2022-06-24 14:07:52 Số lượt xem 1248
Như một ánh sao băng trên bầu trời cách mạng Việt Nam, ngắn ngủi, nhưng chói sáng, đồng chí Nguyễn Văn Cừ hy sinh oanh liệt khi mới 29 tuổi đời, 11 năm tuổi Đảng và hơn 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư, nhưng đồng chí đã để lại cho Đảng và nhân dân ta một sự nghiệp vẻ vang, một tấm gương sáng về nhiều mặt, trong đó có những cống hiến to lớn trên phương diện lý luận.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình trí thức nghèo thuộc dòng họ Nguyễn Trãi, tại làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Phù Khê, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Đồng chí được kết nạp vào Đảng năm 1929 và trở thành Tổng Bí thư của Đảng vào tháng 3-1938.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người tiêu biểu cho thế hệ cán bộ rèn luyện, trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng và trong lao tù đế quốc. Đồng chí được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương V (tháng 3-1938) bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi. Có thể coi đây là một hiện tượng đặc biệt, bởi các Tổng Bí thư tiền nhiệm như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập đều được học tập, đào tạo từ “lò đào tạo của Quốc tế cộng sản” ở nước ngoài, còn Nguyễn Văn Cừ chưa một lần xuất ngoại. Đồng chí là đảng viên lớp đầu của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời cũng là một trong những cán bộ đầu tiên của Đảng tham gia thực hiện chủ trương “vô sản hóa”, rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh của phong trào công nhân mỏ vùng Đông Bắc.
 
Năm 1931, đồng chí bị địch bắt, bị đưa qua nhiều nhà tù khét tiếng tàn bạo, từ Căng Hải Phòng, Hỏa Lò (Hà Nội) đến “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Trước đòn roi tra tấn và đày ải trong ngục tù của đế quốc, đồng chí đã tỏ rõ tinh thần bất khuất của người chiến sĩ cách mạng, biến nơi lao tù đế quốc thành trường học cộng sản.
 
Là một người ham học hỏi, đồng chí Nguyễn Văn Cừ trực tiếp nghiên cứu, nghiền ngẫm những tác phẩm kinh điển của Mác, Ăng-ghen, Lê-nin..., phát huy được tính độc lập suy nghĩ, tự do tranh luận để đi tìm chân lý. Trong thời gian gần 6 năm ở Côn Đảo, đồng chí Nguyễn Văn Cừ có điều kiện nghiền ngẫm, soi xét kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, gắn lý luận với thực tiễn và lấy thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận. Chính vì thế, sau khi được ra tù, đồng chí đã trưởng thành về mọi mặt. Đồng chí trở lại hoạt động cách mạng trong bối cảnh thế giới nói chung và phong trào cộng sản quốc tế nói riêng có nhiều thay đổi. Vấn đề đặt ra là phải tìm ra hình thức, khẩu hiệu đấu tranh phù hợp với tình hình cách mạng trong nước, đồng thời theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc tế cộng sản trong thời kỳ này.
Với việc tham gia móc nối liên lạc, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng ở Bắc Kỳ, thành lập Xứ ủy lâm thời, chỉ đạo thành lập Liên Xứ ủy Bắc-Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp tích cực vào việc khôi phục lại hoạt động của Đảng, nhưng quan trọng hơn, chính đồng chí là người đưa ra sáng kiến thành lập Mặt trận Dân chủ, tổ chức xây dựng lực lượng cách mạng trên những hình thức mới, sắc thái mới, làm cho phong trào cách mạng dưới sự chỉ đạo của Đảng có bước phát triển nhảy vọt, đồng thời hướng sự chỉ đạo của Đảng tới thống nhất, chặt chẽ, cả về chủ trương và tổ chức thực hiện.
 
Theo ý kiến đề nghị của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, từ cuối năm 1936, Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng: Hội Ái hữu thợ máy, thợ in, thợ may, thợ giày và nhiều hình thức biến tướng khác... ở Hà Nội và các địa phương. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia tổ chức và chỉ đạo nhiều cuộc biểu tình quần chúng; chỉ đạo xuất bản ở Hà Nội một số tờ báo công khai bằng tiếng Việt và tiếng Pháp; liên kết với phân bộ Đảng Xã hội Pháp ở Bắc kỳ tổ chức nhiều cuộc nói chuyện, mà diễn giả phần đông là các chiến sĩ cộng sản hoạt động công khai, gây thành một phong trào hoạt động rất sôi nổi, làm cho thế lực và ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng tăng lên. Đó là những hình thức tổ chức và các hình thức đấu tranh chưa từng có ở giai đoạn trước.
 
