1. CHỦ ĐỘNG VÀ TÍCH CỰC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG KHI THỜI CƠ CHƯA ĐẾN
Thắng lợi của cách mạng không tự đến, phải chuẩn bị và giành lấy nó. Ngay từ khi mới ra đời, với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, Đảng ta đã quy tụ lực lượng và sức mạnh của cả dân tộc, làm nên một cao trào cách mạng rộng lớn trong phạm vi cả nước, huy động đông đảo quần chúng tham gia, với những hình thức đấu tranh phong phú đa dạng, làm rung chuyển trận địa của chủ nghĩa đế quốc ở nông thôn. Lực lượng chính trị được tạo ra từ đó - Cao trào cách mạng 1930-1931.
Trong thời kỳ 1936-1939, tận dụng khả năng hoạt động hợp pháp công khai do hoàn cảnh quốc tế mang lại, Đảng phát động một phong trào dân chủ rộng lớn chưa từng thấy ở cả thành thị và nông thôn, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp xã hội, với những hình thức tổ chức và đấu tranh hết sức phong phú, linh hoạt, từ thấp đến cao, nhờ đó đã tập hợp đông đảo quần chúng ở thành thị và nông thôn vào trận tuyến đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa và bè lũ tay sai đòi các quyền dân sinh, dân chủ hằng ngày, một đạo quân chính trị hùng hậu được hình thành, tạo khí thế đấu tranh chính trị rộng lớn chưa từng có khắp cả nước.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (1/9/1939), Đảng chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ chống đế quốc và bọn Việt gian tay sai để giải phóng dân tộc lên hàng đầu, “tất cả mọi vấn đề của cách mạng cả vấn đề điền địa cũng phải nhằm vào cái mục đích ấy mà giải quyết”. Hội nghị Trung ương 6 (11/1939) xác định: Cần tiếp tục lợi dụng khả năng hoạt động công khai, nửa công khai để tranh thủ quần chúng bằng cách xây dựng các tổ chức hợp pháp đơn giản, đồng thời lập công hội, nông hội, thanh niên phản đế, phụ nữ phản đế hoạt động bí mật nhằm vào mục đích dự bị những điều kiện bước tới bạo động giành chính quyền. Đến tháng 11/1940, Hội nghị Trung ương 7 nhận định một cao trào cách mạng sẽ nổi dậy, Đảng phải chuẩn bị để giành lấy sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập. Hội nghị quyết định duy trì lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940) và xây dựng căn cứ địa cách mạng; quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa Nam Kỹ vì chưa đủ điều kiện giành thắng lợi.
Đặc biệt, cuối năm 1940, đầu năm 1941, trước những chuyển biến mới của tình hình trong nước và trên thế giới, từ xu thế phát triển của phong trào quần chúng và nhu cầu của cách mạng, Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) chủ trương tăng cường hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm tập hợp tất cả mọi giai cấp, mọi tầng lớp, mọi đảng phái, mọi thành phần dân tộc, mọi cá nhân, tất cả những ai có tinh thần cách mạng, yêu nước, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào bọn đế quốc Pháp, phát xít Nhật cùng bè lũ tay sai của chúng. Hội nghị quyết định thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” (Việt Minh) thay thế cho “Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương”. Hội nghị nêu rõ, trước hết phải mở rộng và củng cố các tổ chức chính trị của quần chúng như: Hội công nhân cứu quốc, Hội nông dân cứu quốc, Đoàn thanh niên cứu quốc, Hội phụ nữ cứu quốc, Hội phụ lão cứu quốc… tại khắp các địa phương.
Cũng tại Hội nghị này, Trung ương Đảng ra nghị quyết thành lập các đội tự vệ cứu quốc, tự vệ chiến đấu (tổ du kích) làm cơ sở cho đấu tranh ở địa phương, cũng như Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Tháng 12/1941, Hồ Chí Minh thành lập Đội vũ trang Cao Bằng, tự tay soạn thảo “Mười điều kỷ luật” và những nguyên tắc cơ bản xây dựng quân đội. Người bồi dưỡng, chỉ đạo đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp viết các tác phẩm: “Chính trị viên trong quân đội”, “Công tác chính trị trong quân đội cách mạng”. Đây là quá trình thúc đẩy việc xây dựng lực lượng quân sự, bước đầu xác định những nguyên tắc cơ bản để tiến tới thành lập lực lượng vũ trang tập trung, làm nòng cốt cho toàn dân khởi nghĩa.
