2024-09-06 13:31:23 Số lượt xem 79
Thực hiện Công điện số 06/CĐ-BCH, hồi 14 giờ 30 ngày 05/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; UBND thành phố Bắc Ninh vừa ban hành văn bản số 2228/UBND-KT về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 năm 2024 (bão YAGI).
Sáng ngày 05/9/2024, bão số 3 (bão YAGI) đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Di chuyển theo hướng tây, tốc độ 10 km/h, đến 10h ngày 06/9, tâm bão cách đảo Hải Nam khoảng 120 km, cách Quảng Ninh khoảng 550km, duy trì cấp siêu bão. Siêu bão sau đó chếch lên bắc một chút, tốc độ 15-20 km/h và vào gần bờ thì giảm cấp. Đến 10h ngày 07/9, tâm bão ở bắc vịnh Bắc Bộ, cách Quảng Ninh khoảng 120 km, sức gió giảm còn cấp 13, giật cấp 16, vẫn rất mạnh.
Với sức gió này, nhà mái tôn bị thổi bay nóc, tường bao có thể đổ. Bão sau đó đi vào các tỉnh Quảng Ninh - Ninh Bình và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đài khí tượng Nhật Bản cho biết bão hiện đã đạt cực đại 198 km/h, khi vào vịnh Bắc Bộ giảm còn 126 km/h. Đài Hong Kong cho rằng bão tiếp tục tăng sức gió lên 220 km/h trong những giờ tới. Cả hai đài đều chung dự báo bão sẽ chếch lên phía bắc qua bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) rồi sẽ vào vịnh Bắc Bộ. Ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 11-14, vùng tâm bão cấp 15-16, giật cấp 17, sóng biển cao 10-12 m.
 
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu:
 
1. Thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch UBND các phường theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó với Bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, nhất là người già, trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân. Hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ.
2. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các phường thường xuyên theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo và diễn biến thời tiết, thiên tai để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng, tránh, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố.
3. Chỉ đạo rà soát và có phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, giao thông, thủy lợi, nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, các cụm công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; các khu vực có công trình nhà cao tầng, cột, biển báo, khu vực có công trình đang thi công. Chủ động sẵn sàng triển khai các kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tại theo phương châm "4 tại chỗ".
4. Có phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống úng và các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố. Chú trọng các phương án phòng, chống úng ngập đô thị; chằng chống, cắt tỉa, giải tỏa cây có nguy cơ gãy, đổ, ứng phó mưa to, gió lớn;
5. Bố trí lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm xung yếu, các hệ thống cống tiêu thoát nước trong các khu công nghiệp, khu đô thị và dân cư để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.
6. Thường xuyên báo cáo tình hình diễn biến của bão, mưa, lũ và tình hình úng ngập về UBND thành phố (qua phòng Kinh tế là cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố) để kịp thời tham mưu chỉ đạo, điều hành.
 
 
Ban Biên tập
 
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online104
Tất cả2892289