Chính từ trong thực tiễn chỉ đạo đấu tranh, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã nhìn nhận thấy hướng phát triển của cách mạng, mục tiêu đấu tranh trước mắt và những hình thức tổ chức đấu tranh mới, phù hợp với tình hình thực tế. Những vấn đề lý luận đã được tổng kết và thể hiện trong bản Báo cáo “Về phong trào các tổ chức quần chúng của Đảng”, do đồng chí Nguyễn Văn Cừ trình bày tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (cuối tháng 8 đầu tháng 9-1937) và đã được hội nghị đánh giá cao.
Trên cơ sở phân tích kỹ những luận điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đưa ra, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định nhiều vấn đề có giá trị chỉ đạo về mặt lý luận phù hợp với thực tiễn. Ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã được Hội nghị Trung ương ghi nhận. Đó là, trong các cuộc tranh đấu, phải tùy theo tinh thần và lực lượng quần chúng, dò xét thái độ của địch nhân và “liệu cơ tiến thoái”..., và “nhiều khi phải biết lợi dụng các điều “thắng lợi từng phần” mà kết liễu cuộc tranh đấu để giữ lấy ảnh hưởng”.
Nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chuyển hướng phương pháp và hình thức đấu tranh, “phải có tư duy uyển chuyển trong chỉ đạo chiến lược, sách lược để giành lấy thắng lợi”-đó là đóng góp quan trọng về mặt vận dụng lý luận vào thực tiễn cách mạng Việt Nam của đồng chí Nguyễn Văn Cừ. Đặc biệt, trong bối cảnh đang có sự hiểu lầm, không nhất trí giữa một số đồng chí lãnh đạo Trung ương ở trong nước với Ban chỉ huy ở ngoài, về vấn đề tổ chức và phương pháp hoạt động mới theo nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, thì “Báo cáo” của Nguyễn Văn Cừ là một đóng góp quan trọng vào thành công của hội nghị. Sau đó, đồng chí được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đảng.
Là người có tư duy lý luận và năng lực phân tích; bản tính thẳng thắn, quyết đoán, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy quá trình tiến tới thành lập Mặt trận Nhân dân thống nhất Đông Dương (được Đảng ta đề ra từ Hội nghị Trung ương mở rộng, tháng 3-1937). Trong Báo cáo: “Về công tác quần chúng...”, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm, xác định rõ quan điểm, nhận thức và thái độ của người cộng sản, góp phần hình thành những luận điểm về phương pháp công tác mặt trận - một loại hình vận động quần chúng, tuy đã được đề ra từ lâu, nhưng nay mới có điều kiện trở thành thực tế trong hoạt động của Đảng ta. Đồng chí nhắc nhở rằng: “Chiến sách căn bản của Đảng lúc này là liên hiệp tất cả các giai cấp, các tầng lớp dân chúng, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, nòi giống trong một mặt trận thống nhất..., để đòi các quyền tự do dân chủ và các điều cải cách khác”.
 
Những quan điểm của đồng chí Nguyễn Văn Cừ được phản ánh trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương tháng 9-1937, rất gần với quan điểm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Đảng chỉ thể hiện được vai trò lãnh đạo của mình trong Mặt trận khi mà Đảng: “Tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”.
 
Trên phương diện đấu tranh lý luận, nhằm củng cố đoàn kết trong nội bộ Đảng, tháng 6-1939, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã hoàn thành cuốn “Tự chỉ trích”-một tác phẩm lý luận tiêu biểu, một đóng góp rất quan trọng vào công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.
 
Khi tình hình đã thay đổi, chiến tranh thế giới sắp nổ ra, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Quốc tế cộng sản, trước mắt cần đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giải phóng dân tộc, do đó cần thiết phải thành lập “Mặt trận thống nhất chống chủ nghĩa đế quốc”, trên cơ sở liên minh hai giai cấp chiếm đa số trong dân cư là công nhân và nông dân; “Nghĩa là chọn địch nhân chính, nguy hiểm nhất, để tập trung lực lượng của một dân tộc mà đánh cho được toàn thắng”. Tuy nhiên khi vận dụng để hình thành nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI (tháng 11-1939), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã có nhiều bổ sung sáng tạo.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VI đã đánh dấu bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng ta, vừa phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội VII của Quốc tế Cộng sản, vừa là sự khẳng định lại tính đúng đắn, sáng tạo của “Chính cương, Sách lược vắn tắt” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đề ra từ đầu năm 1930 trong Hội nghị thành lập Đảng. Trên cơ sở kế thừa nền tảng tư tưởng lý luận ấy, hoạt động chỉ đạo cách mạng và sáng tạo lý luận của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ trong thời kỳ này gắn liền với bước trưởng thành về tư duy lý luận độc lập, tự chủ của Đảng ta. Cơ sở của sự sáng tạo đó là quan điểm thực tiễn: Luôn xuất phát từ thực tiễn để tiếp cận chân lý, tìm tòi lý luận, đề ra quyết sách; luôn nhạy bén với sự biến đổi của thực tiễn, không bảo thủ, không giáo điều. Đó cũng chính là bản lĩnh sáng tạo mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu cao tấm gương cho cách mạng Việt Nam.
 
Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, Đảng ta đã kịp thời thay đổi đường lối chiến lược phù hợp với thực tiễn cách mạng. Đáng tiếc, sau hội nghị không lâu, Nghị quyết đang được triển khai thì đồng chí Nguyễn Văn Cừ cùng nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt khác của Trung ương Đảng không may sa vào tay giặc. Tuy nhiên, những nhận định sáng suốt, những chủ trương nhạy bén và sáng tạo mà hội nghị vạch ra, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã được các Hội nghị Trung ương VII (tháng 11-1940), đặc biệt là Hội nghị Trung ương VIII (tháng 5-1941), kế thừa, bổ sung và phát triển, đưa tới thắng lợi lịch sử của Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và bao bậc tiền bối cách mạng khác đã ngã xuống, chưa kịp chứng kiến thắng lợi của cách mạng theo con đường các đồng chí vạch ra, nhưng lịch sử sẽ đời đời ghi nhớ công lao to lớn mà các đồng chí đã cống hiến cho Tổ quốc và cách mạng.
 
PGS, TS TRẦN MINH TRƯỞNG (Nguồn: QĐND)
 
 
 
Video
Thống kê truy cập
Đang online24
Tất cả3176796