Khi phong trào cách mạng phát triển, với chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhằm đẩy mạnh hình thức đấu tranh quân sự, tháng 12/1944, Hồ Chí Minh ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: Chọn lọc trong số hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời là sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền ở nước ta, đánh dấu bước khởi đầu công cuộc xây dựng và phát triển quân đội cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngay sau khi ra đời, đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng đã đánh thắng liên tiếp hai trận ở Phai Khắt (ngày 25/12/1944) và Nà Ngần (ngày 26/12/1944) thuộc tỉnh Cao Bằng. Phát huy thắng lợi đầu tiên, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, kết hợp chính trị và quân sự, xây dựng cơ sở cách mạng, góp phần củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng, cổ vũ và thúc đẩy mạnh mẽ phong trào cách mạng quần chúng trong cả nước.
2. KẾT HỢP CHẶT CHẼ GIỮA XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG VỚI XÂY DỰNG CĂN CỨ ĐỊA LÀM CƠ SỞ CHO KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như nhiều học giả quân sự trên thế giới đều cho rằng, hậu phương - căn cứ địa cách mạng giữ một vai trò vô cùng quan trọng đối với khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Thực tiễn quá trình đấu tranh giành chính quyền ở Việt Nam cho thấy, khi loại hình đấu tranh quân sự xuất hiện thì vấn đề xây dựng căn cứ địa được đặt ra trực tiếp. Đặc biệt, khi cách mạng phát triển chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền, việc xây dựng căn cứ địa để phát triển lực lượng đấu tranh trở thành nhiệm vụ cấp bách đối với những người cộng sản.
Từ việc khẳng định vai trò quan trọng của căn cứ địa cách mạng, Đảng chỉ ra những tiêu chí cơ bản để chọn và xây dựng căn cứ địa cách mạng.
Trước tiên, căn cứ địa phải là một nơi có điều kiện địa lý thuận lợi. Cụ thể là địa hình phải hiểm trở, địa thế phải hiểm yếu, thuận lợi cho cách đánh du kích và mở rộng địa bàn hoạt động ra các vùng lân cận.
Sau điều kiện địa lý, căn cứ địa cách mạng phải là nơi có điều kiện về kinh tế. Nếu bị địch bao vây, phong toả, thì có khả năng tự cung cấp đầy đủ những nhu cầu kinh tế cần thiết. Đảng ta cho rằng, ở căn cứ địa cách mạng bao giờ cũng phải có cơ sở chính trị vững chắc, làm chỗ dựa cho trung tâm đầu não lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang trên phạm vi toàn quốc, cho hoạt động chiến đấu và đứng chân của lực lượng cách mạng.
Cơ sở chính trị của căn cứ địa bao gồm tổ chức đảng, cơ sở chính trị của quần chúng, chính quyền cách mạng. Xây dựng một căn cứ địa hoàn chỉnh, không chỉ xây dựng về mặt chính trị, kinh tế, quân sự, mà đặc biệt chú trọng xây dựng cả trên lĩnh vực văn hoá.
Quan điểm của Đảng về xây dựng căn cứ địa cách mạng trong thời kì này là phải dựa vào dân, vào những điều kiện địa lý, xã hội thuận lợi. Quá trình xây dựng phải tiến hành từng bước, đi từ ít đến nhiều, từ nhỏ đến lớn, từ chính trị lên vũ trang, bí mật lên công khai, từ riêng lẻ đến liên hoàn và hoàn chỉnh. Xây dựng căn cứ địa vững mạnh để giác ngộ, giáo dục, tổ chức nhân dân ở địa phương tham gia vào sự nghiệp cách mạng, phát triển lực lượng chính trị của quần chúng rộng khắp.
Cùng với quá trình ấy, căn cứ địa còn là nơi xây dựng, phát triển lực lượng quân sự làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Theo yêu cầu của Đảng, căn cứ địa phải thực sự trở thành nơi tổ chức, giữ gìn, phát triển lực lượng cách mạng, lực lượng chính trị và lực lượng quân sự. Quá trình xây dựng, phát triển căn cứ địa, phải coi trọng xây dựng, phát triển cả lực lượng chính trị và lực lượng quân sự.
Với quan điểm đó, từ năm 1940 đến năm 1945, Đảng đã tích cực chỉ đạo xây dựng và củng cố các căn cứ địa cách mạng. Hội nghị Trung ương 7 của Đảng (11/1940) chủ trương thành lập các căn cứ du kích, lấy Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm. Cuối năm 1940, Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh lựa chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng. Đến Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) quyết định duy trì và phát triển các căn cứ du kích Bắc Sơn, Võ Nhai, đồng thời ra sức củng cố và mở rộng căn cứ địa Cao Bằng. Sau khi xây dựng các căn cứ Cao Bằng, Bắc Sơn, Võ Nhai, chỉ trong một thời gian ngắn, chúng ta đã xây dựng được một vùng căn cứ địa Việt Bắc rộng lớn, bao gồm hầu hết các vùng nông thôn thuộc sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, cùng nhiều chiến khu và căn cứ vũ trang khác như: Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hoá, Quảng Ngãi... Đây thực sự là những nơi trọng yếu chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, là những trung tâm đầu não lãnh đạo lực lượng khởi nghĩa trên phạm vi toàn quốc.
