2019-11-19 14:32:34 Số lượt xem 10243
 Nhà giáo trong bất kể thể xã hội nào cũng luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Họ là những người sau cùng thể hiện, khẳng định năng lực tập thể của cả xã hội trong việc khám phá, phát minh và tìm ra giải pháp cho thế hệ tương lai. Tự cổ chí kim, vai trò, vị trí ấy không hề thay đổi.
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng với nhiều ngành công nghệ cao làm biến đổi sâu sắc đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của thế giới. Việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đã góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của cả xã hội, làm cho mọi khoảng cách trên thế giới ngày càng được thu hẹp; đưa xã hội loài người chuyển mạnh từ xã hội công nghiệp sang xã hội thông tin, từ kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức. Ở đó, con người có khả năng học tập mọi lúc, mọi nơi với nhiều hình thức, thậm chí chỉ cần một cái máy tính kết nối internet. Do đó, mô hình lớp học, nhà trường, quan hệ giáo dục cũng có nhiều thay đổi. Phải chăng vì lẽ đó mà vai trò, vị thế của nhà giáo có sự thay đổi?
ảnh minh họa (sưu tầm)
Người Việt Nam ta từ khi biết cắp sách tới trường mấy ai không thuộc, không khắc ghi lời răn dạy: “Không thầy đố mày làm nên”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Người thầy có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và trong chính cuộc đời mỗi con người nói riêng. Chẳng thế mà Nho giáo đã sắp xếp, xác lập thứ bậc quan hệ xã hội: “Quân – Sư – Phụ” (Vua – Thầy – Cha). Cha ông ta cũng nhắc nhở con cháu ghi nhớ ơn nghĩa sâu đậm của những người có ảnh hưởng, công lao trong cuộc đời mỗi người: Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Và mỗi năm, vào dịp Tết cổ truyền, người ta không thể quên: Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy. Họ truyền nhau, nhắc nhở nhau:
Muốn sang phải bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy Thầy
Từ xưa đến nay, nhân dân ta luôn luôn tôn vinh người thầy giáo và quý trọng nghề dạy học. Không phải ai cũng có thể làm được công việc đó bởi nó yêu cầu cao không chỉ về tri thức mà còn cả đạo đức, phẩm hạnh. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy “đạo” - Đạo làm người; thông qua dạy kiến thức để giáo dục đạo đức cho con người. Thầy Khổng Tử xưa cũng giáo dục học trò của mình bằng cách ấy và bao thế hệ học trò Nho gia đều vận dụng cách ấy mà truyền tải “đạo” của mình. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, nhà trường xưa kia quy định học trò phải xưng "con" với thầy. Học trò (thậm chí cả phụ huynh) gặp thầy phải khoanh tay trước ngực, thưa gửi đúng lễ nghi, kể cả người thầy đó không dạy mình. Để được thầy nhận dạy học, học trò cũng phải thực hiện nghi lễ “bái sư”, “nhập môn” (vái lạy thầy, xin được theo học đạo Thánh hiền). Nếu gia đình khá giả, mời thầy giáo đến nhà dạy học cũng đối đãi như với người bề trên. Nghĩa vụ của người học trò đối với thầy là phải "Sống tết, chết giỗ", như bổn phận của người con hiếu thảo đối với cha mẹ. Đó là “Đạo làm trò”.
Sau Cách mạng tháng Tám, trước bộn bề khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định 3 loại giặc cần phải loại bỏ: Giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Vì lẽ đó, mà Người rất mực quan tâm đến giáo dục bởi “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Để thực hiện thành công sự nghiệp “Trồng người” thì vai trò của thầy cô giáo là vô cùng quan trọng. Người khẳng định: Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất... Những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Người nói: Bây giờ, nhiệm vụ của giáo dục khác trước. Các cô các chú (giáo viên) có nhiệm vụ rất quan trọng: Bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này. Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau. Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta luôn coi trọng giáo dục và đào tạo, coi đây là “quốc sách hàng đầu”, là chìa khoá để hội nhập và phát triển. Giáo dục, đào tạo và người hoạt động trong lĩnh vực này được xã hội tôn vinh, coi trọng với quan điểm “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo của Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt” .
Ngày nay, quan hệ thầy trò có nhiều thay đổi. Vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội cũng có sự thay đổi. Điều đó bị tác động của những mặt trái kinh tế thị trường và cả do những áp lực xã hội lên giáo dục trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhưng sự thay đổi ở đây chỉ là ở hình thức. Nhà giáo trong xã hội hiện đại không còn là người thầy duy nhất trong cuộc đời mỗi con người như thầy xưa mà là những người thầy được đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực, là thầy cô giáo bộ môn. Cũng không vì thế mà vị thế, vai trò của nhà giáo bị mất đi và mà tình cảm thầy – trò bị ảnh hưởng. Ngày nay, cả xã hội quan tâm đến giáo dục. Bên cạnh những chủ trương, chính sách lớn Đảng, Nhà nước thì vấn đề người dạy luôn được đề cập đến khi người ta nhắc đến giáo dục. Đó là minh chứng cho vị thế, vai trò của nhà giáo trong xã hội hiện đại.
Để tiếp tục khẳng định, tôn vinh, giáo dục tinh thần “Tôn sư trọng đạo”, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong giáo dục – đào tạo cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Trước hết, cần xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tâm huyết phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục. Bên cạnh đó, cần củng cố và đầu tư tập trung nâng cấp các trường sư phạm, trong đó có một số trường đại học sư phạm trọng điểm. Tăng cường thực hiện chương trình bồi dưỡng giáo viên, bồi dưỡng chuẩn hoá, nâng cao phẩm chất và năng lực cho đội ngũ giáo viên. Có chính sách phù hợp để nâng cao địa vị xã hội và địa vị kinh tế của đội ngũ giáo viên.../.
 
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online60
Tất cả3091603