình thức đa ngôn ngữ để có thể tiếp cận được nhiều đối tượng du khách. Nghiên cứu xây dựng mạng lưới tình nguyện viên, cộng tác viên du lịch trên cơ sở thành lập các CLB tình nguyện, cộng tác viên du lịch từ các trường học, các CLB Quan họ, gia đình các nghệ nhân Quan họ, BQL di tích các địa phương được tham gia các khóa tập huấn về nghiệp vụ du lịch và định hướng hoạt động tham gia hướng dẫn, hỗ trợ thông tin cho khách du lịch tại các điểm du lịch, điểm di tích lịch sử văn hoá, lễ hội và tại các sự kiện văn hóa tổ chức tại các điểm di tích trên địa bàn.
UBND phường Vũ Ninh, Hòa Long chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động nhằm phát huy, phát triển du lịch văn hóa lịch sử tại địa phương; phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ như: Tổ chức các hoạt động liên hoan ẩm thực, xúc tiến du lịch, giới thiệu quảng bá các sản phẩm làng nghề, giới thiệu truyền thống văn hóa lịch sử của địa phương... Xác định rõ việc phát triển du lịch gắn với phát huy thật sự hiệu quả giá trị các di tích lịch sử văn hóa trở thành xu thế phát triển của du lịch địa phương.
Tăng cường đầu tư, quản lý, khai thác giá trị du lịch văn hóa, lịch sử quần thể di tích khu Viêm Xá (Thủy tổ Quan họ)và đền Bà Chúa Kho thành phố Bắc Ninh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 25-NQ/TU ngày 12/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Xây dựng và phát triển thành phố Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Nghị quyết số 71-NQ/TU ngày 29/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững"; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 02/6/2020 của BCH Đảng bộ thành phố về "Tăng cường phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống thành phố Bắc Ninh giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030" nhằm góp phần đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển, thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố và của tỉnh Bắc Ninh trong tương lai.
Ban Biên tập
Video
Thống kê truy cập
Đang online | 35 | |
Tất cả | 3069051 |