Mặt khác, trong suốt thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, nhờ có những căn cứ địa ở vùng nông thôn đồng bằng vững mạnh, Đảng ta đã ra sức xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng chuẩn bị điều kiện cho tổng khởi nghĩa.
Nhờ kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng căn cứ địa ở vùng nông thôn đồng bằng, với việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng quân sự cách mạng, Đảng ta đã chuẩn bị tốt về lực lượng khởi nghĩa, cả ở nông thôn và thành thị, để khi thời cơ xuất hiện, đã nhanh chóng phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.
3. DỰ ĐOÁN ĐÚNG THỜI CƠ VÀ KỊP THỜI CHỚP LẤY THỜI CƠ PHÁT ĐỘNG TOÀN DÂN KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
Để tiến hành khởi nghĩa thắng lợi phải có đủ điều kiện khách quan, chủ quan và phải nổ ra đúng thời cơ. Cùng với việc chuẩn bị tích cực về lực lượng, Đảng và Hồ Chí Minh hết sức coi trọng vấn đề thời cơ cách mạng.
Ngay từ khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (9/1939), Hội nghị Trung ương 6 của Đảng (11/1939) đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới và nhận định: “Những thảm trạng do đế quốc chiến tranh gây nên sẽ làm cho trình tự cấp tiến hóa và cách mệnh hóa quần chúng hết sức mau chóng... Lòng phẫn uất sẽ sôi nổi, cách mệnh sẽ bùng nổ”.
Tháng 5/1941, Hội nghị Trung ương 8 được triệu tập dưới sự chủ trì của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Hội nghị đánh giá: tình hình thế giới, tình hình trong nước sẽ có những biến chuyển theo chiều hướng Liên Xô và các nước Đồng minh sẽ chiến thắng chủ nghĩa phát xít, chính quyền của phát xít Nhật lung lay, đổ nát; nhân dân ta bị bọn thực dân, phát xít xô đẩy vào thảm họa diệt vong, sẽ bước vào đường khởi nghĩa vũ trang và giành thắng lợi bằng tổng khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(1)
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp. Lúc này, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đang họp và nhanh chóng đưa ra những nhận định về thời cơ khởi nghĩa đang đến rất gần: “những cơ hội tốt đang giúp cho những điều kiện khởi nghĩa mau chín muồi”; và ra Chỉ thị: “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng quyết định phát động cao trào kháng Nhật cứu nước.
Khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (14 và 15/8/1945) quyết định phát động toàn dân nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Hội nghị chỉ rõ: “Tình thế vô cùng khẩn cấp. Tất cả mọi việc phải nhằm vào 3 nguyên tắc: Tập trung: tập trung lực lượng vào những việc chính; Thống nhất: thống nhất mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động, chỉ huy; Kịp thời: kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”.
Ngày 16/8/1945, Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước: “…Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta…chúng ta không thể chậm trễ”(2). Cả dân tộc ta theo tiếng gọi của Người, nhất tề đứng lên khởi nghĩa, chỉ trong gần một tháng, tất cả các địa phương trong cả nước đã giành được thắng lợi, thành lập chính quyền nhân dân.
Có thể khẳng định, thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có vai trò to lớn của nhân tố khách quan. Bởi nếu không có cuộc đảo chính của Nhật, không có thắng lợi của lực lượng đồng minh chống phát xít để Nhật đầu hàng vô điều kiện thì cách mạng Việt Nam sẽ không thể dễ dàng thành công. Nhưng dù điều kiện khách quan có thuận lợi đến đâu đi chăng nữa mà không có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, không dự đoán đúng thời cơ và kịp thời chớp lấy thời cơ phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền, thì cuộc khởi nghĩa cũng không thể bùng nổ, hoặc nếu có nổ ra thì cũng dễ thất bại.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, lại nổ ra đúng thời cơ (từ ngày 14 đến 28/8/1945), Cách mạng Tháng Tám đã giành được thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu. Đó là một điển hình về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ trong cách mạng giải phóng dân tộc.
Sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh có nhiều thời cơ, vận hội mới; đồng thời cũng phải đối mặt với không ít những khó khăn thử thách. Chúng ta tin tưởng rằng, một Đảng đã biết phát huy sức mạnh của cả một dân tộc để dân tộc đó đứng lên, đem hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giành và giữ vững độc lập, tự do của Tổ quốc, thì Đảng đó nhất định sẽ lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
_______________________
Đại tá, PGS. TS. Nguyễn Văn Sự
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
Nguồn: Tuyengiao.vn
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2000, t. 7, tr. 113.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2000, t. 3, tr.554.
Đang online | 34 | |
Tất cả | 3227000 |