2020-03-04 10:45:29 Số lượt xem 1744
Đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị phạt tiền; Cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ người thân khách hàng; xe máy mới được dãn nhãn năng lượng từ năm 2020, Lấn, chiếm đất bị phạt đến một tỷ đồng... là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 1.
 
Đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn bị phạt 600.000 đồng

Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định 46 năm 2016) có hiệu lực từ 1/1.

Theo văn bản này, người đi xe đạp, xe đạp điện vi phạm nồng độ cồn sẽ bị phạt 80.000 đến 100.000 đồng khi có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/lít khí thở.
Phạt từ 200.000 đến 300.000 đồng nếu người đi xe đạp, xe đạp điện có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở.
 
Xe máy mới được dán nhãn năng lượng từ năm 2020
Có hiệu lực từ 1/1, thông tư 59 của Bộ Giao thông Vận tải quy định việc dán nhãn năng lượng đối với xe môtô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Theo đó, Bộ này yêu cầu cơ sở sản xuất, nhập khẩu in nhãn năng lượng theo mẫu và dán trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Nhãn này được duy trì trên xe tới khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.
Ngoài ra, thông tư này cũng quy định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải công khai thông tin về mức tiêu thụ nhiên liệu; duy trì trong suốt thời gian cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh xe cung cấp kiểu loại xe đó ra thị trường.
 
Lấn, chiếm đất bị phạt đến một tỷ đồng
Nghị định 91/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có hiệu lực từ ngày 5/1.
Theo nghị định này, mức phạt cho hành vi lấn chiếm đất lên tới 500 triệu đồng với cá nhân và một tỷ đồng với tổ chức, thay vì chỉ 5 đến 10 triệu đồng như hiện hành.
Hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn sẽ bị xử phạt 5 đến 150 triệu đồng, tùy mức độ lấn chiếm.
 
Lái xe uống rượu bia bị phạt tới 40 triệu, tước giấy phép lái xe 2 năm
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ban hành ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/1/2020.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị  định 46/2016/NĐ-CP, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.
Điểm đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng)./.
 
Cấm công ty tài chính gọi điện đòi nợ người thân khách hàng
Thông tư 18 năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi Thông tư 43 năm 2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Thông tư 18 siết chặt hơn các quy định đối với công ty tài chính trong việc thúc giục đòi nợ khách hàng.
Theo đó, ngoài việc yêu cầu các công ty này không được sử dụng biện pháp đe dọa đối với khách hàng; không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h như trước đây, thì Thông tư này còn bổ sung một số yêu cầu mới, gồm:
- Không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ như người thân của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Chỉ được nhắc nợ đối với khách hàng tối đa 05 lần/ngày;
- Trong hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có thỏa thuận về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ;
- Phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thông tư 18 cũng bổ sung quy định liên quan đến dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng. Cụ thể: Trong quá trình cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng, công ty tài chính phải giải thích trung thực các nội dung cơ bản của hợp đồng, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ của khách hàng, các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ (trước đây, chỉ cần giải thích khi khách hàng yêu cầu).
 
Ban Biên tập 
Video
Thống kê truy cập
Đang online86
Tất cả3048524